2020
Hiệp Một trong Công Việc của Thượng Đế
Tháng Năm 2020


Hiệp Một trong Công Việc của Thượng Đế

Cách thức hiệu quả nhất để đạt được tiềm năng thiêng liêng của chúng ta là làm việc cùng với nhau, và được ban phước với quyền năng và thẩm quyền của chức tư tế.

Các anh chị em thân mến của tôi, thật là một niềm vui được nhóm họp cùng với anh chị em. Dù anh chị em đang lắng nghe ở bất kỳ đâu, tôi muốn ôm lấy các chị em tôi và nồng nhiệt bắt tay các anh em của mình. Chúng ta là một trong công việc của Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi nghĩ về A Đam và Ê Va, thường thì ý nghĩ đầu tiên của chúng ta là về cuộc sống điền viên của họ trong Vườn Ê Đen. Tôi tưởng tượng rằng tiết trời thì luôn hoàn hảo—không quá nóng và không quá lạnh—và các loại rau củ quả tươi ngon, phong phú mọc xung quanh để họ có thể ăn bất cứ lúc nào họ thích. Bởi vì đây là một thế giới mới đối với họ, có nhiều điều để khám phá, nên mỗi ngày đều thật thú vị khi họ tiếp xúc với muôn thú và khám phá quang cảnh đẹp đẽ xung quanh. Họ cũng được ban cho các lệnh truyền để tuân giữ và có những cách khác nhau để thực hiện các chỉ thị đó, mà đã đưa đến một chút lo lắng và hoang mang ban đầu.1 Nhưng khi họ đưa ra quyết định mà đã mãi mãi thay đổi cuộc sống của họ, thì họ học cách làm việc cùng nhau và trở nên hiệp một để đạt được các mục đích mà Thượng Đế có cho họ—và cho tất cả các con cái của Ngài.

Bây giờ hãy hình dung hai người họ trong cuộc sống trần thế. Họ phải lao nhọc để có thức ăn, một số con thú còn xem họ là thức ăn của chúng, và có những thử thách khó khăn mà chỉ có thể vượt qua khi họ cùng nhau bàn bạc và cầu nguyện. Tôi tưởng tượng rằng có ít nhất vài lần họ có ý kiến khác nhau về cách giải quyết những thử thách đó. Tuy nhiên, qua Sự Sa Ngã, họ đã học được rằng điều thiết yếu là phải hành động trong tình đoàn kết và yêu thương. Với sự dạy dỗ mà họ nhận được từ Thượng Đế, họ học về kế hoạch cứu rỗi và các nguyên tắc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà đã làm cho kế hoạch này tiến hành được. Bởi vì họ hiểu rằng mục đích trần thế và mục tiêu vĩnh cửu của họ là như nhau, họ tìm được sự hài lòng và thành công trong việc học cách lao nhọc cùng nhau trong tình yêu thương và sự ngay chính.

Hình Ảnh
A Đam và Ê Va dạy dỗ con cái của mình

Khi có con cái, A Đam và Ê Va đã dạy cho gia đình mình điều mà họ đã học được từ các sứ giả thiên thượng. Họ tập trung vào việc giúp con cái mình cũng hiểu và yêu mến các nguyên tắc mà sẽ giúp chúng hạnh phúc trong cuộc sống này, cũng như được chuẩn bị để quay về với cha mẹ thiên thượng sau khi phát triển các khả năng của chúng và chứng tỏ sự vâng lời của chúng với Thượng Đế. Trong quá trình đó, A Đam và Ê Va học cách trân trọng những thế mạnh khác nhau của mỗi người và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc có tầm quan trọng vĩnh cửu của họ.2

