2018
Hội Hiệp Muôn Vật Lại trong Đấng Ky Tô
Tháng Mười Một năm 2018


Hội Hiệp Muôn Vật Lại trong Đấng Ky Tô

Quyền năng của phúc âm của Đấng Cứu Rỗi để biến đổi và ban phước chúng ta sẽ đến từ việc nhận ra và áp dụng những mối tương quan trong giáo lý, nguyên tắc, và lối thực hành phúc âm.

Dây thừng là một công cụ thiết yếu và quen thuộc với tất cả chúng ta. Dây thừng được tạo thành từ các sợi đơn lẻ bằng vải, cây cỏ, kim loại, hoặc các vật liệu khác được xoắn hoặc bện lại với nhau. Thú vị thay, các vật chất có vẻ tầm thường lại có thể được kết lại với nhau và trở nên đặc biệt chắc chắn. Do đó, việc kết hợp hữu hiệu những vật liệu bình thường có thể tạo ra một công cụ phi thường.

Hình Ảnh
Các sợi được bện thành dây thừng

Cũng như sợi dây thừng được vững chắc nhờ nhiều sợi đơn lẻ quấn vào nhau, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mang lại quan điểm đúng nhất về lẽ thật và các phước lành dồi dào nhất khi chúng ta nghe theo lời khuyên nhủ của Phao Lô để “hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Ky Tô, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất.”1 Quan trọng hơn cả, việc hội hiệp thiết yếu này của lẽ thật phải tập trung hướng về trọng tâm là Chúa Giê Su Ky Tô bởi vì Ngài là “đường đi, lẽ thật, và sự sống.”2

Tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ soi sáng mỗi người chúng ta khi chúng ta xem xét cách áp dụng thực tế nguyên tắc hội hiệp mọi điều thành một trong Đấng Ky Tô vào việc học hỏi và sống theo phúc âm phục hồi của Ngài trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Thời Kỳ Có Nhiều Sự Mặc Khải

Chúng ta sống trong một thời kỳ có nhiều sự mặc khải đáng kinh ngạc của Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Những thay đổi mang tính lịch sử đã được thông báo hôm nay chỉ nhằm một mục đích tổng thể: củng cố đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Kế Hoạch của Ngài và nơi Vị Nam Tử Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Lịch trình nhóm họp ngày Chủ Nhật không chỉ được rút ngắn lại. Thay vì thế, giờ đây chúng ta có thêm cơ hội và trách nhiệm với tư cách là các cá nhân và gia đình để sử dụng thời gian của mình nhằm gia tăng sự vui thích cho ngày Sa Bát tại nhà và tại nhà thờ.

Vào tháng Tư vừa rồi, cơ cấu tổ chức của các nhóm túc số chức tư tế không chỉ được thay đổi. Mà hơn vậy, sự tập trung và sức mạnh đã được ban cho một cách thức cao quý và thánh thiện hơn để phục sự các anh chị em của chúng ta.

Giống như các sợi bện thành dây thừng tạo ra một công cụ chắc và bền, tất cả những hành động tương quan với nhau này là một phần của nỗ lực hợp nhất để hướng sự tập trung, các nguồn lực, và công việc của Giáo Hội phục hồi của Đấng Cứu Rỗi vào một sứ mệnh cơ bản: hỗ trợ Thượng Đế trong công việc của Ngài nhằm mang lại sự cứu rỗi và tôn cao cho con cái Ngài. Xin đừng tập trung trước nhất vào cách thức thực hiện điều đã được thông báo. Chúng ta không nên cho phép những chi tiết thủ tục làm lấn át các lý do thuộc linh tổng thể khiến cho những sự thay đổi này bây giờ đang được đưa ra.

Ước muốn của chúng ta là đức tin nơi kế hoạch của Cha Thiên Thượng và sứ mệnh cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi có thể được gia tăng trên thế gian và rằng giao ước vĩnh viễn của Thượng Đế có thể được thiết lập.3 Mục đích duy nhất của chúng ta là tạo điều kiện để tiếp tục cải đạo theo Chúa và yêu thương một cách trọn vẹn hơn cùng phục vụ các anh chị em của mình một cách hiệu quả hơn.

