Các Sách Hướng Dẫn và Các Chức Vụ Kêu Gọi
5. Giới Lãnh Đạo Trung Ương và Giáo Vùng


“5. Giới Lãnh Đạo Trung Ương và Giáo Vùng,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 2021).

“5. Giới Lãnh Đạo Trung Ương và Giáo Vùng,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

5.

Giới Lãnh Đạo Trung Ương và Giáo Vùng

5.0

Lời Giới Thiệu

Chúa Giê Su Ky Tô là “đá góc nhà” của Giáo Hội Ngài (Ê Phê Sô 2:20). Ngài nắm giữ tất cả các chìa khóa của chức tư tế. Ngài kêu gọi các sứ đồ và các vị tiên tri để trợ giúp Ngài trong công việc cứu rỗi và tôn cao. Ngài ban cho những tôi tớ được chọn này tất cả các chìa khóa hiện nay gắn liền với vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 27:12–13; xin xem thêm đoạn 3.4.1 trong sách hướng dẫn này.)

Qua các vị tiên tri và các sứ đồ, Chúa kêu gọi những người nam vào chức phẩm Thầy Bảy Mươi để trợ giúp trong công việc của Ngài trên khắp thế gian (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:38). Ngoài ra, Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, Các Chức Sắc Trung Ương và những người nam và nữ lãnh đạo khác được giao cho những trách nhiệm quan trọng để trợ giúp trong công việc này.

Chương này mô tả vai trò của các vị lãnh đạo trung ương và giáo vùng trong Giáo Hội.

5.1

Giới Lãnh Đạo Trung Ương của Giáo Hội

Giới lãnh đạo trung ương của Giáo Hội gồm có tất cả Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương và Các Chức Sắc Trung Ương. Từ trung ương nêu ra rằng thẩm quyền và các trách nhiệm liên quan đến những sự kêu gọi không bị giới hạn bởi ranh giới địa lý. Những người nắm giữ những chức vụ kêu gọi này đều hướng dẫn, giảng dạy và phục sự cho các tín hữu Giáo Hội trên khắp thế giới.

Phần này tóm tắt vai trò của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, Các Chức Sắc Trung Ương và các hội đồng cùng các ủy ban mà họ phục vụ trong đó.

5.1.1

Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương

5.1.1.1

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ

Chủ Tịch của Giáo Hội. Từ thời xưa, Chúa đã hướng dẫn dân Ngài qua các vị tiên tri (xin xem A Mốt 3:7; Ê Phê Sô 4:11–13). Chủ Tịch của Giáo Hội là một vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải. Ông cũng là Vị Sứ Đồ trưởng. Dưới sự hướng dẫn của Chúa, ông chủ tọa Giáo Hội và là người độc nhất trên thế gian được phép sử dụng tất cả các chìa khóa của chức tư tế (xin xem Ma Thi Ơ 16:16–19; xin xem thêm mục 3.4.1.1 trong sách hướng dẫn này). Ông có thẩm quyền để tiếp nhận sự mặc khải và công bố ý muốn của Thượng Đế cho toàn thể Giáo Hội. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 43:2–3; 107:91–92; 128:11.)

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Qua Chủ Tịch của Giáo Hội, Chúa kêu gọi các cố vấn để trợ giúp trong công việc. Vị Chủ Tịch và các cố vấn của ông là “ba Thầy Tư Tế Thượng Phẩm … [là những người] họp thành nhóm túc số Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội” (Giáo Lý và Giao Ước 107:22). Nhóm túc số này được gọi là Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Các thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn là Các Sứ Đồ và cũng là “những nhân chứng đặc biệt” cho danh của Chúa Giê Su Ky Tô (Giáo Lý và Giao Ước 107:23). Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn chủ tọa và hướng dẫn tất cả mọi công việc của Giáo Hội.

Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng đã làm tròn vai trò này trong Giáo Hội thời xưa. Họ đã ở với Đấng Cứu Rỗi trong một vài dịp thiêng liêng và nhận được các chìa khóa của vương quốc. (Xin xem Ma Thi Ơ 16:18–19; 17:1–5; Mác 14:32–42; Giáo Lý và Giao Ước 27:12–13; 81:1–2.)