Khi hàng trăm năm và rồi hàng ngàn năm trôi qua, những đóng góp phụ thuộc lẫn nhau đầy soi dẫn của người nam và người nữ trở nên bị lu mờ bởi những thông tin và những hiểu biết sai lầm. Trong suốt thời gian từ sự khởi đầu kỳ diệu trong Vườn Ê Đen cho đến thời điểm bây giờ, kẻ nghịch thù đã khá thành công trong mục tiêu chia rẽ người nam và người nữ trong các nỗ lực của hắn để chiếm đoạt linh hồn chúng ta. Lu Xi Phe biết rằng nếu hắn có thể hủy hoại cảm giác đoàn kết giữa người nam và người nữ, làm chúng ta lẫn lộn về giá trị thiêng liêng và các trách nhiệm trong giao ước của chúng ta, thì hắn sẽ thành công trong việc hủy hoại các gia đình, là đơn vị thiết yếu của sự vĩnh cửu.

Sa Tan kích động tính so bì như một công cụ để tạo ra các cảm nghĩ hơn thua, giấu đi lẽ thật vĩnh cửu rằng những sự khác biệt tự nhiên giữa nam và nữ là do Thượng Đế quy định và có giá trị ngang nhau. Hắn cố gắng hạ thấp những đóng góp của phụ nữ, cả ở trong gia đình lẫn bên ngoài xã hội, do đó, làm giảm đi ảnh hưởng tốt lành đầy tính khích lệ của họ. Mục đích của hắn là để cổ xúy cho sự ganh đua quyền lực thay vì tán dương những đóng góp riêng của người nam và người nữ mà giúp bổ sung cho nhau và góp phần vào sự đoàn kết.

Vì thế, qua nhiều năm ở khắp thế giới, sự hiểu biết trọn vẹn về những đóng góp và trách nhiệm tuy khác nhau nhưng phụ thuộc lẫn nhau của người nam và người nữ đã gần như biến mất. Phụ nữ trong nhiều xã hội trở nên phục tùng đàn ông thay vì là những người cộng sự bình đẳng, những công việc của họ bị giới hạn trong một phạm vi hẹp. Sự tiến triển thuộc linh chậm hẳn lại trong những thời kỳ đen tối đó; thật vậy, chỉ có chút ít ánh sáng thuộc linh có thể xuyên thấu tâm trí và tấm lòng của những người chìm sâu trong truyền thống thống trị đó.

Và rồi ánh sáng của phúc âm phục hồi tỏa chiếu “sáng hơn cả ánh sáng mặt trời”3 khi Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hiện ra với thiếu niên Joseph Smith vào đầu mùa xuân năm 1820 trong khu rừng thiêng liêng ở phía bắc New York. Sự kiện đó bắt đầu cho vô vàn sự mặc khải hiện đại tuôn tràn từ thiên thượng. Một trong những yếu tố đầu tiên của Giáo Hội nguyên thủy của Đấng Ky Tô mà đã được phục hồi chính là thẩm quyền chức tư tế của Thượng Đế. Khi Sự Phục Hồi tiếp tục được hé mở, những người nam và nữ bắt đầu nhận ra một lần nữa tầm quan trọng và tiềm năng của việc cùng hợp tác với nhau, theo thẩm quyền và sự chỉ dẫn từ Ngài trong công việc thiêng liêng này.

Hình Ảnh
Tổ chức của Hội Phụ Nữ

Vào năm 1842, khi những người phụ nữ của Giáo Hội non trẻ mong muốn lập ra một nhóm chính thức để giúp đỡ công việc đó, Chủ Tịch Joseph Smith đã cảm thấy được soi dẫn để tổ chức họ “dưới sự hướng dẫn của chức tư tế và theo mẫu mực của chức tư tế.”4 Ông đã nói: “Giờ đây tôi trao cho các chị em [thẩm quyền và] trách nhiệm trong tôn danh của Thượng Đế …—đây là sự khởi đầu của những ngày tốt đẹp hơn.”5 Và kể từ khi thẩm quyền và trách nhiệm đó được trao cho, các cơ hội về học vấn, chính trị, và kinh tế dành cho phụ nữ đã bắt đầu dần dần mở rộng ra khắp thế giới.6

