Tự Tử
Ngăn Ngừa Việc Tự Tử và Việc Phản Ứng sau một Mất Mát


Ngăn Ngừa Việc Tự Tử và Việc Phản Ứng sau một Mất Mát

Tỉ lệ tự tử đang gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới là một mối lo ngại lớn. Mục đích của tài liệu này là nhằm hỗ trợ các bậc cha mẹ, gia đình, các vị lãnh đạo Giáo Hội, và tín hữu Giáo Hội khi họ tìm cách để phục sự những người bị ảnh hưởng bởi việc tự tử.

Các tín hữu có thể sử dụng nguồn tài liệu này để học hỏi giáo lý của giáo hội về việc tự tử, các dấu hiệu cảnh báo về việc tự tử, cách thức để giúp một người nào đó đang gặp khủng hoảng, và cách phản ứng sau một vụ tự tử. Các vị lãnh đạo có thể sử dụng nguồn tài liệu này để hướng dẫn các cuộc thảo luận có ý nghĩa với các tín hữu trong giáo khu và tiểu giáo khu và trong các bối cảnh khác. Mục đich của các cuộc thảo luận này là giúp các vị lãnh đạo và tín hữu phục sự một cách hữu hiệu hơn với những người bị ảnh hưởng bởi việc tự tử.

Nếu việc tổ chức một cuộc thảo luận về vấn đề tự tử sẽ giúp ngăn ngừa việc tự tử cùng giúp phục sự những người bị ảnh hưởng bởi chủ đề này, thì cuộc thảo luận như vậy cần phải được dẫn dắt bởi hai người thành niên. Các vị lãnh đạo có thể muốn mời một chuyên gia từ cộng đồng, là người thấu hiểu và tôn trọng giáo lý của Giáo Hội về việc tự tử, để tham gia vào cuộc thảo luận. Những cuộc thảo luận với các trẻ em dưới 12 tuổi nên diễn ra chỉ sau khi cha mẹ đã hội ý với con cái của họ.

Sau khi hội đồng giáo khu và tiểu giáo khu đã xem tài liệu này, họ cần phải thảo luận các cách thích hợp để hỗ trợ cho các nỗ lực trong cộng đồng và thông báo cho các tín hữu về các nguồn hỗ trợ có sẵn.

Giáo Lý và Các Nguyên Tắc

Chúa đã mời gọi chúng ta đối xử với tất cả mọi người với sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn, Ngài đã dạy: “Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma Thi Ơ 22:39). Nỗ lực của chúng ta để phục sự những người bị ảnh hưởng bởi việc tự tử cũng sẽ hữu hiệu hơn khi chúng ta hiểu đầy đủ hơn giáo lý và những lời giảng dạy, chẳng hạn như những điều sau đây:

  • Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã kinh nghiệm sự trọn vẹn của các thử thách trần thế để Ngài có thể biết “được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:12). Chủ Tịch James E. Faust đã dạy: “Vì Đấng Cứu Rỗi đã phải chịu đựng bất cứ điều gì và tất cả mọi điều mà chúng ta có thể cảm nhận hay kinh nghiệm, nên Ngài có thể giúp những người yếu đuối trở nên mạnh mẽ hơn.” (“The Atonement: Our Greatest Hope,” Ensign, tháng Mười Một năm 2001, trang 22).

  • Cuộc sống trần thế là một ân tứ quý báu của Thượng Đế—một ân tứ cần được quý trọng và bảo vệ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:10; M. Russell Ballard, “Suicide: Some Things We Know, and Some We Do Not,” Ensign, tháng Mười năm 1987, trang 6–9).

  • Khi một người nào đó tự tử, thì chỉ Thượng Đế mới có thể phán xét ý nghĩ, hành động, và mức độ trách nhiệm giải trình của họ. Tự tử không cần phải là đặc tính xác định cuộc sống vĩnh cửu của một cá nhân (xin xem 1 Sa Mu Ên 16:7; Giáo Lý và Giao Ước 137: 9; Dale G. Renlund, “Grieving After a Suicde Loss,” video có tại trang suicide.lds.org).

