2014
Nếu Con Mắt Các Ngươi Chỉ Duy Nhất Hướng về Vinh Quang của Ta
Tháng 2014


Nếu Con Mắt Các Ngươi Chỉ Duy Nhất Hướng về Vinh Quang của Ta

Katherine Nelson sống ở Utah, Hoa Kỳ. Heidi McConkie sống ở Delaware, Hoa Kỳ.

Làm thế nào việc sống một cách khiêm tốn trong lời lẽ, hành vi, và diện mạo có thể giúp chúng ta nêu gương sáng và tôn vinh Thượng Đế?

Trong Đại Hội Đồng tiền dương thế ở trên Thiên Thượng, khi Chúa Giê Su Ky Tô đã tình nguyện làm Đấng Cứu Rỗi của chúng ta thì Ngài thưa cùng Đức Chúa Cha: “Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi” (Môi Se 4:2).

Chúa đã luôn luôn nêu gương về việc tôn vinh Đức Chúa Cha. Trong giáo vụ trần thế của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã không bao giờ hướng sự chú ý đến Ngài mà thay vì thế hướng các tín đồ của Ngài đến Đức Chúa Cha và phán dạy: “Ai tin ta, chẳng phải tin ta, nhưng tin Đấng đã sai ta đến” (Giăng 12:44). Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta về tầm quan trọng của sự khiêm tốn trong thái độ, diện mạo, lời nói và hành vi.

Với lòng tận tụy để noi theo Đấng Cứu Rỗi, các thành niên trẻ tuổi được trích dẫn trong bài này đề cập đến cách biểu lộ bên trong và bên ngoài của họ về sự khiêm tốn và chia sẻ cách họ cam kết để tôn vinh Thượng Đế đã uốn nắn cá tính của họ và hướng dẫn hành động của họ như thế nào.

Tôn Vinh Thượng Đế và Tỏa Chiếu Ánh Sáng

Chúng ta hiểu rõ hơn sự khiêm tốn tôn vinh Thượng Đế như thế nào khi chúng ta hiểu sự khiêm tốn thực sự là gì. Sách Trung Thành cùng Đức Tin giải thích: “Sự khiêm tốn là một thái độ khiêm nhường và tao nhã trong cách ăn mặc, chải chuốt, lời lẽ và hành vi. Nếu các em khiêm tốn, thì các em không lôi cuốn sự chú ý quá mức đến mình. Thay vào đó, các em tìm cách ‘lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời’ (1 Cô Rinh Tô 6:20).”1

Khi biết cách cho thấy sự khiêm tốn như Đấng Cứu Rỗi đã làm, thì chúng ta chào đón Thánh Linh vào cuộc sống của mình, làm ứng nghiệm lời hứa rằng “nếu con mắt các ngươi chỉ duy nhất hướng về vinh quang của [Thượng Đế], thì thể xác các ngươi sẽ được tràn đầy ánh sáng” (GLGƯ 88:67). Khi đọc về cách các thành niên trẻ tuổi khác hiểu về sự khiêm tốn, thì các em có thể cân nhắc cách làm gia tăng ánh sáng thuộc linh riêng của mình bằng cách điều chỉnh một số điều để cải tiến sự cam kết bên trong và sự biểu lộ bên ngoài của các em về sự khiêm tốn.

Hãy Nhũn Nhặn trong Lời Lẽ và Hành Vi

“Những lời nói và hành động của các anh chị em có thể có một ảnh hưởng sâu đậm đến các anh chị em và những người khác. Hãy phát biểu ý kiến qua lời lẽ nhã nhặn, tích cực, nâng cao tinh thần và trong những hành động nhằm mang lại niềm vui cho những người xung quanh mình. Các nỗ lực của các anh chị em để được nhũn nhặn trong lời lẽ và việc làm sẽ gia tăng sự hướng dẫn và an ủi từ Đức Thánh Linh.”2