Tổ chức mới này của Giáo Hội dành cho những người phụ nữ, có tên là Hội Phụ Nữ, thì không giống với những tổ chức đương thời khác dành cho nữ giới bởi vì nó được lập ra bởi một vị tiên tri là người đã hành động với thẩm quyền chức tư tế để trao cho những người phụ nữ thẩm quyền, các trách nhiệm thiêng liêng, và các chức vụ chính thức trong cơ cấu của Giáo Hội, mà không hề tách riêng ra.7

Kể từ thời của Tiên Tri Joseph Smith cho đến thời của chúng ta, sự phục hồi liên tục của tất cả mọi điều đã mang đến sự khai sáng về sự cần thiết của thẩm quyền và quyền năng chức tư tế trong việc giúp cả người nam lẫn người nữ thực hiện các trách nhiệm thiêng liêng đã được chỉ định cho họ. Gần đây chúng ta đã được dạy rằng những người phụ nữ được phong nhiệm dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế thì làm việc bằng thẩm quyền chức tư tế đó trong những sự kêu gọi của họ.8

Vào tháng Mười năm 2019, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng những người phụ nữ đã được làm lễ thiên ân trong đền thờ thì có quyền năng chức tư tế trong cuộc sống và trong nhà của họ khi họ tuân giữ các giao ước thiêng liêng đã lập với Thượng Đế.9 Ông giải thích rằng “[các tầng trời cũng luôn mở ra] cho các phụ nữ đã được làm lễ thiên ân với quyền năng của Thượng Đế bắt nguồn từ các giao ước chức tư tế của họ cũng [giống như] cho những người đàn ông mang chức tư tế.” Và ông khuyến khích mỗi chị em “tự do tiếp cận với quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để giúp đỡ gia đình mình và những người mà các chị em yêu thương.”10

Vậy thì điều này có ý nghĩa gì đối với tôi và anh chị em? Sự hiểu biết về thẩm quyền và quyền năng chức tư tế thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào? Một trong những điểm mấu chốt là hiểu được rằng khi người nam và người nữ cùng làm với nhau thì chúng ta làm được nhiều điều hơn so với khi làm riêng rẽ.11 Các vai trò của chúng ta là để bổ sung cho nhau thay vì cạnh tranh nhau. Mặc dù phụ nữ không được sắc phong vào một chức phẩm chức tư tế, nhưng như đã nói ở trên, phụ nữ được ban cho quyền năng chức tư tế khi họ tuân giữ các giao ước của mình, và họ hoạt động với thẩm quyền chức tư tế khi được phong nhiệm cho một sự kêu gọi.

Vào một ngày đẹp trời của tháng Tám, tôi có đặc ân được ngồi cùng với Chủ Tịch Russell M. Nelson trong căn nhà được phục dựng của Joseph và Emma Smith ở Harmony, Pennsylvania, gần nơi mà Chức Tư Tế A Rôn đã được phục hồi trong những ngày sau. Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, Chủ Tịch Nelson đã nói về vai trò quan trọng của những người phụ nữ trong Sự Phục Hồi.

Chủ Tịch Nelson: “Một trong những khía cạnh quan trọng nhất mà tôi được nhắc nhở khi đi đến địa điểm của sự phục hồi chức tư tế này là vai trò quan trọng của những người phụ nữ trong Sự Phục Hồi.

“Thoạt tiên, khi Joseph bắt đầu phiên dịch Sách Mặc Môn, ai là người đã ghi chép cho ông? Vâng, chính ông phải viết xuống một chút, nhưng không được nhiều. Emma đã ghi chép cho ông.

“Và rồi tôi nghĩ về làm thế nào Joseph đi vào rừng để cầu nguyện, ở gần nhà của gia đình ông tại Palmyra, New York. Ông đã đi đâu? Ông đi đến Khu Rừng Thiêng Liêng. Tại sao ông đi đến đó? Bởi vì đó là nơi mẹ của ông đến khi bà muốn cầu nguyện.

