2018
Chủ Tịch Russell M. Nelson: Được Hướng Dẫn, Được Chuẩn Bị và Đầy Tận Tâm
Chủ Tịch Russell M. Nelson


Chủ Tịch Russell M. Nelson: Được Hướng Dẫn, Được Chuẩn Bị và Đầy Tận Tâm

Sau nhiều thập niên chữa tim với tư cách là một bác sĩ phẫu thuật tim nổi tiếng và sau đó ảnh hưởng đến nhiều người với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, Chủ Tịch Russell M. Nelson mang một bàn tay vững vàng và tình yêu thương bền bỉ đến với giáo vụ của ông là Chủ Tịch của Giáo Hội.

Hình Ảnh
President Russell M. Nelson seated in black chair

Khi một Chủ Tịch của Giáo Hội qua đời, nhiều người tập trung vào tiến trình mà qua đó người kế nhiệm ông được chọn ra. Trên thực tế, tiến trình đó, do Chúa hướng dẫn, đã bắt đầu nhiều năm trước đây. Russell M. Nelson đã có một sự chuẩn bị suốt đời cho sự kêu gọi thiêng liêng này. Tôi đã là nhân chứng cho phần lớn sự chuẩn bị đó.

Sự chuẩn bị của Chủ Tịch Russell M. Nelson là hiển nhiên trong tất cả những kinh nghiệm và thành tích suốt đời của ông. Ông nổi tiếng là một bác sĩ phẫu thuật tim tiên phong. Ông là một nhà văn và nhà hùng biện xuất sắc, có khả năng giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng. Ông biết và yêu thương mọi người, và ông hiểu được những ảnh hưởng của quyết định đối với cuộc sống của họ. Ông biết và yêu thích thánh thư và đền thờ thánh. Ông là một nhà quản trị giàu kinh nghiệm đưa ra quyết định nhanh chóng và dứt khoát.

Cá nhân Chủ Tịch Nelson đã quen biết, và trong nhiều dịp đã được học từ 10 trong số 16 Chủ Tịch trước của Giáo Hội. Bây giờ, với tư cách là Chủ Tịch thứ 17, ông bắt đầu giáo vụ làm chủ tịch bằng cách bảo đảm với Các Thánh Hữu Ngày Sau rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội của Ngài.

Ông nói trong buổi công bố được phát sóng vào ngày 16 tháng Một năm 2018: “Chúa luôn luôn đã và sẽ chỉ dẫn và soi dẫn các vị tiên tri của Ngài. Chúa đang lèo lái Giáo Hội. Chúng tôi là những người đã được sắc phong để làm chứng về thánh danh của Ngài trên khắp thế giới sẽ tiếp tục tìm cách biết được và tuân theo ý muốn của Ngài.”1

Mối quan tâm của Chủ Tịch Nelson đối với sự an lạc vĩnh cửu của con cái Thượng Đế xuất phát từ một sự thành tâm phục vụ suốt đời. Cũng giống như ông đã thực sự chữa tim của nhiều người với tư cách là một bác sĩ phẫu thuật, ông đã làm cảm động lòng của Các Thánh Hữu trên toàn thế giới với những lời giảng dạy hùng hồn, sự phục vụ vô vị kỷ và tình yêu thương bền bỉ. Như ông đã nói trong buổi phát sóng lịch sử vào tháng Một, tình yêu thương “đã phát triển qua nhiều thập niên gặp gỡ anh chị em, thờ phượng cùng với anh chị em và phục vụ anh chị em.”2

Sự Chuẩn Bị Thiết Yếu

Phần lớn sự nghiệp nổi bật của Bác Sĩ Nelson được biết đến là một học giả tiên phong, nhà khoa học, và bác sĩ phẫu thuật tim của con người. Tất cả những điều đó, cũng như cuộc sống gia đình gương mẫu của ông là một phần chính yếu trong sự chuẩn bị của ông.

Hình Ảnh
young Russell M. Nelson with his parents and siblings

Russell Marion Nelson sinh ngày 9 tháng Chín năm 1924, con của Ông Marion C. và Bà Edna Anderson Nelson. Cả hai cha mẹ đều là tín hữu kém tích cực của Giáo Hội trong suốt thời thơ ấu của Russell, nhưng họ đã trút hết tình yêu thương vào con cái họ và thỉnh thoảng gửi con cái họ đến trường Chủ Nhật. Ban đầu, thiếu niên Russell không quan tâm đến nhà thờ, thích chơi bóng bầu dục với bạn bè hơn. Nhưng khi ông được 16 tuổi, lòng ông bắt đầu đáp ứng với những lẽ thật của phúc âm và ông đã cùng với anh chị em của ông chịu phép báp têm. Nhiều năm sau, vì tấm gương và sự thuyết phục của con cái họ, nên cha mẹ Nelson đã trở lại tích cực.

Thiếu niên Russell cũng đã đáp ứng cơ hội học vấn. Ông đã đi đến việc nhận biết, và sau đó ông đã giảng dạy, rằng việc theo đuổi học vấn là một trách nhiệm nghiêm chỉnh. Ông tốt nghiệp trung học năm 16 tuổi, và ghi danh vào trường University of Utah khi cuộc xung đột trên toàn thế giới của Đệ Nhị Thế Chiến đã không cho ông phục vụ truyền giáo toàn thời gian.

Trong khi Russell đang học để lấy bằng cử nhân, thì tài năng âm nhạc của ông đã thuyết phục ông tham gia dàn diễn viên trong vở nhạc kịch ở trường đại học. Người hát giọng nữ cao chính, Dantzel White, làm cho ông chú ý. Họ kết hôn ngay sau khi ông nhận được bằng cử nhân vào năm 1945. Năm 22 tuổi, ông tốt nghiệp danh dự từ trường University of Utah với bằng bác sĩ y khoa. Ông tiếp tục theo học trường University of Minnesota trong chương trình đào tạo hậu tiến sĩ. Ở đó, ông là một thành viên quan trọng của đội đi tiên phong trong việc phát triển phẫu thuật tim hở. Về sau ông đã phục vụ trong các cuộc giải phẫu thực tập ở Minnesota và tại bệnh viện Massachusetts General Hospital ở Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ.

