2019
Mục Đích Mà Sẽ Thay Đổi Cách Chúng Ta Phục Sự
Tháng Một năm 2019


Hình Ảnh
ministering

Các Nguyên Tắc Phục Sự, tháng Một năm 2019

Mục Đích Mà Sẽ Thay Đổi Cách Chúng Ta Phục Sự

Mặc dù có nhiều mục đích của việc phục sự, nhưng nỗ lực của chúng ta nên được soi dẫn bởi ước muốn để giúp đỡ người khác đạt được sự cải đạo cá nhân sâu đậm hơn và trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.

Khi chúng ta yêu thương người khác như Đấng Cứu Rỗi, chúng ta muốn giúp đỡ họ như Ngài đã làm. Với tư cách là Đấng Chăn Hiền Lành, Ngài là tấm gương tột bậc về việc phục sự đầy ý nghĩa.

Khi chúng ta noi gương phục sự của Ngài, điều quan trọng là nhớ rằng, những nỗ lực yêu thương, nâng đỡ, phục vụ, và ban phước của Ngài đã có một mục đích lớn lao hơn là chỉ đáp ứng cho nhu cầu cấp bách. Ngài chắc chắn đã biết rõ những nhu cầu hằng ngày của những người Ngài phục sự và có lòng trắc ẩn đối với nỗi đau khổ hiện tại của họ. Vì thế Ngài đã chữa lành, cho ăn, tha thứ, và giảng dạy. Nhưng Ngài đã muốn làm nhiều hơn là chỉ lo liệu cho những nhu cầu cấp bách (xin xem Giăng 4:13–14). Ngài muốn những người xung quanh Ngài noi theo Ngài (xin xem Lu Ca 18:22; Giăng 21:22), biết Ngài (xin xem Giăng 10:14; Giáo Lý và Giao Ước 132:22–24), và đạt được tiềm năng thiêng liêng của họ (xin xem Ma Thi Ơ 5:48). Ngày nay cũng vậy (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 67:13).

Có rất nhiều cách chúng ta có thể giúp ban phước cho người khác, nhưng khi mục đích tột bậc của việc phục sự của chúng ta là để giúp đỡ người khác tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi và trở nên giống như Ngài hơn, chúng ta sẽ cố gắng hướng tới cái ngày mà chúng ta không phải giảng dạy cho người lân cận mình biết Chúa nữa bởi vì tất cả chúng ta đều biết Ngài (xin xem Giê Rê Mi 31:34).

Mục Tiêu của Đấng Cứu Rỗi Vượt Quá Những Nhu Cầu Cấp Bách

  • Một vài cá nhân đã cố gắng hết sức để mang bạn của họ đến để được Chúa Giê Su chữa lành bệnh bại liệt. Cuối cùng, Đấng Cứu Rỗi chữa lành cho người đàn ông đó, nhưng Ngài quan tâm nhiều hơn đến việc tha thứ cho những tội lỗi của người ấy (xin xem Lu Ca 5:18–26).

  • Khi dân chúng mang người đàn bà phạm tội tà dâm tới Đấng Cứu Rỗi, việc Ngài từ chối không kết tội bà ấy đã cứu sống bà ấy. Nhưng Ngài cũng muốn cứu bà ta về phần thuộc linh, nói với bà ấy “hãy đi, đừng phạm tội nữa” (xin xem Giăng 8:2–11).

  • Ma Ri và Ma Thê gửi tin cho Chúa Giê Su xin Ngài tới chữa lành cho bạn của Ngài, La Xa Rơ. Chúa Giê Su, Đấng đã chữa lành những người khác trong rất nhiều dịp, trì hoãn không tới cho đến sau khi La Xa Rơ đã chết. Chúa Giê Su biết điều gì gia đình này muốn, nhưng Ngài đã củng cố chứng ngôn của họ về thiên tính của Ngài trong việc làm cho La Xa Rơ sống lại từ cõi chết (xin xem Giăng 11:21–27).

Anh chị em có thể thêm vào danh sách này những ví dụ nào?

Chúng Ta Có Thể Làm Gì?

Nếu mục đích của chúng ta là để giúp người khác trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn, thì điều đó sẽ thay đổi cách chúng ta phục sự. Đây là một số cách thức sự hiểu biết này có thể soi dẫn nỗ lực của chúng ta để phục sự.

Ý Kiến 1: Liên Kết Sự Phục Vụ với Đấng Cứu Rỗi

Tất cả những nỗ lực của chúng ta để làm điều tốt đều đáng bõ công, nhưng chúng ta có thể tìm kiếm cơ hội để gia tăng sự phục vụ của mình bằng cách liên kết với Đấng Cứu Rỗi. Ví dụ, nếu gia đình anh chị em phục sự bị bệnh, thì việc mang thức ăn đến có thể giúp ích, nhưng việc anh chị em bày tỏ tình yêu thương mộc mạc của mình có thể được tăng lên gấp bội bởi chứng ngôn của anh chị em về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho họ. Họ có thể rất biết ơn nếu anh chị em giúp họ làm vườn, nhưng một lời đề nghị ban cho một phước lành chức tư tế có lẽ sẽ còn có ý nghĩa nhiều hơn nữa.

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ dạy: “Một người có trái tim nhân hậu có thể giúp một người nào đó sửa lốp xe, đưa người bạn cùng phòng đi bác sĩ, ăn trưa với ai đó đang buồn rầu, hoặc mỉm cười và chào hỏi làm cho người khác vui.

