2014
Những Người Nam và Những Người Nữ Làm Công Việc của Chúa
Tháng 2014


Những Người Nam và Những Người Nữ Làm Công Việc của Chúa

Từ bài nói chuyện trong buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University vào ngày 20 tháng Tám năm 2013. Để có được toàn bộ bài nói chuyện này bằng tiếng Anh, xin vào trang mạng speeches.byu.edu.

Hình Ảnh
Anh Cả M. Russell Ballard

Trong kế hoạch vĩ đại của Cha Thiên Thượng, là kế hoạch ban quyền năng của chức tư tế cho những người nam, những người nam và những người nữ có vai trò khác nhau nhưng đều được quý trọng một cách bình đẳng.

Hình Ảnh
Woman talking to a group of Church members sitting around a table.

Tôi tin rằng có một số lẽ thật mà những người nữ lẫn người nam cần phải hiểu về vai trò thiết yếu mà phụ nữ có trong việc củng cố và xây đắp vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Trong rất nhiều cách, phụ nữ là trọng tâm của Giáo Hội. Vì vậy, với sự giúp đỡ của Chúa, tôi muốn tỏ lòng quý trọng các phụ nữ và thiếu nữ trung tín của Giáo Hội. Các chị em thân mến, bất cứ các chị em đang sống nơi đâu trên thế giới, xin hãy biết về tình cảm tuyệt vời và sự tin tưởng mà Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Mười Hai Vị Sứ Đồ đã có nơi các chị em.

Tôi xin được bắt đầu bằng cách nhắc nhở các anh chị em về điều chúng ta đang làm ở nơi đây trên thế gian.

Chúng ta là các con trai và con gái yêu quý của Cha Thiên Thượng. Chúng ta đã sống với Ngài trên tiền dương thế. Để hoàn thành sứ mệnh là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39), Cha Thiên Thượng tạo ra một kế hoạch nhằm giúp con cái của Ngài đạt được tiềm năng tột bậc của họ. Kế hoạch của Đức Chúa Cha là để cho loài người sa ngã và bị tách lìa khỏi Ngài trong một thời gian bằng cách sinh ra trên trần thế, đạt được một thể xác, và bước vào một thời kỳ thử thách. Kế hoạch của Ngài cung ứng cho một Đấng Cứu Rỗi để cứu chuộc loài người khỏi Sự Sa Ngã. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cung ứng con đường, qua các giáo lễ phúc âm và giao ước thiêng liêng, để trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế. Vì chúng ta sống trong một môi trường hữu diệt đầy nguy hiểm và những điều làm xao lãng, nên Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử biết là chúng ta sẽ cần tiếp cận với quyền năng mạnh mẽ lớn hơn sức mạnh của chúng ta. Hai Ngài biết là chúng ta cần tiếp cận với quyền năng của hai Ngài. Phúc âm và giáo lý của Đấng Ky Tô ban quyền năng cho tất cả những ai chịu chấp nhận phúc âm và giáo lý này để đạt được cuộc sống vĩnh cửu và quyền năng để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Có một số người nghi ngờ vai trò của phụ nữ trong kế hoạch của Thượng Đế và trong Giáo Hội. Tôi đã được nhiều giới truyền thông quốc gia và quốc tế phỏng vấn đến mức có thể nói cho các anh chị em biết rằng hầu hết các nhà báo đã giao tiếp với tôi đều có định kiến về vấn đề này. Trong những năm qua nhiều người đã đặt những câu hỏi ngụ ý rằng vị thế của phụ nữ là thấp kém trong Giáo Hội. Điều này là sai.

Tôi xin đề nghị năm điểm chính yếu để các anh chị em suy ngẫm về vấn đề quan trọng này.

1. Thượng Đế Đã có Kế Hoạch để Giúp Chúng Ta Đạt được Cuộc Sống Vĩnh Cửu

Cha Thiên Thượng tạo ra người nữ lẫn người nam là các con gái và con trai linh hồn của Ngài. Điều này có nghĩa rằng phái tính là vĩnh viễn. Ngài có kế hoạch nhằm giúp tất cả những người chọn noi theo Ngài và Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô, đều đạt được vận mệnh của mình là những người thừa kế cuộc sống vĩnh cửu.

