2022
Giao Ước Vĩnh Viễn
Tháng Mười năm 2022


“Giao Ước Vĩnh Viễn,” Liahona, Tháng Mười năm 2022.

Sứ Điệp Hằng Tháng của Tạp Chí Liahona, tháng Mười năm 2022

Giao Ước Vĩnh Viễn

Tất cả những ai đã lập giao ước với Thượng Đế đều được tiếp cận tình yêu thương và lòng thương xót đặc biệt.

Hình Ảnh
ảnh Chúa Giê Su Ky Tô

Chúa Giê Su Ky Tô, tranh do Del Parson họa

Trong thế giới bị giằng xé bởi chiến tranh và tin đồn về chiến tranh, khát khao về lẽ thật, ánh sáng và tình yêu thương thanh khiết của Chúa Giê Su Ky Tô là lớn hơn bao giờ hết. Phúc âm của Đấng Ky Tô là vinh hiển, và chúng ta được ban phước để học tập và sống theo các luật pháp của phúc âm. Chúng ta hoan hỷ khi có cơ hội chia sẻ phúc âm — để làm chứng về lẽ thật của phúc âm dù chúng ta ở đâu.

Tôi đã thường xuyên nói về tầm quan trọng của giao ước Áp Ra Ham và việc quy tụ dân Y Sơ Ra Ên. Khi chúng ta tiếp nhận phúc âm và chịu phép báp têm, chúng ta mang lấy danh thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô. Phép báp têm là cánh cổng dẫn đến việc trở thành những người cùng thừa kế tất cả những lời hứa mà Chúa khi xưa đã ban cho Áp Ra Ham, Y Sác, Gia Cốp và con cháu của họ.1

“Giao ước mới và vĩnh viễn”2 (Giáo Lý và Giao Ước 132:6) và giao ước Áp Ra Ham về cơ bản là giống nhau — hai cách diễn đạt giao ước mà Thượng Đế đã lập với những người nam và người nữ hữu diệt vào những thời điểm khác nhau.

Tính từ vĩnh viễn biểu thị rằng giao ước này đã tồn tại ngay cả trước khi sáng thế! Kế hoạch được đặt ra trong Đại Hội Đồng Thiên Thượng bao gồm việc nhận thức rõ ràng rằng tất cả chúng ta sẽ bị loại bỏ khỏi sự hiện diện của Chúa. Tuy nhiên, Thượng Đế đã hứa rằng Ngài sẽ ban cho một Đấng Cứu Rỗi mà sẽ chiến thắng những hậu quả của Sự Sa Ngã. Thượng Đế phán bảo A Đam sau phép báp têm của ông:

“Và ngươi theo ban của Đấng không có ngày bắt đầu hay năm kết thúc, từ mọi vĩnh cửu này đến mọi vĩnh cửu khác.

“Này, ngươi là một trong ta, là con trai của Thượng Đế; và như vậy mong cho tất cả loài người đều trở thành con cái của ta” (Môi Se 6:67-68).

A Đam và Ê Va chấp nhận giáo lễ báp têm và bắt đầu quá trình hiệp một với Đức Chúa Trời. Họ đã đi vào con đường giao ước.

Khi các anh chị em và tôi cũng bước vào con đường đó, chúng ta có một lối sống mới. Chúng ta từ đó tạo ra mối quan hệ với Thượng Đế để Ngài ban phước và thay đổi chúng ta. Con đường giao ước dẫn dắt chúng ta trở về với Ngài. Nếu chúng ta để Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống chúng ta, giao ước đó sẽ dẫn dắt chúng ta càng ngày càng gần hơn với Ngài. Tất cả các giao ước đều nhằm mục đích ràng buộc. Chúng tạo nên một mối quan hệ với những ràng buộc vĩnh viễn.

