2020
Chia Sẻ Sứ Điệp về Sự Phục Hồi và Sự Phục Sinh
Tháng Năm 2020


Chia Sẻ Sứ Điệp về Sự Phục Hồi và Sự Phục Sinh

Sự Phục Hồi thuộc về thế gian, và sứ điệp của nó là đặc biệt cấp thiết ngày nay.

Trong suốt kỳ đại hội trung ương này, chúng ta đã nói chuyện và ca hát với niềm vui về sự ứng nghiệm của “kỳ muôn vật đổi mới” được hứa từ xưa,1 về việc “hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Ky Tô,”2 về sự trở lại của phúc âm trọn vẹn, chức tư tế, và Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trên thế gian, tất cả những điều này chúng ta tóm gọn trong tiêu đề “Sự Phục Hồi.”

Nhưng Sự Phục Hồi không chỉ dành cho những người trong chúng ta đang vui mừng trong nó ngày nay. Những sự mặc khải của Khải Tượng Thứ Nhất không phải chỉ dành cho Joseph Smith mà còn được ban cho như là sự sáng và lẽ thật cho bất cứ ai “kém khôn ngoan.”3 Sách Mặc Môn là tài sản của nhân loại. Các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao của chức tư tế được chuẩn bị cho mọi cá nhân, kể cả những người không còn sống trên trần thế nữa. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và các phước lành trong đó là dành cho tất cả những ai muốn có được chúng. Ân tứ Đức Thánh Linh được định là dành cho mọi người. Sự Phục Hồi thuộc về thế gian, và sứ điệp của nó là đặc biệt cấp thiết ngày nay.

“Vậy nên, việc tối quan trọng là làm sao phổ biến những điều này cho dân cư của thế gian, để họ biết rằng không một xác thịt nào có thể sống được trong sự hiện diện của Thượng Đế, trừ phi phải qua sự trung gian của công lao, lòng thương xót, và ân điển của Đấng Mê Si Thánh là Đấng sẽ bỏ sự sống của mình theo thể cách xác thịt, và sẽ sống lại nhờ quyền năng của Thánh Linh, ngõ hầu Ngài có thể mang lại sự phục sinh cho người chết.”4

Từ ngày anh của Vị Tiên Tri, Samuel Smith, chất đầy túi xách với những quyển Sách Mặc Môn vừa mới được in và hành trình bằng đường bộ để chia sẻ thánh thư mới, các Thánh Hữu đã lao động không ngừng nghỉ để “phổ biến những điều này cho dân cư của thế gian.”

Vào năm 1920, Anh Cả David O. McKay, lúc đó là Anh Cả thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã bắt đầu một cuộc hành trình kéo dài một năm đi thăm các phái bộ truyền giáo của Giáo Hội. Đến tháng Năm năm 1921, ông đứng trong một khu nghĩa trang nhỏ ở Fagali‘i, Samoa, trước những ngôi mộ được chăm sóc cẩn thận của ba đứa trẻ nhỏ, đứa con gái và hai đứa con trai của Thomas và Sarah Hilton. Những đứa nhỏ này—đứa lớn nhất được hai tuổi—đã chết trong khoảng thời gian Thomas và Sarah phục vụ với tư cách là cặp truyền giáo trẻ tuổi vào cuối những năm 1800.

Trước khi rời khỏi Utah, Anh Cả McKay đã hứa với Sarah, lúc này là một góa phụ, rằng ông sẽ đến thăm mộ của các con bà ở Samoa bởi vì bà chưa bao giờ có thể quay trở lại đó. Anh Cả McKay đã gửi thư cho bà, nói rằng: “Ba đứa nhỏ của chị, Chị Hilton, trong sự im lặng hùng hồn nhất … vẫn tiếp tục công việc truyền giáo cao cả được bắt đầu gần ba mươi năm về trước.” Sau đó, ông thêm vào một vần thơ của riêng mình:

Bởi bàn tay yêu thương đôi mắt chúng khép lại,

Bởi bàn tay yêu thương đôi tay nhỏ bé xếp lại,

Bởi bàn tay lạ mộ phần khiêm tốn được chỉnh trang,

Bởi người lạ chúng được tôn kính, được khóc than.5

Câu chuyện này chỉ là một trong hàng ngàn, hàng trăm ngàn câu chuyện nói lên sự hy sinh thời gian, của cải, và cuộc đời trong hơn 200 năm qua để chia sẻ sứ điệp của Sự Phục Hồi. Khát vọng của chúng ta được vươn tới mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc ngày nay vẫn không bị lu mờ như được làm chứng bởi hàng chục ngàn thiếu niên, thiếu nữ, và cặp vợ chồng hiện đang phục vụ những sự kêu gọi truyền giáo toàn thời gian, bởi các tín hữu Giáo Hội nói chung đang dội vang lời mời của Phi Líp hãy đến xem,6 và bởi hàng triệu đồng đô la được chi ra mỗi năm để hỗ trợ nỗ lực này trên khắp thế giới.