Khi Chủ Tịch Giáo Hội qua đời thì Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn được giải tán. Các cố vấn trở lại vị trí theo thâm niên của họ trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Dưới sự hướng dẫn của Vị Sứ Đồ trưởng, Nhóm Túc Số Mười Hai lãnh đạo Giáo Hội. Với tư cách là một nhóm túc số, họ cân nhắc khi nào nên tổ chức lại Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Sau khi đã nhất trí quyết định, Vị Sứ Đồ trưởng được sắc phong với tư cách là Vị Chủ Tịch mới của Giáo Hội và kêu gọi các cố vấn của ông.

Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Trong thời xưa, Chúa Giê Su Ky Tô đã kêu gọi mười hai Sứ Đồ để giúp lãnh đạo Giáo Hội của Ngài (xin xem Lu Ca 6:12–13; Ê Phê Sô 4:11–13; 1 Nê Phi 13:40). Trong thời kỳ của chúng ta, Chúa kêu gọi những người nam qua Chủ Tịch của Giáo Hội để được sắc phong với tư cách là Sứ Đồ và phục vụ trong Nhóm Túc Số Mười Hai Sứ Đồ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:26–28). Nhóm túc số này hoạt động dưới sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để xây dựng và điều hành Giáo Hội ở tất cả các quốc gia (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:33). Các thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai rao truyền phúc âm trên khắp thế giới (xin xem Ma Thi Ơ 28:19–20; Giáo Lý và Giao Ước 107:35).

Mỗi Sứ Đồ nắm giữ tất cả các chìa khóa của vương quốc và sử dụng các chìa khóa đó dưới sự hướng dẫn của Chủ Tịch Giáo Hội (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 112:30–32). Mười Hai Sứ Đồ là “những nhân chứng đặc biệt” cho danh của Chúa Giê Su Ky Tô (Giáo Lý và Giao Ước 107:23; xin xem thêm 27:12). Họ làm chứng cùng toàn thể thế giới về thiên tính của Ngài và thực tế về Sự Phục Sinh của Ngài (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8, 22; 4:33; Giáo Lý và Giao Ước 76:22–24).

Các sứ đồ phục vụ toàn thời gian trong Giáo Hội cho đến cuối đời họ (xin xem Ma Thi Ơ 4:18–22).

Hội Đồng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Tất cả các thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đều là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Họ cùng nhau họp thành Hội Đồng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Dưới sự hướng dẫn của Chúa và đồng thanh nhất trí, hội đồng này có thẩm quyền công bố và giải thích giáo lý cùng thiết lập chính sách cho Giáo Hội (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:38; 107:27–31).

Hình Ảnh
Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai

5.1.1.2

Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi

Chức phẩm Thầy Bảy Mươi trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc được đề cập đến trong Kinh Cựu Ước lẫn Kinh Tân Ước (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 24:1, 9–10; Dân Số Ký 11:16–17, 24–25; Lu Ca 10:1, 17). Trong thời nay, có Các Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương và Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng (xin xem đoạn 5.2.2). Họ hành động theo các chìa khóa và sự hướng dẫn của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Họ trợ giúp Mười Hai Vị trong việc xây dựng và điều hành Giáo Hội ở mọi quốc gia (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:34–35, 38).

Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi. Bảy thành viên của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi được kêu gọi với tư cách là chủ tịch để chủ tọa tất cả các thành viên của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi. Một trong bảy vị chủ tịch được chọn để chủ tọa sáu vị kia. Họ cấu thành Chủ Tịch Đoàn của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi. (Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 6:2–6; Giáo Lý và Giao Ước 107:93–94; 124:138.)

Nhóm Túc Số Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương. Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn kêu gọi với tư cách là những nhân chứng đặc biệt, những người làm chứng về danh của Chúa Giê Su Ky Tô và giảng dạy phúc âm trên khắp thế giới (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:25; 124:139).

Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương phục vụ toàn thời gian trong Giáo Hội. Họ thường được giải nhiệm vào năm họ 70 tuổi và được phong chức danh dự. Mặc dù vẫn giữ chức phẩm Thầy Bảy Mươi nhưng họ không còn chủ tọa các buổi họp nữa.

Các Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi. Các thành viên của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, kể cả Các Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Vùng, được tổ chức thành các nhóm túc số. Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi chủ tọa các nhóm túc số này. Số lượng các thành viên của nhóm túc số Thầy Bảy Mươi và các nhóm túc số của Thầy Bảy Mươi có thể gia tăng với sự tăng trưởng của Giáo Hội. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:95–96; 124:138–39).

