2013
Ngươi Có Muốn Lành Chăng?
Tháng Mười Một năm 2013


Ngươi Có Muốn Lành Chăng?

Hình Ảnh

Khi chúng ta hối cải và trở nên được cải đạo theo Chúa, thì chúng ta được chữa lành, và tội lỗi của chúng ta được xóa bỏ.

Trong thời gian tiệc tùng vui vẻ tại Giê Ru Sa Lem, Đấng Cứu Rỗi rời khỏi đám đông để tìm kiếm những người đang gặp nhiều hoạn nạn. Ngài tìm thấy họ ở Bê Tết Đa, cái ao với năm vòm cửa, gần cửa Chiên, rất nổi tiếng và thu hút những người đau khổ.

Sách Phúc Âm của Giăng cho chúng ta biết rằng gần cái ao “những kẻ đau ốm, mù quáng, tàn tật, bại xuội nằm ở đó rất đông,

“Vì một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm cho nước động; lúc nước đã động rồi, ai xuống ao trước hết, bất kỳ mắc bịnh gì, cũng được lành” (Giăng 5:3–4).

Lần đến thăm của Đấng Cứu Rỗi được mô tả trong một bức tranh thật đẹp của Carl Bloch có tựa đề là Đấng Ky Tô Chữa Lành Người Bệnh tại Bê Tết Đa. Bloch vẽ Chúa Giê Su đang nhẹ nhàng nâng lên một tấm bạt che tạm thời cho thấy một “người bệnh” (Giăng 5:7), là người đang nằm gần cái ao, chờ đợi. Ở đây, từ người bệnh ám chỉ một người bất lực và nhấn mạnh đến lòng thương xót và ân điển của Đấng Cứu Rỗi, là Đấng đã lặng lẽ đến phục sự những người không thể tự giúp mình.

Trong bức tranh, người đàn ông đau khổ nằm trên mặt đất trong bóng tối, kiệt sức và nản lòng sau khi bị đau đớn trong 38 năm.

Khi Đấng Cứu Rỗi lấy một tay giở lên mép vải, Ngài vẫy gọi với bàn tay kia và hỏi một câu hỏi thấm thía: “Ngươi có muốn lành chăng?”

Người đàn ông đáp: “Lạy Chúa, tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao trong khi nước động; lúc tôi đi đến, thì kẻ khác đã xuống ao trước tôi rồi” (Giăng 5:6–7).

Chúa Giê Su đưa ra một câu trả lời sâu sắc và bất ngờ đối với thử thách dường như không thể nào vượt qua được của người đàn ông đó:

“Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi.

“Tức thì người ấy được lành, vác giường mình và đi” (Giăng 5:8–9).

Trong một tấm gương yêu thương khác, Lu Ca cho chúng ta biết rằng trong khi đi đến Giê Ru Sa Lem, Đấng Cứu Rỗi đã gặp 10 người phung. Vì bệnh tật của mình, nên họ “đứng đằng xa” (Lu Ca 17:12). Họ là những người bị xã hội ruồng bỏ—bẩn thỉu và không ai muốn cả.

Họ kêu lên: “Lạy Giê Su, lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi cùng!” (Lu Ca 17:13)—nói cách khác là họ nài nỉ: “Ngài có thể làm điều gì cho chúng tôi không?”

Đấng Thầy Thuốc Đại Tài, đầy lòng thương hại, vẫn biết rằng đức tin phải đi trước phép lạ và do đó đã phán bảo họ: “Hãy đi, tỏ mình cùng thầy tế lễ.” (Lu Ca 17:14).

Trong khi họ bước đi trong đức tin, thì phép lạ xảy ra. Các anh chị em có thể tưởng tượng được niềm vui tràn ngập với mỗi bước đi khi họ thật sự chứng kiến thân thể của mình được làm sạch, chữa lành, và hồi phục ngay trước mắt của họ không?

“Có một người trong bọn họ thấy mình đã được sạch, bèn trở lại, lớn tiếng khen ngợi Đức Chúa Trời,

“lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chân [Đức Thầy], mà tạ ơn Ngài …

“[Chúa Giê Su] phán rằng: Đứng dậy đi; đức tin ngươi đã cứu ngươi” (Lu Ca 17:15–16, 19).

Vì từng là bác sĩ và bác sĩ phẫu thuật, nên tôi chỉ tập trung vào việc chữa lành và sửa chữa phần thể xác, còn Chúa Giê Su Ky Tô chữa lành thể xác, tâm trí, và linh hồn, và sự chữa lành của Ngài bắt đầu được thực hiện bởi đức tin.