“Đó chỉ là hai trong số những người phụ nữ đã có vai trò quan trọng trong sự phục hồi chức tư tế và trong Sự Phục Hồi của Giáo Hội. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta có thể nói rằng ngày nay những người vợ của chúng ta cũng quan trọng như trong thời kỳ của Joseph. Dĩ nhiên là họ luôn quan trọng.”

Tương tự như Emma, Lucy và Joseph, chúng ta đạt được kết quả tốt nhất khi sẵn lòng học hỏi lẫn nhau và hiệp một trong mục tiêu của chúng ta để trở thành các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô và giúp người khác trên con đường đó.

Chúng ta được dạy rằng “chức tư tế ban phước cho cuộc sống của các con cái của Thượng Đế trong vô số cách thức. … Trong những sự kêu gọi trong Giáo Hội, các giáo lễ đền thờ, mối quan hệ gia đình, và giáo vụ thầm lặng của cá nhân, những người nam và người nữ Thánh Hữu Ngày Sau hành động với quyền năng và thẩm quyền của chức tư tế. Sự phụ thuộc lẫn nhau của những người nam và những người nữ này trong việc hoàn thành công việc của Thượng Đế qua quyền năng của Ngài là trọng tâm của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà đã được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith.”12

Đoàn kết là điều thiết yếu trong công việc thiêng liêng mà chúng ta có đặc ân được kêu gọi để làm, nhưng nó không dễ dàng. Cần có nỗ lực và thời gian để thật sự bàn bạc với nhau—để lắng nghe nhau, hiểu quan điểm của nhau, và chia sẻ kinh nghiệm—nhưng tiến trình này đưa đến kết quả là các quyết định được soi dẫn nhiều hơn. Cho dù là trong các trách nhiệm của chúng ta ở nhà hay trong Giáo Hội, cách thức hiệu quả nhất để đạt được tiềm năng thiêng liêng của chúng ta là làm việc cùng với nhau, với phước lành chính là quyền năng và thẩm quyền của chức tư tế trong các vai trò khác nhau nhưng bổ sung cho nhau của chúng ta.

Vai trò cộng sự đó là như thế nào trong cuộc sống của những người phụ nữ có giao ước ngày nay? Tôi xin chia sẻ một ví dụ.

Hình Ảnh
Hai vợ chồng trên xe đạp đôi

Alison và John có một mối quan hệ vợ chồng-cộng sự độc đáo. Họ đua xe đạp đôi trong các cuộc đua nước rút và đường trường. Để về đích thành công trên chiếc xe đó, hai người họ phải phối hợp nhịp nhàng với nhau. Họ phải nghiêng người về cùng một hướng vào đúng lúc. Người này không thể lấn át người kia, mà họ phải nói chuyện với nhau rõ ràng và mỗi người phải làm phần vụ của mình. Người đội trưởng, ngồi ở ghế trước, có quyền kiểm soát khi nào cần hãm phanh và khi nào cần đứng lên. Người “tiếp năng lượng”, ngồi ở ghế sau, cần phải tập trung chú ý vào điều đang diễn ra và sẵn sàng để tiếp sức thêm nếu họ bị tuột lại ở phía sau một chút hoặc đạp chậm lại nếu họ đến quá gần các tay đua khác. Họ phải hỗ trợ cho nhau để tiến triển và đạt được mục tiêu của mình.

Alison giải thích rằng: “Lúc ban đầu, người ở vị trí đội trưởng sẽ nói ‘Đứng’ khi chúng tôi cần phải đứng lên và ‘Thắng’ khi chúng tôi cần phải ngừng đạp. Sau một thời gian, người tiếp năng lượng ở đằng sau học cách nhận biết được khi người đội trưởng sắp đứng lên hoặc hãm phanh, và không cần phải nói một từ nào cả. Chúng tôi học cách hiểu được tình hình của nhau và có thể biết được khi một người đang gặp khó khăn và [rồi] người kia cố gắng để bù đắp lại. Thật sự là tất cả nằm ở sự tin tưởng và làm việc cùng với nhau.”13