Tuy lời mời của chúng ta không ép buộc nhưng chúng ta hy vọng người nhận chúng sẽ cảm thấy được thúc giục. Để được như vậy, tôi tin rằng ít nhất phải có ba điều: thứ nhất, tình yêu thương của anh chị em; thứ hai, tấm gương của anh chị em; và thứ ba, việc anh chị em sử dụng Sách Mặc Môn.

Lời mời của chúng ta không thể là vì lợi ích cá nhân; thay vào đó, chúng phải bày tỏ tình yêu thương vô vị kỷ.7 Tình yêu thương này, được gọi là lòng bác ái, tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô, là điều chúng ta phải cầu xin. Chúng ta được mời gọi, thậm chí là truyền lệnh, phải “cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh liệt của lòng mình, để [chúng ta] được tràn đầy tình thương này.”8

Để minh chứng, tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm được Chị Lanett Ho Ching, hiện đang phục vụ cùng chồng, Chủ Tịch Francis Ho Ching, là người chủ tọa Phái Bộ Truyền Giáo Samoa Apia, thuật lại. Chị Ho Ching kể lại:

“Nhiều năm về trước, gia đình trẻ của chúng tôi dọn đến một ngôi nhà nhỏ ở Laie, Hawaii. Chỗ để xe ở nhà chúng tôi đã được cất lại thành một căn hộ một phòng, nơi một người đàn ông tên là Jonathan cư ngụ. Jonathan đã từng là hàng xóm của chúng tôi ở một chỗ khác. Cảm thấy đó không phải là một sự trùng hợp rằng Chúa đã đặt chúng tôi sống với nhau, chúng tôi đã quyết định sẽ cởi mở hơn về các sinh hoạt cùng tư cách tín hữu của mình trong Giáo Hội. Jonathan trân trọng tình bạn của chúng tôi và thích dành thời gian với gia đình chúng tôi. Anh thích học hỏi về phúc âm, nhưng không có hứng thú cam kết vào Giáo Hội.

“Theo thời gian, con cái chúng tôi gọi Jonathan là ‘Bác Jonathan.’ Gia đình chúng tôi ngày một tăng trưởng, và Jonathan ngày một hứng thú hơn với những diễn biến trong cuộc sống của chúng tôi. Những lời mời của chúng tôi đến các buổi tiệc ngày lễ, sinh nhật, sự kiện trong trường, và sinh hoạt trong Giáo Hội dần dần bao gồm luôn cả các buổi họp tối gia đình và lễ báp têm của mấy đứa trẻ.

“Một ngày nọ, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ Jonathan. Anh cần sự giúp đỡ. Anh bị tiểu đường và đã mắc phải chứng nhiễm trùng rất nặng ở chân mà bắt buộc phải cắt cụt chân. Gia đình chúng tôi và các tín hữu trong tiểu giáo khu sống gần đó đã ở bên anh qua suốt khoảng thời gian thử thách đó. Chúng tôi thay phiên nhau ở bệnh viện, và các phước lành chức tư tế đã được ban. Khi Jonathan đang trong tình trạng hồi sức, với sự giúp đỡ của các chị em Hội Phụ Nữ, chúng tôi đã quét dọn căn hộ của anh. Các anh em chức tư tế đã xây một cái bệ dốc đến cửa nhà anh và gắn tay vịn trong phòng tắm. Khi về đến nhà, Jonathan đã quá đỗi xúc động.

“Jonathan một lần nữa bắt đầu nhận những bài học của người truyền giáo. Một tuần trước khi sang năm mới, anh đã gọi tôi và hỏi: ‘Anh chị sẽ làm gì vào ngày cuối năm?’ Tôi nhắc anh nhớ về buổi tiệc hằng năm của chúng tôi. Nhưng thay vào đó, anh đáp: ‘Tôi muốn anh chị đến dự lễ báp têm của tôi! Tôi muốn bắt đầu năm mới một cách đúng đắn.’ Sau 20 năm ‘đến và xem,’ ‘đến và giúp đỡ,’ và ‘đến và ở lại,’ linh hồn quý báu này đã sẵn sàng chịu phép báp têm.