Dar’ja Sergeevna Shvydko ở Volograd, Nga, giải thích rằng khi chúng ta nhũn nhặn trong lời nói của mình tức là khi chúng ta đối xử với những người khác một cách tôn trọng và với “giọng nói dịu dàng và bày tỏ những ý nghĩ của mình một cách điềm đạm mà không cần phải sử dụng những lời nói thô bỉ hoặc không phù hợp.” Lời lẽ nhũn nhặn là không ngồi lê đôi mách, mắng nhiếc, chế nhạo, và mỉa mai. Đừng bao giờ xem thường người khác hoặc thổi phồng cái tôi lên; chỉ đơn giản là cho thấy lòng tử tế và công nhận thiên tính của tất cả con cái của Cha Thiên Thượng.

Lời nói của chúng ta cũng nên bày tỏ lòng kính trọng đối với Thiên Chủ Đoàn: “Hãy tránh lời lẽ bẩn thỉu và việc dùng danh của Chúa một cách cẩu thả, bất kính, mà đó là những điều rất thông thường trên thế gian. … Lời lẽ bất kính như vậy … làm suy yếu khả năng [của chúng ta] để nhận được những thúc giục thầm lặng của Đức Thánh Linh.”3

Không giống như lời nói khiếm nhã, như việc ngồi lê đôi mách và nhạo báng có thể làm hỏng mối quan hệ, lời nói nhũn nhặn khuyến khích một sự cam kết sâu đậm hơn đối với Thượng Đế và, như Kelly Prue ở Utah, Hoa Kỳ, giải thích: “gia tăng khả năng của chúng ta để xây đắp các mối quan hệ tốt với những người khác. Lời lẽ nhũn nhặn của chúng ta giúp chúng ta thấy được điều tốt nhất ở những người khác.”

Sự nhũn nhặn trong lời lẽ đi song song với sự khiêm tốn trong hành vi. Mike Olsen ở Utah nói: “Điều quan trọng là phải nhũn nhặn trong lời lẽ và hành vi vì điều đó cho thấy các anh chị em là ai và điều mà các anh chị em quý trọng.” Người ta sẽ để ý khi lời nói và hành động không phù hợp với nhau. Khi lời lẽ của chúng ta làm nâng đỡ người khác và tôn vinh Thượng Đế thì nên đi kèm với hành động tương ứng. Qua các hành động phục vụ và tử tế, chúng ta cho thấy rằng sự cam kết của mình để nâng đỡ những người khác và tôn vinh Thượng Đế thì sâu đậm hơn lời nói của chúng ta. Tấm gương làm môn đồ của chúng ta bằng lời nói và việc làm có thể có một ảnh hưởng tốt lành.

Carrie Carlson ở Colorado, Hoa Kỳ, nói: “Tôi thật sự biết ơn thái độ nhũn nhặn trong hành vi và lời nói”. Có một điều gì đó rất thú vị ở một người nào đó biết khiêm nhường và không làm điều gì vì muốn được người khác chú ý đến. Những người nói năng khiêm tốn nhũn nhặn trở thành các tôi tớ của Chúa.”

Hãy Trang Nhã trong Cách Ăn Mặc và Diện Mạo

Paul Cave ở Utah nói: “Sự trang nhã [trong cách ăn mặc] giúp chúng ta thấy được điều tốt nhất nơi bản thân mình bằng cách giúp chúng ta tập trung vào con người thuộc linh thay vì con người thiên nhiên.” Bằng cách ăn mặc trang nhã, chúng ta khuyến khích những người khác tìm hiểu về chúng ta và đánh giá chúng ta về nhân cách và tính tình thay vì diện mạo.