Nếu sự tôn cao cuối cùng của chúng ta là mục tiêu và mục đích thiết yếu của hai Ngài và nếu hai Ngài là toàn trí toàn thức và hoàn hảo, như chúng ta biết thế về hai Ngài, thì hai Ngài hiểu rõ nhất cách chuẩn bị, giảng dạy và hướng dẫn chúng ta để chúng ta có cơ hội lớn nhất để được hội đủ điều kiện cho sự tôn cao.

Hầu hết mọi người đều có gia đình hoặc bạn bè, là những người đã bị vướng vào những vấn đề xã hội phiền phức khác nhau. Tranh luận về các vấn đề này thường không mang lại bất cứ giải pháp nào và, thật ra, còn có thể gây ra tranh chấp. Có một số thắc mắc về lập trường của Giáo Hội đối với các vấn đề nhạy cảm mà lại khó trả lời cho mọi người đều được hài lòng. Tuy nhiên, khi chúng ta tìm kiếm Chúa trong lời cầu nguyện về việc phải nghĩ như thế nào và phải làm gì trong những tình huống này, thì ấn tượng sẽ đến: “Ta có tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và có noi theo Ngài và Đức Chúa Cha không?” Tôi tin rằng hầu hết mọi người trong Giáo Hội vào lúc này hay lúc khác sẽ tự hỏi là họ có thể làm tất cả những gì họ được yêu cầu làm không. Nhưng nếu chúng ta thực sự tin nơi Chúa, thì sự bảo đảm sẽ đến: “Tôi tin Chúa Giê Su Ky Tô, và tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì Ngài cần tôi làm.” Vì vậy, chúng ta tiếp tục cố gắng. Lời nói “Tôi tin Chúa Giê Su Ky Tô” thật là mạnh mẽ biết bao!

Chứng ngôn và sự an tâm của chúng ta cùng sự an lạc của chúng ta bắt đầu với sự sẵn lòng để tin rằng Cha Thiên Thượng quả thực biết rõ nhất.

2. Giáo Hội Được Điều Hành qua Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Giáo Hội của Chúa, và Giáo Hội của Ngài được điều hành nhờ và qua thẩm quyền chức tư tế và các chìa khóa của chức tư tế. “Các chìa khóa của Chức Tư Tế là thẩm quyền của Thượng Đế đã ban cho các vị lãnh đạo chức tư tế để hướng dẫn, điều khiển, và chi phối việc sử dụng chức tư tế của Ngài trên thế gian.”1

Những người có các chìa khóa của chức tư tế—cho dù đó là một thầy trợ tế là người có các chìa khóa cho nhóm túc số của mình hoặc một vị giám trợ là người có các chìa khóa cho tiểu giáo khu của mình hoặc Chủ Tịch của Giáo Hội là người nắm giữ tất cả các chìa khóa của chức tư tế—đều thật sự làm cho tất cả những người phục vụ hoặc lao nhọc một cách trung tín dưới sự hướng dẫn của họ có thể thực hiện thẩm quyền chức tư tế và được tiếp cận với quyền năng của chức tư tế.

Tất cả những người nam và tất cả những người nữ phục vụ dưới sự hướng dẫn của những người có các chìa khóa này. Đây là cách Chúa điều hành Giáo Hội của Ngài.

Tôi xin nhắc lại một điều tôi đã nói trong đại hội trung ương tháng Tư năm 2013: “Trong kế hoạch vĩ đại của Cha Thiên Thượng, là kế hoạch ban quyền năng của chức tư tế cho những người nam, những người nam có trách nhiệm duy nhất để thi hành chức tư tế, nhưng họ không phải là chức tư tế. Những người nam và những người nữ có vai trò khác nhau nhưng bình đẳng. Cũng như một người phụ nữ không thể thụ thai một đứa bé nếu không có một người đàn ông, vì vậy, một người đàn ông không thể sử dụng đầy đủ quyền năng của chức tư tế để thiết lập một gia đình vĩnh cửu nếu không có một người phụ nữ. … Trong viễn cảnh vĩnh cửu, khả năng sinh sản và quyền năng của chức tư tế được vợ chồng cùng chia sẻ với nhau.”2

