2020
Hô Sa Na và Ha Lê Lu Gia—Chúa Giê Su Ky Tô Hằng Sống: Trọng Tâm của Sự Phục Hồi và Lễ Phục Sinh
Tháng Năm 2020


Hô Sa Na và Ha Lê Lu Gia—Chúa Giê Su Ky Tô Hằng Sống: Trọng Tâm của Sự Phục Hồi và Lễ Phục Sinh

Vào mùa lễ này để reo mừng hô sa na và ha lê lu gia, hãy cất tiếng hát ha lê lu gia—vì Ngài sẽ trị vì mãi mãi và đời đời!

Thưa các anh chị em trên khắp thế giới, với lời reo mừng hô sa na và ha lê lu gia, chúng ta ăn mừng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống vào mùa lễ này để kỷ niệm Sự Phục Hồi liên tục và Lễ Phục Sinh. Với tình yêu thương hoàn hảo, Đấng Cứu Rỗi trấn an chúng ta: “Các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi.”1

Cách đây nhiều năm, khi Chị Gong và tôi gặp một gia đình dễ mến, đứa con gái nhỏ của họ là Ivy ngượng ngùng mang ra cái hộp đựng vĩ cầm. Cô bé lấy ra cây vĩ, kéo căng dây và xát côlôfan vào. Rồi cô bé cẩn thận đặt cây vĩ trở lại vào hộp, nhún chào, và ngồi xuống. Vì mới bắt đầu học, nên cô bé chỉ chia sẻ tất cả những gì cô bé biết về cây vĩ cầm. Giờ đây, nhiều năm sau, Ivy chơi vĩ cầm rất hay.

Hình Ảnh
Ivy và cây vĩ cầm của cô bé

Trong thời gian trên trần thế này, chúng ta đều nhỏ bé giống như Ivy và cây vĩ cầm của cô bé. Chúng ta bắt đầu vào lúc bắt đầu. Bằng cách luyện tập và kiên trì, chúng ta tiến triển và tiến bộ. Thời gian trôi qua, quyền tự quyết về mặt đạo đức và kinh nghiệm trần thế giúp chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi của mình khi chúng ta lao nhọc cùng Ngài trong vườn nho của Ngài2 và đi theo con đường giao ước của Ngài.

Những lễ kỷ niệm, kể cả dịp hai trăm năm này, nhấn mạnh đến khuôn mẫu của sự phục hồi.3 Trong khi kỷ niệm sự phục hồi liên tục của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta cũng chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh. Trong cả hai lễ kỷ niệm này, chúng ta hân hoan trước sự trở lại của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài hằng sống—không chỉ vào lúc đó, mà còn vào lúc này; không chỉ cho một vài người, mà còn cho tất cả mọi người. Ngài đã đến và tiếp tục đến để chữa lành cho những kẻ đau khổ, rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do.4 Đó chính là mỗi người chúng ta. Lời hứa cứu chuộc của Ngài áp dụng cho chúng ta, bất kể quá khứ, hiện tại, hoặc mối quan tâm về tương lai của mình.

Hình Ảnh
Sự vào thành Giê Ru Sa Lem đầy đắc thắng

Ngày mai là ngày Chủ Nhật Lễ Lá. Theo truyền thống, lá kè là một biểu tượng thiêng liêng dùng để bày tỏ niềm hân hoan nơi Chúa chúng ta, như trong Sự Vào Thành Giê Ru Sa Lem Đầy Đắc Thắng của Đấng Ky Tô, nơi mà “một đám dân đông … lấy những lá kè ra đón Ngài.”5 (Anh chị em có thể thích thú khi biết rằng bức tranh gốc này của họa sĩ Harry Anderson được treo trong văn phòng của Chủ Tịch Russell M. Nelson, ở ngay sau bàn làm việc của ông.) Trong sách Khải Huyền, những người ngợi khen Thượng Đế và Chiên Con đã làm như vậy bằng cách “mặc áo dài trắng, tay cầm cành chà là.”6 Cùng với “chiếc áo ngay chính” và “mão triều thiên vinh quang,” lá kè cũng được nhắc tới trong lời cầu nguyện cung hiến Đền Thờ Kirtland.7

Dĩ nhiên, ngày Chủ Nhật Lễ Lá còn có ý nghĩa nhiều hơn là đám đông đón Chúa Giê Su bằng lá kè. Vào ngày Chủ Nhật Lễ Lá, Chúa Giê Su đã vào thành Giê Ru Sa Lem theo cách thức mà người trung tín nhận thấy là sự ứng nghiệm lời tiên tri. Như Xa Cha Ri8 và tác giả Thi Thiên tiên đoán, Chúa của chúng ta đã cưỡi lừa vào thành Giê Ru Sa Lem trong khi đám đông cố ý kêu lên rằng “Hô Sa Na ở trên nơi rất cao.”9 Hô sa na có nghĩa là “xin hãy cứu.”10 Ngày đó, cũng như bây giờ, chúng ta hân hoan, “Đáng ngợi khen đấng nhân danh Đức Giê Hô Va mà đến.”11