Cách chúng ta ăn mặc không những là tín hiệu cho người khác thấy cách họ nên đối xử với chúng ta, mà còn ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận và đối xử với bản thân mình. Luis Da Cruz Junior ở Brazil nói: “Chúng ta học được từ phúc âm rằng thể xác của chúng ta là một ân tứ từ Thượng Đế.” “Thể xác của chúng ta giúp chúng ta tiến triển và trở thành giống như Cha Thiên Thượng. Vì lý do này nên cách ăn mặc trang nhã rất là quan trọng. Bằng cách đó, chúng ta cho Thượng Đế và những người khác thấy rằng chúng ta tôn trọng ân tứ này và những ân tứ khác.”4

Carrie giải thích: “Quần áo khiếm nhã được thiết kế để cho thấy thân thể là một đối tượng vật chất bị tách ra khỏi một linh hồn với nhân phẩm và cá tính. Việc ăn mặc trang nhã, mặc dù đôi khi tôi phải tốn nhiều tiền hơn và chắc chắn là nhiều thời giờ hơn, đã giúp tôi biết được rằng thể xác của tôi là cái bình chứa một linh hồn quý báu với tiềm năng và số mệnh thiêng liêng, đã được Cha Mẹ Thiên Thượng sinh ra và nuôi dưỡng. Thân thể của tôi đáng được chăm sóc và tôn trọng nhiều hơn là cách của thế gian.”

Sách Trung Thành với Đức Tin dạy: “Ngoài việc tránh [quần áo khiếm nhã], các anh chị em cũng nên tránh sự thái quá trong quần áo, diện mạo và kiểu tóc. Trong cách ăn mặc, chải chuốt và cách cư xử, hãy luôn luôn được gọn gàng và sạch sẽ, đừng bao giờ luộm thuộm hoặc cẩu thả một cách không thích hợp.”5 Trong cách ăn mặc và cách trưng diện của mình, chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đối với Thượng Đế, với bản thân mình và với những người khác.

Cam Kết đối với Sự Kiên Định

Khi cố gắng noi theo các tiêu chuẩn phúc âm về tính nhũn nhặn, chúng ta cho thấy lòng cam kết của mình bằng cách kiên định, tuân thủ các lệnh truyền của Chúa mọi lúc chứ không phải chỉ khi nào thuận tiện.

Sự cam kết thật sự luôn luôn dựa vào các nguyên tắc phúc âm. Anthony Roberts ở Utah giải thích: “Tính nhũn nhặn là một phần của con người mình. Đó là một ước muốn để tiếp tục suy nghĩ, nói chuyện và hành động theo sự hiểu biết của mình về phúc âm và kế hoạch cứu rỗi.” Khi chúng ta cố gắng sống theo phúc âm trong mọi khía cạnh của cuộc sống mình, thì sự cải đạo của chúng ta có thể trở nên sâu sắc và làm gia tăng ước muốn của chúng ta để sống theo các nguyên tắc phúc âm.

Hiểu Biết Thiên Tính của Mình

Việc luôn luôn nhũn nhặn giúp chúng ta hiểu và biết ơn rằng chúng ta là con cái của Cha Mẹ Thiên Thượng, và sự hiểu biết về thiên tính của chúng ta có thể soi dẫn cho chúng ta để được nhũn nhặn hơn. Raffaella Ferrini ở Florence, Ý, giải thích: “Tính nhũn nhặn ban phước cho cuộc sống của tôi vì nó giúp tôi cảm thấy giống như một đứa con gái đặc biệt của Cha Thiên Thượng, và do đó, sự hiểu biết đó làm cho tôi muốn được nhũn nhặn.”

Việc cho phép thế gian xác định chúng ta là ai có thể hủy hoại lòng tự trọng của chúng ta. Julianna Auna ở Utah mô tả kinh nghiệm của mình: “Trước khi đạt được một chứng ngôn về nguyên tắc nhũn nhặn, tôi rất khổ sở và tinh thần thì bất ổn. Việc để cho thế gian xác định bản chất của tôi thật là một điều đầy thất vọng và tổn thương tinh thần vì nỗi ám ảnh của thế gian với những sự việc trần tục và vật chất thật là dữ dội và gay gắt. Một khi tôi đã quyết định không nghe theo thế gian và thay vì thế để cho mối quan hệ của tôi với Thượng Đế xác định bản chất của tôi, thì cuộc sống trở nên dễ dàng, tự do, và vui vẻ hơn.” Khi chúng ta tìm kiếm sự chấp thuận của Cha Thiên Thượng thay vì của thế gian, thì chúng ta sẽ tìm thấy nhiều niềm vui trong đời hơn và có nhiều động lực hơn để nhũn nhặn.

