2020
Phước Lành của Sự Mặc Khải Liên Tục Ban cho Các Vị Tiên Tri và Sự Mặc Khải Ban cho Cá Nhân để Hướng Dẫn Cuộc Sống của Chúng Ta
Tháng Năm 2020


Phước Lành của Sự Mặc Khải Liên Tục Ban cho Các Vị Tiên Tri và Sự Mặc Khải Ban cho Cá Nhân để Hướng Dẫn Cuộc Sống của Chúng Ta

Sự mặc khải liên tục đã và đang được tiếp nhận qua những giao tiếp mà Chúa đã thiết lập.

Hôm nay, tôi sẽ nói về sự mặc khải liên tục ban cho các vị tiên tri và sự mặc khải liên tục ban cho cá nhân để hướng dẫn cuộc sống của chúng ta.

Đôi khi chúng ta nhận được sự mặc khải ngay cả khi chúng ta không biết mục đích của Chúa. Không lâu trước khi Anh Cả Jeffrey R. Holland được kêu gọi làm Sứ Đồ vào tháng Sáu năm 1994, tôi đã có một kinh nghiệm mặc khải tuyệt vời rằng anh ấy sẽ được kêu gọi. Tôi là một người đại diện khu vực và không thể thấy lý do gì mà tôi lại được ban cho sự hiểu biết đó. Nhưng chúng tôi là bạn đồng hành khi còn là những người truyền giáo trẻ tuổi ở Anh vào đầu thập niên 1960, và tôi rất yêu mến anh ấy. Tôi coi kinh nghiệm đó như là lòng thương xót dịu dàng dành cho tôi. Trong những năm gần đây, tôi đã tự hỏi liệu Chúa có đang chuẩn bị cho tôi trở thành một vị thẩm quyền ít thâm niên hơn trong Nhóm Túc Số Mười Hai đối với một người bạn đồng hành truyền giáo tuyệt diệu ít thâm niên hơn tôi khi chúng tôi còn là những người truyền giáo trẻ tuổi không.1 Đôi khi tôi cảnh báo những người truyền giáo trẻ tuổi phải tử tế với những người bạn đồng hành ít thâm niên hơn vì họ không bao giờ biết là khi nào những người này có thể là bạn đồng hành thâm niên hơn họ.

Tôi có một chứng ngôn chắc chắn rằng Giáo Hội phục hồi này được Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, lãnh đạo. Ngài biết kêu gọi ai là Các Sứ Đồ của Ngài và kêu gọi họ theo thứ tự nào. Ngài cũng biết cách chuẩn bị Vị Sứ Đồ thâm niên của Ngài để trở thành vị tiên tri và Chủ Tịch của Giáo Hội.

Sáng nay, chúng ta được phước để nghe vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đưa ra một bản tuyên ngôn trọng đại cùng thế giới liên quan đến Sự Phục Hồi phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô đánh dấu hai trăm năm.2 Bản tuyên ngôn trọng đại này của Chủ Tịch Nelson đã nói rõ rằng Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô có nguồn gốc, sự tồn tại và hướng đi cho tương lai theo nguyên tắc của sự mặc khải liên tục. Bản tuyên ngôn mới này tiêu biểu cho sự giao tiếp của Đức Chúa Cha nhân từ với con cái của Ngài.

Hồi xưa, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã bày tỏ những cảm nghĩ mà tôi có ngày hôm nay. Ông đã nói: “Trong tất cả mọi điều, điều mà chúng ta nên biết ơn nhất là các tầng trời quả thực đã được mở ra và giáo hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô được thành lập trên đá của sự mặc khải. Sự mặc khải liên tục quả thực vô cùng thiết yếu cho phúc âm của Chúa hằng sống và Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.”3

Tiên tri Hê Nóc đã thấy trước thời kỳ chúng ta đang sống. Chúa đã thừa nhận với Hê Nóc về sự tà ác khủng khiếp mà sẽ lan khắp và đã tiên tri về những “gian truân lớn lao” mà sẽ xảy đến. Tuy nhiên, Chúa đã hứa: “Nhưng ta sẽ gìn giữ dân của ta.4 Và ta sẽ gửi sự ngay chính từ trên trời xuống; và ta sẽ gửi lẽ thật đến thế gian, để làm chứng cho Con Độc Sinh của ta.”5

Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã giảng dạy một cách hùng hồn rằng Sách Mặc Môn, nền tảng của tôn giáo chúng ta, đã ra từ bụi đất để làm ứng nghiệm lời phán của Chúa cùng Hê Nóc. Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử cùng các thiên sứ và các vị tiên tri hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith đã “được thiên thượng hướng dẫn để phục hồi các quyền năng cần thiết cho vương quốc.”6

Tiên Tri Joseph Smith đã liên tục nhận được nhiều điều mặc khải. Một số điều mặc khải đã được đề cập trong đại hội này. Nhiều điều mặc khải mà Tiên Tri Joseph nhận được đã được gìn giữ cho chúng ta trong sách Giáo Lý và Giao Ước. Tất cả các tác phẩm tiêu chuẩn của Giáo Hội đều chứa đựng ý định và ý muốn của Chúa dành cho chúng ta trong gian kỳ sau cùng này.7

Ngoài những thánh thư cơ bản quan trọng này ra, chúng ta còn được ban phước với sự mặc khải liên tục được ban cho các vị tiên tri tại thế. Các vị tiên tri là “những người đại diện được ủy quyền của Chúa, được cho phép để nói thay Ngài.”8

Một số điều mặc khải có tầm quan trọng lớn, và những điều mặc khải khác nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về các lẽ thật thiêng liêng thiết yếu và mang đến sự hướng dẫn cho thời kỳ của chúng ta.9

Chúng ta vô cùng biết ơn về điều mặc khải được ban cho Chủ Tịch Spencer W. Kimball để mở rộng chức tư tế và các phước lành đền thờ cho tất cả các nam tín hữu xứng đáng của Giáo Hội vào tháng Sáu năm 1978.10

Tôi đã phục vụ với nhiều vị trong Nhóm Túc Số Mười Hai là những người có mặt và tham gia khi điều mặc khải quý giá đó được tiếp nhận. Khi nói chuyện riêng với tôi, mỗi người trong số họ đã xác nhận sự hướng dẫn thuộc linh mạnh mẽ và đoàn kết mà Chủ Tịch Kimball và họ đều đã nhận được. Nhiều người nói rằng đó là điều mặc khải mạnh mẽ nhất mà họ đã nhận được trước hoặc sau thời gian đó.11

Những người trong số chúng tôi hiện đang phục vụ trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã được ban phước trong thời kỳ của mình vì những điều mặc khải quan trọng đã đến qua các vị tiên tri gần đây.12 Chủ Tịch Russell M. Nelson là một người đại diện đã được ủy quyền của Chúa đặc biệt liên quan đến những điều mặc khải để giúp các gia đình xây đắp đức tin trong nhà của họ, quy tụ Y Sơ Ra Ên đã bị phân tán ở cả hai bên bức màn che, và ban phước cho các tín hữu đã được làm lễ thiên ân trong các vấn đề về giáo lễ đền thờ thiêng liêng.

Khi những thay đổi quan trọng để ban phước cho gia đình của chúng ta được công bố tại đại hội trung ương tháng Mười năm 2018, tôi đã làm chứng “rằng trong những cuộc thảo luận của Hội Đồng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ ở trong đền thờ, … sau khi vị tiên tri yêu dấu của chúng ta đã khẩn cầu Chúa ban cho điều mặc khải … , thì tất cả mọi người đều đã nhận được sự xác nhận hùng hồn.”13

Vào thời điểm đó, những điều mặc khải khác liên quan đến các giáo lễ đền thờ thiêng liêng đã được tiếp nhận nhưng không được công bố hoặc thực hiện.14 Sự hướng dẫn này đã bắt đầu với điều mặc khải dành riêng cho cá nhân vị tiên tri, Chủ Tịch Russell M. Nelson, và sự xác nhận dịu dàng lẫn mạnh mẽ cho những người tham gia vào tiến trình này. Chủ Tịch Nelson đã đặc biệt mời các chị em phụ nữ tham gia. Họ là những người chủ tọa các tổ chức Hội Phụ Nữ, Hội Thiếu Nữ và Hội Thiếu Nhi. Sự hướng dẫn cuối cùng, trong đền thờ, cho Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ thật là thiêng liêng và mạnh mẽ. Mỗi người chúng tôi đều biết là mình đã nhận được ý định, ý muốn và tiếng nói của Chúa.15

Tôi long trọng tuyên bố rằng sự mặc khải liên tục đã và đang được tiếp nhận qua những giao tiếp mà Chúa đã thiết lập. Tôi làm chứng rằng bản tuyên ngôn mới mà Chủ Tịch Nelson đưa ra sáng nay là một điều mặc khải để ban phước cho tất cả mọi người.