Một Tình Yêu Thương và Lòng Thương Xót Đặc Biệt

Một khi chúng ta lập giao ước với Thượng Đế, chúng ta từ bỏ vùng trung lập mãi mãi. Thượng Đế sẽ không từ bỏ mối quan hệ của Ngài với những người đã tạo dựng liên kết như vậy với Ngài. Quả thực, tất cả những ai đã lập giao ước với Thượng Đế đều được tiếp cận một tình yêu thương và lòng thương xót đặc biệt. Trong tiếng Hê Bơ Rơ, tình yêu thương giao ước đó được gọi là hesed (חֶסֶד).3

Từ Hesed không có từ tiếng Anh tương đương. Các dịch giả của Phiên bản Kinh Thánh King James chắc hẳn đã phải chật vật với việc làm thế nào để diễn đạt lại từ hesed bằng tiếng Anh. Họ thường chọn từ “lòng thương yêu nhân từ.” Từ này bao hàm được nhiều nhưng không phải tất cả ý nghĩa của từ hesed. Các bản dịch khác cũng được đưa ra, chẳng hạn như “lòng thương xót” và “sự tốt lành.” Từ Hesed là một thuật ngữ duy nhất mô tả một mối quan hệ giao ước, trong đó cả hai bên phải trung thành và trung tín với nhau.

Một cuộc hôn nhân thiên thượng là một mối quan hệ giao ước tương tự. Người chồng và người vợ lập giao ước với Đức Chúa Trời và với nhau để trung thành và trung tín với nhau.

Từ Hesed là một kiểu tình yêu thương và lòng thương xót đặc biệt mà Thượng Đế cảm thấy và gửi đến những người đã lập giao ước với Ngài. Và chúng ta đáp lại bằng lòng thương yêu (hesed) dành cho Ngài.

Hình Ảnh
cặp vợ chồng mới cưới bên ngoài một ngôi đền

Một khi anh chị em và tôi lập giao ước với Thượng Đế, mối quan hệ của chúng ta với Ngài trở nên gần gũi hơn nhiều so với trước khi giao ước. Giờ đây chúng ta được ràng buộc với nhau.

Ảnh do Jerry L. Garns chụp

Vì Đức Chúa Trời đã có lòng thương yêu nhân từ (hesed) cho những ai đã giao ước với Ngài, nên Ngài sẽ yêu thương họ. Ngài sẽ tiếp tục đồng hành với họ và cho họ cơ hội thay đổi. Ngài sẽ tha thứ cho họ khi họ hối cải. Và nếu họ đi lạc lối, Ngài sẽ giúp họ tìm thấy con đường trở về với Ngài.

Một khi anh chị em và tôi lập giao ước với Thượng Đế, mối quan hệ của chúng ta với Ngài trở nên gần gũi hơn nhiều so với trước khi giao ước. Giờ đây chúng ta được ràng buộc với nhau. Nhờ giao ước của chúng ta với Thượng Đế, Ngài sẽ không bao giờ mệt mỏi trong những nỗ lực của Ngài để giúp chúng ta, và chúng ta sẽ không bao giờ làm cạn kiệt sự kiên nhẫn nhân từ của Ngài đối với chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có một vị trí đặc biệt trong lòng của Thượng Đế. Ngài có niềm hy vọng lớn lao nơi chúng ta.

Anh chị em biết về lời tuyên bố lịch sử mà Chúa đã ban cho Tiên Tri Joseph Smith. Điều này đến qua sự mặc khải. Chúa phán cùng Joseph, “Lời hứa này cũng áp dụng cho các ngươi, vì ngươi xuất phát từ Áp Ra Ham, và lời hứa này đã được lập với Áp Ra Ham” (Giáo Lý và Giao Ước 132:31).

Qua đó, giao ước vĩnh viễn này đã được khôi phục như một phần của Sự Phục Hồi vĩ đại của phúc âm trọn vẹn. Hãy nghĩ về điều đó! Giao ước hôn nhân được lập trong đền thờ kết nối trực tiếp với giao ước Áp Ra Ham. Trong đền thờ, cặp vợ chồng được giảng dạy tất cả các phước lành dành cho dòng dõi trung tín của Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp.