Các anh chị em có nhớ khi đức tin và niềm vui của các anh chị em được tràn ngập vào lúc nào không? Các anh chị em có nhớ khoảnh khắc khi các anh chị em tìm thấy chứng ngôn của mình hoặc khi Thượng Đế xác nhận với các anh chị em rằng các anh chị em là con trai hoặc con gái của Ngài và rằng Ngài yêu thương các anh chị em rất nhiều—và các anh chị em đã được chữa lành không? Nếu thời gian đó dường như đã bị quên lãng, thì có thể được tìm thấy lại một lần nữa.

Đấng Cứu Rỗi khuyên bảo chúng ta làm thế nào để được lành lặn—để được toàn vẹn, hoặc để được chữa lành:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” (Ma Thi Ơ 11:28–30).

Lời mời “Hãy đến mà theo ta” (Lu Ca 18:22) kêu gọi chúng ta bỏ lại cuộc sống cũ và những ham muốn trần tục, và trở thành một sinh linh mới, mà có “những sự cũ đã qua đi, [và] nầy mọi sự đều trở nên mới” (2 Cô Rinh Tô 5:17), chính là với một tấm lòng trung thành mới. Và chúng ta được lành lặn lại.

“Hãy lại gần ta, rồi ta sẽ đến gần các ngươi; hãy tận tụy tìm kiếm ta, rồi các ngươi sẽ tìm thấy ta; hãy cầu xin, rồi các ngươi sẽ nhận được; hãy gõ cửa, rồi cửa sẽ mở cho các ngươi” (GLGƯ 88:63).

Khi đến gần Ngài, chúng ta nhận biết rằng cuộc sống trần thế có nghĩa là khó khăn và rằng “sự tương phản trong mọi sự việc” (2 Nê Phi 2:11) không phải là một khiếm khuyết trong kế hoạch cứu rỗi. Thay vì thế, sự tương phản là yếu tố cần thiết của cuộc sống trần thế và củng cố ý muốn của chúng ta và chọn lọc những điều chúng ta lựa chọn. Những nỗi thăng trầm của cuộc đời giúp chúng ta tạo ra một mối quan hệ vĩnh cửu với Thượng Đế—và ghi khắc hình ảnh của Ngài trên diện mạo của chúng ta khi chúng ta dâng tâm hồn mình lên Ngài (xin xem An Ma 5:19).

“Hãy làm sự nầy để nhớ đến ta” (Lu Ca 22:19) là điều Đấng Cứu Rỗi đòi hỏi khi Ngài lập ra Tiệc thánh. Giáo lễ này với bánh và nước lặp lại các giao ước thiêng liêng chúng ta đã lập với Thượng Đế và mời quyền năng Chuộc Tội vào cuộc sống chúng ta. Chúng ta được chữa lành bằng cách từ bỏ những thói quen và lối sống nào làm cứng lòng và cứng cổ. Khi bỏ xuống “các khí giới phản nghịch [của chúng ta]” (An Ma 23:7), thì chúng ta có thể trở thành “quản lý chính mình” (GLGƯ 58:28), không còn mù quáng bởi sự ngụy biện của Sa Tan hoặc điếc tai bởi tiếng ồn inh ỏi của thế giới trần tục.

Khi chúng ta hối cải và trở nên được cải đạo theo Chúa, thì chúng ta được lành lặn, và tội lỗi của chúng ta được xóa bỏ. Chúng ta có thể tự hỏi, như Ế Nót đã hỏi: “Làm sao điều này lại có thể xảy ra được?” Chúa đáp: “Vì đức tin của ngươi nơi Đấng Ky Tô. … Vậy nên, hãy đi, đức tin của ngươi làm cho ngươi được trọn lành” (Ê Nót 1:7, 8).

Corrie ten Boom, là một phụ nữ Hà Lan sùng đạo Ky Tô giáo, bà tìm thấy sự chữa lành như vậy mặc dù đã bị bắt giam trong các trại tập trung trong Đệ Nhị Thế Chiến. Bà đau đớn rất nhiều, nhưng không giống như người em gái yêu quý của bà là Betsie đã thiệt mạng trong một trại giam, Corrie vẫn sống sót.

Sau chiến tranh, bà thường nói công khai về những kinh nghiệm, sự chữa lành và tha thứ của mình. Vào một dịp nọ, một cựu lính canh Đức Quốc Xã, ông là một trong những người gây ra nỗi đau khổ của Corrie ở Ravensbruck, Đức, đã đến gần bà, vui mừng trước sứ điệp của bà về sự tha thứ và tình yêu thương của Đấng Ky Tô.

