Lớp Giáo Lý
Hê La Man 1–4, 6: “Có Nhiều Tranh Chấp”


“Hê La Man 1–4, 6: ‘Có Nhiều Tranh Chấp’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Hê La Man 1–4, 6”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Hê La Man 1–4, 6

“Có Nhiều Tranh Chấp”

em thiếu nữ không vui đang suy nghĩ

Em thấy sự tranh chấp, chia rẽ, ly khai hoặc nổi loạn ở đâu trên thế giới xung quanh mình? Không lâu sau khi Lãnh Binh Mô Rô Ni, Hê La Man, và trưởng phán quan Pha Hô Ran qua đời, dân Nê Phi phải chịu những hậu quả của nhiều sự tranh chấp. Mặc dù vậy, một số người đã chọn tìm kiếm sự bình an qua Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này có thể giúp em hiểu được những hậu quả của sự tranh chấp và cách tìm được sự bình an nơi Đấng Ky Tô trong một thế giới đầy tranh chấp.

Giúp học viên nuôi dưỡng cảm giác được thuộc về. Lớp giáo lý cần là nơi trú ẩn an toàn cho học viên. Hãy tạo cơ hội cho học viên tăng cường sự đoàn kết và hiểu biết khi các em trò chuyện và lắng nghe lẫn nhau. Hãy khuyến khích học viên tôn trọng và trân quý những kinh nghiệm và quan điểm của người khác.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên cầu nguyện cho người nào đó hoặc về điều gì đó là nguồn gây tranh cãi trong cuộc sống của các em.

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Lưu ý: Chu kỳ của tính kiêu căng trong Sách Mặc Môn được thảo luận trong đề cương nghiên cứu Hê La Man 1–6 trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2024.

Sự tranh chấp

Để giúp học viên thấy được ảnh hưởng của sự tranh chấp, hãy cân nhắc tạo ra một sơ đồ bong bóng như sau trên bảng và mời học viên vẽ một sơ đồ như vậy vào nhật ký ghi chép việc học tập của các em.

sơ đồ bong bóng trống

Viết từ sự tranh chấp vào giữa sơ đồ bong bóng. Xung quanh từ này, hãy viết một số khía cạnh trong cuộc sống của em, mà em nhìn thấy có sự tranh cãi, chẳng hạn như trên mạng xã hội hoặc giữa những người bạn. Em sẽ viết thêm vào sơ đồ này ở phần sau của bài học.

Anh chị em có thể mời học viên suy ngẫm hoặc thảo luận những câu hỏi sau đây.

  • Sự tranh cãi ảnh hưởng đến cuộc sống của em một cách trực tiếp hay gián tiếp như thế nào?

  • Em phản ứng như thế nào khi không đồng ý với người khác hoặc khi đối mặt với những người hay gây sự?

Khi em bắt đầu nghiên cứu về sách Hê La Man, hãy chú ý xem sự tranh chấp ảnh hưởng ra sao đến dân Nê Phi. Cũng hãy suy nghĩ về những cách em có thể tìm kiếm sự bình an từ Chúa Giê Su Ky Tô trong một thế giới đầy sự tranh chấp.

Sự tranh chấp trong gia đình, Giáo Hội và cộng đồng

Sau nhiều năm chiến tranh, dân Nê Phi đã có thể lấy lại đất đai của họ từ dân La Man. Lãnh Binh Mô Rô Ni và Hê La Man đã qua đời trong thời gian hòa bình sau đó. Các biên sử thiêng liêng đã được trao cho con trai của Hê La Man, người cũng được đặt tên là Hê La Man. Không lâu sau đó, dân Nê Phi trở nên kiêu căng và có nhiều tranh chấp.

Để giúp học viên có được cái nhìn khái quát về các sự kiện trong các chương này, anh chị em có thể yêu cầu các em đọc các tiêu đề chương của Hê La Man 1–6.

Trong sách Hê La Man, chúng ta đọc được các câu chuyện cho thấy rõ ảnh hưởng của sự tranh chấp đến gia đình, Giáo Hội và cộng đồng.

Nếu quy mô lớp học của anh chị em nhỏ, thì học viên có thể chọn một hoặc hai trong số các đoạn sau đây để nghiên cứu cùng cả lớp. Nếu quy mô lớp học của anh chị em lớn hơn, thì có thể chia học viên thành các nhóm để cùng nhau nghiên cứu một hoặc nhiều đoạn. Khi học viên đã hoàn thành các cuộc thảo luận của mình, hãy mời học viên nào đó chia sẻ những điều các em đã học được từ mỗi đoạn.

Nghiên cứu một hoặc nhiều đoạn trong số các đoạn sau đây.

  • Gia đình: Hãy đọc Hê La Man 1:1–13, tìm hiểu sự tranh chấp đã ảnh hưởng ra sao đến gia đình của Pha Hô Ran sau khi ông qua đời.

  • Giáo Hội: Hãy đọc Hê La Man 4:1–13, tìm kiếm tính kiêu căng và sự tranh chấp trong Giáo Hội đã ảnh hưởng như thế nào đến cả quốc gia.

  • Cộng đồng: Vì những cuộc tranh chấp về việc ai sẽ làm trưởng phán quan, một người đàn ông độc ác tên là Kích Cơ Men đã thành lập một nhóm bí mật. Không bao lâu sau, một người đàn ông tà ác khác tên là Ga Đi An Tôn đã tham gia cùng hắn (xin xem Hê La Man 2). Trong Sách Mặc Môn, các nhóm kiểu này được gọi là những tập đoàn bí mật (xin xem Hê La Man 3:23). Hãy đọc Hê La Man 6:15–21, 37–41, tìm kiếm xem điều gì đã xảy ra cho dân Nê Phi do sự tranh chấp và sự tà ác gây ra bởi bọn cướp Ga Đi An Tôn.