Giống như A Đam, cá nhân anh chị em và tôi đã bước vào con đường giao ước khi báp têm. Rồi chúng ta bước vào đó một cách trọn vẹn hơn trong đền thờ. Các phước lành của giao ước Áp Ra Ham được ban cho trong các đền thờ thánh. Những phước lành này cho phép chúng ta, khi được phục sinh, “thừa hưởng các ngai vàng, vương quốc, chấp chính, và quyền năng, quyền thống trị, để đi đến ‘sự tôn cao và vinh quang trong tất cả mọi điều’ [Giáo Lý và Giao Ước 132:19].”4

Trong phần kết của Kinh Cựu Ước, chúng ta đọc về lời hứa của Ma La Chi rằng Ê Li Sê sẽ “làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha” (Ma La Chi 4:6). Trong thời Y Sơ Ra Ên cổ đại, sự ám chỉ đó về cha bao gồm tổ phụ Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp. Lời hứa này được làm sáng tỏ khi chúng ta đọc phiên bản khác của câu này mà Mô Rô Ni đã trích dẫn cho Tiên Tri Joseph Smith: “Người [Ê Li] sẽ gieo vào lòng các con cái những lời đã hứa với ông cha chúng, và lòng các con cái trở lại cùng ông cha chúng” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:39). Những ông cha đó chắc chắn bao gồm Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 27:9-10.)

Hình Ảnh
ảnh Chúa Giê Su Ky Tô

Những ai lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng sẽ được hứa ban cho cuộc sống vĩnh cửu và sự tôn cao. Chúa Giê Su Ky Tô là người bảo đảm các giao ước đó.

Chi tiết từ bức tranh Christ and the Rich Young Ruler (Đấng Ky Tô và Người Trai Trẻ Giàu Có Quyền Quý), do Heinrich Hofmann họa

Chúa Giê Su Ky Tô: Trọng Tâm của Giao Ước

Sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi đã cho phép Đức Chúa Cha làm tròn những lời hứa của Ngài với con cái của Ngài. Bời vì Chúa Giê Su Ky Tô là “đường đi, lẽ thật, và sự sống,” nên theo đó “chẳng bởi [Ngài] thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Việc làm tròn giao ước Áp Ra Ham trở nên khả thi nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm của giao ước Áp Ra Ham.

Kinh Cựu Ước không chỉ là một cuốn sách thánh thư; nó còn là một cuốn sách lịch sử. Anh chị em nhớ đã đọc về cuộc hôn nhân của Sa Rai và Áp Ram. Bởi vì họ không có con, Sa Rai đã cho người hầu gái của mình, A Ga, cũng được làm vợ của Áp Ram, theo sự hướng dẫn của Chúa. A Ga sinh ra Ích Ma Ên.5 Áp Ram yêu thương Ích Ma Ên, nhưng Ích Ma Ên không phải là đứa trẻ mà giao ước sẽ được thông qua. (Xin xem Sáng Thế Ký 11:29-30; 16:1, 3, 11; Giáo Lý và Giao Ước 132:34.)

Như một phước lành từ Đức Chúa Trời và để đáp lại đức tin của Sa Rai,6 bà đã thụ thai trong những năm cao tuổi để giao ước sẽ được truyền qua con trai của bà, Y Sác (xin xem Sáng Thế Ký 17:19). Ông được sinh ra trong giao ước.

Chúa đặt tên mới cho Sa Rai và Áp Ram—Sa RaÁp Ra Ham (xin xem Sáng Thế Ký 17:5, 15). Việc ban cho những cái tên mới đó đã đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc sống mới và một số phận mới cho gia đình này.

Áp Ra Ham yêu thương cả Ích Ma Ên lẫn Y Sác. Đức Chúa Trời nói với Áp Ra Ham rằng Ích Ma Ên sẽ được sinh sôi và trở thành một dân lớn (xin xem Sáng Thế Ký 17:20). Đồng thời, Đức Chúa Trời nói rõ rằng giao ước vĩnh viễn sẽ được thiết lập qua Y Sác (xin xem Sáng Thế Ký 17:19).

Tất cả những ai chấp nhận phúc âm đều trở thành một phần của dòng dõi Áp Ra Ham. Chúng ta đọc trong Ga La Ti:

“Vả, anh em thảy đều chịu phép báp têm trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy.

“… Trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một.

“Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp Ra Ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa.” (Ga La Ti 3:27-29).

Vì vậy, chúng ta có thể trở thành người kế tự của giao ước bằng cách được sinh ra hoặc được nhận nuôi.

Hình Ảnh
mọi người tụ họp để làm lễ báp têm

Một khi chúng ta lập giao ước với Thượng Đế, chúng ta từ bỏ vùng trung lập mãi mãi. Thượng Đế sẽ không từ bỏ mối quan hệ của Ngài với những người đã tạo dựng liên kết như vậy với Ngài.