Chúng Tôi Đưa Ra Lời Mời Tất Cả Hãy Đến Bàn Tiệc của Chúa

Chúng tôi cũng tuyên bố ước muốn chân thành được kết hợp lại với những người đang vật lộn với những chứng ngôn của họ, đã kém tích cực, hoặc đã yêu cầu xóa tên của họ khỏi hồ sơ của Giáo Hội. Chúng tôi mong muốn được cùng với anh chị em nuôi dưỡng “lời của Đấng Ky Tô,” tại bàn tiệc của Chúa, để tìm hiểu những điều chúng ta đều nên làm.16 Chúng tôi cần anh chị em! Giáo Hội cần anh chị em! Chúa cần anh chị em! Chúng tôi chân thành cầu nguyện rằng anh chị em sẽ cùng với chúng tôi thờ phượng Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Chúng tôi biết rằng một số anh chị em có thể đã bị xúc phạm, bị đối xử không tử tế hoặc gặp những hành vi khác với hành vi của Đấng Ky Tô. Chúng tôi cũng biết rằng một số người đã có những thử thách đối với đức tin của họ mà có thể không được người khác hoàn toàn hiểu rõ, thông cảm hoặc giải quyết.

Một số tín hữu kiên quyết và trung thành nhất của chúng ta đã phải chịu một thử thách đối với đức tin của họ trong một thời gian. Tôi ưa thích câu chuyện có thật về W. W. Phelps, là người đã rời bỏ Giáo Hội và làm chứng chống lại Tiên Tri Joseph Smith tại tòa án Missouri. Sau khi hối cải, ông ấy đã viết cho Joseph: “Tôi biết tình trạng của tôi, anh cũng biết, và Thượng Đế cũng biết và tôi muốn được cứu nếu bạn bè của tôi chịu giúp đỡ tôi.”17 Joseph đã tha thứ cho ông ấy, cho ông trở lại làm việc và viết cho ông với lời lẽ đầy yêu thương: “Lúc đầu là bạn, thì lúc cuối cũng vẫn là bạn.”18

Thưa anh chị em, bất kể tình trạng của anh chị em như thế nào đi nữa thì xin hãy biết rằng Giáo Hội và các tín hữu Giáo Hội cũng vẫn sẽ chào mừng anh chị em trở lại!

Sự Mặc Khải Ban cho Cá Nhân để Hướng Dẫn Cuộc Sống của Chúng Ta

Sự mặc khải cá nhân có sẵn cho tất cả những người khiêm nhường tìm kiếm sự hướng dẫn từ Chúa. Sự mặc khải này cũng quan trọng như sự mặc khải ban cho vị tiên tri. Sự mặc khải thiêng liêng ban cho cá nhân từ Đức Thánh Linh đã dẫn đến hàng triệu người nhận được chứng ngôn cần thiết để chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Sự mặc khải cá nhân là phước lành tuyệt vời nhận được sau phép báp têm khi chúng ta được “thánh hóa nhờ thụ nhận Đức Thánh Linh.”19 Tôi có thể nhớ được một điều mặc khải thiêng liêng đặc biệt khi tôi 15 tuổi. Người anh trai yêu quý của tôi đã tìm kiếm sự hướng dẫn từ Chúa về cách ứng xử với người cha thân yêu của chúng tôi mà đã không muốn anh tôi phục vụ truyền giáo. Tôi cũng đã cầu nguyện với ý định chân thành và đã nhận được sự mặc khải cá nhân về lẽ trung thực của phúc âm.