Một tuần sau ngày Chủ Nhật Lễ Lá là ngày Chủ Nhật Lễ Phục Sinh. Chủ Tịch Russell M. Nelson dạy rằng, Chúa Giê Su Ky Tô Đấng “đã đến để trả một món nợ mà Ngài không mắc bởi vì chúng ta mắc một món nợ không thể trả nổi.”12 Quả thật, qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả con cái của Thượng Đế “có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”13 Vào Lễ Phục Sinh, chúng ta hát ha lê lu gia. Ha lê lu gia có nghĩa là “ngợi khen Đức Giê Hô Va.”14 Dàn Hợp Xướng Ha Lê Lu Gia trong vở nhạc kịch Messiah của Handel là một bản tuyên ngôn được yêu thích về Lễ Phục Sinh rằng Ngài là “Chúa của các chúa, Vua của các vua.”15

Các sự kiện thiêng liêng giữa Chủ Nhật Lễ Lá và Chủ Nhật Lễ Phục Sinh là câu chuyện về hô sa na và ha lê lu gia. Hô sa na là lời khẩn nài Thượng Đế giải cứu của chúng ta. Ha lê lu gia bày tỏ lời ngợi khen của chúng ta lên Chúa về niềm hy vọng nơi sự cứu rỗi và sự tôn cao. Trong cả hô sa na và ha lê lu gia, chúng ta nhìn nhận rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống là trọng tâm của Lễ Phục Sinh và sự phục hồi ngày sau.

Sự phục hồi ngày sau bắt đầu với sự hiển hiện—Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, thực sự hiện đến cùng tiên tri trẻ tuổi Joseph Smith. Tiên Tri Joseph nói rằng: “Nếu các anh chị em có thể nhìn lên trời trong năm phút, thì các anh chị em sẽ biết được nhiều hơn là các anh chị em đọc tất cả những gì được viết về đề tài này.”16 Vì thiên thượng lại được mở ra, nên chúng ta biết và “tin nơi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và nơi Con của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và nơi Đức Thánh Linh”17—Thiên Chủ Đoàn thiêng liêng.

Vào Chủ Nhật Lễ Phục Sinh, ngày 3 tháng Tư năm 1836, trong những ngày đầu của Sự Phục Hồi, Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống đã hiện ra khi Đền Thờ Kirtland được cung hiến. Về Đấng Ky Tô Hằng Sống, Tiên Tri Joseph đã viết: “Đôi mắt Ngài rực rỡ như ánh lửa; tóc trên đầu của Ngài trắng như tuyết mới rơi; nét mặt Ngài sáng hơn cả ánh sáng mặt trời; tiếng nói của Ngài tợ như tiếng nước lớn cuộn chảy, đó là tiếng nói của Đức Giê Hô Va.”18

Vào dịp đó, Đấng Cứu Rỗi đã tuyên phán: “Ta là đầu tiên và cuối cùng; ta là Đấng đã sống, ta là Đấng đã bị giết chết; ta là Đấng biện hộ cho các ngươi với Đức Chúa Cha.”19 Một lần nữa, sử dụng phép so sánh tương phản bổ sung—đầu tiên và cuối cùng, sống và chết. Ngài là An Pha và Ô Mê Ga, tức là ban đầu và cuối cùng,20 là đấng tạo nên và hoàn tất đức tin của chúng ta.21

Tiếp theo sau sự hiện đến của Chúa Giê Su Ky Tô, Môi Se, Ê Li A, và Ê Li cũng hiện đến. Dưới sự hướng dẫn thiêng liêng, các vị tiên tri cao trọng thời xưa đã phục hồi các chìa khóa và thẩm quyền chức tư tế. Do đó, “các chìa khóa của gian kỳ này được trao”22 trong nội bộ Giáo Hội phục hồi của Ngài để ban phước cho tất cả con cái của Thượng Đế.

Sự hiện đến của Ê Li trong Đền Thờ Kirtland cũng làm ứng nghiệm lời tiên tri của Ma La Chi trong Kinh Cựu Ước rằng Ê Li sẽ trở lại “trước ngày trọng đại và khủng khiếp của Chúa xảy đến.”23 Khi làm như vậy, mặc dù không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng sự hiện đến của Ê Li xảy ra cùng lúc với mùa Lễ Vượt Qua của người Do Thái mà có truyền thống là mong chờ sự trở lại của Ê Li một cách đầy tôn kính.