Con trai của Y Sác và Rê Bê Ca là Gia Cốp được sinh ra trong giao ước. Ngoài ra, ông đã chọn cách lập giao ước theo cách riêng của mình. Như anh chị em đã biết, tên của Gia Cốp đã được đổi thành Y Sơ Ra Ên (xin xem Sáng Thế Ký 32:28), nghĩa là “để Thượng Đế ngự trị” hay ”người ngự trị với Thượng Đế.”7

Chúng ta đọc trong Xuất Ê Díp Tô Ký rằng “Chúa nhớ đến sự giao ước mình kết lập cùng Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp” (Xuất Ê Díp Tô Ký 2:24). Thượng Đế phán cùng con cháu của Y Sơ Ra Ên rằng, “nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta” (Xuất Ê Díp Tô Ký 19:5).

Cụm từ “thuộc riêng” được dịch từ từ segullah trong tiếng Hê Bơ Rơ, nghĩa là một vật sở hữu có giá trị cao— một “báu vật.”8

Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký kể lại tầm quan trọng của giao ước. Các Sứ Đồ của Kinh Tân Ước đã biết về giao ước này. Sau khi Phi E Rơ chữa lành một người què trên bậc thềm đền thờ, ông dạy những người chứng kiến về Chúa Giê Su. Phi E Rơ nói rằng, “Đức Chúa Trời của Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp, Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã làm vinh hiển đầy tớ Ngài là Đức Chúa Giê Su” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:13).

Phi E Rơ kết thúc sứ điệp của mình bằng cách nói với những người nghe rằng, “Các ngươi là dòng dõi của các đấng tiên tri, và của giao ước Đức Chúa Trời đã lập với tổ phụ chúng ta, khi Ngài phán cùng Áp-ra-ham rằng: Các dân thiên hạ sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:25). Phi E Rơ nói rõ với họ rằng một phần giáo vụ của Đấng Ky Tô là làm tròn giao ước của Đức Chúa Trời.

Chúa đã đưa ra một bài giảng tương tự cho người dân Châu Mỹ cổ đại. Tại đó, Đấng Ky Tô phục sinh đã nói cho mọi người biết họ thực sự là ai. Ngài phán:

“Các ngươi là con cháu của các tiên tri; và các ngươi thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên; và các ngươi thuộc giao ước mà Đức Chúa Cha đã lập với tổ phụ các ngươi, khi Ngài phán cùng Áp Ra Ham rằng: Nhờ dòng dõi của ngươi, mà tất cả các dân trên thế gian này đều sẽ được phước.

“Đức Chúa Cha đã dấy ta lên cho các ngươi trước nhất, rồi sai ta xuống ban phước cho các ngươi để dẫn dắt mỗi người trong các ngươi ra khỏi điều bất chính [của các ngươi]; và sở dĩ phải làm vậy là vì các ngươi là con cái của giao ước” (3 Nê Phi 20:25-26).

Anh chị em có thấy ý nghĩa của điều này không? Những ai tuân giữ các giao ước của họ với Thượng Đế sẽ trở thành những người có khả năng chống lại tội lỗi! Những ai tuân giữ các giao ước của họ sẽ có sức mạnh để chống lại ảnh hưởng liên tục của thế gian.

Hình Ảnh
người đàn ông dự tiệc thánh

Những ai tuân giữ các giao ước của họ với Thượng Đế sẽ trở thành những người có khả năng chống lại tội lỗi! Những ai tuân giữ các giao ước của họ sẽ có sức mạnh để chống lại ảnh hưởng liên tục của thế gian.

Công Việc Truyền Giáo: Chia Sẻ Giao Ước

Chúa đã truyền lệnh rằng chúng ta phải rao truyền phúc âm và chia sẻ giao ước. Đó là lý do tại sao chúng ta có những người truyền giáo. Ngài mong muốn cho mọi con cái của Ngài có cơ hội chọn phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và dấn thân vào con đường giao ước. Thượng Đế muốn kết nối tất cả mọi người với giao ước mà Ngài đã lập từ xa xưa với Áp Ra Ham.