Vai Trò của Đức Thánh Linh

Sự mặc khải cá nhân được dựa vào các lẽ thật thuộc linh nhận được từ Đức Thánh Linh.20 Đức Thánh Linh là Đấng mặc khải và làm chứng về tất cả lẽ thật, nhất là về Đấng Cứu Rỗi. Nếu không có Đức Thánh Linh, thì chúng ta không thể thực sự biết rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Vai trò trọng đại của Ngài là làm chứng về Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con cùng các tước hiệu và vinh quang của hai Ngài.

Đức Thánh Linh có thể ảnh hưởng đến mọi người một cách mạnh mẽ.21 Ảnh hưởng này sẽ không được liên tục trừ khi một người chịu phép báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh cũng là Đấng thanh tẩy trong tiến trình hối cải và tha thứ.

Thánh Linh giao tiếp theo những cách thức kỳ diệu. Chúa đã dùng lời mô tả tuyệt mỹ này:

“Ta sẽ nói trong trí của ngươi và trong tâm của ngươi bởi Đức Thánh Linh, là Đấng sẽ đến với ngươi và sẽ ngự trong tâm ngươi.

“Giờ đây, này, đây là tinh thần mặc khải.”22

Mặc dù tác động của Thánh Linh có thể cực kỳ mạnh mẽ, nhưng nó thường đến một cách lặng lẽ như một giọng nói êm ái, nhỏ nhẹ.23 Thánh thư bao gồm nhiều ví dụ về cách Thánh Linh ảnh hưởng đến tâm trí của chúng ta, kể cả lời phán bình an cho tâm trí chúng ta,24 chiếm tâm trí chúng ta,25 soi sáng tâm trí chúng ta,26 và thậm chí là tiếng nói đến với tâm trí chúng ta.27

Một số nguyên tắc mà chuẩn bị cho chúng ta để tiếp nhận sự mặc khải gồm có:

  • Cầu nguyện để có được sự hướng dẫn thiêng liêng. Chúng ta cần phải nghiêm trang, khiêm nhường, tìm kiếm, cầu xin28 và kiên nhẫn cùng dễ phục tùng.29

  • Chuẩn bị cho sự soi dẫn. Việc này đòi hỏi chúng ta phải hòa hợp với những lời giảng dạy của Chúa và tuân theo những lệnh truyền của Ngài.

  • Dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng. Khi làm như vậy, chúng ta làm chứng và giao ước với Thượng Đế rằng chúng ta tình nguyện mang danh của Vị Nam Tử Thánh của Ngài và rằng chúng ta tưởng nhớ đến Ngài, và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

Những nguyên tắc này chuẩn bị cho chúng ta tiếp nhận, nhận ra và tuân theo sự thúc giục và hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Việc này gồm có “những điều bình an … đem lại sự vui mừng và …cuộc sống vĩnh cửu.”30

Sự chuẩn bị phần thuộc linh của chúng ta được gia tăng đáng kể khi chúng ta thường xuyên nghiên cứu thánh thư và các lẽ thật của phúc âm cùng suy ngẫm trong tâm trí mình sự hướng dẫn mà chúng ta tìm kiếm. Nhưng hãy nhớ phải kiên nhẫn và tin cậy vào kỳ định của Chúa. Sự hướng dẫn được Chúa toàn tri ban cho khi Ngài “chủ ý chọn dạy dỗ chúng ta.”31

Sự Mặc Khải trong Những Chức Vụ Kêu Gọi và Những Nhiệm Vụ Chỉ Định của Chúng Ta

Đức Thánh Linh cũng sẽ ban cho sự mặc khải trong những chức vụ kêu gọi và nhiệm vụ chỉ định của chúng ta. Theo kinh nghiệm của tôi, sự hướng dẫn thuộc linh quan trọng thường đến khi chúng ta đang cố gắng ban phước cho người khác trong việc làm tròn các trách nhiệm của mình.