Phân Loại và Tách Riêng

Là các tín hữu của Giáo Hội, đôi khi chúng ta phân loại, tách riêng, và áp dụng phúc âm trong cuộc sống của mình bằng cách tạo ra các bản liệt kê dài dòng những chủ đề riêng rẽ phải học và những bổn phận phải hoàn thành. Nhưng phương pháp như vậy có nguy cơ sẽ hạn chế sự hiểu biết và tầm nhìn của chúng ta. Chúng ta phải cẩn trọng bởi vì sự tập trung bề ngoài giống người Pha Ri Si vào bản liệt kê những việc cần làm có thể khiến chúng ta phân tâm không đến gần Chúa hơn.

Mục đích và sự thanh tẩy, niềm vui và hạnh phúc, cùng sự cải đạo liên tục và sự bảo vệ nhờ “hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế”4 và “thụ nhận được hình ảnh của Ngài trong sắc mặt mình”5 không thể có được chỉ bằng cách thực hiện và đánh dấu hoàn thành tất cả những việc thuộc linh mà chúng ta cần làm. Thay vì vậy, quyền năng của phúc âm của Đấng Cứu Rỗi để biến đổi và ban phước chúng ta sẽ đến từ việc nhận ra và áp dụng những mối tương quan trong giáo lý, nguyên tắc, và lối thực hành phúc âm. Chỉ khi chúng ta hội hiệp mọi điều thành một trong Đấng Ky Tô, kiên quyết tập trung vào Ngài, thì các lẽ thật phúc âm mới có thể cùng hiệp lại giúp chúng ta trở thành con người mà Thượng Đế muốn chúng ta trở thành6 và dũng cảm chịu đựng đến cùng.7

Học Hỏi và Liên Kết Các Lẽ Thật Phúc Âm

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là một tấm thảm thêu tuyệt đẹp của lẽ thật mà được “sắp đặt cách hẳn hoi”8 để cùng dệt nên. Khi chúng ta học hỏi và liên kết các lẽ thật phúc âm đã được mặc khải với nhau, chúng ta có phước để nhận được quan điểm quý báu và gia tăng khả năng thuộc linh qua mắt có thể thấy được ảnh hưởng của Chúa trong cuộc sống mình và tai có thể nghe được tiếng Ngài.9 Và nguyên tắc hiệp hội muôn vật lại—trong Ngài—có thể hỗ trợ chúng ta thay đổi các bản liệt kê truyền thống thành một sự hợp nhất đầy đủ trọn vẹn. Cho phép tôi đưa ra một ví dụ trong giáo lý và một ví dụ trong Giáo Hội về điều tôi đang đề nghị.

Ví dụ 1. Tín điều thứ tư là một trong những minh họa rõ nét nhất về việc hiệp hội mọi điều thành một trong Đấng Ky Tô: “Chúng tôi tin rằng những nguyên tắc và giáo lễ đầu tiên của Phúc Âm là: thứ nhất, Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô; thứ nhì, Sự Hối Cải; thứ ba, Phép Báp Têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi; thứ tư, Phép Đặt Tay để tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh.”10

Hình Ảnh
Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Đức tin chân thật tập trung trong và nơi Chúa Giê Su Ky Tô—trong Ngài là Vị Nam Tử Độc Sinh Thiêng Liêng của Đức Chúa Cha và nơi Ngài cùng sứ mệnh cứu chuộc mà Ngài đã hoàn tất. “Vì Ngài đã đáp ứng cho mục đích của luật pháp, và Ngài tuyên nhận tất cả những ai có đức tin nơi Ngài; và những ai có đức tin nơi Ngài đều sẽ gắn bó với mọi điều tốt lành; vậy nên Ngài biện hộ cho chính nghĩa của con cái loài người.”11 Thực hành đức tin trong Đấng Ky Tô là tin cậy và tin tưởng nơi Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, nơi danh Ngài, và nơi những lời Ngài hứa.

Hình Ảnh
Sự hối cải

Kết quả đầu tiên và tự nhiên của việc tin cậy trong Đấng Cứu Rỗi là sự hối cải và xa lánh điều xấu xa. Khi thực hành đức tin trong và nơi Chúa, chúng ta sẽ tự nhiên tiến tới, trở lại, và phụ thuộc vào Ngài. Do đó, hối cải là tin cậytrông cậy nơi Đấng Cứu Chuộc làm cho chúng ta điều chúng ta không thể tự mình làm được. Mỗi người chúng ta phải “[trông cậy] hoàn toàn vào những công nghiệp của Đấng có quyền năng cứu rỗi”12 bởi vì chỉ “qua sự trung gian của công lao, lòng thương xót, và ân điển của Đấng Mê Si Thánh”13 mà chúng ta mới có thể trở thành những con người mới trong Đấng Ky Tô14 và cuối cùng quay về sống trong sự hiện diện của Thượng Đế.

