2020
Những Lời Cầu Nguyện với Đức Tin
Tháng Năm 2020


Những Lời Cầu Nguyện với Đức Tin

Khi cầu nguyện với đức tin, chúng ta trở thành một phần quan trọng trong công việc của Chúa trong khi Ngài chuẩn bị thế gian cho Sự Tái Lâm của Ngài.

Lời cầu nguyện của Anh Cả Maynes ở đầu phiên họp đầu tiên của đại hội trung ương này đang được đáp ứng. Sự soi dẫn đã đến với chúng ta qua những sứ điệp và phần âm nhạc tuyệt vời. Lời hứa của Chủ Tịch Russell M. Nelson rằng đại hội này sẽ thật là đáng nhớ đang bắt đầu được làm tròn.

Chủ Tịch Nelson đã chỉ định năm nay là “dịp hai trăm năm để kỷ niệm ngày mà Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến cùng Joseph Smith trong một khải tượng.” Chủ Tịch Nelson đã mời chúng ta lập ra một kế hoạch cá nhân để tự chuẩn bị cho đại hội lịch sử này, ông đã nói rằng buổi kỷ niệm này sẽ là “một điểm mấu chốt trong lịch sử Giáo Hội, và phần vụ của các anh chị em là rất quan trọng.”1

Cũng giống như tôi, có lẽ anh chị em đã nghe sứ điệp của ông và tự hỏi: “Phần vụ của tôi quan trọng như thế nào?” Có lẽ anh chị em đã đọc và cầu nguyện về các sự kiện của Sự Phục Hồi. Có lẽ, hơn bao giờ hết, anh chị em đã đọc lời tường thuật về một vài lần khi Thượng Đế Đức Chúa Cha giới thiệu Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài. Có lẽ anh chị em đã đọc về những trường hợp khi Đấng Cứu Rỗi đã ngỏ lời cùng các con cái của Cha Thiên Thượng. Tôi biết rằng tôi đã làm tất cả những điều đó và còn nhiều hơn nữa.

Tôi đã tìm thấy những câu tham khảo có liên quan đến chức tư tế của Thượng Đế và sự khai mở các gian kỳ. Tôi đã cảm thấy khiêm nhường khi nhận ra rằng sự chuẩn bị của mình cho đại hội này chính là điểm mấu chốt trong lịch sử của riêng mình. Tôi đã cảm thấy những sự thay đổi trong lòng. Tôi cảm thấy biết ơn trong một cách hoàn toàn mới. Tôi cảm thấy tràn đầy niềm vui trước viễn cảnh được mời tham dự buổi lễ kỷ niệm cho Sự Phục Hồi liên tục.

Tôi tưởng tượng rằng nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, những người khác đang cảm thấy vui mừng hơn, lạc quan hơn, và quyết tâm hơn để phục vụ trong bất cứ vai trò nào mà Chúa cần.

Những sự kiện siêu việt mà chúng ta kỷ niệm chính là sự khởi đầu của gian kỳ cuối cùng đã được tiên tri, mà trong đó Chúa đang chuẩn bị Giáo Hội và dân của Ngài, là những người mang danh Ngài, để đón nhận Ngài. Như là một phần trong sự chuẩn bị của chúng ta cho sự tái lâm của Ngài, Ngài sẽ nâng đỡ mỗi người chúng ta để chúng ta có thể vươn đến những thử thách và cơ hội thuộc linh chưa từng thấy trong lịch sử thế gian.

Vào tháng Chín năm 1840, Tiên Tri Joseph Smith và các cố vấn của ông trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã tuyên bố như sau: “Công việc của Chúa trong những ngày sau cùng này là một công việc có tầm quan trọng rộng lớn và hầu như vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người. Vinh quang của công việc này không thể diễn tả được và tính trọng đại của nó thì không có điều gì vượt qua được. Công việc này chính là chủ đề mà đã làm động lòng những vị tiên tri và những người ngay chính từ khi thế gian được tạo dựng qua mọi thế hệ cho đến thời điểm hiện tại; và đó thực sự là gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn, khi muôn vật ở trong Chúa Giê Su Ky Tô, dù ở trên trời hoặc dưới đất, thì đều sẽ được hội hiệp lại trong Ngài, và khi muôn vật sẽ được phục hồi, như đã được nói đến bởi tất cả các thánh tiên tri kể từ lúc sáng thế; vì qua đó những lời hứa đã được lập với những tổ phụ sẽ được làm trọn một cách vinh quang, trong khi những biểu hiện về quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ thật vĩ đại, vinh quang, và siêu việt.”