Tôi có thể nhớ lại khi còn là một giám trợ trẻ tuổi nhận được một cú điện thoại đầy tuyệt vọng từ một cặp vợ chồng chỉ một thời gian ngắn trước khi tôi phải đáp máy bay đi vì công việc kinh doanh. Tôi khẩn cầu với Chúa trước khi họ đến để biết làm thế nào tôi có thể ban phước cho họ. Tôi đã được cho biết về nội dung của vấn đề và sự đáp ứng tôi nên đưa ra. Sự hướng dẫn đầy mặc khải đó đã cho phép tôi làm tròn các trách nhiệm thiêng liêng của chức vụ kêu gọi của tôi với tư cách là giám trợ mặc dù thời gian tôi có rất giới hạn. Các giám trợ trên toàn thế giới cũng chia sẻ những kinh nghiệm tương tự với tôi. Là một chủ tịch giáo khu, tôi không chỉ đã nhận được sự mặc khải quan trọng mà còn nhận được sự sửa đổi cá nhân cần thiết để hoàn thành các mục đích của Chúa.

Tôi cam đoan với anh chị em rằng mỗi người chúng ta đều có thể nhận được sự hướng dẫn đầy mặc khải khi chúng ta khiêm nhường làm việc trong vườn nho của Chúa. Hầu hết sự hướng dẫn cho chúng ta đến từ Đức Thánh Linh. Đôi khi và vì một số mục đích nào đó, sự hướng dẫn đến trực tiếp từ Chúa. Cá nhân tôi làm chứng rằng điều này là có thật. Sự hướng dẫn cho toàn thể Giáo Hội đến với Chủ Tịch và vị tiên tri của Giáo Hội.

Chúng tôi, với tư cách là Các Sứ Đồ hiện nay, đã có đặc ân làm việc và hành trình đây đó với vị tiên tri hiện tại của chúng ta, Chủ Tịch Nelson. Tôi nhắc lại lời của Wilford Woodruff đã nói về Tiên Tri Joseph Smith; lời đó cũng đúng với Chủ Tịch Nelson. Tôi đã nhìn thấy “những tác động của Thánh Linh của Thượng Đế với ông ta, và những điều mặc khải của Chúa Giê Su Ky Tô ban cho ông và sự ứng nghiệm của những điều mặc khải đó.”32

Hôm nay, tôi khiêm nhường khẩn nài mỗi người chúng ta nên tìm kiếm sự mặc khải liên tục để hướng dẫn cuộc sống của chúng ta và tuân theo Thánh Linh trong khi chúng ta thờ phượng Thượng Đế Đức Chúa Cha trong danh của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng mà tôi làm chứng trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Vào năm 1960, khi độ tuổi phục vụ truyền giáo cho thanh niên hạ từ 20 xuống còn 19 tuổi, tôi là một trong những người cuối cùng của đợt 20 tuổi; Anh Cả Jeffrey R. Holland là một trong những người đầu tiên của đợt 19 tuổi.

  2. Xin xem “Sự Phục Hồi Phúc Âm Trọn Vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô: Bản Tuyên Ngôn Kỷ Niệm Hai Trăm Năm cùng Thế Giới,” trong Russell M. Nelson, “Hãy Nghe Lời Người,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 91. Bản tuyên ngôn này cùng với năm bản tuyên ngôn khác đã được công bố trong gian kỳ này bởi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

  3. Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball (năm 2006), trang 243; xin xem thêm Ma Thi Ơ 16:13–19.

  4. Môi Se 7:61.

  5. Môi Se 7:62. Chúa phán tiếp: “Và ta sẽ làm cho sự ngay chính và lẽ thật quét qua thế gian như một trận lụt, để quy tụ dân chọn lọc của ta, từ bốn phương trời của thế gian” (Môi Se 7:62; xin xem thêm Thi Thiên 85:11).

  6. Ezra Taft Benson, “The Gift of Modern Revelation,” Ensign, tháng Mười Một năm 1986, trang 80.

  7. Xin xem Ezra Taft Benson, “The Gift of Modern Revelation,” trang 80.

  8. Hugh B. Brown, “Joseph Smith among the Prophets” (Bài Giảng Tưởng Niệm Joseph Smith Hằng Năm Lần Thứ Mười Sáu, Viện Tôn Giáo Logan, ngày 7 tháng Mười Hai năm 1958), trang 7.

  9. Xin xem Hugh B. Brown, “Joseph Smith among the Prophets,” trang 7. Trong mọi trường hợp, những điều mặc khải phù hợp với lời của Thượng Đế ban cho các tiên tri thời trước.