Trong lúc đang theo học và có thêm con cái, Bác Sĩ Nelson được kêu gọi đi phục vụ trong Chiến Tranh Triều Tiên vì quân đội đang rất cần bác sĩ. Do sự đào tạo phẫu thuật của mình nên ông được gửi đến Washington, D.C., nơi ông thành lập một đơn vị nghiên cứu phẫu thuật tại bệnh viện quân y Walter Reed National Military Medical Center. Vào năm 1953, khi đã xong nghĩa vụ quân sự của mình, ông đã dành một năm cho Harvard Service tại bệnh viện Massachusetts General Hospital ở Boston. Sau đó ông hoàn tất chương trình Tiến Sĩ tại trường University of Minnesota vào năm 1954.

Hình Ảnh
Russell M. Nelson with his wife (Dantzel) and children

Mặc dù chương trình học y khoa và sự nghiệp rất bận rộn của mình, Bác Sĩ Nelson luôn đặt gia đình mình lên hàng đầu trong cuộc đời ông. Dantzel White Nelson luôn sát cánh và hỗ trợ chồng của bà trong tất cả các sinh hoạt của gia đình, Giáo Hội, nghề nghiệp và quân sự của ông. Mối quan hệ liên tục, đầy hỗ trợ và yêu thương lẫn nhau của họ là nguồn soi dẫn và ảnh hưởng vững chắc cho mỗi người con trong số 10 người con của họ—chín con gái và một con trai. Theo cô con gái Sylvia Webster của họ thì mối quan hệ của họ “rất tuyệt vời và đầy cam kết đối với nhau.” Người con út của họ, Russell Nelson Jr., nhớ lại: “Hiển nhiên là cha mẹ tôi luôn luôn yêu nhau rất nhiều.”3

Dantzel Nelson đã đột ngột qua đời ngay trước ngày kỷ niệm 60 năm ngày cưới của họ. Sau một thời gian vô cùng cô đơn, Anh Cả Nelson đã kết hôn với Wendy Watson, một phụ nữ chưa từng lập gia đình, có bằng tiến sĩ, là giáo sư tại trường Brigham Young University, và sự tiếp cận đầy yêu thương với gia đình Nelson đông người đã làm cho bà trở thành người bạn đời lý tưởng cho Anh Cả và Chủ Tịch Nelson.

Hình Ảnh
Russell M. Nelson with Wendy, his second wife

Cô con gái Sylvia nói: “Tôi chắc chắn rằng thật là khó để gia nhập vào một gia đình có hơn 200 người và cảm thấy như mình là bạn bè thân thiết. Wendy đã nỗ lực rất nhiều và bà thật là tuyệt vời.”4 Russell Jr. nói thêm: “Wendy là người bạn đời tuyệt vời của cha tôi. … Tôi có thể thấy cách mà cha tôi đã được chuẩn bị trong nhiều năm cho chức vụ này và sự kêu gọi này, và một phần quan trọng đó là Wendy trong cuộc đời của ông.”5

Gia đình Nelson có 10 người con, 57 cháu và 116 chắt với 2 đứa bé nữa sắp sinh vào lúc bài này đang được viết. Tất cả những người có thể có mặt đều nhóm lại một nhà khác nhau mỗi tháng để ăn mừng sinh nhật và kỷ niệm ngày cưới.

“Tất Cả Các Vương Quốc Đều Có Luật Pháp Ban Hành”

Khi Russell M. Nelson đang theo học trường y khoa, ông được dạy rằng không có bác sĩ nào được chạm vào trái tim của người ta, vì một khi trái tim bị chạm vào thì nó sẽ ngừng đập. Tuy nhiên, chỉ một vài năm sau đó, Bác Sĩ Nelson và những người bạn đồng nghiên cứu của ông đã báo cáo lần đầu tiên sử dụng thành công một chiếc máy phổi tim nhân tạo cho một con chó. Máy phổi tim tiếp quản sự tuần hoàn của bệnh nhân và cho phép phẫu thuật trên trái tim không đập. Sự phát minh này của Bác Sĩ Nelson và các đồng nghiệp của ông đã sớm được áp dụng rộng rãi trên con người và hiện đã dẫn tới hơn 1,5 triệu ca phẫu thuật tim hở được thực hiện hàng năm trên toàn thế giới.

Sự soi dẫn mà đưa đến khám phá này đã đến với Bác Sĩ Nelson trong khi ông đang suy ngẫm những câu sau đây trong Giáo Lý và Giao Ước:

“Tất cả các vương quốc đều có luật pháp ban hành. …

“Và mọi vương quốc đều được ban cho một luật pháp; và mỗi luật pháp cũng đều có những giới hạn và những điều kiện” (GLGƯ 88:36, 38).6

Bác Sĩ Nelson lý luận rằng nếu ông làm việc, nghiên cứu, và đặt ra những câu hỏi đúng, thì ông và đội của ông có thể học được những luật lệ nào mà chi phối trái tim đang đập. “Chính là qua sự hiểu biết về thánh thư và ‘áp dụng’ thánh thư vào lĩnh vực quan trọng này mà lĩnh vực vĩ đại của phẫu thuật tim như chúng ta biết ngày nay đã tạo điều kiện cho tôi.”7

Trong suốt cuộc đời của ông, khả năng này để áp dụng các nguyên tắc phúc âm đã ban phước cho Chủ Tịch Nelson, gia đình ông, Giáo Hội và thế giới. Điều này là chìa khóa chuẩn bị cho sự kêu gọi của ông với tư cách là một Sứ Đồ và bây giờ là Chủ Tịch của Giáo Hội.

