2013
Cái Chết và Sự Sống: Những Quan Điểm của Người Tiền Phong về Sự Phục Sinh
Tháng Tư năm 2013


Cái Chết và Sự Sống

Những Quan Điểm của Người Tiền Phong về Sự Phục Sinh

Khi những người cải đạo đầu tiên của Giáo Hội hành trình đi đến miền Tây Hoa Kỳ để quy tụ lại với Các Thánh Hữu, họ trực diện với cái chết nhưng được củng cố bởi đức tin mới của họ nơi phúc âm phục hồi. Sau đây là những đoạn trích từ câu chuyện của người tiền phong trong đó cho thấy niềm hy vọng của Các Thánh Hữu nơi Sự Phục Sinh, cùng với những điều giảng dạy an ủi từ năm Vị Chủ Tịch đầu tiên của Giáo Hội.

Câu chuyện về một người cha Scandinavy vô danh là Thánh Hữu Ngày Sau có đứa con trai chết trong cuộc hành trình từ New York đến Utah vào năm 1866:

“Với sự giúp đỡ của một người bạn, cái huyệt mộ nhỏ đã được đào và thi hài đã được đặt vào đó. Đứa con chết vì một căn bệnh truyền nhiễm, không có người than khóc quy tụ xung quanh, không có nghi lễ chính thức, không có vòng hoa, không có thánh ca, không có điếu văn. Nhưng trước khi người cha đau khổ ra đi, ông đã dâng lên một lời cầu nguyện cung hiến ngắn bằng tiếng mẹ đẻ của mình (tiếng Đan Mạch) như sau: …

“‘Thưa Cha Thiên Thượng: Cha đã ban cho con kho tàng nhỏ bé này—đứa bé trai yêu quý này, và giờ đây Cha đã gọi nó đi. Xin Cha ban ơn để thi hài của nó có thể nằm yên tĩnh ở nơi đây cho đến buổi sáng phục sinh. Ý Cha được nên. A Men.’

“Và khi đứng lên từ mặt đất, ông đã thốt lên những lời chia tay như sau:

“‘Tạm biệt, bé Hans yêu quý của cha—đứa con trai xinh đẹp của cha.’ Rồi với đầu cúi xuống và tấm lòng đau khổ, ông can đảm tiếp tục bước tới nơi cắm trại của mình.”1

Chủ Tịch Joseph Smith (1805–44):

“Thật là điều an ủi cho những người than khóc khi họ được kêu gọi phải chia tay với chồng, vợ, cha, mẹ, con cái, hoặc người thân yêu, để biết rằng, mặc dù thân xác được đặt xuống và tan rã, nhưng họ sẽ sống lại một lần nữa để ở trong đám lửa đời đời trong vinh quang bất diệt, chứ không buồn phiền, đau khổ, hoặc chết một lần nữa, mà họ sẽ là người kế tự của Thượng Đế và đồng kế tự với Chúa Giê Su Ky Tô.”2

Joseph Watson Young (1828–73), cháu trai của Brigham Young là người đã đi từ nước Anh đến Hoa Kỳ vào năm 1853:

“Thật là một cảnh buồn thảm khi phải chôn một người khác trong đại dương vào đêm khuya với chỉ một vài nhân chứng cô đơn. … Người ấy không có thân nhân nào cùng đi trên tàu hoặc bất cứ ai đặc biệt để than khóc người ấy ngoại trừ một người theo hầu. Đây là niềm hy vọng ấp ủ của con người mà đã bị hủy diệt trong một chốc lát. Người thanh niên này đã từ bỏ tất cả để đi vào Si Ôn, và lòng của anh ta háo hức với những dự kiến sôi nổi của tương lai, mà không nghĩ rằng anh ta phải vùi thây vào cơn sóng dữ. Tuy nhiên, người ấy chết không phải như những người không có hy vọng, vì sự bình an của người ấy với Thượng Đế của mình, và người ấy có được sự bảo đảm trọn vẹn về sự phục sinh vinh quang trong buổi sáng của những người ngay chính.”3

Chủ Tịch Brigham Young (1801–77):

“Thật là một thung lũng tối tăm và một bóng tối mà chúng ta gọi là cái chết! Thật kỳ lạ biết bao khi chuyển từ trạng thái tồn tại này của thân xác hữu diệt đến một trạng thái trống rỗng! Thung lũng này tăm tối biết bao! Con đường này bí ẩn biết bao, và chúng ta phải đi trên con đường đó một mình. Tôi muốn nói cùng các bạn và các anh em rằng nếu chúng ta có thể thấy những điều thật sự đúng như bản chất của chúng, và khi chúng ta thấy và hiểu chúng, thì bóng tối tăm và thung lũng này tầm thường đến nỗi chúng ta sẽ quay lại và nhìn tới nó và nghĩ, khi chúng ta qua đời, thì ôi đây là lợi thế lớn nhất về toàn thể cuộc sống của mình, vì tôi đã đi từ một trạng thái buồn thảm, đau buồn, tang tóc, thống khổ, khổ sở, đau đớn, đau khổ và thất vọng đến một trạng thái tồn tại, ở đó tôi có thể tận hưởng cuộc sống đến mức tối đa và có thể thực hiện được mà không cần có thể xác.”4