Nguồn Tài Liệu Bổ Sung:

  • Gospel Topics tại trang lds.org/go/454 và trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm

Các Dấu Hiệu Cảnh Báo về Việc Tự Tử

Hầu hết những người có mưu toan tự tử đều không muốn chết; họ chỉ muốn được giải thoát khỏi nỗi đau thể xác, tinh thần, tình cảm, hay thuộc linh mà họ đang trải qua. Nhiều người trong cơn khủng hoảng cho thấy dấu hiệu cảnh báo trước khi họ mưu toan tự tử. Nếu anh chị em học nhận ra các dấu hiệu cảnh báo, anh chị em sẽ được chuẩn bị tốt hơn để phục sự những người cần giúp đỡ. Hãy lắng nghe những câu nói như là: “Tôi không quan tâm nếu tôi chết,” hoặc “Tất cả mọi người sẽ tốt hơn nếu không có tôi.” Các dấu hiệu cảnh báo gồm có các hành vi sau đây:

  • Đang tìm cách để tự vẫn

  • Nói về cảm giác tuyệt vọng hoặc không có lý do để sống

  • Nói về cảm giác bị mắc kẹt hoặc nỗi đau đớn không thể chịu đựng được

  • Nói về cảm giác làm gánh nặng cho người khác

  • Gia tăng việc sử dụng rượu hoặc ma túy

  • Đem cho các vật dụng cá nhân mà không có lý do

  • Hành động lo lắng hoặc bối rối hoặc có hành vi thiếu thận trọng

  • Rút lui hay tự cô lập

  • Cho thấy thái độ giận dữ hoặc nói về việc tìm cách trả thù

  • Biểu lộ những sự thay đổi tâm trạng cực đoan (xin xem National Suicide Prevention Lifeline)

Một dấu hiệu cảnh báo không có nghĩa là có một cuộc khủng hoảng. Nhưng nếu cá nhân đó có lịch sử mưu toan tự tử hoặc nếu anh chị em chú ý đến một sự thay đổi đột ngột ở cá nhân đó hoặc bắt đầu thấy nhiều dấu hiệu, hãy hành động ngay lập tức. Các đường dây hỗ trợ khủng hoảng miễn phí và thông tin bổ sung có sẵn tại trang suicide.lds.org. (Xin xem “Cách Giúp Đỡ Một Người Đang Gặp Khủng Hoảng” trong tài liệu hướng dẫn này để biết thêm chi tiết.)

Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của chúng ta, không phải tất cả các vụ tự tử có thể được ngăn ngừa. Một vài vụ tự tử xảy ra mà không có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào rõ ràng. Anh chị em không có trách nhiệm đối với lựa chọn kết liễu cuộc đời của người khác.

Các nguồn tài liệu bổ sung:

Cách Giúp Đỡ Một Người Đang Gặp Khủng Hoảng

Hãy luôn luôn nghiêm túc với những dấu hiệu cảnh báo về việc tự tử và bất cứ mối đe dọa mưu toan tự tử nào đó, cho dù các anh chị em nghĩ cá nhân đó không có nghiêm túc suy nghĩ về việc tự tử hoặc là chỉ tìm kiếm sự chú ý. Hãy làm theo ba bước sau để cung ứng sự hỗ trợ—Hỏi, Quan Tâm, Kể.