Trong sự nghiệp chuyên môn của ông, Bác Sĩ Nelson đã nhanh chóng đạt được danh hiệu là bác sĩ phẫu thuật và nhà nghiên cứu y khoa. Vào năm 1955, ông đã chấp nhận chức vụ là giáo sư nghiên cứu phẫu thuật tại trường University of Utah. Ở đó ông đã chế tạo một cái máy phổi tim mà ông đã sử dụng để thực hiện ca phẫu thuật tim hở đầu tiên ở Utah—ca phẫu thuật đầu tiên ở phía tây Sông Mississippi. Ông đã thuyết trình và viết nhiều chương cho các sách giáo khoa y học và hơn 70 bài báo đã được đồng nghiệp xem xét lại và đánh giá trong các ấn phẩm khác. Trước khi được kêu gọi vào chức vụ sứ đồ, ông đã thực hiện gần 7.000 ca phẫu thuật.8

Ngoài kỹ năng y khoa của mình, Bác Sĩ Nelson còn là một giảng viên đầy soi dẫn và một nhà quản trị đầy hiệu quả, những phẩm chất này đã làm cho ông trở thành vô giá trong lĩnh vực y khoa và về sau đã làm cho ông nổi bật trong những chức vụ kêu gọi của ông trong Giáo Hội.

Bác Sĩ Nelson nói: “Bổn phận của một bác sĩ, chủ yếu, là giảng dạy.” Ông nói thêm: “Một bác sĩ hoạt động thực sự ở mức cao nhất của mình khi đang giảng dạy cho bệnh nhân của mình biết điều gì là sai và điều gì có thể sửa chỉnh được.”9

Hình Ảnh
Russell M. Nelson as a doctor and during a visit to China

Bác Sĩ Nelson đã cho thấy sự sẵn lòng và sở thích giảng dạy và giáo dục bằng cách đi ra nước ngoài để trình bày và giảng dạy các phương thức y khoa. Để phụ giúp ông trong việc giảng dạy, ông đã học nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Đức, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha để có thể giao tiếp tốt hơn và giảng dạy các bác sĩ và các nhà nghiên cứu ở các nước khác. Sau khi tham dự một buổi họp mà trong đó Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985) đã khuyên giáo đoàn nên học tiếng Trung Quốc, thì Bác Sĩ Nelson và vợ ông là Dantzel ngay lập tức bắt đầu học tiếng Trung Quốc Quan Thoại. Sự thông thạo của ông về ngôn ngữ này đã cho phép ông hợp tác chặt chẽ với cộng đồng y khoa ở Trung Quốc, nơi mà ông thuyết trình và thực hiện ca phẫu thuật, cứu mạng sống của một trong các anh hùng quốc gia của Trung Quốc.10

Trước Hết, Hãy Tìm Kiếm Nước Đức Chúa Trời

Cũng đầy ấn tượng như những thành tựu y khoa của Chủ Tịch Nelson, ông vẫn tập trung vào Chúa và công việc của Ngài. Hầu hết các tín hữu của Giáo Hội không biết rằng ông đã phục vụ với tư cách là một người truyền giáo ở Khuôn Viên Đền Thờ từ năm 1955 đến năm 1965, hướng dẫn du khách từ 4 giờ đến 5 giờ chiều mỗi thứ Năm. Đây là một trong những thời gian bận rộn nhất của ông với tư cách là bác sĩ phẫu thuật. Về sau, ông đã viết rằng “vào năm 1964, chúng tôi vừa chỉ mới bắt đầu trong ngành y về thử thách của việc thay thế van động mạch chủ. Tỷ lệ tử vong cao, và thời gian chăm sóc cho mỗi bệnh nhân rất nhiều—phải dành rất nhiều tiếng đồng hồ, đôi khi thậm chí cả nhiều ngày nữa cho một bệnh nhân.”11

Đối với nhiều tín hữu Giáo Hội, thực tế đó sẽ không thể nào cho phép đảm nhận một chức vụ kêu gọi tốn thời gian hơn. Đối với Bác Sĩ Nelson thì không phải vậy. Vào năm 1964, sau khi ông và những người khác được phỏng vấn với tư cách có thể là chủ tịch giáo khu, thì Anh Cả Spencer W. Kimball lúc bấy giờ, đi cùng với Anh Cả LeGrand Richards (1886–1983) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã nói với ông: “Chúng tôi cảm thấy rằng Chúa muốn anh chủ tọa giáo khu này. Trong nhiều cuộc phỏng vấn của chúng tôi, bất cứ khi nào tên của anh được nói đến thì phản ứng thường là: ‘Ôi, anh ấy không thích hợp lắm đâu,’ hoặc “Anh ấy không có thời giờ,’ hoặc cả hai. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy rằng Chúa muốn anh đấy. Nếu bây giờ anh cảm thấy rằng mình quá bận rộn và không nên chấp nhận sự kêu gọi, thì đó là đặc ân của anh đấy.’ …

“Tôi chỉ trả lời rằng quyết định đó đã được đưa ra vào ngày 31 tháng Tám năm 1945, khi Chị Nelson và tôi kết hôn trong đền thờ. Lúc đó, chúng tôi đã cam kết là ‘trước hết … tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài,’ cảm thấy tin tưởng rằng mọi điều khác nữa sẽ được ban thêm cho chúng tôi, như Chúa đã hứa. (Xin xem Ma Thi Ơ 6:33.)”12

Việc Bác Sĩ Nelson chấp nhận sự kêu gọi đó minh họa điều mà Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ mới đây đã gọi là “lòng khiêm nhường và tính mộc mạc như một đứa trẻ của đức tin của Russell Nelson. … Ông ấy khiêm nhường, ông ấy giống như trẻ con, ở mọi cấp độ và trong hầu như mọi mối quan hệ khác giữa con người mà tôi đã nhìn thấy nơi ông ấy.”13

Anh Cả Kimball ban cho Bác Sĩ Nelson một phước lành, hứa rằng tỷ lệ tử vong liên quan đến phẫu thuật van động mạch chủ sẽ giảm xuống và phương thức phẫu thuật sẽ không còn đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực của ông nữa.