“Vào năm 2018, khi chúng tôi được kêu gọi với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo và người bạn đồng hành, sức khỏe của Jonathan đang sa sút. Chúng tôi cầu xin anh hãy cố gắng giữ sức khỏe chờ ngày chúng tôi trở về. Anh sống thêm được gần một năm nữa, nhưng Chúa đã chuẩn bị đón anh về nhà. Anh bình thản qua đời vào tháng Tư năm 2019. Các con gái của chúng tôi đã đến dự đám tang của ‘Bác Jonathan’ của chúng và hát cùng bài hát chúng tôi đã hát tại lễ báp têm của anh.”

Tôi xin giới thiệu yêu cầu thứ hai cho việc thành công chia sẻ sứ điệp của Sự Phục Hồi với câu hỏi này: điều gì sẽ làm cho lời mời của anh chị em thuyết phục đối với ai đó? Không phải đó chính là anh chị em, là tấm gương của cuộc đời anh chị em sao? Nhiều người nghe và tiếp nhận sứ điệp của Sự Phục Hồi trước hết đã bị thu hút bởi những điều họ trông thấy nơi tín hữu Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó có thể là cách người tín hữu đối xử với người khác, những điều người tín hữu nói hoặc không nói, sự kiên định người tín hữu cho thấy trong các tình huống khó khăn, hoặc đơn giản là sắc mặt của người tín hữu.9

Bất kể đó là gì đi nữa, chúng ta không thể né tránh thực tế rằng chúng ta cần phải hiểu và sống theo các nguyên tắc của phúc âm phục hồi với tất cả khả năng của mình để những lời mời của chúng ta có thể mang tính mời gọi. Điều đó ngày nay thường được gọi là tính chân thật. Nếu tình yêu thương của Đấng Ky Tô ngự trong chúng ta thì những người khác sẽ biết rằng tình yêu thương của chúng ta dành cho họ là chân thật. Nếu ánh sáng của Thánh Linh tỏa sáng trong chúng ta thì Ngài sẽ thắp lại ánh sáng của Đấng Ky Tô trong họ.10 Con người của anh chị em tạo ra tính chân thật cho lời mời của anh chị em hãy đến cảm nhận niềm vui của phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô.

Điều kiện tiên quyết thứ ba là việc thường xuyên sử dụng công cụ cải đạo mà Thượng Đế đã thiết kế cho gian kỳ phúc âm cuối cùng này, Sách Mặc Môn. Nó là bằng chứng rõ ràng về sự kêu gọi của Joseph Smith với tư cách là vị tiên tri và bằng chứng thuyết phục về thiên tính và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Lời giải thích trong sách về kế hoạch cứu chuộc của Cha Thiên Thượng chúng ta không có gì sánh bằng. Khi chia sẻ Sách Mặc Môn, anh chị em cũng đang chia sẻ Sự Phục Hồi.

Khi còn là một thiếu niên, Jason Olson được những người trong gia đình và những người khác liên tục cảnh báo không được trở thành một người Ky Tô Hữu. Tuy nhiên, anh có hai người bạn tốt đều là tín hữu Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, và họ thường xuyên thảo luận về tôn giáo. Những người bạn của anh, Shea và Dave, đã lễ phép đáp trả những lý lẽ chống lại đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô mà những người khác đã đưa ra cho Jason. Cuối cùng, họ đã đưa cho anh một quyển Sách Mặc Môn và nói: “Quyển sách này sẽ trả lời các câu hỏi của anh. Xin hãy đọc nó.” Anh miễn cưỡng nhận quyển sách và bỏ vào trong túi xách, và quyển sách nằm trong đó suốt nhiều tháng liền. Anh không muốn bỏ sách ở nhà nơi gia đình anh có thể nhìn thấy, và cũng không muốn làm Shea và Dave thất vọng nếu đem trả lại quyển sách. Cuối cùng, anh chọn lấy giải pháp là đốt sách.

Vào một đêm nọ, với một tay cầm bật lửa và tay kia cầm quyển Sách Mặc Môn, anh vừa định châm lửa đốt sách thì chợt nghe một tiếng nói trong tâm trí rằng: “Đừng đốt sách của ta.” Giật mình, anh dừng lại. Sau đó, nghĩ rằng tiếng nói đó chỉ là tưởng tượng, anh định một lần nữa châm lửa. Một lần nữa, tiếng nói phán cùng tâm trí anh: “Hãy đi vào phòng mình và đọc sách của ta.” Jason cất bật lửa đi, quay trở lại phòng mình, mở Sách Mặc Môn, và bắt đầu đọc. Anh tiếp tục đọc ngày này qua ngày khác, thường đến tận sáng sớm. Khi đã đọc hết quyển sách và cầu nguyện, Jason ghi lại: “Tôi được tràn đầy Thánh Linh từ đỉnh đầu xuống đến lòng bàn chân. … Tôi cảm thấy tràn trề ánh sáng. … Đó là kinh nghiệm vui sướng nhất tôi từng có trong đời mình.” Anh đã tìm kiếm phép báp têm và về sau chính anh đã trở thành một người truyền giáo.