John và Alison hiệp một không chỉ khi họ đạp xe, mà còn cả trong cuộc hôn nhân của họ nữa. Mỗi người mong muốn niềm hạnh phúc cho người kia hơn là cho chính mình; họ nhìn vào điểm tốt của nhau và cùng nhau cải thiện những điều chưa tốt của bản thân. Họ thay phiên nhau điều khiển gia đình và thay phiên nhau hy sinh khi một người gặp khó khăn. Mỗi người trân trọng những đóng góp của người kia và tìm ra các giải pháp tốt hơn cho những thử thách của họ khi kết hợp các tài năng và nguồn phương tiện của nhau. Họ thật sự gắn bó với nhau qua tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô.

Việc trở nên hòa hợp hơn trong mẫu mực thiêng liêng để cùng nhau làm việc trong tình đoàn kết là cần thiết ngày nay khi xung quanh chúng ta tràn ngập các thông điệp ích kỷ. Phụ nữ thật sự có những ân tứ thiêng liêng, đặc biệt11 và được trao cho các trách nhiệm độc nhất vô nhị, nhưng những ân tứ và trách nhiệm đó không hề quan trọng hơn—hoặc kém quan trọng—so với đàn ông. Tất cả đều được định ra và cần thiết để mang lại kế hoạch thiêng liêng của Cha Thiên Thượng giúp cho mỗi con cái của Ngài có cơ hội tốt nhất để đạt được tiềm năng thiêng liêng của mình.

Ngày nay, “chúng ta cần những người phụ nữ có lòng can đảm và sự hiểu biết của Tổ Mẫu Ê Va”15 để hiệp một với các anh em trong việc mang mọi người đến với Đấng Ky Tô.16 Đàn ông cần trở thành những người cộng tác thật sự thay vì cho rằng họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm hoặc là hành động như những người cộng tác “giả vờ” trong khi phụ nữ gánh vác phần lớn công việc. Phụ nữ cần sẵn lòng để “tiến bước [và] giành lấy vị trí chính đáng và cần thiết [của họ]“17 với tư cách là những người cộng sự thay vì nghĩ rằng họ cần phải tự mình làm tất cả mọi thứ hay là chờ được sai bảo điều phải làm.18

Việc nhìn nhận phụ nữ như những người tham dự quan trọng không phải để tạo ra sự bình đẳng mà đó là sự hiểu biết giáo lý đúng. Thay vì thiết lập một chương trình để xúc tiến điều đó, chúng ta có thể tích cực hành động để tôn trọng người phụ nữ giống như điều Thượng Đế làm: xem họ là những người cộng sự thiết yếu trong công việc cứu rỗi và tôn cao.

Chúng ta sẵn sàng chưa? Chúng ta sẽ cố gắng vượt qua những thành kiến trong văn hóa và thay vào đó đón nhận mẫu mực và lối thực hành thiêng liêng dựa trên nền tảng giáo lý không? Chủ Tịch Russell M. Nelson mời chúng ta “cùng nhau sát cánh trong công việc thiêng liêng này … [để] giúp chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Chúa.”19 Khi làm như vậy, chúng ta sẽ học được cách quý trọng những đóng góp của mỗi cá nhân và gia tăng tính hiệu quả trong khi làm tròn các bổn phận thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta sẽ cảm thấy niềm vui lớn lao hơn điều chúng ta từng có.

Cầu xin cho mỗi người chúng ta chọn để trở nên hiệp một trong cách thức đầy soi dẫn của Chúa để giúp công việc của Ngài tiến triển. Trong tôn danh của Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Sáng Thế Ký 3:1–18; Môi Se 4:1–19.

  2. Xin xem Môi Se 5:1–12. Những câu này dạy về mối quan hệ chung sức chung lòng đích thực của A Đam và Ê Va: họ có con với nhau (câu 2); họ cùng nhau làm việc để chu cấp cho bản thân và gia đình (câu 1); họ cùng nhau cầu nguyện (câu 4); họ cùng nhau vâng theo các giáo lệnh của Thượng Đế và dâng của lễ hy sinh (câu 5); họ cùng nhau học hỏi (câu 4, 6–11) và giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho con cái của mình (câu 12).