Bác Sĩ Nelson nói: “Năm sau đó, sự đòi hỏi nhiều thời gian của ca phẫu thuật quả thật đã giảm, và tôi đã có thời gian cần thiết để phục vụ cho sự kêu gọi đó và những sự kêu gọi khác.” “Trên thực tế, tỷ lệ tử vong của chúng tôi giảm xuống đến … một mức rất thấp và có thể chấp nhận và chịu được. Khá là thú vị, đó chính là ca phẫu thuật mà tôi đã thực hiện trên Chủ Tịch Kimball tám năm sau đó.”14

Hình Ảnh
Russell M. Nelson and Spencer W. Kimball; Russell M. Nelson with Dantzel, his first wife

Những đòi hỏi của nghề nghiệp và những chức vụ kêu gọi của Giáo Hội có nghĩa là thời gian rảnh rỗi của Bác Sĩ Nelson ở nhà đã bị giới hạn rất nhiều. Tuy nhiên, ông đã cố gắng hết sức để đặt vợ và 10 đứa con của họ thành ưu tiên. Bất cứ khi nào ông ở nhà, ông dành thời gian trọn vẹn cho gia đình mình. Trong nhiều chuyến đi của ông trên khắp thế giới, ông thường mang theo vợ hoặc một đứa con của họ đi cùng. Trong khi Dantzel chăm sóc cẩn thận cho con cái của họ trong khi ông vắng nhà, bà biết ơn về sự tận tâm của ông dành cho họ khi ông có thời gian nghỉ ngơi khỏi nghề nghiệp bận rộn và những chức vụ kêu gọi của ông. “Khi nào chồng tôi ở nhà thì anh ấy luôn lưu tâm đến gia đình!” bà đã có lần nói như vậy với Chủ Tịch Harold B. Lee (1899–1973), lúc bấy giờ là Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.15 Chủ Tịch Lee thường lặp lại câu nói này khi khuyên bảo các vị lãnh đạo chức tư tế bận rộn phải chú trọng vào gia đình của họ.

Noi Theo Vị Tiên Tri

Tôi là một nhân chứng và một người tham gia thứ yếu trong một sự kiện quan trọng của cuộc đời chuyên nghiệp của Bác Sĩ Russell M. Nelson và vợ ông là Dantzel. Sự kiện này xảy ra như là một phần của cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với vợ chồng Nelson vào năm 1965, cách đây hơn 52 năm. Trong cuốn tự truyện của mình, Bác Sĩ Nelson nói về việc ông được mời làm giáo sư phẫu thuật và chủ tịch của Phân Bộ Phẫu Thuật Tim Mạch và Ngực ở trường University of Chicago như thế nào. Ông đã viết rằng lời mời này “đã tạo ra các phương tiện có sẵn cho tôi trong phương diện hỗ trợ tài chính, phòng thí nghiệm nghiên cứu, và hỗ trợ nhân viên để hoàn thành mơ ước của bất cứ học giả về giáo dục nào. Để khuyến dụ thêm, lời mời đó còn gồm vào chương trình học bốn năm đại học cho tất cả chín đứa con của chúng tôi tại trường do chúng chọn, mà trường University of Chicago sẽ chi trả.” Vị chủ nhiệm khoa nói với Bác Sĩ Nelson: “Một trong những lý do chúng tôi muốn ông là vì chúng tôi biết ông là một người Mặc Môn tốt. Chúng tôi muốn ông ở trong ban giảng huấn của chúng tôi. Chúng tôi cần ông ở đây để mang lại ảnh hưởng cho trường Đại Học này mà một người Mặc Môn có thể mang lại.”16

Là một phần của chương trình tuyển dụng tích cực vị bác sĩ phi thường này, vị chủ nhiệm khoa gọi điện thoại để có sự giúp đỡ của tôi nhằm thuyết phục gia đình Nelson dọn đến Chicago. Lúc bấy giờ tôi là giáo sư luật tại trường University of Chicago và biết vị chủ nhiệm y khoa vì chúng tôi đã cùng phục vụ với nhau trong ban giám đốc các giảng viên của trường đại học. Vị chủ nhiệm khoa đã yêu cầu tôi mời gia đình Nelson đến ăn tối tại nhà của chúng tôi. Ông nài nỉ tôi nói cho họ biết tất cả mọi điều về Giáo Hội ở Chicago vì ông biết đây là một sự cân nhắc rất quan trọng đối với họ.

Vì vậy, June, người vợ quá cố của tôi và tôi đã gặp Dantzel và Russell Nelson, và đã mời họ ăn tối và có được một buổi thăm viếng tuyệt vời tại nhà của chúng tôi ở Chicago vào Chủ Nhật ngày 21 tháng Mười Một năm 1965. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để thuyết phục họ dọn đến Chicago. Về sau, tôi đã biết được từ cuốn tự truyện của ông rằng họ “rất thích lời mời này và thậm chí đã chọn một ngôi nhà ở một trong những khu ngoại ô của Chicago, nơi [họ] có thể nuôi nấng gia đình [họ].”17

Những gì đã xảy ra tiếp theo đó chỉ là một ví dụ về cách Chúa đã soi dẫn các quyết định và sự chuẩn bị của Russell M. Nelson. Khi trở lại Salt Lake City, ông đã tìm kiếm lời khuyên bảo từ Chủ Tịch David O. McKay (1873–1970) để hướng dẫn gia đình Nelson trong quyết định quan trọng của họ. Vị tiên tri đã cầu nguyện, và câu trả lời là: “Không.”