Vì vậy, công việc truyền giáo là một phần thiết yếu của sự quy tụ vĩ đại của Y Sơ Ra Ên. Sự quy tụ đó là điều quan trọng nhất đang diễn ra trên thế gian ngày nay. Không có điều gì khác so sánh được với tính chất trọng đại của sự quy tụ. Không có điều gì khác so sánh được với tầm quan trọng của sự quy tụ. Những người truyền giáo của Chúa — các môn đồ của Ngài — đang dấn thân vào thử thách lớn nhất, chính nghĩa lớn nhất, công việc vĩ đại nhất trên trái đất ngày nay.

Nhưng còn có thêm nhiều điều khác nữa. Có một nhu cầu lớn lao để rao truyền phúc âm cho những người ở phía bên kia bức màn che. Thượng Đế muốn tất cả mọi người, cả hai bên bức màn che, được hưởng các phước lành từ giao ước của Ngài. Con đường giao ước là dành cho tất cả mọi người. Chúng tôi khẩn nài mọi người đi trên con đường đó với chúng tôi. Không có công việc nào khác mà bao gồm cả người sống lẫn người đã khuất như công việc này. Vì “Chúa thương xót tất cả những ai sẽ khẩn cầu đến thánh danh của Ngài với một tấm lòng chân thành” (Hê La Man 3:27).

Bởi vì Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đã được phục hồi, những người nữ và người nam tuân giữ giao ước có quyền tiếp cận “các chìa khóa của tất cả các phước lành thuộc linh của giáo hội” (Giáo Lý và Giao Ước 107:18; từ nhấn mạnh được thêm vào).

Tại lễ cung hiến Đền Thờ Kirtland vào năm 1836, dưới sự chỉ dẫn của Chúa, Ê Li hiện ra. Mục đích của ông ấy là gì? “Để làm cho … lòng con cái trở lại cùng cha” (Giáo Lý và Giao Ước 110:15). Ê Li A cũng hiện ra. Mục đích của ông ấy là gì? Để trao cho Joseph Smith và Oliver Cowdery “gian kỳ phúc âm của Áp Ra Ham và nói rằng, trong chúng tôi và dòng dõi chúng tôi gồm tất cả các thế hệ sau chúng tôi sẽ được phước” (Giáo Lý và Giao Ước 110:12). Do đó, Đức Thầy đã ban cho Joseph Smith và Oliver Cowdery thẩm quyền chức tư tế và quyền truyền rao những phước lành độc nhất của giao ước Áp Ra Ham cho những người khác.9

Trong Giáo Hội, cả cá nhân và tập thể chúng ta đi trên con đường giao ước. Giống như hôn nhân và gia đình chia sẻ một mối ràng buộc bình đẳng duy nhất nhằm tạo nên một tình yêu thương đặc biệt, thì mối quan hệ mới cũng được hình thành khi chúng ta tự ràng buộc mình bằng giao ước trực tiếp với Thượng Đế của chúng ta!

Đây có thể là ý của Nê Phi khi ông nói rằng Chúa “yêu thương những kẻ nào muốn chọn Ngài làm Thượng Đế của họ” (1 Nê Phi 17:40). Đây chính là lý do tại sao, như một phần của giao ước, lòng thương xót và tình yêu thương đặc biệt—hay hesed— là dành cho tất cả những ai bước vào mối quan hệ ràng buộc và mật thiết này với Thượng Đế, ngay cả “đến ngàn đời”. (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:9).

Lập giao ước với Thượng Đế thay đổi mối quan hệ của chúng ta với Ngài mãi mãi. Giao ước đó ban phước cho chúng ta thêm một phần của tình yêu thương và lòng thương xót.10 Điều này ảnh hưởng đến việc chúng ta là ai và cách Thượng Đế sẽ giúp chúng ta trở thành người chúng ta có thể trở thành. Chúng ta được hứa rằng chúng ta cũng có thể là “cơ nghiệp riêng” đối với Ngài (Thi Thiên 135:4).

Những Lời Hứa và Đặc Ân

Những ai lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng sẽ được hứa ban cho cuộc sống vĩnh cửu và sự tôn cao, “là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 14:7). Chúa Giê Su Ky Tô là người bảo đảm các giao ước đó (xin xem Hê Bơ Rơ 7:22; 8:6). Những người tuân giữ giao ước mà yêu mến Chúa và cho phép Ngài ngự trị tất cả mọi điều khác trong cuộc sống của họ, sẽ khiến cho Ngài là ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong cuộc sống của họ.