Dan Jones (1811–62), người cải đạo Wales với Bà Williams và các tín hữu Giáo Hội khác, đi tàu đến Hoa Kỳ vào năm 1849:

“Bà Williams, ở Ynysybont gần Tregaron [Wales], tình trạng sức khỏe của bà suy sụp nhanh chóng, và có dấu hiệu rằng bà sẽ không sống lâu nữa. … Bà nói rằng vinh dự lớn nhất mà bà từng nhận được là có thể trở thành tín hữu của giáo hội chân chính của Vị Nam Tử của Thượng Đế, bà không hề lo sợ trong ý nghĩ về cuộc sống mai sau và tôn giáo của bà bây giờ chứng tỏ sức mạnh của nó hơn bao giờ hết. … Bà trang trọng khuyên nhủ các con trai của bà phải tiếp tục trung tín cho đến khi chết để họ sẽ đạt được sự phục sinh tốt hơn với bà. … Bà tiếp tục minh mẫn suốt đêm, và vào bốn giờ mười lăm sáng hôm sau, linh hồn của bà đã ra đi trong bình an, để lại một nụ cười trên đôi môi bà.”5

Chủ Tịch John Taylor (1808–87):

“Thật là điều an ủi đối với những người phải than khóc vì mất đi bạn bè thân quý trong cái chết, khi biết rằng chúng ta sẽ lại được kết hợp với họ một lần nữa! Thật là điều khích lệ đối với tất cả những ai sống theo các nguyên tắc đã được mặc khải của lẽ thật, có lẽ còn đặc biệt hơn đối với những người sống tốt lành đến gần cuối cuộc đời, là những người đã chịu đau khổ lâu dài và kiên trì đến cùng, để biết rằng chẳng bao lâu chúng ta sẽ sống lại, và bước ra như là các linh hồn sống động và bất diệt, để vui hưởng với nhóm bạn bè đã được thử thách và đáng tin cậy của chúng ta, không còn bị cái chết ảnh hưởng, và hoàn thành công việc mà Đức Chúa Cha đã ban cho chúng ta để làm!”6

Andrew Jenson (1850–1941), người Đan Mạch di cư trong đoàn xe kéo Andrew H. Scott từ Nebraska, Hoa Kỳ, đến Utah vào năm 1866:

“Khi chúng tôi chứng kiến thi hài của họ [những người cùng đi với chúng tôi] được đặt vào trong lòng đất mẹ, nơi hoang dã, thì tất cả chúng tôi đều khóc, hoặc cảm thấy giống như đang khóc; vì ý nghĩ phải chôn cất những người thân yêu theo cách này, khi bạn bè và người thân cần phải ra đi ngay lập tức, không có hy vọng sẽ đến thăm nơi an nghỉ của những người thân qua đời của họ một lần nữa, quả thật là buồn thảm và khó khăn. … Nhưng mộ phần của họ sẽ được tìm thấy khi Gáp Ri Ên thổi lên tiếng kèn trong buổi sáng của lần phục sinh thứ nhất. Như vậy, những người thân đã qua đời đó đã bỏ lại thể xác của họ khi họ đi hướng tới Si Ôn. Chúa kêu gọi họ về nhà trước khi họ đạt đến điểm tới của họ; họ không được phép để thấy Si Ôn khi còn sống; nhưng họ sẽ nhận được vinh quang và vui mừng về sau; họ chết trong khi cố gắng tuân theo Thượng Đế và tuân giữ các điều răn của Ngài, và phước thay cho những người chết trong [Chúa].”7

Chủ Tịch Wilford Woodruff (1807–98):

“Nếu không có phúc âm của Đấng Ky Tô thì sự chia lìa gây ra bởi cái chết là một trong các đề tài buồn thảm nhất để có thể nghĩ tới; nhưng ngay khi chúng ta có được phúc âm và học hỏi nguyên tắc của sự phục sinh thì tâm trạng u tối, buồn phiền và đau khổ do cái chết tạo ra hầu như đã được cất khỏi. … Sự phục sinh của người chết tự nó hiển hiện trước tâm trí đã được soi sáng của con người, và con người có một nền tảng cho linh hồn mình dựa vào. Đó là vị thế của Các Thánh Hữu Ngày Sau ngày hôm nay. Chúng ta quả thật tự mình biết, chúng ta không phải là không biết vấn đề này; Thượng Đế đã mặc khải điều đó cho chúng ta và chúng ta quả thật hiểu được nguyên tắc của sự phục sinh của người chết, và rằng phúc âm mang sự sống và sự bất diệt cho ánh sáng.”8