Bước 1: Hỏi. Hỏi trực tiếp người đó xem nếu anh ấy hay chị ấy có đang nghĩ về việc tự tử không. Anh chị em có thể hỏi: “Anh/chị có đang nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời mình không?” Nếu họ nói rằng họ đang suy nghĩ về việc tự tử, hãy hỏi họ xem họ đã có kế hoạch cho việc đó hay chưa. Anh chị em có thể hỏi: “Có phải anh/chị đang có kế hoạch để tự làm đau chính mình không?” Nếu họ có một kế hoạch, ngay lập tức giúp đưa họ đến một bệnh viện hoặc một phòng khám chăm sóc y tế, hoặc gọi một nhà cung cấp dịch vụ khẩn cấp hoặc qua đường dây hỗ trợ khủng hoảng trong khu vực của anh chị em. (Tới trang suicide.lds.org/crisis để có các thông tin đường dây hỗ trợ trên khắp thế giới.) Nếu họ không có kế hoạch, hãy tới bước 2.

Bước 2: Quan Tâm. Hãy cho thấy rằng anh chị em quan tâm bằng cách lắng nghe điều họ nói. Cho họ thời gian để giải thích điều họ đang cảm thấy. Tôn trọng những cảm giác của họ bằng cách nói những điều như là: “Tôi rất buồn khi thấy anh/chị đang trải qua nỗi đau đớn như vậy” hoặc “Tôi đã không nhận ra những điều khó khăn mà anh/chị đang gặp phải.” Anh chị em có thể đề nghị giúp đỡ họ tạo ra một kế hoạch an toàn nhằm ngăn ngừa việc tự tử (xin xem “How to Create a Suicide-Prevention Safety Plan,” Doug Thomas, Ensign, tháng Chín năm 2016, trang 63). Một kế hoạch an toàn có thể giúp mọi người nhận ra các điểm mạnh cá nhân, các mối quan hệ tích cực, và các kỹ năng sống lành mạnh của họ. Nó có thể làm giảm sự tiếp cận của họ tới các phương tiện để tự làm hại bản thân, như là vũ khí hoặc thuốc. Nếu họ đề nghị anh chị em không kể cho bất kỳ ai về các cảm giác của họ, hãy giải thích rằng anh chị em sẽ tôn trọng quyền riêng tư của họ nhiều nhất có thể nhưng họ cần nhiều sự giúp đỡ hơn là khả năng của anh chị em. Đừng bao giờ hứa là sẽ giữ bí mật các cảm giác tự tử của họ.

Bước 3: Kể. Khuyến khích người đó nói với ai đó mà có thể cung cấp thêm sự hỗ trợ. Chia sẻ thông tin liên lạc để có các nguồn trợ giúp hữu ích trong khu vực của anh chị em. Các nguồn trợ giúp có thể gồm có các bệnh viện cộng đồng, các phòng khám chăm sóc sức khỏe khẩn cấp, hoặc các đường dây hỗ trợ khủng hoảng miễn phí. Nếu họ không tìm kiếm sự giúp đỡ, anh chị em cần phải giúp họ kể cho một người nào đó. Anh chị em có thể muốn nói một điều như là: “Tôi quan tâm đến anh/chị và muốn anh/chị được an toàn. Tôi sẽ nói với một người nào đó mà có thể mang đến anh/chị sự giúp đỡ mà anh/chị cần.” Tôn trọng quyền riêng tư của họ bằng cách chỉ nói với người nào đó mà anh chị em nghĩ rằng họ có thể giúp đỡ, chẳng hạn như là một người thân trong gia đình, vị giám trợ của người đó, một cố vấn trong trường học, một bác sĩ, hay một chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Nếu anh chị em không chắc chắn nên kể cho ai, hãy nói chuyện với vị giám trợ của anh chị em hoặc gọi điện tới đường dây hỗ trợ khủng hoảng miễn phí ở khu vực của anh chị em. Hãy nhớ rằng, anh chị em không được trông đợi để hỗ trợ người đó một mình.

Xin lưu ý: Nếu các anh chị em có đang dẫn dắt một cuộc thảo luận, hãy cân nhắc việc đề nghị những người tham dự thực tập những bước này. Hãy nêu ra cho họ một tình huống mà một người nào đó đến với họ và bày tỏ những ý nghĩ tự tử và yêu cầu họ thực tập cách phản ứng.