Hình Ảnh
David O. McKay; Russell M. Nelson looking at model of heart

Chủ Tịch McKay nói: “Anh đã sống ở một thành phố tốt nhất trên toàn thế giới. Anh có một lối sống mà không nơi nào trên thế giới có thể sánh bằng. Ở đây các con gái của anh sẽ được dành cho môi trường tốt nhất mà chúng có thể nhận được. Các con gái của anh là quan trọng đối với anh hơn bất cứ danh vọng hay tương lai nào mà có thể đến với anh trong bất cứ trường đại học nào. Không, Anh Nelson à, chỗ của anh là ở Salt Lake City này đây. Người ta sẽ đến với anh từ khắp nơi trên thế giới vì anh ở đây. Tôi không nghĩ anh nên đi Chicago.”18

Với lòng đầy đức tin, Bác Sĩ Nelson từ chối lời mời đến Chicago và vẫn ở lại Salt Lake City. Ở đó, trong những năm về sau, ông đã thực hiện ca phẫu thuật tim hở và kéo dài mạng sống của nhiều bệnh nhân biết ơn ông, kể cả Chủ Tịch Kimball, Anh Cả Richard L. Evans (1906–71), Chủ Tịch Boyd K. Packer (1924–2015) và nhiều vị lãnh đạo khác của Giáo Hội và nhiều tín hữu cùng gia đình của họ nữa.

Đối với June và tôi, cuộc gặp gỡ đó ở Chicago là khởi đầu cho tình bạn lâu dài và quý giá với Russell và Dantzel Nelson. Sáu năm sau, ông được giải nhiệm với tư cách là chủ tịch giáo khu và được kêu gọi với tư cách là Chủ Tịch Trung Ương Trường Chủ Nhật. Cũng trong năm đó, tôi được bổ nhiệm làm chủ tịch trường Brigham Young University. Trong nhiều năm, chúng tôi đã phục vụ chung với nhau trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và bây giờ chúng tôi sẽ cùng nhau phục vụ trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong một tình bạn mà đã bắt đầu ở Chicago giữa hai học giả và vợ của họ cách đây 52 năm.

Thay Đổi Các Tấm Lòng

Vào ngày 7 tháng Tư năm 1984, Bác Sĩ Nelson được sắc phong Sứ Đồ và được phong nhiệm với tư cách là một thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Ông nói: “Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, trọng tâm của bốn mươi năm qua trong ngành y khoa và phẫu thuật đã được thay đổi để cống hiến phần còn lại của cuộc đời tôi nhằm phục vụ toàn thời gian cho Chúa và Đấng Cứu Rỗi của tôi, là Chúa Giê Su Ky Tô.”19

Hình Ảnh
Russell M. Nelson with other members of the Quorum of the Twelve Apostles

Khi được kêu gọi với tư cách là sứ đồ, Anh Cả Nelson đã tuyên bố: “Công việc mà tôi đang tham gia là nguyên nhân quan trọng nhất trên thế gian. Công việc này thật là bao quát, đầy mãn nguyện, và khó khăn. Và tôi phải làm hết sức mình, vì tôi có trách nhiệm giải trình cho sự quản lý này.”20

Kể từ khi trở thành Sứ Đồ, và là Chủ Tịch của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ từ năm 2015, Chủ Tịch Nelson đã tiếp tục đi khắp nơi trên thế giới—chia sẻ những lời về cuộc sống vĩnh cửu và thay đổi các tấm lòng. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông là bắt đầu thuyết giảng phúc âm cho các quốc gia Đông Âu. Chủ Tịch Nelson nói: “Trong … năm năm, tôi đã có 27 chuyến đi đến 31 quốc gia ở châu Âu.” “Trước khi Chủ Tịch [Ezra Taft] Benson qua đời, … tôi [đã] có thể báo cáo với ông rằng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình: bây giờ chúng ta có Giáo Hội được thành lập ở mọi nước Đông Âu.”21

Hình Ảnh
Russell M. Nelson greeting Saints in Moscow, Russia

Chủ Tịch Nelson cũng đã làm lễ cung hiến 27 quốc gia cho việc thuyết giảng phúc âm, kể cả Bulgaria, Croatia, El Salvador, Ethiopia, French Polynesia, Kazakhstan và Nga. Có lần, trong khoảng thời gian là bốn ngày, ông đã làm lễ cung hiến sáu quốc gia riêng biệt.22 Trong giáo vụ sứ đồ của mình, ông đã đến thăm 133 quốc gia.23

Khi còn là một thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, Anh Cả Russell M. Nelson đã phục vụ lâu năm với tư cách là chủ tịch của mỗi hội đồng chính yếu của nhóm: Truyền Giáo, Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình, và Chấp Hành Chức Tư Tế (nay là Chấp Hành Chức Tư Tế và Gia Đình).

Giáo Hội đã trải qua rất nhiều thay đổi đáng kể trong những năm Anh Cả Nelson phục vụ trong Nhóm Túc Số Mười Hai, nơi mà ông đã phục vụ dưới năm Chủ Tịch của Giáo Hội. Kể từ năm 1984, Giáo Hội đã tăng hơn gấp đôi về con số tín hữu, từ khoảng 6 triệu tín hữu lên đến trên 16 triệu. Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã đưa ra hai bản tuyên bố chính thức: “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” vào năm 1995 và “Đấng Ky Tô Hằng Sống” vào năm 2000. Con số các đền thờ đang hoạt động đã gia tăng từ 30 vào năm 1984 lên đến 159 vào năm 2017. Vào năm 2010, khi Anh Cả Nelson được kêu gọi với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Chấp Hành Truyền Giáo, Giáo Hội đã có 58.000 người truyền giáo. Bây giờ, sau khi con số những người truyền giáo gia tăng cao khi độ tuổi phục vụ truyền giáo được hạ xuống, con số này đã ổn định ở khoảng 67.000 người.