Hình Ảnh
Phép Báp Têm

Giáo lễ báp têm bằng việc dìm mình cho sự xá miễn tội lỗi đòi hỏi chúng ta tin cậy Ngài, trông cậy Ngài, và noi theo Ngài. Nê Phi tuyên bố: “Tôi biết rằng, nếu các người noi theo Đức Chúa Con một cách hết lòng, không hành động giả nghĩa và lừa dối trước mặt Thượng Đế, mà thực tâm hối cải tội lỗi của mình, và chứng tỏ cho Đức Chúa Cha thấy rằng, các người sẵn lòng muốn được mang danh Đấng Ky Tô bằng cách chịu phép báp têm—phải, bằng cách noi theo Chúa và Đấng Cứu Rỗi của các người, mà bước xuống nước, đúng theo lời phán dạy của Ngài, này, kế đó các người sẽ nhận được Đức Thánh Linh; phải, và rồi các người sẽ được báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh.”15

Hình Ảnh
Lễ Xác Nhận

Giáo lễ đặt tay để ban ân tứ Đức Thánh Linh đòi hỏi chúng ta tin cậy Ngài, trông cậy Ngài, noi theo Ngài, và tiến bước trong Ngài cùng sự trợ giúp của Thánh Linh Ngài. Như Nê Phi đã tuyên bố: “Và này … do đó mà tôi biết được rằng, nếu loài người không kiên trì đến cùng bằng cách noi gương Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, thì kẻ đó không thể được cứu.”16

Hình Ảnh
Hội hiệp thành một

Tín điều thứ tư không chỉ nêu lên các nguyên tắc và các giáo lễ cơ bản của phúc âm phục hồi. Mà hơn nữa, lời tuyên bố đầy soi dẫn này về những điều chúng ta tin đã hội hiệp mọi điều thành một trong Đấng Ky Tô: tin cậy trong và nơi Ngài, trông cậy Ngài, noi theo Ngài, và tiến bước cùng Ngài—chính là trong Ngài.

Ví dụ 2. Giờ đây tôi muốn mô tả cách tất cả các chương trình và sáng kiến của Giáo Hội được hội hiệp thành một trong Đấng Ky Tô. Tuy có thể trình bày thêm nhiều ví dụ; nhưng tôi sẽ chỉ chọn ra một vài điều để minh họa.

Hình Ảnh
Xây đắp và củng cố Si Ôn

Vào năm 1978, Chủ Tịch Spencer W. Kimball chỉ thị cho các tín hữu Giáo Hội gia tăng sức mạnh của Si Ôn trên khắp thế gian. Ông đã khuyên các thánh hữu ở lại quê hương họ và thiết lập các giáo khu vững mạnh bằng cách quy tụ gia đình của Thượng Đế và giảng dạy họ đường lối của Chúa. Ông chỉ ra thêm rằng nhiều đền thờ hơn nữa sẽ được xây dựng và hứa các phước lành cho các thánh hữu cho dù họ sống ở nơi đâu trên thế gian.17

Hình Ảnh
Ba tiếng đồng hồ
Hình Ảnh
Bản tuyên ngôn về gia đình

Khi con số giáo khu tăng lên, thì càng cần phải làm cho mái gia đình của các tín hữu “trở thành nơi mà mọi người trong gia đình thích ở, nơi họ có thể làm cho đời sống mình thêm phong phú và tìm được tình yêu thương, sự ủng hộ, lòng cảm kích, và sự khích lệ lẫn cho nhau.”18 Kết quả là, vào năm 1980, các buổi họp ngày Chủ Nhật được gộp lại thành ba tiếng đồng hồ để “tái nhấn mạnh vào trách nhiệm của cá nhân và gia đình trong việc học hỏi, sống, và giảng dạy phúc âm.”19 Sự nhấn mạnh này vào gia đình và tổ ấm một lần nữa được khẳng định trong “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” được Chủ Tịch Gordon B. Hinckley giới thiệu vào năm 1995.20