Các nguồn tài liệu bổ sung:

Cách Phản Ứng sau một Vụ Tự Tử

Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của chúng ta, không phải tất cả các vụ tự tử có thể được ngăn ngừa. Đối với những người bị bỏ lại bởi một vụ tự tử thì việc họ có cảm giác từ chối, sửng sốt, tội lỗi, tức giận, và hoang mang là bình thường. Chủ tịch M. Russell Ballard đã nói: “Hành động lấy đi mạng sống của ai đó thực sự là một bi kịch bởi vì với chỉ một hành động này mà để lại rất nhiều nạn nhân: đầu tiên là người chết, sau đó là hàng chục người khác-gia đình và bè bạn-những người bị bỏ lại, một số người đương đầu với nỗi đau đớn tận cùng và hỗn độn trong nhiều năm” (“Suicide: Some Things We Know, and Some We Do Not,” Ensign, tháng Mười năm 1987, trang 7). Đối với những cá nhân này, sự chữa lành đến qua Đấng Cứu Rỗi, là Đấng “xuống thấp hơn tất cả mọi vật” để Ngài có thể biết “được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (Giáo Lý và Giao Ước 88: 6; An Ma 7:12). Những tài liệu và cố vấn chuyên môn cũng có thể hữu ích.

Các hội đồng giáo khu và tiểu giáo khu có thể muốn thảo luận cách họ có thể giúp đỡ một cá nhân hay gia đình sau một vụ tự tử. Các câu hỏi thảo luận có thể gồm có những câu sau đây:

  • Làm thế nào những lời giảng dạy và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô có thể mang đến sự chữa lành cho các cá nhân hoặc gia đình?

  • Những người anh chị em phục sự đã quan sát thấy những nhu cầu nào nơi cá nhân hoặc gia đình này? Họ đã đưa ra sự phục vụ gì?

  • Cá nhân hoặc gia đình này cần sự hỗ trợ về mặt cảm xúc hay thuộc linh liên tục nào? Ai có thể đưa ra sự hỗ trợ này?

  • Cá nhân hay gia đình này có cần các nhu cầu thế tục, chẳng hạn như phương tiện đi lại hay bữa ăn không?

  • Làm thế nào các vị lãnh đạo tổ chức bổ trợ tiểu giáo khu có thể hỗ trợ cho trẻ em và giới trẻ mà đã mất đi một người thân yêu?

Sự đau buồn xảy đến sau một vụ tự tử có thể diễn ra trong một thời gian dài. Nếu một người nào đó tiếp tục cảm thấy nỗi đau đớn mãnh liệt hoặc đau buồn, hãy hội ý với những người lo lắng về người này. Hãy thành tâm cân nhắc cách anh chị em có thể đưa ra sự hỗ trợ tốt nhất. Các anh chị em có thể muốn giúp đỡ người này nhận được một phước lành chức tư tế hoặc kết nối họ với các nguồn hỗ trợ trong khu vực của mình. Các nhóm hỗ trợ đau buồn, bác sĩ, hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác có thể hữu ích.

Xin lưu ý: Nếu các anh chị em có đang dẫn dắt một cuộc thảo luận, đừng nói về cách một người đã lấy đi mạng sống của họ. Điều này có thể vô tình khuyến khích ai đó trong nhóm bắt chước hành vi được mô tả đó. Nếu một người nào đó bắt đầu chia sẻ những chi tiết này trong nhóm, hãy khéo léo chuyển hướng cuộc trò chuyện đó.

Các nguồn tài liệu bổ sung:

Các Nguồn Tài Liệu Khác

Lời Khuyên từ Các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội

Những Kinh Nghiệm Cá Nhân của Các Tín Hữu

Các Nguồn Tài Liệu Khác của Giáo Hội

Xin xem trang suicide.lds.org để biết thêm các nguồn tài liệu bổ sung