Có lẽ, hiển nhiên rằng tuy với tình yêu thương chân thật và sự chân thành, nhiều, nếu không phải là đa số, những lời mời của chúng ta để chia sẻ sứ điệp của Sự Phục Hồi sẽ bị từ chối. Nhưng hãy nhớ lấy điều này: mỗi người đều xứng đáng nhận lời mời như vậy—“tất cả mọi người … đều như nhau trước mặt Thượng Đế”;11 Chúa hài lòng với mọi nỗ lực chúng ta đưa ra, bất chấp kết quả; một lời mời bị từ chối không phải là lý do để kết thúc mối quan hệ của chúng ta; và việc thiếu hứng thú hôm nay có thể trở thành sự hứng thú ngày hôm sau. Dù thế nào đi nữa, tình yêu thương của chúng ta không thay đổi.

Chúng ta hãy đừng bao giờ quên rằng Sự Phục Hồi là kết quả của một sự thử thách khắc nghiệt và sự hy sinh. Đó là chủ đề nói chuyện cho một ngày khác. Hôm nay, chúng ta hân hoan trong trái của Sự Phục Hồi, và một trong số những trái vượt trội hơn hẳn là quyền năng để một lần nữa ràng buộc trên thế gian và trên thiên thượng.12 Như được Chủ Tịch Gordon B. Hinckley bày tỏ nhiều năm về trước: “Nếu không có gì có được từ tất cả những nỗi đau khổ và khó nhọc và đau đớn của sự phục hồi ngoài quyền năng gắn bó của chức tư tế thánh ràng buộc các gia đình lại với nhau cho thời vĩnh cửu thì nó vẫn đáng tất cả những gì đã trả.”13

Lời hứa tối thượng của Sự Phục Hồi là sự cứu chuộc qua Chúa Giê Su Ky Tô. Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô là bằng chứng rằng Ngài, trên thực tế, sở hữu quyền năng để cứu chuộc tất cả những ai sẽ đến cùng Ngài—cứu chuộc họ khỏi sự đau khổ, sự bất công, sự hối hận, tội lỗi, và thậm chí cái chết. Hôm nay là ngày Chủ Nhật Lễ Lá; một tuần sau sẽ là lễ Phục Sinh. Chúng ta tưởng nhớ, chúng ta luôn luôn tưởng nhớ, đến nỗi thống khổ và cái chết của Đấng Ky Tô để chuộc tội lỗi cho chúng ta, và chúng ta ăn mừng ngày Chủ Nhật đó, tuyệt vời nhất trong các ngày Chủ Nhật, ngày của Chúa, tức là ngày Ngài sống dậy từ cái chết. Nhờ Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô mà Sự Phục Hồi có ý nghĩa, cuộc sống trần thế của chúng ta có ý nghĩa, và trên tất cả, sự tồn tại của chính chúng ta có ý nghĩa.

Joseph Smith, vị tiên tri vĩ đại của Sự Phục Hồi, đã đưa ra chứng ngôn tổng quát cho thời kỳ của chúng ta về Đấng Ky Tô phục sinh: “Rằng Ngài hằng sống! Vì chúng tôi đã trông thấy Ngài, ngay cả ở bên tay phải của Thượng Đế.”14 Tôi khiêm nhường thêm lời chứng của mình vào cùng lời chứng của Joseph và của các vị sứ đồ và tiên tri trước ông và các vị sứ đồ và tiên tri kế nhiệm ông, rằng Chúa Giê Su xứ Na Xa Rét là Đấng Mê Si được hứa, Con Độc Sinh của Thượng Đế, và Đấng Cứu Chuộc phục sinh của tất cả nhân loại.

“Chúng tôi làm chứng rằng những người nào thành tâm nghiên cứu sứ điệp về Sự Phục Hồi và hành động với đức tin thì sẽ được phước để có được lời chứng ​của mình về tính chất thiêng liêng và mục đích của nó để chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm đã được hứa của Đấng Cứu Rỗi và Chúa Giê Su Ky Tô.”15 Sự Phục Sinh của Đấng Ky Tô làm chắc chắn những lời hứa của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.