“Nhưng một người tuân theo giáo lệnh đầu tiên đương nhiên sẽ thêm vào những hành động phục vụ quan trọng này.”1

Ý Kiến 2: Tập Trung vào Con Đường Giao Ước

Khi ngỏ lời cùng các tín hữu lần đầu tiên với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Hãy tiếp tục ở trên con đường giao ước.” Việc lập và tuân giữ các giao ước “sẽ mở ra cánh cửa cho mọi phước lành và đặc ân thiêng liêng dành sẵn.”2

Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta đã chịu phép báp têm, được làm lễ xác nhận, và nhận được ân tứ Đức Thánh Linh. Các nam tín hữu xứng đáng thì nhận được chức tư tế. Chúng ta đến đền thờ để nhận được lễ thiên ân của mình và để được làm lễ gắn bó với nhau với tư cách là gia đình vĩnh viễn. Các giáo lễ cứu rỗi này và các giao ước liên quan đều thiết yếu đối với chúng ta để trở nên giống như Ngài và do đó chúng ta có thể được ở cùng với Ngài.

Chúng ta có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp những người khác tiếp tục ở trên con đường đó khi chúng ta giúp họ tuân giữ các giao ước của họ và chuẩn bị để lập các giao ước trong tương lai.3 Làm thế nào anh chị em có thể giúp các cá nhân hoặc gia đình mình phục vụ nhận được giao ước kế tiếp mà họ cần? Điều này có thể có nghĩa là giúp chuẩn bị một người cha để làm phép báp têm cho con gái mình, giải thích các phước lành của giao ước sẽ được lập kế tiếp, hoặc chia sẻ những cách thức để có một kinh nghiệm tái lập các giao ước của chúng ta đầy ý nghĩa hơn khi dự phần Tiệc Thánh.

Ý Kiến 3: Mời Gọi và Khuyến Khích

Khi thích hợp, hãy hội ý với những người mình quan tâm về sự cải đạo của họ và những nỗ lực để trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn. Cho họ biết về những điểm mạnh của họ mà anh chị em nhận thấy và cảm phục. Tìm hiểu xem họ cảm thấy mình có thể cải thiện về lĩnh vực nào và nói về cách thức anh chị em có thể giúp đỡ. (Để có thêm thông tin về việc hội ý với những người mà anh chị em phục sự, xin xem “Counsel about Their Needs,” Liahona, tháng Chín năm 2018, trang 6–9.)

Đừng ngại mời họ noi theo Đấng Cứu Rỗi và cho phép Ngài giúp họ đạt được tiềm năng thiêng liêng của họ. Lời mời này có thể làm thay đổi cuộc sống, khi kết hợp với việc bày tỏ sự tin tưởng của mình nơi họ và đức tin của anh chị em nơi Ngài.

Sáu Cách Chúng Ta Có Thể Giúp Đỡ Người Khác Tiến Triển hướng đến Đấng Ky Tô

Sau đây là những gợi ý để hỗ trợ người khác cải thiện cuộc sống và tiến triển dọc trên con đường giao ước. (Xin xem Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, chương 11, để có thêm ý kiến.)

  1. Chia sẻ. Hãy thành thật và thẳng thắn khi chia sẻ cách Đấng Cứu Rỗi đã giúp đỡ anh chị em khi anh chị em cố gắng đến gần với Ngài bằng cách sống theo các nguyên tắc phúc âm bất chấp những trở ngại.

  2. Hứa các phước lành. Con người ta cần một lý do hấp dẫn để thay đổi hơn là những lý do để không thay đổi. Việc giải thích các phước lành gắn liền với một hành động có thể mang đến động cơ thúc đẩy mạnh mẽ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 130:20–21).

  3. Mời gọi. Việc sống theo một nguyên tắc phúc âm mang đến chứng ngôn rằng nguyên tắc đó là đúng (xin xem Giăng 7:17) và dẫn đến sự cải đạo sâu đậm hơn.4 Hầu như mỗi cuộc giao tiếp đều có thể bao gồm một lời mời gọi để làm một điều gì đó mà sẽ giúp họ tiến triển.

  4. Cùng nhau hoạch định. Điều gì cần phải xảy ra để cho họ thành công trong việc giữ được cam kết để thay đổi? Anh chị em có thể giúp đỡ như thế nào? Điều này có cần phải xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định không?

  5. Hỗ trợ. Khi hữu ích, lập ra một mạng lưới hỗ trợ gồm có những người mà có thể giúp đỡ cá nhân đó luôn có động lực và được thành công. Chúng ta đều cần người cổ vũ.

  6. Theo dõi. Thường xuyên chia sẻ về sự tiến triển. Luôn luôn tập trung vào kế hoạch nhưng thay đổi nếu cần. Hãy kiên nhẫn, kiên định, và khuyến khích. Sự thay đổi thể cần nhiều thời gian.

Lời Mời để Hành Động

Cân nhắc những cách mà nỗ lực của anh chị em để phục sự—cả lớn lẫn nhỏ—có thể giúp đỡ người khác làm cho sự cải đạo của họ được sâu đậm hơn và trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.

Ghi Chú

  1. Neil L. Andersen, “A Holier Approach to Ministering” (buổi họp đặc biệt devotional tại trường đại học Brigham Young University, ngày 10 tháng Tư năm 2018), trang 3, speeches.byu.edu.

  2. Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Cùng Tiến Bước với Nhau,” Liahona, tháng Tư năm 2018, trang 7.

  3. Xin xem Henry B. Eyring, “Các Con Gái trong Giao Ước,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 125–128.

  4. Xin xem David A. Bednar, “Được Cải Đạo theo Chúa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 106–109.

In