William Driver (1837–1920), người tiền phong đã đi từ nước Anh đến New York, Hoa Kỳ, vào năm 1866:

“Willie, đứa con yêu quý nhất của tôi, bị bệnh rất nặng suốt đêm, và cho đến 7 giờ 30 sáng thì nó được giải thoát khỏi nỗi đau khổ của nó. Thượng Đế ban phước cho linh hồn yêu quý của nó. Ôi nó đau đớn biết bao. Nó chết vì chiếc xe kéo của Ông Poulter bị gãy đổ trên St. Ann’s Hill, Wandsworth, Surrey, Anh. Ôi, tôi than khóc biết bao vì nỗi đau khổ vô cùng này. Ôi Chúa, xin giúp con bằng quyền năng của Ngài để chịu đựng nỗi đau khổ này theo ý muốn của Ngài và ban cho con sức mạnh để con có thể phục vụ Ngài một cách cao quý và trung tín hơn, và xin cho con được sống để chuẩn bị gặp đứa con của mình trong một thế giới vui hơn và tốt hơn với chị gái yêu quý của nó là Elizabeth Maryann, và vào lúc phục sinh của người ngay chính xin cho con được ở đó để gặp chúng.”9

Chủ Tịch Lorenzo Snow (1814–1901):

“Trong cuộc sống mai sau, chúng ta sẽ có thể xác vinh quang và không bị bệnh tật và chết. Không có gì tuyệt vời bằng một người trong trạng thái phục sinh và vinh quang. Không có gì thú vị hơn là được ở trong trạng thái này và có được vợ con và bạn bè ở với chúng ta.”10

Ghi Chú

  1. Robert Aveson, “Leaves from the Journal of a Boy Emigrant,” Deseret News, ngày 12 tháng Ba năm 1921, 4:7; có sẵn tại lds.org/churchhistory/library/pioneercompanysearch.

  2. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 52.

  3. Joseph W. Young, Nhật ký, ngày 6 tháng Ba năm 1853, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City, Utah; có sẵn trực tuyến tại mormonmigration.lib.byu.edu.

  4. Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young (1997), 273.

  5. Thư của Vị Chỉ Huy D. Jones gửi cho Chủ Bút tờ Udgorn Seion,” trong Ronald D. Dennis, The Call of Zion: The Story of the First Welsh Mormon Emigration, tập 2 (1987), 164–65; có sẵn tại mormonmigration.lib.byu.edu.

  6. Teachings of Presidents of the Church: John Taylor (2001), 50–51.

  7. Andrew Jenson, Nhật ký, ngày 20 tháng Tám năm 1866, trong Journal History of The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints, ngày 8 tháng Mười năm 1866, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City, Utah, 6; có sẵn tại lds.org/churchhistory/library/pioneercompanysearch.

  8. Teachings of Presidents of the Church: Wilford Woodruff (2004), 82–83.

  9. Frank Driver Reeve, biên tập, London to Salt Lake City in 1866: The Diary of William Driver (1942), 42; có sẵn tại mormonmigration.lib.byu.edu.

  10. Lorenzo Snow, trong Conference Report, tháng Mười năm 1900, 63.

Tranh do Michael T. Malm minh họa VÀ HÌNH NỀN DO WELDEN C. ANDERSEN ©IRI MINH HỌA © IRI

Trái: Chủ Tịch Brigham Young. Trên: Joseph Watson Young.

Phải: Chủ Tịch John Taylor. Trên: Dan Jones.

Hình bên trong: Brigham Young, do John Willard Clawson chụp; hình ảnh do Joseph Watson Young chụp, với nhã ý của Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội; hình ảnh do Dan Jones chụp © IRI; John Taylor, do A. Westwood chụp, với nhã ý của Viện Bảo Tàng Lịch Sử Giáo Hội

Trái: Chủ Tịch Wilford Woodruff. Trên: Andrew Jenson.

Phải: Chủ Tịch Lorenzo Snow. Trên: William Driver.

Hình bên trong: Wilford Woodruff, do H. E. Peterson chụp © IRI; hình ảnh do Andrew Jenson, Harold Howell Jenson chụp, với nhã ý của Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội; hình ảnh do William Driver chụp, với nhã ý của Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội; Lorenzo Snow, hình do Lewis Ramsey chụp, với nhã ý của Viện Bảo Tàng Lịch Sử Giáo Hội © IRI