Họ nói tiếp: “Chúng tôi cảm thấy sẵn sàng tiến bước và kết hợp nghị lực của chúng tôi cho việc xây đắp Vương Quốc, và thiết lập Chức Tư Tế trong sự trọn vẹn và vinh quang của Vương Quốc và Chức Tư Tế. Công việc cần phải được hoàn thành trong những ngày sau cùng là một công việc có tầm quan trọng rộng lớn, và đòi hỏi nghị lực, kỹ năng, tài năng và khả năng của Các Thánh Hữu, để nó có thể lan rộng với vinh quang và vẻ uy nghi mà đã được vị tiên tri [Đa Ni Ên] mô tả [xin xem Đa Ni Ên 2:34–35, 44–45]; và do đó sẽ đòi hỏi sự tập trung của Các Thánh Hữu, để hoàn thành các công việc với tính trọng đại và tầm cỡ rộng lớn như vậy.”2

Chúng ta chưa được mặc khải các chi tiết cụ thể về những điều chúng ta sẽ thực hiện và thời điểm để thực hiện chúng trong Sự Phục Hồi mà vẫn còn đang tiếp tục. Tuy nhiên, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn ngay cả trong những ngày đầu đó đã biết ít nhiều về khuôn khổ của công việc mà Chúa đã đặt ra cho chúng ta. Sau đây là một vài ví dụ về điều mà chúng ta biết là sẽ xảy ra:

Qua các Thánh Hữu của Ngài, Chúa sẽ ban ân tứ phúc âm của Ngài cho “mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc.”3 Công nghệ và những phép lạ sẽ tiếp tục góp phần—cũng như cá nhân những “tay đánh lưới người”4 mà phục sự với quyền năng và đức tin ngày càng gia tăng.

Chúng ta với tư cách là một dân tộc sẽ trở nên đoàn kết hơn trong bối cảnh xung đột ngày càng gia tăng. Chúng ta sẽ được quy tụ lại dưới sức mạnh thuộc linh của các nhóm và các gia đình được tràn đầy ánh sáng phúc âm.

Ngay cả một thế giới không tin kính sẽ công nhận Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và nhận ra quyền năng của Thượng Đế trên Giáo Hội ấy. Những môn đồ trung tín và dũng cảm sẽ mang lấy danh của Đấng Ky Tô trong cuộc sống hằng ngày của họ một cách mạnh dạn, khiêm nhường, và công khai.

Như vậy, làm thế nào mỗi người chúng ta có thể tham gia vào một công việc với tính trọng đại và tầm cỡ rộng lớn đến vậy? Chủ Tịch Nelson đã dạy chúng ta cách thức để phát triển quyền năng thuộc linh. Khi xem sự hối cải như là một cơ hội vui mừng nhờ vào đức tin đang phát triển của chúng ta rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, khi hiểu và tin rằng Cha Thiên Thượng lắng nghe mọi lời cầu nguyện của chúng ta, khi cố gắng vâng lời và sống theo các lệnh truyền, thì chúng ta sẽ phát triển khả năng của mình để nhận được sự mặc khải liên tục. Đức Thánh Linh có thể là người bạn đồng hành luôn luôn của chúng ta. Một cảm giác có được sự sáng sẽ ở cùng với chúng ta ngay cả khi thế gian xung quanh chúng ta trở nên tối tăm hơn.

Joseph Smith là một tấm gương về cách phát triển sức mạnh thuộc linh như vậy. Ông đã cho chúng ta thấy rằng lời cầu nguyện với đức tin chính là chìa khóa để nhận được sự mặc khải từ Thượng Đế. Ông đã cầu nguyện trong đức tin, tin tưởng rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của mình. Ông đã cầu nguyện trong đức tin, tin tưởng rằng chỉ qua Chúa Giê Su Ky Tô thì ông mới có thể được giải thoát khỏi những mặc cảm do tội lỗi của mình. Và ông đã cầu nguyện trong đức tin, tin tưởng rằng ông cần phải tìm được Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô để nhận được sự tha thứ đó.