  10. Xin xem Bản Tuyên Ngôn 2; xin xem thêm 2 Nê Phi 26:33. Điều mặc khải đã thực hiện giáo lý được nêu ra trong Sách Mặc Môn rằng “tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế,” bao gồm “da đen và da trắng, nô lệ và tự do, nam và nữ” (2 Nê Phi 26:33). Điều mặc khải nổi bật này đã được Hội Đồng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nhận được và được xác nhận trong căn phòng thiêng liêng trên lầu của Đền thờ Salt Lake.

  11. Nhiều Sứ Đồ cho biết rằng điều mặc khải này mạnh mẽ và thiêng liêng đến nỗi không có đủ lời nào được sử dụng để mô tả và, trong vài phương diện, sẽ làm giảm bớt tính chất sâu sắc và mạnh mẽ của điều mặc khải này.

  12. Xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 145. Bản tuyên ngôn này đã được Chủ Tịch Gordon B. Hinckley công bố tại buổi họp Hội Phụ Nữ trung ương được tổ chức vào ngày 23 tháng Chín năm 1995, ở Salt Lake City, Utah. Xin xem thêm Thomas S. Monson, “Xin Chào Mừng Các Anh Chị Em Đến Tham Dự Đại Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 4–5. Chủ Tịch Monson loan báo sẽ hạ độ tuổi cần thiết để phục vụ truyền giáo.

  13. Quentin L. Cook, “Sự Cải Đạo Sâu Đậm và Lâu Dài theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 11.

  14. Những điều mặc khải liên quan đến các giáo lễ đền thờ thiêng liêng đã được thực hiện trong tất cả mọi đền thờ bắt đầu vào ngày 1 tháng Một năm 2019. Điều quan trọng là phải hiểu rằng các chi tiết cụ thể về các giáo lễ đền thờ chỉ được thảo luận trong đền thờ mà thôi. Tuy nhiên, các nguyên tắc đã được giảng dạy. Anh Cả David A. Bednar đã giảng dạy rất xuất sắc về ý nghĩa của các giao ước và các giáo lễ đền thờ và làm thế nào mà qua đó “quyền năng của sự tin kính có thể tuôn chảy vào cuộc sống chúng ta” (“Một Ngôi Nhà cho Danh Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 86).

  15. Tiến trình này và các buổi họp được tổ chức đã diễn ra trong Đền Thờ Salt Lake vào tháng Một, tháng Hai, tháng Ba và tháng Tư năm 2018. Điều mặc khải cuối cùng ban cho Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai là vào ngày 26 tháng Tư năm 2018.

  16. Xin xem 2 Nê Phi 32:3.

  17. Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 1, The Standard of Truth, 1815–1846 (Năm 2018), trang 418.

  18. Saints, 1:418.

  19. 3 Nê Phi 27:20.

  20. Đức Thánh Linh là một Đấng trong Thiên Chủ Đoàn (xin xem 1 Giăng 5:7; Giáo Lý và Giao Ước 20:28). Ngài có một thể xác thuộc linh trong hình dạng và giống như của con người (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 130:22). Ảnh hưởng của Ngài có thể ở khắp mọi nơi. Ngài được hợp nhất trong mục đích với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

  21. Để am hiểu Ánh Sáng của Đấng Ky Tô và sự khác biệt giữa Ánh Sáng của Đấng Ky Tô với Đức Thánh Linh, xin xem 2 Nê Phi 32; Giáo Lý và Giao Ước 88:7, 11–13; “Ánh Sáng của Đấng Ky Tô,” Bible Dictionary. Xin xem thêm, Boyd K. Packer, “Ánh Sáng của Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Tư năm 2005, trang 8–14.

  22. Giáo Lý và Giao Ước 8:2-3.

  23. Xin xem Hê La Man 5:30; Giáo Lý và Giao Ước 85:6.

  24. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:23.

  25. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 128:1.

  26. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 11:13.

  27. Xin xem Ê Nót 1:10.

  28. Xin xem Ma Thi Ơ 7:7–8.

  29. Xin xem Mô Si A 3:19.

  30. Giáo Lý và Giao Ước 42:61.

  31. Neal A. Maxwell, All These Things Shall Give Thee Experience (năm 2007), trang 31.

  32. Wilford Woodruff, trong Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 283.