Sống một Cuộc Sống Khiêm Tốn

Galina Viktorovna Savchuk ở Novosibirsk, Nga, nói: “Sự khiêm tốn được thể hiện trong tất cả mọi điều chúng ta làm: lời nói, diện mạo bề ngoài, hành vi của chúng ta, và thậm chí cả những nơi chúng ta ghé thăm nữa.” Việc sống khiêm tốn được kết nối chặt chẽ với sự cam kết của chúng ta đối với phúc âm và mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế.

Thái độ nhũn nhặn chân thật là sự phối hợp của cả hành vi lẫn thái độ. Việc cố gắng cải tiến hành vi hoặc thái độ của chúng ta sẽ giúp chúng ta cải tiến cái kia. Khi chúng ta nhũn nhặn trong hành vi và diện mạo mà không phát triển một sự cam kết suốt đời thì sẽ ngăn cản chúng ta nhận được phước lành trọn vẹn của cuộc sống khiêm tốn. Và khi tin rằng mình là người khiêm tốn mà không để cho sự khiêm tốn đó ảnh hưởng đến những hành động của chúng ta thì đó là tự dối mình vậy.6

Trong bối cảnh của sự khiêm tốn hay nhũn nhặn, để nói rằng đôi mắt của chúng ta chỉ duy nhất hướng về vinh quang của Thượng Đế thì có nghĩa là chúng ta đang cam kết để sống khiêm tốn ở bên ngoài lẫn bên trong. Cũng giống như con mắt phải được hướng về Thượng Đế, thì diện mạo bề ngoài và những hành động của chúng ta cũng phải phù hợp với các nguyên tắc của sự khiêm tốn. Nhưng việc chỉ hướng con mắt về Thượng Đế không làm cho điều đó được độc nhất đối với vinh quang của Ngài; con mắt đó cần phải được tập trung vào Ngài. Tương tự như vậy, việc ăn mặc trang nhã và chỉnh tề cần phải gắn liền với việc tập trung vào các nguyên tắc vĩnh cửu.

Khi tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, thì những ý nghĩ của chúng ta có thể dễ dàng tập trung vào Ngài hơn. Tương tự như thế, khi tập trung những ý nghĩ của mình vào Thượng Đế thì tự nhiên chúng ta biết vâng theo Ngài hơn.

Khi cố gắng sống khiêm tốn, chúng ta sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của Thánh Linh nhiều hơn trong cuộc sống. Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Sự khiêm tốn là nền tảng của việc xứng đáng với Thánh Linh. Sống khiêm tốn là khiêm nhường, và sống khiêm nhường mời Thánh Linh đến với chúng ta.”7 Khi có Thánh Linh hướng dẫn các ý nghĩ và hành động của chúng ta, thì đôi mắt của chúng ta sẽ chỉ huớng đến vinh quang của Thượng Đế và chúng ta sẽ được tràn đầy ánh sáng.

Ghi Chú

  1. (Trung Thành cùng Đức Tin: Sách Tham Khảo Phúc Âm [2004], 106.

  2. Trung Thành cùng Đức Tin, 108.

  3. Trung Thành cùng Đức Tin, 108.

  4. Xin xem Trung Thành cùng Đức Tin, 107.

  5. Trung Thành cùng Đức Tin, 107.

  6. Xin xem Lynn G. Robbins, “Các Ngươi Nên Là Những Người Như Thế Nào?” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2011, 103.

  7. Robert D. Hales, “Modesty: Reverence for the Lord,” Ensign, tháng Tám năm 2008, 34; Liahona, tháng Tám năm 2008, 18.