Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm
Làm thế nào để tôi nói chuyện với con tôi về sức khỏe giới tính?


“Làm thế nào để tôi nói chuyện với con tôi về sức khỏe giới tính?” Sự Giúp Đỡ dành cho Các Bậc Cha Mẹ (năm 2021)

“Làm thế nào để tôi nói chuyện với con tôi về sức khỏe giới tính?” Sự Giúp Đỡ dành cho Các Bậc Cha Mẹ

Hình Ảnh
gia đình đang đi bộ ở bên ngoài

Làm thế nào để tôi nói chuyện với con tôi về sức khỏe giới tính?

Rất nhiều cha mẹ cảm thấy ngần ngại hoặc bối rối để nói chuyện với con cái họ về giới tính, hoặc họ e sợ rằng khi nói chuyện với con cái họ về giới tính thì sẽ làm khơi dậy những hành vi tình dục của chúng. Sự thật là, nếu anh chị em không nói với con cái mình về giới tính, thì chúng sẽ tìm hiểu điều đó từ các nguồn thông tin khác. Bằng cách có những cuộc trò chuyện thường xuyên với con cái về những chủ đề quan trọng như sức khỏe giới tính, anh chị em sẽ giúp chúng hiểu rằng chúng có thể tin cậy anh chị em khi chúng muốn chia sẻ hoặc có thắc mắc.

Hầu hết trẻ em đều tò mò một cách tự nhiên, và chúng muốn hiểu về trải nghiệm với những cảm xúc tự nhiên, được Thượng Đế ban cho của chúng. Anh chị em có thể tự chuẩn bị bản thân để trò chuyện cùng con cái mình về giới tính bằng cách nhớ lại khi anh chị em ở độ tuổi của chúng. Anh chị em đã trải qua một số cảm xúc nào? Anh chị em đã có những suy nghĩ, câu hỏi, hoặc lo lắng nào? Anh chị em đã tìm kiếm thông tin ở đâu? Anh chị em ước rằng mình đã được nghe hoặc được giảng dạy điều gì?

Nếu anh chị em cảm thấy không chắc chắn về cách tốt nhất để có những cuộc trò chuyện này thì cũng không sao cả. Anh chị em có thể chia sẻ những yếu kém của mình để xây đắp mối quan hệ với con cái. Trẻ em thường cảm nhận được tình yêu thương của anh chị em khi anh chị em trung thực và chân thành trong khi giao tiếp với chúng, cho dù anh chị em có cảm thấy không thoải mái chút nào.

Để thúc đẩy sự giao tiếp cởi mở, anh chị em cần:

  • Bắt đầu khi con cái của anh chị em còn nhỏ bằng cách gọi các bộ phận cơ thể bằng tên đúng của chúng. Việc này dạy cho trẻ em về cơ thể chúng và cung cấp cho chúng vốn từ cần có để khỏe mạnh và có sự hiểu biết.

  • Hãy để cho con cái của anh chị em biết rằng chúng có thể hỏi anh chị em bất kỳ câu hỏi nào, và sau đó hãy cố gắng không hành động thái quá hoặc khiến chúng cảm thấy ngượng với những câu hỏi hoặc lời thú nhận của chúng. Hãy vui mừng vì chúng chịu nói chuyện với anh chị em, cho chúng thấy tình yêu thương và sự hỗ trợ, và cố gắng hết sức để tiếp tục có những cuộc trò chuyện với nhau.

  • Hãy tránh sử dụng những cách nói ẩn ý về giới tính. Trẻ em cần thông tin được trình bày một cách rõ ràng và chân thực. Ví dụ, một số em giới trẻ kể về các bài học trong đó việc vi phạm luật trinh khiết được so sánh với việc mọi người trong phòng chuyền nhau ăn chung một miếng kẹo cao su hoặc một món ăn và vì vậy chẳng muốn ăn nữa. Mặc dù có chủ ý tốt, nhưng những kiểu ẩn dụ này thường làm tăng nỗi sợ hãi về tình dục hoặc những cảm giác làm hạ thấp hoặc làm tổn hại giá trị bản thân.

  • Hãy có những bài học trong buổi họp tối gia đình về các chủ đề có liên quan đến giới tính và để cho con cái của anh chị em giảng dạy khi chúng cảm thấy sẵn sàng. Các chủ đề có thể gồm có tuổi dậy thì, hình ảnh cơ thể, và các khía cạnh tích cực về tình dục.

  • Hãy thảo luận về việc có những cảm xúc và ham muốn tình dục là bình thường ra sao. Trẻ em không cần phải làm theo những cảm xúc hay cảm giác đó nhưng có thể lưu ý đến chúng. Điều này có nghĩa là nhận biết những cảm xúc tình dục nhưng không xét đoán chúng một cách tiêu cực. Nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng lý trí có thể giúp cho trẻ đưa ra những lựa chọn tốt hơn mà phù hợp với các mục tiêu và giá trị của chúng.

  • Hãy cố gắng không phản ứng bằng sự ghê tởm hoặc tức giận khi trẻ có những hành động tự sờ mó cơ thể hoặc giới trẻ thú nhận việc thủ dâm. Cách mà các bậc cha mẹ phản ứng với những hành vi này ảnh hưởng đến cách trẻ em và giới trẻ cảm nhận về bản thân cùng bản năng giới tính của chúng.

  • Hãy giảng dạy cho con cái của anh chị em về lý do thật sự của những tiêu chuẩn liên quan đến các mối quan hệ và tình dục. Khi anh chị em giảng dạy những tiêu chuẩn này và lý do làm cho các tiêu chuẩn đó có giá trị, hãy nhớ rằng điều quan trọng là cần phải giảng dạy mà không gây ra sự xấu hổ hay sợ hãi.1

Ghi Chú

  1. Các điều liệt kê được trích dẫn và phỏng theo bài viết của Laura M. Padilla-Walker và Meg O. Jankovich, “How, When, and Why: Talking to Your Children about Sexuality,” Liahona, tháng Tám năm 2020.