Trong suốt giáo vụ tiên tri của mình, Joseph Smith đã sử dụng những lời cầu nguyện với đức tin để nhận được sự mặc khải liên tục. Khi đối mặt với những thử thách của hôm nay và của những ngày sắp đến, chúng ta cũng sẽ cần tuân theo cùng một mẫu mực như vậy. Chủ Tịch Brigham Young đã nói: “Tôi không biết bất kỳ cách nào khác cho các Thánh Hữu Ngày Sau hơn là việc cầu nguyện lên Thượng Đế trong hầu như từng hơi thở của họ để Ngài hướng dẫn và chỉ dẫn dân Ngài.”5

Như vậy, những lời này trong lời cầu nguyện Tiệc Thánh nên mô tả cuộc sống hằng ngày của chúng ta: “Luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài.” Từ “Ngài” ám chỉ đến Chúa Giê Su Ky Tô. Những từ tiếp theo, “và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài,” gợi lên ý nghĩa của việc tưởng nhớ đến Ngài đối với chúng ta.6 Khi luôn luôn tưởng nhớ đến Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể hỏi trong lời cầu nguyện thầm: “Ngài muốn tôi làm gì?”

Một lời cầu nguyện như vậy, được dâng lên với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, đã khai mở gian kỳ cuối cùng này. Và đó sẽ là trọng tâm vai trò của mỗi người chúng ta trong Sự Phục Hồi vẫn còn tiếp diễn. Cũng giống như anh chị em, tôi đã tìm thấy những tấm gương tuyệt vời về những lời cầu nguyện như vậy.

Đầu tiên là Joseph Smith. Ông đã cầu vấn với đức tin giống như trẻ nhỏ về điều mà Chúa muốn ông làm. Câu trả lời ông nhận được đã thay đổi lịch sử của thế gian.

Với tôi, một bài học quan trọng đến từ phản ứng của Joseph đối với sự tấn công của Sa Tan khi Joseph quỳ xuống cầu nguyện.

Tôi biết từ kinh nghiệm của mình rằng Sa Tan và tôi tớ của nó cố gắng làm chúng ta cảm thấy rằng chúng ta không được cầu nguyện. Khi Joseph Smith vận dụng hết tất cả mọi năng lực của mình để kêu cầu Thượng Đế giải thoát cho ông khỏi quyền lực mà đang cố gắng trói chặt lấy ông, thì lời cầu xin được giải thoát của ông đã được đáp ứng và Cha Thiên Thượng cùng Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện đến.

Sa Tan nỗ lực để ngăn chặn sự khởi đầu của Sự Phục Hồi khốc liệt đến như vậy bởi vì lời cầu nguyện của Joseph rất quan trọng. Anh chị em và tôi sẽ đóng những vai trò nhỏ hơn trong Sự Phục Hồi liên tục. Tuy nhiên kẻ thù của Sự Phục Hồi sẽ cố gắng ngăn cản chúng ta cầu nguyện. Tấm gương về đức tin và sự quyết tâm của Joseph có thể củng cố chúng ta trong quyết tâm của mình. Đây là một trong nhiều lý do tại sao những lời cầu nguyện của tôi bao gồm việc tạ ơn Cha Thiên Thượng về Tiên Tri Joseph.

Ê Nót trong Sách Mặc Môn là một mẫu mực khác cho lời cầu nguyện với đức tin của tôi khi tôi cố gắng góp phần vào Sự Phục Hồi liên tục. Bất kể vai trò của anh chị em là gì, anh chị em đều có thể học hỏi từ tấm gương của ông.

Cũng giống như Joseph, Ê Nót đã cầu nguyện với đức tin. Ông đã mô tả kinh nghiệm của mình bằng cách này:

“Và tâm hồn tôi tràn đầy sự khao khát; tôi bèn quỳ xuống trước Đấng Sáng Tạo tôi, và tôi kêu cầu Ngài với lời cầu nguyện và khẩn cầu mãnh liệt cho tâm hồn tôi; và tôi đã kêu cầu Ngài suốt ngày; phải, và khi đêm đến, tôi vẫn còn cất cao lời van xin để cho những lời của tôi thấu đến các tầng trời.