5.1.1.3

Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa

Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa gồm có Vị Giám Trợ Chủ Tọa và hai cố vấn của ông. Mỗi thành viên của Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương và nắm giữ chức phẩm giám trợ. Họ được kêu gọi bởi và làm việc dưới sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.

Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa điều hành các vấn đề thế tục, chẳng hạn như chương trình an sinh, tài chính, cơ sở vật chất và các nỗ lực nhân đạo, dành cho toàn thể Giáo Hội (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:68). Họ cũng giảng dạy phúc âm và xây dựng vương quốc của Thượng Đế trên khắp thế giới.

5.1.2

Các Chức Sắc Trung Ương

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn kêu gọi những người nữ và những người nam để họp thành Các Chủ Tịch Đoàn Trung Ương của các tổ chức sau đây của Giáo Hội:

  • Hội Phụ Nữ

  • Hội Thiếu Niên

  • Hội Thiếu Nữ

  • Hội Thiếu Nhi

  • Trường Chủ Nhật

Các Chức Sắc Trung Ương này phục vụ dưới sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và Các Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương đã được chỉ định. Họ thường phục vụ trong năm năm.

Các Chức Sắc Trung Ương có thể có các trách nhiệm sau đây:

  • Giảng dạy và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.

  • Phục vụ với tư cách là thành viên của các hội đồng và ủy ban trung ương của Giáo Hội như đã được chỉ định (xin xem đoạn 5.1.3).

  • Làm tròn các nhiệm vụ trên khắp thế giới để phục sự các tín hữu.

  • Hướng dẫn chương trình giảng dạy, các chương trình và tài liệu cho các tổ chức của họ.

  • Hướng dẫn các hội đồng tổ chức trung ương của họ (xin xem đoạn tiếp theo).

  • Chỉ dẫn và hỗ trợ các cố vấn của tổ chức giáo vùng là những người phục vụ dưới sự hướng dẫn của Các Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng (xin xem mục 5.2.5.1).

Mỗi tổ chức trung ương của Giáo Hội có thể có một hội đồng để trợ giúp Chủ Tịch Đoàn. Các thành viên của các hội đồng này được kêu gọi bởi Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương. Ở Hoa Kỳ và Canada, các ủy viên hội đồng này có thể giúp định hướng các chủ tịch đoàn mới của tổ chức trong giáo khu (xin xem mục 6.2.1.6). Bên ngoài Hoa Kỳ và Canada, các cố vấn của tổ chức giáo vùng có thể giúp đưa ra sự định hướng này (xin xem mục 5.2.5.1).

Hình Ảnh
Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ

5.1.3

Các Hội Đồng và Các Ủy Ban Trung Ương của Giáo Hội

Các hội đồng và các ủy ban trung ương của Giáo Hội cung cấp những người lãnh đạo và sự hướng dẫn cho các phần cụ thể của công việc cứu rỗi và tôn cao. Các ví dụ về các hội đồng và các ủy ban này được liệt kê dưới đây:

  • Hội Đồng Chấp Hành Chức Tư Tế và Gia Đình

  • Ủy Ban Chấp Hành An Sinh và Tự Lực

  • Hội Đồng Chấp Hành Truyền Giáo

  • Hội Đồng Chấp Hành Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình

Thành viên của các hội đồng và các ủy ban này do Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn chỉ định. Những thành viên này có thể gồm có:

  • Các thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

  • Nhóm Túc Số Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương.

  • Các Thành Viên của Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa.

  • Các Thành Viên của Các Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ, Hội Thiếu Nữ hoặc Hội Thiếu Nhi.

5.2

Giới Lãnh Đạo Giáo Vùng

Giáo Hội được tổ chức thành các giáo vùng theo địa lý bao gồm toàn thế giới. Phần này tóm tắt giới lãnh đạo của Giáo Hội trong những giáo vùng này.

5.2.1

Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng

Trong mỗi giáo vùng, một Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ chỉ định với tư cách là Chủ Tịch Giáo Vùng. Hai cố vấn, là Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương hoặc Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng, được chỉ định để trợ giúp vị chủ tịch.

Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng chủ tọa và hội ý với các chủ tịch giáo khu và phái bộ truyền giáo trong giáo vùng. Họ cũng hỗ trợ các chủ tịch đền thờ và những người vợ của các chủ tịch đền thờ này. Khi hội ý với các thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi mà họ báo cáo, họ quyết định cách áp dụng chính sách và sự hướng dẫn trung ương của Giáo Hội để đáp ứng các nhu cầu trong giáo vùng của họ.

Các thành viên của Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng đi lại trong giáo vùng được chỉ định để phục sự, giảng dạy và khuyến khích các vị lãnh đạo địa phương, những người truyền giáo và các tín hữu Giáo Hội. Họ được Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ chỉ định để chủ tọa tại các đại hội giáo khu và các buổi họp khác.

5.2.2

Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng

Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn kêu gọi để làm những nhân chứng đặc biệt, làm chứng cho danh của Chúa Giê Su Ky Tô và giảng dạy phúc âm trong các giáo vùng được chỉ định của họ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:25; 124:139). Làm việc dưới sự hướng dẫn của Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng, họ trợ giúp Nhóm Mười Hai trong việc xây dựng và điều hành Giáo Hội trong giáo vùng của họ.

Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng không được gọi để phục vụ toàn thời gian. Họ thường phục vụ trong năm năm. Họ thường được chỉ định phục vụ trong giáo vùng theo địa lý nơi họ sinh sống (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:38, 98). Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng được tán trợ trong đại hội trung ương.

Mỗi Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng thuộc vào một nhóm túc số Thầy Bảy Mươi. Các nhóm túc số này được sắp xếp theo địa lý. Là thành viên của các nhóm túc số này, Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng do Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Bảy Mươi chủ tọa.

Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng làm việc và cùng nhau hội ý với các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương để giúp họ làm tròn những trách nhiệm của họ. Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng có thể được chỉ định để:

  • Phục vụ trong hội đồng giáo vùng (xin xem đoạn 5.2.3).

  • Chủ tọa các buổi họp hội đồng phối hợp (xin xem đoạn 5.2.4).

  • Chủ tọa các đại hội giáo khu và chỉ dẫn các vị lãnh đạo giáo khu.

  • Thiết lập hoặc tổ chức lại các giáo khu, phong nhiệm các chủ tịch đoàn mới của giáo khu và truyền giao các chìa khóa cho chủ tịch giáo khu.

  • Phối hợp các trách nhiệm trên toàn giáo vùng, kể cả các sinh hoạt (xin xem 20.3.3), trang mạng JustServe.org (nếu có sẵn), phục hồi sau thảm họa hoặc các chỉ định khác.

  • Đi kinh lý các phái bộ truyền giáo và chỉ dẫn các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo và những người truyền giáo.

  • Phục vụ với tư cách là một cố vấn trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng.

Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng chủ tọa tất cả các buổi họp của Giáo Hội mà họ tham dự trong giáo vùng của họ trừ khi có sự hiện diện của một vị Thẩm Quyền Trung Ương. Tuy nhiên, họ không chủ tọa công việc hằng ngày của các chủ tịch đền thờ, phái bộ truyền giáo hoặc giáo khu. Các chủ tịch này phục vụ dưới sự hướng dẫn của Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng.

5.2.3

Hội Đồng Giáo Vùng

Trong mỗi giáo vùng, một hội đồng giáo vùng họp khi cần (thường là hằng quý) để phối hợp công việc cứu rỗi và tôn cao trong giáo vùng của họ. Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng chủ tọa hội đồng giáo vùng. Hội đồng này bao gồm Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng và Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng đang phục vụ trong giáo vùng. Những người khác có thể tham dự một phần hoặc tất cả các buổi họp hội đồng khi cần và khi được Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng mời.

Các mục đích của các buổi họp hội đồng giáo vùng gồm có:

  • Xem xét và khuyên bảo về cách tốt nhất để thi hành theo sự hướng dẫn của các vị lãnh đạo Giáo Hội tùy theo các nhu cầu và hoàn cảnh của giáo vùng.

  • Khuyên bảo về tiến độ của công việc cứu rỗi và tôn cao trong tiểu giáo khu.

  • Đánh giá tiến độ của các sáng kiến trong giáo vùng cụ thể.

  • Tham dự các vấn đề khác của giáo vùng.