Tại sao những người đàn ông được sắc phong các chức phẩm chức tư tế mà phụ nữ thì không được? Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) giải thích rằng chính là Chúa, chứ không phải con người, “là Đấng đã quy định rằng nam giới trong Giáo Hội của Ngài cần phải nắm giữ chức tư tế” và cũng chính Chúa đã ban cho phụ nữ “khả năng chu toàn tổ chức vĩ đại và kỳ diệu này, tức là Giáo Hội và vương quốc của Thượng Đế” …3 Khi tất cả đã được nói tới và làm xong, thì Chúa đã không mặc khải nữa lý do tại sao Ngài đã tổ chức Giáo Hội của Ngài như Ngài đã từng mặc khải.

Chúng ta đừng quên rằng khoảng một nửa của tất cả những sự giảng dạy diễn ra trong Giáo Hội đều do các chị em phụ nữ thực hiện. Nhiều vai trò lãnh đạo là do các chị em phụ nữ của chúng ta cung ứng. Nhiều cơ hội phục vụ và các sinh hoạt đều được các phụ nữ hoạch định và hướng dẫn. Việc cố vấn và tham gia khác của các phụ nữ trong các hội đồng tiểu giáo khu và giáo khu và trong các hội đồng trung ương tại trụ sở Giáo Hội tạo ra cái nhìn sâu sắc, sự khôn ngoan, và cân bằng cần thiết.

Cần phải cả có những người đàn ông tôn trọng phụ nữ và các ân tứ thuộc linh đặc biệt của họ lẫn các phụ nữ tôn trọng các chìa khóa của chức tư tế do những người đàn ông nắm giữ để mời gọi các phước lành trọn vẹn của thiên thượng trong bất cứ nỗ lực nào trong Giáo Hội.

3. Những Người Nam và Những Người Nữ Đều Quan Trọng Bằng Nhau

Những người nam và những người nữ đều bình đẳng trong mắt Thượng Đế và trong mắt của Giáo Hội, nhưng bình đẳng không có nghĩa là họ đều giống nhau. Các trách nhiệm và ân tứ thiêng liêng của những người nam và những người nữ đều khác nhau về tính chất chứ không phải khác nhau về tầm quan trọng hay ảnh hưởng. Giáo lý của Giáo Hội đặt phụ nữ vào vị trí bình đẳng với những người nam nhưng khác với những người nam. Thượng Đế không coi phái tính nào là tốt hơn hoặc quan trọng hơn phái tính kia. Chủ Tịch Hinckley tuyên bố với các phụ nữ rằng “Đức Cha Vĩnh Cửu … không bao giờ có ý định là các chị em phụ nữ phải ít vinh quang hơn các tạo vật của Ngài.”4

Những người nam và những người nữ có các ân tứ khác nhau, các ưu điểm khác nhau, và quan điểm và khuynh hướng khác nhau. Đó là một trong những lý do cơ bản tại sao chúng ta cần nhau. Cần phải có một người đàn ông và một người phụ nữ để tạo ra một gia đình, và cần phải có những người nam và những người nữ thực hiện công việc của Chúa. Một cặp vợ chồng ngay chính cùng làm việc với nhau để bổ sung cho nhau. Chúng ta hãy cẩn thận để chúng ta không cố gắng làm xáo trộn kế hoạch và mục đích của Cha Thiên Thượng trong cuộc sống của chúng ta.

4. Tất Cả Mọi Người Đều Được Ban Phước qua Quyền Năng của Chức Tư Tế

Khi những người nam và những người nữ đi đền thờ, họ đều được làm lễ thiên ân với cùng một quyền năng tức là quyền năng của chức tư tế. Mặc dù thẩm quyền của chức tư tế được hướng dẫn qua các chìa khóa của chức tư tế, và các chìa khóa của chức tư tế chỉ được những người đàn ông xứng đáng nắm giữ, sự tiếp cận với quyền năng và các phước lành của chức tư tế là dành sẵn cho tất cả con cái của Thượng Đế.