Trong thời đại của chúng ta, chúng ta có đặc ân nhận được các phước lành tộc trưởng và biết được mối liên kết của chúng ta với các tộc trưởng cổ đại. Những phước lành đó cũng cung cấp một cái nhìn thoáng qua về những gì phía trước.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su đang trò chuyện với Phi E Rơ

Nhờ giao ước của chúng ta với Thượng Đế, Ngài sẽ không bao giờ mệt mỏi trong những nỗ lực của Ngài để giúp chúng ta, và chúng ta sẽ không bao giờ làm cạn kiệt sự kiên nhẫn nhân từ của Ngài đối với chúng ta.

Lovest Thou Me More Than These? (Ngươi Yêu Ta Hơn Những Kẻ Này Chăng?), tranh do David Lindsley họa

Sự kêu gọi của chúng ta với tư cách là dân Y Sơ Ra Ên lập giao ước là đảm bảo mọi tín hữu của Giáo Hội nhận ra niềm vui và đặc ân liên quan đến việc lập giao ước với Thượng Đế. Đó là lời kêu gọi để khuyến khích mỗi người nam và người nữ, con trai và con gái tuân giữ giao ước, để chia sẻ phúc âm với những người nằm trong phạm vi ảnh hưởng của họ. Đây cũng là lời kêu gọi để hỗ trợ và khuyến khích những người truyền giáo của chúng ta, những người được gửi đến với những chỉ dẫn để làm báp têm và giúp quy tụ dân Y Sơ Ra Ên, để chúng ta cùng nhau trở thành dân của Thượng Đế và Ngài sẽ là Thượng Đế của chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:9).

Mỗi người nam và người nữ tham gia vào các giáo lễ chức tư tế, những người lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế đều được tiếp cận trực tiếp với quyền năng của Thượng Đế. Chúng ta mang lấy danh Chúa lên trên bản thân mình một cách cá nhân. Chúng ta cũng mang lấy danh Ngài với tư cách là một dân tộc. Nhiệt thành sử dụng tên chính xác của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là một cách quan trọng mà chúng ta với tư cách là một dân tộc mang lấy danh Ngài. Quả thật, mọi hành động nhân từ của Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và các tín hữu của Giáo Hội là sự thể hiện lòng thương yêu nhân từ (hesed) của Thượng Đế.

Tại sao Y Sơ Ra Ên bị phân tán? Bởi vì dân chúng đã vi phạm các lệnh truyền và ném đá các tiên tri. Một Đức Chúa Cha yêu thương nhưng đau đau buồn đáp lại bằng cách phân tán dân Y Sơ Ra Ên đi khắp nơi.11

Tuy nhiên, Ngài đã phân tán họ với một lời hứa rằng một ngày nào đó Y Sơ Ra Ên sẽ được quy tụ lại vào trong đàn chiên của Ngài.

Chi tộc Giu Đa được giao trách nhiệm chuẩn bị thế gian cho sự giáng lâm của Chúa. Từ chi tộc đó, Ma Ri được kêu gọi làm mẹ của Vị Nam tử của Thượng Đế.

Chi tộc của Giô Sép, qua các con trai của ông và Ách Nát, là Ép Ra Im và Ma Na Sê (xin xem Sáng Thế Ký 41:50-52; 46:20), được giao trách nhiệm dẫn đầu trong việc quy tụ dân Y Sơ Ra Ên, để chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Chúa.

Trong một mối quan hệ thương yêu nhân từ (hesed) vượt thời gian như vậy, việc Đức Chúa Trời muốn quy tụ dân Y Sơ Ra Ên là điều hiển nhiên. Ngài là Cha Thiên Thượng của chúng ta! Ngài muốn mỗi con cái của Ngài — ở cả hai bên bức màn che — nghe được sứ điệp về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Con Đường của Tình Yêu Thương

Con đường giao ước là con đường của tình yêu thương - tình yêu thương nhân từ (hesed) đáng kinh ngạc, sự quan tâm chăm sóc tận tụy và giúp đỡ lẫn nhau. Cảm nhận được tình yêu thương đó là sự tự do và nâng đỡ. Niềm vui lớn nhất mà anh chị em sẽ từng trải nghiệm là khi anh chị em tràn ngập tình yêu thương dành cho Thượng Đế và cho tất cả con cái của Ngài.