  • Một số hậu quả của tính kiêu căng và sự tranh chấp là gì?

Giúp học viên thêm vào sơ đồ bong bóng. Các em có thể thêm các hình tròn, sau đó liệt kê những hậu quả của tính kiêu căng và sự tranh chấp trong từng khía cạnh của cuộc sống đã được liệt kê trước đó.

Từ những điều đọc được, em có thể xác định rằng tính kiêu căng và sự tranh chấp có thể gây ra sự chia rẽ giữa các gia đình, cộng đồng và quốc gia. Em có thể cân nhắc ghi chép lẽ thật này trong thánh thư gần Hê La Man 1:4; 4:12–13; hoặc 6:38–40.

Đấng Cứu Rỗi đã dạy dân Nê Phi về bản chất hủy diệt của sự tranh chấp. Hãy đọc 3 Nê Phi 11:29–30, tìm kiếm điều Ngài đã phán.

  • Sự tranh chấp đến từ đâu? Tại sao nó luôn luôn có tính hủy diệt?

  • Tại sao việc biết khi nào em bị cám dỗ để hành động trong lúc tức giận hoặc khi nào em phải đối mặt với sự tranh chấp lại là điều quan trọng?

  • Đấng Cứu Rỗi là một tấm gương như thế nào về những điều Ngài đã dạy trong 3 Nê Phi 11:29–30?

Tìm kiếm sự bình an qua Chúa Giê Su Ky Tô

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra những lời mời tương tự về sự xung đột và tranh chấp trong cuộc sống của chúng ta. Xem video “Sức Mạnh của Đà Thúc Đẩy Phần Thuộc Linh” từ phút 1:38 đến 3:31, hoặc đọc lời phát biểu dưới đây.

17:18

Sức Mạnh của Động Lực Thuộc Linh

Anh chị em thân mến, lời kêu gọi của tôi ngày hôm nay là hãy chấm dứt những xung đột đang hoành hành trong lòng của anh chị em, trong nhà của anh chị em và cuộc sống của anh chị em. Hãy chôn giấu bất cứ và tất cả các khuynh hướng nào mà gây tổn thương người khác—cho dù những khuynh hướng đó là tính nóng nảy, miệng lưỡi sắc bén hay là nỗi oán hận đối với người đã nhiều lần làm tổn thương anh chị em. Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh cho chúng ta phải đưa má bên kia cho họ vả vào, phải yêu kẻ thù của chúng ta, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ chúng ta. …

Chúng ta là tín đồ của Hoàng Tử Bình An. Giờ đây hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự bình an mà chỉ Ngài mới có thể mang lại mà thôi. Làm thế nào chúng ta có thể kỳ vọng có được hòa bình tồn tại trên thế giới khi mà mỗi người chúng ta không tìm kiếm sự bình an và hòa hợp cá nhân? Thưa anh chị em, tôi biết điều tôi đang đề nghị là không dễ dàng. Nhưng các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô nên nêu gương cho cả thế giới noi theo. Tôi khẩn nài với anh chị em hãy làm hết sức mình để chấm dứt những xung đột cá nhân hiện đang hoành hành trong tâm hồn và trong cuộc sống của anh chị em. (Russell M. Nelson, “Sức Mạnh của Đà Thúc Đẩy Phần Thuộc Linh”, Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 97)

  • Làm thế nào mà lời mời của Chủ Tịch Nelson có thể giúp chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô?

Hãy nhìn lại sơ đồ bong bóng của em. Đánh dấu bên cạnh bất kỳ khía cạnh tranh chấp nào mà em cảm thấy mình có thể ảnh hưởng cho điều tốt.

Hãy tạo một bảng biểu gồm hai cột trên bảng, và viết Tôi có thể tìm thấy sự bình an nơi Đấng Ky Tô bằng cách … ở trên cùng. Anh chị em có thể cần phải xóa sơ đồ bong bóng để có chỗ trống. Viết một trong các đoạn thánh thư sau đây ở đầu mỗi cột và mời một nửa lớp nghiên cứu từng đoạn: Hê La Man 3:32–36; Hê La Man 6:1–9.

Mời học viên hoàn thành câu trên bảng với những điều các em tìm thấy trong bài đọc của mình và thảo luận xem làm thế nào mà những điều các em đã tìm thấy có thể giúp các em tìm thấy sự bình an nơi Đấng Ky Tô.

  • Sử dụng những điều em đọc trong Hê La Man 3:32–36 hoặc Hê La Man 6:1–9, hãy hoàn thành câu Tôi có thể tìm thấy sự bình an nơi Đấng Ky Tô bằng cách …

  • Làm thế nào mà việc cá nhân mỗi người đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô mang lại cho chúng ta sự bình an và đoàn kết với những người khác?

  • Chọn một trong những cách em đã liệt kê để tìm thấy sự bình an nơi Đấng Ky Tô. Em có thể áp dụng hoặc thực hành cách đó như thế nào trong cuộc sống của mình?

Hãy khuyến khích học viên tìm kiếm sự bình an mà chỉ có Chúa Giê Su Ky Tô mới có thể ban cho (xin xem Giăng 14:27).