Cha Thiên Thượng rất rộng rãi với quyền năng của Ngài. Tất cả những người đàn ông và tất cả phụ nữ đều có quyền tiếp cận với quyền năng này để được giúp đỡ trong cuộc sống của họ. Tất cả những người đã lập các giao ước thiêng liêng với Chúa và là những người tôn trọng các giao ước đều có đủ điều kiện để nhận được sự mặc khải cá nhân, để được các thiên sứ phục sự ban phước, để giao tiếp với Thượng Đế, để nhận được phúc âm trọn vẹn, và, cuối cùng, để trở thành người thừa kế cùng với Chúa Giê Su Ky Tô tất cả những gì Đức Chúa Cha chúng ta có.

5. Chúng ta Cần Biết và Làm Chứng về Giáo Lý Này

Hình Ảnh
A Sunday school class of teenagers. One of the youth is in front talking to the class while the teacher is standing to the side.

Chúng ta cần những người phụ nữ của Giáo Hội biết giáo lý của Đấng Ky Tô và làm chứng về Sự Phục Hồi trong mọi cách các chị em phụ nữ có thể làm được. Chưa từng bao giờ có một thời kỳ phức tạp hơn trong lịch sử của thế gian. Sa Tan và những kẻ đi theo nó đang làm cho các công cụ của chúng cho thời kỳ ngàn năm được hoàn hảo, và chúng đã có kinh nghiệm hủy diệt đức tin và sự tin cậy nơi Thượng Đế và nơi Chúa Giê Su Ky Tô ở giữa loài người.

Tất cả chúng ta—những người nam, những người nữ, các thành niên trẻ tuổi, giới trẻ, và các em trai và em gái—đều phải bênh vực, bảo vệ và rao giảng về Chúa và Giáo Hội của Ngài trên khắp thế gian. Chúng tôi cần nhiều tiếng nói đặc biệt, đầy ảnh hưởng và đức tin của phụ nữ. Chúng tôi cần các chị em tìm hiểu giáo lý và hiểu điều chúng ta tin để các chị em có thể chia sẻ chứng ngôn về lẽ thật của tất cả mọi sự việc—cho dù các chứng ngôn đó được đưa ra xung quanh lửa trại tại trại hè của Hội Thiếu Nữ, trong một buổi họp chứng ngôn, trong một blog, hoặc trên Facebook. Chỉ có các chị em mới có thể cho thế gian thấy các phụ nữ đã lập giao ước của Thượng Đế trông như thế nào và tin tưởng như thế nào.

Thưa các chị em phụ nữ, khả năng ảnh hưởng của các chị em là một khả năng độc đáo—một khả năng mà những người đàn ông không thể bắt chước được. Không một ai có thể bênh vực cho Đấng Cứu Rỗi với bất cứ lời thuyết phục hay sức mạnh nào nhiều hơn các chị em là những người con gái của Thượng Đế có thể bênh vực—các chị em là những người có sức mạnh nội tâm và lòng tin chắc như vậy. Sức mạnh của tiếng nói của một người phụ nữ cải đạo là vô hạn, và Giáo Hội cần tiếng nói của các chị em hơn bao giờ hết.

Tôi để lại lời chứng và chứng ngôn của tôi rằng chúng ta đang ở trong một thời kỳ mà chúng ta cần phải đoàn kết. Chúng ta phải đoàn kết với nhau—những người nam, những người nữ, các thanh niên và thiếu nữ, các em trai và em gái. Chúng ta phải bênh vực cho kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Chúng ta phải bênh vực Ngài. Ngài đã bị chối bỏ. Với tư cách là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta không thể đứng yên và để cho điều đó tiếp tục xảy ra mà không có đủ can đảm để lên tiếng.

Cầu xin Thượng Đế ban phước cho các anh chị em có can đảm để học và biết được các lẽ thật của phúc âm rồi sau đó chia sẻ các lẽ thật đó mỗi khi có cơ hội.

Ghi Chú

  1. Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội (2010), 2.1.1.

  2. M. Russell Ballard, “Đây Là Công Việc của Ta và Sự Vinh Quang của Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2013, 19.

  3. Gordon B. Hinckley, “Women of the Church,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 70.

  4. Gordon B. Hinckley, “Stand Strong against the Wiles of the World,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 98.