5.2.4

Hội Đồng Điều Phối

Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng thành lập các hội đồng phối hợp. Mỗi hội đồng gồm có các giáo khu và phái bộ truyền giáo cụ thể trong một giáo vùng. Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng chỉ định một Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng lãnh đạo mỗi hội đồng.

Các chủ tịch giáo khu và phái bộ truyền giáo tham dự các buổi họp hội đồng phối hợp. Các chủ tịch đền thờ mà có khu vực đền thờ nằm trong ranh giới của hội đồng phối hợp đều được mời tham dự khi nào có thể được.

Những người khác có thể tham dự một phần hoặc tất cả các buổi họp khi cần thiết và khi được Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng mời. Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng cân nhắc quãng đường, hoàn cảnh gia đình và việc đi lại khi đưa ra những lời mời này.

Mục đích của các buổi họp hội đồng phối hợp là để giúp các chủ tịch giáo khu, phái bộ truyền giáo và đền thờ sử dụng các chìa khóa của chức tư tế trong tình đoàn kết. Họ cùng nhau hội ý và phối hợp các nỗ lực để giúp đỡ các thành viên trong trách nhiệm của họ đối với công việc cứu rỗi và tôn cao.

Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng triệu tập một buổi họp hội đồng phối hợp ngay sau mỗi buổi họp hội đồng giáo vùng hằng quý. Có thể tổ chức thêm nhiều buổi họp khi cần.

Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng hướng dẫn các buổi họp và tạo điều kiện cho cuộc thảo luận. Tất cả những người tham dự đều hội ý với nhau với tư cách là những người tham dự bình đẳng.

Trong các buổi họp này, những người tham dự:

  • Tìm kiếm điều mặc khải về cách thi hành tốt nhất những lời giảng dạy và sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng.

  • Phối hợp công việc cứu rỗi và tôn cao.

  • Cùng nhau hội ý về sự an lạc vật chất và tinh thần của các tín hữu và cách để giúp họ trở thành tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Chỉ dẫn và gây dựng lẫn nhau.

  • Phối hợp các vấn đề đa giáo khu. Những vấn đề này có thể gồm có các sinh hoạt (xin xem đoạn 20.3.3), các nỗ lực xây đắp sự tự lực và phục vụ cộng đồng (xin xem đoạn 22.10.1), các nỗ lực ứng phó tình trạng khẩn cấp (xin xem mục 22.9.1.3), và tài chính cùng các cuộc kiểm toán (xin xem phần 34.7).

5.2.5

Những Chức Vụ Kêu Gọi của Giáo Vùng

Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng có thể kêu gọi các tín hữu phục vụ trong các chức vụ kêu gọi của giáo vùng để trợ giúp Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng trong các trách nhiệm của họ. Những người đang phục vụ trong các chức vụ này đều được kêu gọi và phong nhiệm bởi một thành viên của Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng hoặc một Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng đã được chỉ định. Họ không được tán trợ.

Ví dụ về những sự kêu gọi của giáo vùng có thể gồm có thư ký chấp hành giáo vùng, kiểm toán viên giáo vùng, giám đốc truyền thông giáo vùng, cố vấn đền thờ và lịch sử gia đình giáo vùng, cùng người cố vấn của tổ chức giáo vùng.

5.2.5.1

Các Cố Vấn của Tổ Chức Giáo Vùng

Bên ngoài Hoa Kỳ và Canada, Các Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng có thể kêu gọi các phụ nữ phục vụ với tư cách là cố vấn của tổ chức giáo vùng. Các cố vấn này có thể giúp định hướng và chỉ dẫn các chủ tịch đoàn mới của Hội Phụ Nữ, Hội Thiếu Nữ và Hội Thiếu Nhi giáo khu dưới sự hướng dẫn của các chủ tịch đoàn giáo khu của những người lãnh đạo này (xin xem mục 6.2.1.6). Một thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu hoặc một ủy viên hội đồng thượng phẩm đã được chỉ định tham dự trong buổi họp định hướng này.

Các cố vấn giáo vùng phục vụ dưới sự hướng dẫn của Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng của họ. Họ cũng nhận được sự chỉ dẫn thường xuyên từ các chủ tịch đoàn của tổ chức trung ương. Họ thường phục vụ từ ba đến năm năm.