Việc yêu mến Thượng Đế hơn bất cứ ai hay bất cứ điều gì khác là điều kiện mang lại sự bình an, niềm an ủi, niềm tin và niềm vui thực thụ.

Trọng điểm của con đường giao ước là về mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế— mối quan hệ yêu thương nhân từ (hesed) với Ngài. Khi chúng ta lập giao ước với Thượng Đế, chúng ta đã lập giao ước với Ngài là Đấng sẽ luôn giữ lời. Ngài sẽ làm tất cả những gì có thể, không xâm phạm quyền tự quyết của chúng ta, để giúp chúng ta tuân giữ giao ước của mình.

Sách Mặc Môn bắt đầu và kết thúc với việc đề cập đến giao ước vĩnh viễn này. Từ trang tiêu đề cho đến những lời chứng cuối cùng của Mặc Môn và Mô Rô Ni, Sách Mặc Môn đề cập đến giao ước (xin xem Mặc Môn 5:20; 9:37). “Sự ra đời của Sách Mặc Môn là một dấu hiệu cho toàn thể thế gian rằng Chúa đã bắt đầu quy tụ dân Y Sơ Ra Ên và làm tròn các giao ước mà Ngài đã lập với Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp.”12

Các anh chị em thân mến của tôi, chúng ta đã được kêu gọi vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử trái đất để giảng dạy thế gian về vẻ đẹp và quyền năng của giao ước vĩnh viễn. Cha Thiên Thượng của chúng ta mặc nhiên tin tưởng chúng ta để làm công việc vĩ đại này.

Sứ điệp này cũng được đưa ra tại một cuộc họp lãnh đạo đại hội trung ương vào ngày 31 tháng 3 năm 2022.

Ghi Chú

  1. Xin xem Russell M. Nelson, “Children of the Covenant,” Ensign, tháng Năm năm 1995, trang 34.

  2. Giao ước mới và vĩnh viễn là phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều này bao gồm tất cả các giáo lễ và giao ước cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 66:2). Giao ước là “mới” bất cứ khi nào Chúa tái lập hoặc phục hồi, và giao ước là “vĩnh viễn” bởi vì giao ước này không thay đổi.

  3. Một cuộc thảo luận toàn diện về từ hesed và giao ước vĩnh cửu được tìm thấy trong God Will Prevail: Ancient Covenant, Modern Blessings, and The Gathering of Israel, Kerry Muhlestein, (2021).

  4. Trong “Special Witnesses of Christ,” Russell M. Nelson Liahona, tháng Tư năm 2001, trang 7.

  5. Từ Ích Ma Ên trong tiếng Hê Bơ Rơ có nghĩa là “Thượng Đế nghe thấy” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư “Ích Ma Ên”).

  6. “Cũng bởi đức tin mà Sa-ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành tín” (Hê Bơ Rơ 11:11).

  7. Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Y Sơ Ra Ên.”

  8. Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Peculiar”; “Hebrew and Chaldee Dictionary,” Strong’s Exhaustive Concordance of the Bible (năm 1984), trang 82, từ 5459.

  9. Xin xem Russell M. Nelson, “Thanks for the Covenant” (buổi họp đặc biệt Brigham Young University, ngày 22 tháng Mười Một, năm 1988), trang 4, speeches.byu.edu.

  10. “Mỗi giao ước với Thượng Đế là một cơ hội để đến gần ngài hơn. Đối với bất kỳ ai suy ngẫm trong giây lát về những gì họ đã cảm nhận được về tình yêu của Thượng Đế, để làm cho mối ràng buộc đó được bền chặt hơn và mối quan hệ gần gũi hơn là một lời đề nghị không thể cưỡng lại được” (Henry B. Eyring, “Making Covenants with God” [buổi họp đặc biệt Brigham Young University, ngày 8 tháng Chín, năm 1996], trang 3, speeches.byu.edu).

  11. “Chúa cũng dùng sự phân tán này của dân được chọn của Ngài trong các nước của thế gian để ban phước cho các nước đó” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Y Sơ Ra Ên,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org; cũng xin xem Gia Cốp 5:1-8, 20).

  12. Russell M. Nelson, “Tương Lai của Giáo Hội: Chuẩn Bị Thế Gian cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi,” Liahona, tháng Tư năm 2020, trang 9.

In