Những Đức Tính Cá Nhân

Hầu hết những gì vừa được xem xét về Bác Sĩ, Anh Cả, và bây giờ là Chủ Tịch Nelson là một vấn đề mà công chúng biết được. Bây giờ tôi sẽ nhận xét về một số đức tính cá nhân cao quý của ông mà tôi đã quan sát qua nhiều năm.

Trước hết, Russell M. Nelson là một người rất tốt và là một người bạn và người cộng sự tốt. Ông luôn luôn nhân từ và có lòng trắc ẩn trong tất cả các mối quan hệ cá nhân của ông. Ông là một người gương mẫu kỳ diệu, chuyên cần và kỹ lưỡng chăm lo cho các trách nhiệm của mình—gia đình, Giáo Hội, và nghề nghiệp. Và thật là thú vị khi được ở bên cạnh ông.

Hình Ảnh
Russell M. Nelson on a swing

Trong phong cách lãnh đạo của mình, ông luôn luôn thân mật và dễ tiếp cận. Đó là một đức tính đáng mong muốn nhất nơi các vị lãnh đạo thâm niên. Với ông, chúng tôi không bao giờ ngần ngại đưa ra một đề tài cụ thể hoặc cảm thấy rằng việc làm như vậy là một điều phiền phức cho ông. Chúng tôi không bao giờ sợ nói chuyện với ông về bất cứ vấn đề đặc biệt nào. Chủ Tịch Nelson rất cởi mở, rất gần gũi và dễ nói chuyện.

Trong tiến trình chọn quyết định, Chủ Tịch Nelson quan tâm đến tác động chung. Ông có khả năng suy nghĩ rất giỏi qua tác động có thể xảy ra của một quyết định hoặc chính sách hay sự áp dụng giáo lý đối với các nhóm tín hữu khác nhau—những người lớn tuổi, những người trẻ tuổi, những người kém tích cực, các vị lãnh đạo Giáo Hội và những người khác. Tôi đã thấy đức tính đó nơi các vị lãnh đạo khác, nhưng sự hiểu biết của Chủ Tịch Nelson về vấn đề này là ngoại lệ. Có lẽ nó bắt nguồn từ kinh nghiệm của ông với tư cách là một bác sĩ mà không thể kê toa thuốc cho một bộ phận của cơ thể mà không xem xét ảnh hưởng của nó trên các bộ phận khác.

Chủ Tịch Nelson là một người ủy quyền rất giỏi, giỏi hơn so với hầu hết các vị lãnh đạo mà tôi đã quan sát thấy trong các bối cảnh chuyên môn và của Giáo Hội. Điều đó cũng có thể liên quan đến công việc của bác sĩ phẫu thuật, là người thực hiện một nhiệm vụ duy nhất sau khi (và trước khi) những người khác làm công việc của họ.

Một đức tính quan trọng khác của Chủ Tịch Nelson là đức tính kiên nhẫn của ông. Ông tránh đối chất khi giải quyết các vấn đề hoặc thực hiện công việc. Ông khôn ngoan tránh sử dụng chiến thuật “hãy giải quyết chuyện đó ngay bây giờ đi” để dành ra một chút thời gian xem xét liệu mọi điều có thể tự thực hiện thành công hay không. Đức tính đó sẽ rất quan trọng trong sự lãnh đạo của ông, cũng giống như trong suốt hai năm rưỡi ông đã phục vụ với tư cách là Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai.

Sau khi khen ngợi lòng kiên nhẫn của Chủ Tịch Nelson, tôi cũng cần phải khen ngợi một đức tính tương phản. Ông không do dự khi đưa ra quyết định. Khi đã đúng lúc và vấn đề đã sẵn sàng để chọn quyết định, ông quyết định nhanh chóng và dứt khoát. Ông có được sự sáng suốt khi một vấn đề đòi hỏi lòng kiên nhẫn và thảo luận nhiều hơn và khi nào chúng tôi nên chọn giữa những phương cách khác nhau và rồi tiếp tục công việc của Chúa. Các cộng sự của ông trong giới lãnh đạo yêu thích điều đó.

Chủ Tịch Nelson cũng là một người hòa hợp. Ông mang những quan điểm tương phản đến sự hòa hợp và những người khác nhau thành sự thống nhất. Thật là một đức tính kỳ diệu cho một vị lãnh đạo của các tín hữu đã cam kết với cùng một giáo lý thiêng liêng nhưng đến từ các nền văn hoá và truyền thống khác nhau.

Hình Ảnh
Russell M. Nelson with young adults

Russell M. Nelson có các ân tứ bẩm sinh về ngoại giao mà tôi đã trực tiếp quan sát. Ông đã sử dụng các ân tứ này trong các hoạt động chuyên môn của mình, ngay cả ở Trung Quốc. Kể từ khi ông được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai, ông đã mở cửa cho Giáo Hội ở Đông Âu trong một loạt các tình huống kỳ diệu. Ngoài ra, ông cũng đã đi thăm 133 quốc gia khác nhau với tư cách là tôi tớ của Chúa. Thật là một sự chuẩn bị phi thường cho một chức vụ cao quý mà ông hiện đang được kêu gọi để phục vụ!

