2011
Buổi Huấn Luyện Sử Dụng Sách Hướng Dẫn Nhấn Mạnh đến Công Việc Cứu Rỗi
Tháng Tư năm 2011


Buổi Huấn Luyện Sử Dụng Sách Hướng Dẫn Nhấn Mạnh đến Công Việc Cứu Rỗi

Trong buổi họp huấn luyện giới lãnh đạo toàn cầu vào tháng Hai năm 2011, các thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chỉ dẫn các tham dự viên sử dụng các sách hướng dẫn mới một cách hữu hiệu hơn. Buổi họp này là phần tiếp theo của buổi họp huấn luyện giới lãnh đạo toàn cầu vào tháng Mười Một năm 2010 mà các quyển sách hướng dẫn đã được giới thiệu vào lúc đó.

Những người nói chuyện đã nhấn mạnh đến cách sử dụng các sách hướng dẫn trong một cách đầy soi dẫn hơn, tầm quan trọng của việc hiểu biết nền tảng giáo lý của các sách hướng dẫn mới; cách áp dụng các nguyên tắc thích nghi với các chương trình của Giáo Hội, những thay đổi của các sách hướng dẫn có thể được áp dụng như thế nào để thực hiện công việc cứu rỗi, và vai trò phụ nữ trong các hội đồng.

Buổi phát thanh và truyền hình này có sự tham dự của Chủ Tịch Henry B. Eyring, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn; Các Anh Cả Russell M. Nelson, Dallin H. Oaks, Richard G. Scott, Robert D. Hales, Jeffrey R. Holland, David A. Bednar, Quentin L. Cook, D. Todd Christofferson, và Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ; Các Anh Cả Craig C. Christensen; Bruce D. Porter và W. Craig Zwick thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi; cùng các vị chủ tịch trung ương của các tổ chức bổ trợ.

Việc Sử Dụng Các Sách Hướng Dẫn Một Cách Đầy Soi Dẫn Hơn

Khi gọi buổi họp này là một “cơ hội thứ nhì để khám phá ra cách sử dụng các sách hướng dẫn được hữu hiệu hơn,” Chủ Tịch Eyring đã khuyến khích các vị lãnh đạo nên gia tăng khả năng của mình để tiếp nhận sự mặc khải.

Ông nói: “Chỉ qua Thánh Linh các anh chị em mới biết được cách áp dụng điều mình đã đọc trong sách hướng dẫn này.” “… Đối với các anh chị em, điều này dường như không thực tiễn để kỳ vọng hoặc ngay cả hy vọng có được một loạt mặc khải các anh chị em cần trong sự phục vụ hằng ngày của mình. Điều này sẽ không đến nếu không có đức tin và sự siêng năng làm việc, nhưng vẫn có thể đến được.”

Chủ Tịch Eyring hứa rằng khi các vị lãnh đạo làm việc và cầu nguyện để “hiểu và tuân theo những lời nói trong cuộc sống,” được ban cho họ, thì Chúa sẽ giúp họ phục vụ và lãnh đạo một cách đắc lực hơn cả khả năng của chính họ.

Nền Tảng Giáo Lý của Các Sách Hướng Dẫn

Anh Cả Oaks nói: “Sách hướng dẫn này là giáo lý và ngắn gọn hơn sách hướng dẫn trước vì đối với nhiều đề tài, sách này không đưa ra các luật lệ hoặc chỉ thị. Thay vì thế, sách này đưa ra các nguyên tắc để soi dẫn các vị lãnh đạo có thể áp dụng… theo hoàn cảnh địa phương của họ.”

Anh Cả Bednar và Anh Cả Christofferson khuyên răn các vị lãnh đạo không nên bỏ qua các chương đầu của Sách Hướng Dẫn 2 để tìm đến các chính sách trong các chương sau đó. Các chương đầu đó đặt một nền tảng giáo lý cho việc hiểu biết và áp dụng các nguyên tắc cũng như các chính sách theo sau.

Anh Cả Bednar nói rằng để cho các sách hướng dẫn được “dựa vào nguyên tắc, với cách áp dụng được giải thích cặn kẽ ít hơn, thì tất cả chúng ta cần phải có phần thuộc linh nhiều hơn và sự đòi hỏi khắt khe và chính xác hơn.”