Nhiều gia đình Do Thái ngoan đạo có xếp sẵn chỗ ngồi cho Ê Li tại bàn ăn của họ vào Lễ Vượt Qua. Nhiều người rót đầy ly để mời và chào đón ông. Và một số gia đình, tại bữa ăn truyền thống vào Lễ Vượt Qua, bảo một đứa con ra cửa, đôi khi để hé cửa, xem liệu Ê Li có đang ở ngoài chờ được mời vào không.24

Để làm ứng nghiệm lời tiên tri và là một phần của sự phục hồi tất cả mọi sự việc,25 Ê Li đã đến như đã hứa, vào Lễ Phục Sinh và khi bắt đầu Lễ Vượt Qua. Ông đã mang đến thẩm quyền gắn bó để ràng buộc gia đình lại với nhau trên thế gian và trên thiên thượng. Như Mô Rô Ni đã dạy Tiên Tri Joseph, Ê Li “sẽ gieo vào lòng các con cái những lời đã hứa với ông cha chúng, và lòng các con cái trở lại cùng ông cha chúng. Mô Rô Ni nói tiếp: “Bằng không thì cả thế gian này sẽ bị tận diệt khi [Chúa] đến.”26 Tinh thần Ê Li, một sự biểu lộ của Đức Thánh Linh, lôi cuốn chúng ta về với các thế hệ của mình—quá khứ, hiện tại, lẫn tương lai—trong gia phả, lịch sử, và sự phục vụ trong đền thờ của chúng ta.

Chúng ta cũng hãy ôn lại vắn tắt ý nghĩa của Lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua tưởng nhớ đến sự giải thoát con cái của Y Sơ Ra Ên khỏi 400 năm nô lệ. Sách Xuất Ê Díp Tô Ký thuật lại sự giải thoát này đã đến như thế nào sau các tai vạ với loài ếch nhái, muỗi, ruồi mòng, súc vật bị dịch lệ, ghẻ chốc, cương mủ, mưa đá và lửa cháy, cào cào, và sự tối tăm. Tai vạ cuối cùng đe dọa tính mạng của con đầu lòng sinh ra trong xứ, nhưng không làm thế trong gia tộc Y Sơ Ra Ên—nếu như các gia đình này bôi huyết của con chiên đầu lòng không tì vết lên hai cây cột cửa.27

Thiên sứ hủy diệt đi qua những căn nhà có bôi huyết của con chiên.28 Việc đi qua như thế, hay còn gọi là vượt qua, tượng trưng cho Chúa Giê Su Ky Tô cuối cùng đã khắc phục cái chết. Quả thật, máu chuộc tội của Chiên Con của Thượng Đế ban cho Đấng Chăn Hiền Lành của chúng ta quyền năng để quy tụ dân Ngài từ mọi nơi và mọi hoàn cảnh vào bầy chiên của Ngài ở cả hai bên bức màn che.

Đáng chú ý là Sách Mặc Môn miêu tả “quyền năng và sự phục sinh của Đấng Ky Tô”29—điều cốt lõi của Lễ Phục Sinh—trên phương diện của hai sự phục hồi.

Thứ nhất, sự phục sinh gồm có sự phục hồi về thể chất trong “hình thể thích hợp và trọn vẹn” của chúng ta—“mọi tứ chi và khớp xương,” “một sợi tóc trên đầu cũng không mất.”30 Lời hứa này mang hy vọng đến cho người bị mất chân mất tay, người bị mất khả năng nghe, nhìn, đi lại, hoặc người được cho là đã qua đời vì bệnh tật triền miên, bệnh tâm thần, hoặc sự suy giảm khác về khả năng. Ngài tìm ra chúng ta. Ngài làm cho chúng ta được trọn vẹn.

Về phương diện thuộc linh, lời hứa thứ hai của Lễ Phục Sinh và Sự Chuộc Tội của Chúa chúng ta là “tất cả mọi sự việc đều sẽ được trả về đúng vị trí của nó.”31 Sự phục hồi thuộc linh này, phản ảnh việc làm và ước muốn của chúng ta. Giống như liệng bánh nơi mặt nước,32 nó phục hồi “điều thiện,” “điều ngay chính,” “sự công bình,” và “lòng thương xót.”33 Thảo nào tiên tri An Ma đã dùng từ phục hồi 22 lần34 trong khi ông thúc giục chúng ta “hãy xử sự cho công bình, hãy xét đoán cho ngay chính,và hãy luôn luôn làm điều thiện.”35