Một đức tính nữa trong số những đức tính cao quý của Chủ Tịch Nelson—sẽ là điều ngạc nhiên đối với một số người—là tài viết văn của ông. Những bài viết của ông là khuôn mẫu trong sáng rõ ràng, và việc ông chỉnh sửa bài viết của người khác là luôn hữu ích. Các thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai trao đổi bản thảo để nhận được những đề nghị nhằm cải thiện các bài nói chuyện quan trọng. Trong tiến trình đó, tôi đã biết được rằng không một ai đề nghị những điều cải thiện rất hay cho các bài nói chuyện của tôi hơn Chủ Tịch Nelson. Là một người đã trải qua cuộc đời chuyên nghiệp của mình với chữ nghĩa, tôi đã rất ngạc nhiên khi được chỉnh sửa một cách tuyệt vời bởi một người có cuộc sống chuyên nghiệp là làm việc với cơ thể. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng bài mẫu của ông là kết quả của việc làm chăm chỉ. Có lần, trong một lần được yêu cầu xem lại một trong các bản thảo của ông, tôi đã thấy đó là bản nháp thứ tám của ông. Nếu tôi đã biết về các ấn phẩm chuyên môn đáng kinh ngạc của Bác Sĩ Nelson thì tôi sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng không có nhà văn nào tài giỏi hơn trong Nhóm Túc Số Mười Hai.

Hình Ảnh
Russell M. Nelson on family ski outing

Hầu hết mọi người đều tò mò bởi số tuổi của vị chủ tịch mới của chúng ta—93 tuổi! Những người trong chúng tôi làm việc gần gũi với ông chỉ lo lắng về những nỗ lực của chúng tôi để theo kịp ông. Ông hoạt động tích cực về mặt thể chất lẫn tinh thần một cách đầy ấn tượng. Trí nhớ của ông ấy thật là đầy ấn tượng. Ông trượt tuyết thường xuyên và nghỉ ngơi rất ít. Ông vẫn còn sử dụng máy thổi tuyết cho đường lái xe vào nhà của ông và của hàng xóm ông.24 Tôi đã cảm nhận được năng lượng vô tận của ông vào mỗi thứ Năm. Khi chúng tôi kết thúc buổi họp của mình trong Đền Thờ Salt Lake, một số người đi thang máy xuống tầng dưới và một số người đi bộ xuống cầu thang từ căn phòng trên lầu của chúng tôi. Chủ Tịch Nelson luôn luôn vội vã đi xuống cầu thang. Tôi luôn luôn cố gắng theo kịp ông nhưng không thể làm được.

Tận Tâm với Đấng Cứu Rỗi

Chủ Tịch Nelson đã nói: “Mỗi ngày phục vụ của một Sứ Đồ là một ngày học hỏi và chuẩn bị cho nhiều trách nhiệm hơn trong tương lai.”25 Đối với ông, thời gian chuẩn bị để lãnh đạo Giáo Hội giờ đây đã kết thúc, và ông đã nhận được quyền năng thiêng liêng của Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự chuẩn bị của ông dẫn chúng ta đến việc mong đợi điều gì trong giai đoạn lãnh đạo của ông?

Quan trọng hơn hết là sự cam kết của ông với Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đứng đầu Giáo Hội của Ngài. Như Chủ Tịch Nelson đã nói trong sứ điệp của ông vào tháng Một, đã được trích dẫn trước đây: “Chúng tôi … sẽ tiếp tục tìm cách biết được và tuân theo ý muốn của Ngài.”26 Trong khi đó, lời giảng dạy đầy soi dẫn của Chủ Tịch Nelson nhận ra các vấn đề có thể cần phải nhấn mạnh.

Trong đại hội trung ương vào tháng Mười năm 2017, Chủ Tịch Nelson đã nhắc nhở các tín hữu của Giáo Hội về ý nghĩa quan trọng của Sách Mặc Môn. Ông đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu riêng của ông về Sách Mặc Môn, kể cả bản liệt kê về những điều làm nên Sách Mặc Môn, những điều sách xác nhận, những điều sách bác bỏ, những điều sách ứng nghiệm, những điều sách làm sáng tỏ, và những điều sách tiết lộ. Ông khuyến khích các tín hữu nên nghiên cứu và suy ngẫm sách đó hằng ngày.27

Hình Ảnh
Russell M. Nelson and his counselors during press conference

Vào ngày 16 tháng Một năm 2018, hai ngày sau khi Chủ Tịch Nelson được phong nhiệm với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội, ông đã loan báo rằng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mới sẽ bắt đầu giáo vụ của mình “với mục tiêu mong muốn.” “Mục tiêu” đó là sự cứu rỗi của các cá nhân và lễ gắn bó của các gia đình trong nhà của Chúa. Chủ Tịch Nelson đã nói từ khu nhà phụ của Đền Thờ Salt Lake: “Vì lý do này, chúng tôi đang ngỏ lời với anh chị em hôm nay từ một đền thờ.

“Mục tiêu mà mỗi người chúng ta cố gắng đạt được là được làm lễ thiên ân với quyền năng trong một ngôi nhà của Chúa, được làm lễ gắn bó với gia đình, trung thành với các giao ước đã được lập trong một đền thờ mà cho chúng ta đủ điều kiện để nhận lãnh sự ban cho lớn nhất của Thượng Đế—đó là sự ban cho cuộc sống vĩnh cửu. Các giáo lễ của đền thờ và các giao ước mà anh chị em lập ở đó là chìa khóa để củng cố cuộc sống, hôn nhân và gia đình của anh chị em, và khả năng của anh chị em để chống lại những cuộc tấn công của kẻ nghịch thù. Sự thờ phượng trong đền thờ và sự phục vụ của anh chị em trong đó thay cho tổ tiên của mình sẽ ban phước cho anh chị em với nhiều sự mặc khải và sự bình an cá nhân hơn và sẽ củng cố cam kết của anh chị em để ở lại trên con đường giao ước.”28