“Và thế rồi, một tiếng nói vọng đến tai tôi mà rằng: Ê Nót, ngươi đã được tha tội, và ngươi sẽ được phước.

“Và tôi, Ê Nót, biết rằng Thượng Đế không thể nói dối được; vậy nên tội lỗi của tôi đã được tẩy sạch.

“Và tôi thưa rằng: Lạy Chúa, làm sao điều này lại có thể xảy ra được?

“Và Ngài phán cùng tôi rằng: Vì đức tin của ngươi nơi Đấng Ky Tô, là Đấng mà ngươi chưa từng nghe hay thấy. Và phải còn nhiều năm nữa Ngài mới biểu hiện trong xác thịt. Vậy nên, hãy đi, đức tin của ngươi làm cho ngươi được trọn lành.”7

Bài học mà đã ban phước cho tôi nằm trong những lời này: “Vì đức tin của ngươi nơi Đấng Ky Tô, là Đấng mà ngươi chưa từng nghe hay thấy.”

Joseph đã có đức tin nơi Đấng Ky Tô để đi vào trong khu rừng và đồng thời để cầu nguyện nhằm được giải thoát khỏi quyền lực của Sa Tan. Ông ấy chưa bao giờ nhìn thấy Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, nhưng ông đã cầu nguyện với đức tin bằng tất cả mãnh lực của lòng mình.

Kinh nghiệm của Ê Nót đã dạy cho tôi cùng một bài học quý báu như vậy. Khi cầu nguyện với đức tin, tôi có được Đấng Cứu Rỗi làm Đấng Biện Hộ cho mình với Đức Chúa Cha và tôi có thể cảm thấy rằng những lời cầu nguyện của mình đã thấu đến thiên thượng. Tôi nhận được những câu trả lời. Tôi nhận được các phước lành. Tôi nhận được sự bình an và niềm vui ngay cả trong những lúc khó khăn.

Tôi nhớ lại lúc còn là thành viên mới nhất trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, tôi đã quỳ xuống cầu nguyện cùng Anh Cả David B. Haight. Ông cũng khoảng tuổi tôi bây giờ, với những thử thách mà hiện giờ tôi cũng đang trải qua. Tôi còn nhớ giọng nói của ông khi ông cầu nguyện. Tôi không mở mắt ra nhìn, nhưng tôi nghe như thể ông đang mỉm cười. Ông đã ngỏ lời với Cha Thiên Thượng bằng sự hân hoan trong giọng nói của ông.

Tôi có thể nghe được trong tâm trí mình niềm hạnh phúc của ông khi ông nói: “Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.” Tôi nghe có vẻ như Anh Cả Haight đã cảm thấy rằng vào lúc đó Đấng Cứu Rỗi đang khẳng định thông điệp mà ông đã cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng. Và tôi chắc chắn rằng ông đã tiếp nhận sự khẳng định đó với một nụ cười.

Khả năng của chúng ta để mang lại sự cống hiến quan trọng cho Sự Phục Hồi tuyệt vời liên tục sẽ gia tăng khi chúng ta phát triển đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô với tư cách là Đấng Cứu Rỗi và nơi Cha Thiên Thượng với tư cách là Đức Chúa Cha nhân từ của chúng ta. Khi cầu nguyện với đức tin, chúng ta trở thành một phần quan trọng trong công việc của Chúa trong khi Ngài chuẩn bị thế gian cho Sự Tái Lâm của Ngài. Tôi cầu nguyện rằng tất cả chúng ta đều có thể tìm thấy niềm vui khi làm công việc mà Ngài mời gọi chúng ta thực hiện.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống. Đây là Giáo Hội và vương quốc của Ngài trên thế gian. Joseph Smith là vị tiên tri của Thời Kỳ Phục Hồi. Chủ Tịch Russell M. Nelson là vị tiên tri của Chúa trên thế gian ngày nay. Ông nắm giữ tất cả các chìa khóa của chức tư tế trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.