Bởi vì “chính Thượng Đế sẽ chuộc tội lỗi cho thế gian,”36 nên Sự Chuộc Tội của Chúa có thể làm cho trọn vẹn không chỉ những gì đã xảy ra, mà còn những gì có thể xảy ra. Vì Ngài biết mọi sự đau đớn, thống khổ, bệnh tật, mọi cám dỗ của chúng ta,37 Ngài có thể, với lòng thương xót, biết được cách giúp đỡ chúng ta theo những sự yếu đuối của chúng ta.38 Vì Thượng Đế “là một Thượng Đế hoàn hảo, công bình, và cũng là một Thượng Đế đầy lòng thương xót,” nên kế hoạch thương xót có thể “thỏa mãn sự đòi hỏi của công lý.”39 Chúng ta hối cải và làm hết khả năng của mình. Ngài bảo bọc chúng ta vĩnh viễn “trong vòng tay yêu thương của Ngài.”40

Hôm nay chúng ta kỷ niệm sự phục hồi và sự phục sinh. Cùng với anh chị em, tôi hân hoan về Sự Phục Hồi liên tục của phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô. Cũng giống như sự kiện mà đã bắt đầu cách đây hai trăm năm vào mùa xuân này, ánh sáng và sự mặc khải tiếp tục xuất hiện qua vị tiên tri tại thế của Chúa và Giáo Hội của Ngài được gọi theo danh Ngài—Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô—và qua sự mặc khải và sự soi dẫn cá nhân bởi ân tứ thiêng liêng của Đức Thánh Linh.

Cùng với anh chị em, vào mùa lễ Phục Sinh này, tôi làm chứng về Cha Thiên Thượng, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta, và Con Trai Yêu Quý của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống. Người trần thế đều đã bị đóng đinh một cách tàn nhẫn và về sau được phục sinh. Nhưng chỉ có Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống trong hình dáng phục sinh hoàn hảo của Ngài vẫn mang dấu ấn về sự đóng đinh trên hai bàn tay, bàn chân, và hông Ngài. Chỉ có Ngài mới có thể phán: “Này ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta.”41 Chỉ có Ngài mới có thể phán: “Ta là người đã bị treo lên. Ta là Giê Su, người đã bị đóng đinh. Ta là Con của Thượng Đế.”42

Giống như cô bé Ivy và cây vĩ cầm của cô bé, chúng ta, trong một số phương diện, mới chỉ bắt đầu. Quả thật vậy, “mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài.”43 Trong những lúc này, chúng ta có thể học được nhiều về sự tốt lành của Thượng Đế và tiềm năng thiêng liêng cho tình yêu thương Thượng Đế của mình phát triển bên trong chúng ta khi chúng ta tìm kiếm Ngài và dang tay giúp đỡ lẫn nhau. Trong những cách thức mới và ở địa điểm mới, chúng ta có thể làm và trở thành, từng hàng chữ một, từng hành động tử tế một, riêng mỗi cá nhân và chung với nhau.

Thưa các anh chị em ở khắp mọi nơi, khi chúng ta gặp gỡ và học hỏi cùng với nhau, đức tin và sự tốt lành của anh chị em làm tôi vô cùng phấn khởi về cuộc hành trình phúc âm và lòng biết ơn. Chứng ngôn và cuộc hành trình phúc âm của anh chị em đã làm gia tăng chứng ngôn và làm phong phú thêm cho cuộc hành trình phúc âm của tôi. Mối quan tâm và niềm vui của anh chị em, tình yêu thương của anh chị em dành cho các Thánh Hữu của chúng ta và những người tin nơi Thượng Đế, cùng những sự hiểu biết có được về lẽ thật và ánh sáng đã được phục hồi, gia tăng sự hiểu biết của tôi về phúc âm phục hồi, với trọng tâm là Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống. Cùng với nhau, chúng ta tin “dẫu khi nắng mưa, [Chúa] ở cùng với [chúng ta] hoài.”44 Chúng ta đều biết, giữa những mối quan tâm trong đời, chúng ta có thể đếm các phước lành của mình.45 Qua những chuyện chi tiết nhỏ nhặt tầm thường hằng ngày, chúng ta có thể thấy những chuyện lớn mới thành được trong cuộc sống chúng ta.46

“Và chuyện rằng, những người ngay chính sẽ được quy tụ lại từ tất cả các quốc gia, và họ sẽ đến Si Ôn, hát những bài ca về niềm vui vĩnh viễn.”47 Vào mùa lễ này để reo mừng hô sa na và ha lê lu gia, hãy cất tiếng hát ha lê lu gia—vì Ngài sẽ trị vì mãi mãi và đời đời! Hãy reo mừng hô sa na, cùng Thượng Đế và Chiên Con! Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.