  3. Joseph Smith—Lịch Sử 1:16.

  4. Joseph Smith, trong Sarah M. Kimball, “Auto-Biography,” Woman’s Exponent, ngày 1 tháng Chín, năm 1883, trang 51; xin xem thêm Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 483.

  5. Joseph Smith, trong “Nauvoo Relief Society Minute Book,” trang 40, josephsmithpapers.org.

  6. Xin xem George Albert Smith, “Address to the Members of the Relief Society,” Relief Society Magazine, tháng Mười Hai năm 1945, trang 717.

  7. Xin xem John Taylor, trong Nauvoo Relief Society Minutes, ngày 17 tháng Ba năm 1842, có trên trang churchhistorianspress.org. Theo Eliza R. Snow, Joseph Smith cũng dạy rằng những người phụ nữ đã có tổ chức chính thức của họ trong các gian kỳ trước đây (xin xem Eliza R. Snow, “Female Relief Society,” Deseret News, ngày 22 tháng Tư, năm 1868, trang 1; và Daughters in My Kingdom: The History and Work of Relief Society [năm 2011], trang 1–7).

  8. Xin xem Dallin H. Oaks, “Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền của Chức Tư Tế,” Liahona,, tháng Năm năm 2014, trang 49–52.

  9. Xin xem Russell M. Nelson, “Những Kho Báu Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 78, 79.

  10. Russell M. Nelson, “Các Kho Báu Thuộc Linh,” trang 77.

  11. “Nhưng phúc âm phục hồi dạy một nguyên tắc vĩnh cửu rằng vợ chồng thì phụ thuộc lẫn nhau. Họ bình đẳng với nhau. Họ là cộng sự với nhau” (Bruce R. Hafen và Marie K. Hafen, “Crossing Thresholds and Becoming Equal Partners,” Liahona, tháng Tám năm 2007, trang 28).

  12. Gospel Topics, “Joseph Smith’s Teachings about Priesthood, Temple, and Women,” topics.lds.org.

  13. Thư riêng.

  14. Xin xem Russell M. Nelson, “Một Lời Khẩn Nài cùng Các Chị Em Phụ Nữ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 95–97.

  15. Russell M. Nelson, “Một Lời Khẩn Nài cùng Các Chị Em Phụ Nữ,” trang 97.

  16. Xin xem Sách Hướng Dẫn Chung: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, 1.4, ChurchofJesusChrist.org.

  17. Russell M. Nelson, “Một Lời Khẩn Nài cùng Các Chị Em Phụ Nữ,” trang 97.

  18. “Các chị em thân mến, cho dù chức vụ kêu gọi của các chị em và hoàn cảnh của các chị em là gì đi nữa thì chúng tôi cũng cần đến những ý tưởng, sự hiểu biết, và sự soi dẫn của các chị em. Chúng tôi cần các chị em mạnh dạn lên tiếng trong các hội đồng tiểu giáo khu và giáo khu. Chúng tôi cần mỗi chị em đã kết hôn hãy nói với tư cách là ‘một người cộng sự đang góp phầntrọn vẹn’ khi các chị em đoàn kết với chồng của mình để cai quản gia đình. Cho dù đã kết hôn hay còn độc thân, các chị em phụ nữ đều có khả năng và giác quan đặc biệt mà các chị em đã nhận được là các ân tứ từ Thượng Đế. Các anh em chúng tôi không thể nào thay thế ảnh hưởng độc nhất vô nhị của các chị em được. …

    “… Chúng tôi cần sức mạnh của các chị em!” (Russell M. Nelson, “Một Lời Khẩn Nài cùng Các Chị Em Phụ Nữ,” trang 97).

  19. Russell M. Nelson, “Một Lời Khẩn Nài cùng Các Chị Em Phụ Nữ,” trang 97.