Chủ Tịch Nelson cũng kêu gọi Các Thánh Hữu nên ở lại trên con đường giao ước: “Sự cam kết của anh chị em để noi theo Đấng Cứu Rỗi bằng cách lập giao ước với Ngài và rồi việc tuân giữ các giao ước đó sẽ mở ra cánh cửa cho mọi phước lành và đặc ân thiêng liêng dành sẵn cho nam giới, phụ nữ và trẻ em ở khắp mọi nơi.” Ông nói với những người đã xa rời con đường đó: “Với tất cả hy vọng trong lòng mình, tôi xin mời anh chị em hãy trở lại. Bất kể những lo lắng, thử thách của anh chị em là gì đi nữa thì cũng có một nơi dành cho anh chị em ở đây, Giáo Hội của Chúa. Anh chị em và các thế hệ mai sau sẽ được ban phước nhờ vào hành động của anh chị em bây giờ để trở lại con đường giao ước.”29

Đây là một đầu mối quan trọng khác nữa: “Câu thánh thư mà đã trở thành một huyền thoại sống động cho tôi nằm ở trong tiết 88 của sách Giáo Lý và Giao Ước, nơi mà Chúa phán: ‘Ta sẽ gấp rút làm công việc của ta vào đúng kỳ của nó,’” Chủ Tịch Nelson đã nói. “Và tôi đã sống … để thấy sự gấp rút này.”30 Giờ đây, ông sẽ hướng dẫn sự gấp rút đó.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã luôn luôn làm chứng về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô và lẽ trung thực của kế hoạch cứu rỗi mà Cha Thiên Thượng của chúng ta và Con Trai Yêu Dấu của Ngài đã ban cho để báo cho biết và hướng dẫn chúng ta. Khi Chủ Tịch Nelson dẫn dắt Giáo Hội hướng đến tương lai, Các Thánh Hữu Ngày Sau có thể yên tâm khi biết rằng ông sẽ hướng dẫn họ đúng theo ý muốn của thiên thượng. Ông nói: “Tôi tuyên bố sự tận tâm của tôi đối với Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta và đối với Con Trai của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi biết hai Ngài, tôi yêu mến hai Ngài, và cam kết phục vụ hai Ngài—và anh chị em—với từng hơi thở còn lại của cuộc đời tôi.”31

Tôi yêu thương người tôi tớ này của Chúa, người cộng sự và bạn lâu đời của tôi là Chủ Tịch Russell M. Nelson. Cùng với những người đồng là tín hữu với tôi trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi trân quý những lời giảng dạy của ông và trông chờ sự lãnh đạo đầy soi dẫn của ông với tư cách là vị tiên tri của chúng ta. Tôi làm chứng rằng ông đã được Thượng Đế kêu gọi để lãnh đạo Giáo Hội trong thời kỳ của chúng ta.

Ghi Chú

  1. Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Cùng Tiến Bước với Nhau,” Liahona, tháng Tư năm 2018, trang 6.

  2. Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Cùng Tiến Bước với Nhau,” trang 7.

  3. Sylvia Webster và Russell Nelson Jr., trong Sarah Jane Weaver, “Get to Know President Russell M. Nelson, a Renaissance Man,” Church News, Jan. 16, 2018, , lds.org/church/news.

  4. Sylvia Webster, trong Sarah Jane Weaver, “Get to Know President Russell M. Nelson.”

  5. Russell Nelson Jr., trong Tad Walch, “Who Is President Russell M. Nelson? A Man of Heart, Compassion and Faith,” Deseret News, Jan. 16, 2018, deseretnews.com.

  6. Xin xem Russell M. Nelson, “Begin with the End in Mind” (Brigham Young University fireside, Sept. 30, 1984), 2, speeches.byu.edu.

  7. Russell M. Nelson, “Begin with the End in Mind,” 3.

  8. Xin xem Tad Walch, “Who Is President Russell M. Nelson?”

  9. Trong Spencer J. Condie, Russell M. Nelson: Father, Surgeon, Apostle (2003), 140.

  10. Xin xem Russell M. Nelson, “Hãy Sống Đúng Theo Tiềm Năng của Mình Là Những Người của Thiên Niên Kỷ,” Liahona, tháng Mười năm 2016, trang 52–53.

  11. Trong “Elder Russell M. Nelson of the Quorum of the Twelve,” Ensign, May 1984, 87.

  12. Russell Marion Nelson, From Heart to Heart: An Autobiography (1979), 114.

  13. Jeffrey R. Holland, trong Tad Walch, “Who Is President Russell M. Nelson?”

  14. Trong “Elder Russell M. Nelson of the Quorum of the Twelve Apostles,” 88.

  15. Dantzel White Nelson, trong Lane Johnson, “Russell M. Nelson: A Study in Obedience,” Ensign, Aug. 1982, 23.

  16. Russell Marion Nelson, From Heart to Heart, 149.

  17. Russell Marion Nelson, From Heart to Heart, 149.

  18. David O. McKay, trong Russell Marion Nelson, From Heart to Heart, 150.

  19. Trong Spencer J. Condie, Russell M. Nelson: Father, Surgeon, Apostle, 186.

  20. Trong Marvin K. Gardner, “Elder Russell M. Nelson: Applying Divine Laws,” Ensign, June 1984, 13.

  21. Trang Facebook của Russell M. Nelson, video được đăng ngày 11 tháng Chín năm 2014, facebook.com/lds.russell.m.nelson/videos.

  22. Xin xem trang Facebook của Russell M. Nelson, video được đăng ngày 11 tháng Chín năm 2014.

  23. Xin xem Tad Walch, “Who Is President Russell M. Nelson?”

  24. Xin xem Tad Walch, “Who Is President Russell M. Nelson?”

  25. Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Cùng Tiến Bước với Nhau,” trang 6.

  26. Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Cùng Tiến Bước với Nhau,” trang 6.

  27. Xin xem Russell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống của Anh Chị Em Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 60-63.

  28. Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Cùng Tiến Bước với Nhau,”trang 7.

  29. Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Cùng Tiến Bước với Nhau,” trang 7.

  30. Trang Facebook của Russell M. Nelson, video được đăng ngày 11 tháng Chín năm 2014.

  31. Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Cùng Tiến Bước với Nhau,” trang 7.