Ông ta nói: “Thưa Bà Fraulein, Tôi biết ơn biết bao về sứ điệp của bà. Như bà nói, để nghĩ rằng Ngài đã rửa sạch tội lỗi của tôi rồi!”

Corrie nhớ lại: “Ông ấy đưa tay ra để bắt tay tôi. Và tôi, là người đã thường xuyên rao giảng … về sự cần thiết phải tha thứ, đã giữ tay của mình lại.

“Ngay cả khi những ý nghĩ giận dữ, trả thù sôi sùng sục trong lòng, tôi đã nhìn thấy tội lỗi của những ý nghĩ đó. … tôi cầu nguyện: Thưa Chúa Giê Su, xin hãy tha thứ cho con và giúp con tha thứ cho ông ấy.

“Tôi cố gắng mỉm cười, [và] tôi cố gắng giơ tay ra. Tôi không thể làm được. Tôi không cảm thấy gì cả, ngay cả một tia lửa nhỏ của lòng nhiệt tình hoặc lòng bác ái. Và như vậy tôi thầm cầu nguyện một lần nữa. Thưa Chúa Giê Su, con không thể tha thứ cho ông ấy. Xin Chúa ban cho con sự tha thứ của Ngài.

“Khi tôi nắm lấy tay của ông ta thì một điều lạ lùng nhất đã xảy ra. Từ vai của tôi dọc theo cánh tay của tôi và xuyên qua bàn tay tôi, một luồng điện dường như truyền từ tôi qua ông ta, trong khi trong lòng tôi nảy sinh ra một tình yêu thương dành cho người lạ này làm cho tôi gần như choáng ngợp.

“Vì thế, tôi khám phá ra rằng đó không phải là dựa vào sự tha thứ hay là lòng nhân từ của chúng ta mà là sự chữa lành của thế gian tùy thuộc vào sự tha thứ của Ngài. Khi Ngài phán bảo chúng ta phải yêu thương kẻ thù của mình, thì Ngài ban cho tình yêu thương, cùng với lệnh truyền này.”1

Corrie ten Boom đã được lành.

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói: “Có một cuộc sống luôn hỗ trợ những người đang gặp rắc rối hoặc gánh nặng với nỗi buồn phiền và đau buồn—đó chính là Chúa Giê Su Ky Tô.”2

Nếu các anh chị em cảm thấy không trong sạch, không được yêu thương, không được hạnh phúc, không xứng đáng, hoặc không lành lặn, thì hãy nhớ “tất cả những gì không công bằng về cuộc sống đều có thể được làm đúng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”3 Hãy có đức tin và lòng kiên nhẫn về kỳ định và mục đích của Đấng Cứu Rỗi dành cho các anh chị em. “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi” (Mác 5:36).

Hãy chắc chắn rằng Đấng Cứu Rỗi vẫn đang tìm cách làm bình phục linh hồn và chữa lành tấm lòng của chúng ta. Ngài chờ đợi ở cửa và gõ. Chúng ta hãy đáp lời Ngài bằng cách bắt đầu cầu nguyện, hối cải, tha thứ, và quên đi. Chúng ta hãy yêu mến Thượng Đế và phục vụ người láng giềng của mình và đứng ở những nơi thánh thiện với một cuộc sống được làm cho thanh sạch. Người bệnh tại ao Bê Tết Đa, người phung đi đến Giê Ru Sa Lem, lẫn Corrie ten Boom đều đã được lành. “Ngươi có muốn lành chăng?” “Hãy đứng dậy, và đi.” “Ân điển của Ngài đã đủ rồi” (2 Cô Rinh Tô 12:9), và các anh chị em sẽ không đi một mình.

Tôi đã trở nên biết rằng Thượng Đế hằng sống. Tôi biết rằng chúng ta đều là con cái của Ngài và Ngài yêu thương chúng ta vì con người chúng ta là ai và con người mà chúng ta có thể trở thành. Tôi biết rằng Ngài đã sai Vị Nam Tử của Ngài đến thế gian để hy sinh chuộc tội cho tất cả nhân loại, và những người chấp nhận phúc âm của Ngài và noi theo Ngài sẽ được lành lặn và toàn vẹn—“vào thời kỳ riêng của Ngài, và trong cách thức riêng của Ngài, và theo ý muốn riêng của Ngài” (GLGƯ 88:68), nhờ vào lòng thương xót dịu dàng của Ngài. Đây là lời chứng của tôi cùng các anh chị em trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Corrie ten Boom, The Hiding Place (1971), 215.

  2. Thomas S. Monson, “Đối Phó với Những Thử Thách của Cuộc Sống,” Ensign, tháng Mười Một năm 1993, 71.

  3. Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (2004), 52.