Hình Ảnh
Xây cất đền thờ

Vào tháng Tư năm 1998, Chủ Tịch Hinckley loan báo xây cất thêm nhiều đền thờ nhỏ, nhờ vậy có thể mang các giáo lễ thiêng liêng trong Nhà của Chúa đến gần các cá nhân và gia đình Thánh Hữu Ngày Sau hơn trên khắp thế giới.21 Và các cơ hội chú trọng vào sự tăng trưởng và phát triển về mặt thuộc linh này được bổ sung với việc gia tăng tương ứng của sự tự lực cánh sinh về mặt vật chất qua việc giới thiệu Quỹ Giáo Dục Luân Lưu vào năm 2001.22

Hình Ảnh
Chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu

Trong thời của Chủ Tịch Thomas S. Monson, ông thường xuyên khẩn nài các thánh hữu đi “giải cứu” và nhấn mạnh việc chăm sóc người nghèo khó và túng thiếu như một trong các trách nhiệm thiêng liêng được chỉ định cho Giáo Hội. Tiếp tục nhấn mạnh vào sự chuẩn bị về mặt vật chất, sáng kiến Các Dịch Vụ Tự Lực Cánh Sinh đã được triển khai vào năm 2012.

Hình Ảnh
Làm cho ngày Sa Bát trở thành ngày vui thích

Qua vài năm gần đây, những nguyên tắc thiết yếu để làm ngày Sa Bát thêm vui thích ở nhà và ở nhà thờ đã được nhấn mạnh và củng cố,23 do đó giúp chúng ta được chuẩn bị cho lịch trình nhóm họp ngày Chủ Nhật mà đã được thông báo trong kỳ đại hội trung ương này.

Hình Ảnh
Các nhóm túc số Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc phù hợp với các tổ chức bổ trợ

Rồi sáu tháng trước, các nhóm túc số chức tư tế Mên Chi Xê Đéc đã được củng cố và sắp xếp một cách hữu hiệu hơn với các tổ chức bổ trợ để đạt được một phương cách phục sự cao quý và thánh thiện hơn.

Hình Ảnh
Một công việc hiệp nhất

Tôi tin rằng trình tự và thời điểm của các hành động này qua nhiều thập kỷ có thể giúp chúng ta thấy được công việc hợp nhất toàn diện mà không chỉ là một loạt các sáng kiến riêng rẽ rời rạc. “Thượng Đế đã mặc khải một khuôn mẫu về sự tiến triển thuộc linh cho cá nhân và gia đình qua các giáo lễ, sự giảng dạy, các chương trình và sinh hoạt tập trung vào gia đình và được Giáo Hội hỗ trợ. Các tổ chức và chương trình của Giáo Hội tồn tại để ban phước cho các cá nhân và gia đình chứ không phải tồn tại vì lợi ích riêng của chúng.”24

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể nhận ra công việc của Chúa là một công việc toàn cầu vĩ đại đang trở nên tập trung vào gia đình và được Giáo Hội hỗ trợ nhiều hơn bao giờ hết. Tôi biết và làm chứng rằng Chúa hiện đang mặc khải và sẽ còn mặc khải nhiều điều lớn lao và quan trọng có liên quan đến Vương Quốc của Thượng Đế.”25

Lời Hứa và Chứng Ngôn

Tôi đã bắt đầu sứ điệp của mình bằng việc nhấn mạnh đến sức mạnh được tạo ra khi các sợi vật liệu riêng rẽ được xoắn hoặc bện lại với nhau thành một sợi dây thừng. Trong một cách thức tương tự, tôi hứa rằng quan điểm, mục đích, và quyền năng được gia tăng sẽ đến thật rõ rệt trong việc học tập và sống theo phúc âm phục hồi khi chúng ta nỗ lực hội hiệp mọi điều lại thành một trong Đấng Ky Tô.

Tất cả mọi cơ hội và phước lành cần thiết cho sự an lạc vĩnh cửu của chúng ta đều bắt nguồn, trở nên khả thi và có mục đích, và tồn tại qua Chúa Giê Su Ky Tô. Như An Ma đã làm chứng: “Chẳng có đường lối hay phương tiện nào khác mà nhờ đó loài người có thể được cứu, chỉ ở trong và qua Đấng Ky Tô mà thôi. Này, Ngài là sự sống và là sự sáng của thế gian.”26

Tôi hân hoan làm chứng về thiên tính và thực tế hằng sống của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và về Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Trong Đấng Cứu Rỗi của mình, chúng ta tìm được niềm vui. Và trong Ngài chúng ta tìm thấy một sự đảm bảo cho “bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.”27 Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.