Các Nguyên Tắc Thích Nghi

Anh Cả Nelson nói: “Về các vấn đề giáo lý, các giao ước và chính sách do Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai đề ra, chúng ta không cần phải đi trệch khỏi sách hướng dẫn. Đối với một số sinh hoạt khác, sự thích nghi được cho phép để đáp ứng với hoàn cảnh địa phương.”

Theo như Anh Cả Porter, chương 17, “Tính Chất Không Thay Đổi và Thích Nghi,” được gồm vào để giúp các vị lãnh đạo địa phương tuân theo Thánh Linh và quyết định khi nào là thích hợp để thích nghi với một số chương trình. Chương này giải thích những gì không thể được thay đổi và đưa ra năm tình huống mà có thể thích nghi được: hoàn cảnh gia đình, hạn chế việc đi lại và liên lạc, các nhóm túc số hoặc lớp học ít người, không đủ số người lãnh đạo và tình trạng an ninh.

Anh Cả Porter nói trong một bài ngỏ do Anh Cả W. Craig Zwick thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đọc: “Việc thích nghi một cách thích hợp không làm suy yếu mà làm vững mạnh Giáo Hội.” Khi thực hiện những sự thích nghi đầy soi dẫn, các vị lãnh đạo địa phương không nên cảm thấy mình ở quá xa mức lý tưởng. Anh Cả Porter viết: “Mỗi đơn vị của Giáo Hội đều được tiếp cận với các giáo lý, giáo lễ, quyền năng chức tư tế và các ân tứ của Thánh Linh cần thiết cho sự cứu rỗi và tôn cao của con cái Thượng Đế.”

Công Việc Cứu Rỗi

Những điều thay đổi trong suốt Sách Hướng Dẫn 2 đều nhằm đẩy mạnh công việc cứu rỗi. Chủ Tịch Eyring nói: “Sách hướng dẫn này sẽ trở thành một vật quý báu cho các anh chị em khi các anh chị em sử dụng sách đó để giúp dẫn dắt những người khác chọn con đường đưa đến cuộc sống vĩnh cửu. Đó là mục đích của sách này.”

Chương 5 tập trung một cách rõ rệt vào chủ đề “Công Việc Cứu Rỗi trong Tiểu Giáo Khu và Giáo Khu” một số đề tài đã được bàn thảo trước đây một cách riêng rẽ, kể cả công việc truyền giáo của tín hữu, việc giữ chân người cải đạo, giúp tín hữu được tích cực, công việc đền thờ và gia đình, cùng giảng dạy phúc âm.

Anh Cả Bednar nói: “Phao Lô nói rằng để làm sự định trước đó trong khi kỳ mãn, hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Ky Tô (xin xem Ê Phê Sô 1:10). “Có một việc làm.”

Ví dụ, một số công việc trước đây được xem là những sứ mệnh riêng biệt của Giáo Hội thì bây giờ “cũng là công việc đó nhưng trong lãnh vực khác,” ông nói như vậy. Công việc truyền giáo là rao giảng phúc âm và mời những người khác tiếp nhận các giáo lễ thiêng liêng và lập các giao ước. Làm hoàn hảo Các Thánh Hữu—gồm có việc giữ chân họ, giúp họ tích cực và giảng dạy họ—là công việc mời các tín hữu tôn trọng các giáo lễ và giao ước. Cứu chuộc người chết qua lịch sử gia đình và công việc đền thờ là cung ứng cơ hội để tiếp nhận các giáo lễ và lập các giao ước cho những người đã qua đời.

Anh Cả Holland nói rằng thông thường những điều thay đổi trong sách hướng dẫn đưa đến việc hiểu rằng các vị lãnh đạo nhóm túc số và tổ chức bổ trợ không ở trong hội đồng tiểu giáo khu thì chỉ quan tâm đến các thành viên trong nhóm túc số hoặc tổ chức bổ trợ của họ, nhưng thật ra họ cũng có trách nhiệm chia sẻ về sự an lạc tinh thần của tất cả các tín hữu.

Anh Cả Cook giúp làm sáng tỏ việc một số thay đổi của chính sách trong Sách Hướng Dẫn 2 góp phần vào công việc cứu rỗi như thế nào.

Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các nhu cầu an sinh trong buổi họp của các hội đồng giám trợ và tiểu giáo khu vì bây giờ không còn buổi họp về an sinh nữa. Ông giải thích vai trò gia tăng của các vị lãnh đạo Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc trong việc khuyên bảo các thành viên trong nhóm túc số. Ông còn giải thích thêm những điều thay đổi về những người cha không xứng đáng hoàn toàn để đi đền thờ thì được phép tham dự vào các giáo lễ và phước lành của những người trong gia đình trong một vài trường hợp.

Anh Cả Bednar nói: “Chúng ta không phải làm công việc để điều khiển các chương trình hoặc quản lý một tổ chức.” “Điều đó cần thiết nhưng không quan trọng. Đây là công việc cứu rỗi. Và khi chúng ta bắt đầu nghĩ về các giáo lễ và giao ước, thì các vị lãnh đạo chức tư tế sẽ đặt ra câu hỏi thích hợp, giáo lễ kế tiếp cần có trong cuộc sống của cá nhân hay gia đình này là gì, và trong những cách thức nào, chúng ta có thể phụ giúp trong sự chuẩn bị đó?”

Các Phụ Nữ trong Hội Đồng

Anh Cả Scott bày tỏ mối quan tâm rằng tại một số nơi, các vị lãnh đạo bỏ lỡ cơ hội không bao gồm các phụ nữ khi cùng nhau hội ý bàn thảo. Ông nói: “Khi [các phụ nữ] có thể được khuyến khích tự do dự phần vào các buổi họp của hội đồng tiểu giáo khu, thì ý kiến của họ luôn luôn hữu ích và đầy soi dẫn.”

Anh Cả Scott giải thích rằng các vị lãnh đạo có thể khuyến khích sự tham gia bằng cách gọi tên các chị em phụ nữ và bày tỏ lòng biết ơn về những sự hiểu biết và những lời đề nghị đưa ra.

Ông nói thêm: “Một phước lành nữa đến với các gia đình của những người lãnh đạo chức tư tế” mà biết tuân theo những chỉ dẫn này là “những người đàn ông này có thể trở nên biết ơn hơn về vai trò thiêng liêng của vợ họ trong nhà của họ.”

Ông giảng dạy tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự nhất trí ở giữa các thành viên của hội đồng. Khi cảm nhận được ý nghĩ đó, một người lãnh đạo có thể nhận ra điều đó và kêu gọi biểu quyết. Trong trường hợp các thành viên có thể không nhất trí, các vị lãnh đạo cần phải xin ý kiến của mỗi thành viên trong hội đồng tiểu giáo khu, bày tỏ lòng biết ơn về những sự hiểu biết đã được chia sẻ, đưa ra quyết định và yêu cầu các thành viên trong hội đồng đoàn kết để ủng hộ quyết định đó. Anh Cả Scott nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự kín nhiệm trong các vấn đề bàn thảo của hội đồng tiểu giáo khu.

Những Kết Quả Được Đoán Trước

Anh Cả Nelson kết thúc buổi huấn luyện bằng cách bày tỏ ba hy vọng: sự đơn giản hóa sẽ cho phép thời giờ và phương tiện của các tín hữu được sử dụng một cách hữu hiệu hơn, quyền năng của chức tư tế sẽ phát triển nơi mỗi người nắm giữ chức tư tế để ban phước cho mỗi cá nhân và mỗi gia đình trong Giáo Hội, cũng như mỗi tín hữu có thể cảm nhận một ý thức lớn lao hơn về sự tận tâm và vai trò môn đồ.

Trong công việc cứu rỗi, các vị lãnh đạo chức tư tế cần phải cân nhắc các giáo lễ kế tiếp mà một cá nhân cần và cách phụ giúp trong việc chuẩn bị đó.

Hình do Craig Dimond chụp, © IRI

Các vị lãnh đạo Giáo Hội nói rằng những người nam lẫn người nữ cần phải được cho phép bày tỏ ý kiến của họ một cách đồng đều và tự do trong các buổi họp của giới lãnh đạo.

HÌNH DO CRAIG DIMOND CHỤP