2010–2019
Đồng Một Lòng
Tháng Tư năm 2018


Đồng Một Lòng

Để đạt được vận mệnh thiêng liêng của mình, chúng ta cần có nhau, và chúng ta cần phải đoàn kết.

Một trong những sinh vật phi thường nhất trên trái đất là con bướm chúa. Trong một chuyến đi đến Mexico để nghỉ lễ Giáng Sinh với gia đình chồng tôi, chúng tôi đã đến tham quan một khu bảo tồn bướm, nơi có hàng triệu con bướm chúa đang trú đông. Thật là thú vị khi nhìn thấy một quang cảnh đầy ấn tượng như vậy và để cho chúng tôi suy ngẫm về tấm gương đoàn kết và vâng lời đối với các luật pháp thiêng liêng mà các tạo vật của Thượng Đế đã cho thấy.1

Hình Ảnh
Con bướm chúa
Hình Ảnh
Đàn bướm

Các con bướm chúa là các hoa tiêu lão luyện. Chúng sử dụng vị trí của mặt trời để tìm hướng mà chúng cần phải đi theo. Mỗi mùa xuân, chúng bay hàng ngàn dặm từ Mexico sang Canada, và mỗi mùa thu, chúng cũng trở về những khu rừng linh sam thiêng liêng đó ở Mexico.2 Chúng làm như vậy năm này qua năm khác, từng lần một nhẹ nhàng vỗ cánh. Trong hành trình của mình chúng xúm xít lại với nhau vào ban đêm trên cây để tự bảo vệ mình khỏi bị lạnh và kẻ săn mồi.3

Hình Ảnh
Kính vạn hoa với đàn bướm
Hình Ảnh
Một cái kính vạn hoa thứ hai với đàn bướm

Một đàn bướm được gọi là kính vạn hoa.4 Thật là một hình ảnh tuyệt đẹp. Mỗi con bướm trong một kính vạn hoa là độc đáo và khác biệt, nhưng những sinh vật dường như mong manh này đã được tạo dựng bởi một Đấng Sáng Tạo nhân từ với khả năng sống sót, đi lại, sinh sôi và gieo mầm sống khi chúng đi từ đóa hoa này đến đóa hoa khác để rải phấn hoa. Và mặc dù mỗi con bướm đều khác nhau, nhưng chúng làm việc chung với nhau để làm cho thế giới trở thành một nơi xinh đẹp và màu mỡ hơn.

Giống như những con bướm chúa, chúng ta đang hành trình trở về căn nhà thiên thượng của mình, nơi mà chúng ta sẽ đoàn tụ với Cha Mẹ Thiên Thượng.5 Giống như những con bướm, chúng ta đã được ban cho những thuộc tính thiêng liêng cho phép chúng ta trải qua cuộc sống, để “[làm tròn] mục đích tạo dựng của [chúng ta].”6 Giống như chúng, nếu chúng ta đồng tâm đoàn kết,7 thì Chúa sẽ bảo vệ chúng ta “như gà mái túc con mình ấp trong cánh”8 và sẽ làm cho chúng ta trở thành một cái kính vạn hoa tuyệt đẹp.

Thưa các em gái và em trai, các thiếu nữ và thiếu niên, các anh chị em, chúng ta đang cùng nhau ở trên cuộc hành trình này. Để đạt được vận mệnh thiêng liêng của mình, chúng ta cần có nhau, và chúng ta cần phải đoàn kết. Chúa đã truyền lệnh cho chúng ta: “Hãy hiệp làm một; và nếu các ngươi không hiệp làm một thì các ngươi không phải là của ta.”9

Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương tột bậc về sự đoàn kết với Cha Ngài. Hai Ngài hiệp nhất trong mục đích, trong tình yêu thương và trong công việc làm, với “ý muốn của Đức Chúa Con lọt vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha.”10

Làm thế nào chúng ta có thể noi theo tấm gương hoàn hảo của Chúa về sự đoàn kết với Cha Ngài và hiệp nhất hơn với hai Ngài và với nhau?

Một mẫu mực đầy soi dẫn được tìm thấy trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:14. Chúng ta đọc: “Hết thảy [những người đàn ông] đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện với các người đàn bà.”11

Tôi nghĩ là điều quan trọng khi cụm từ “đồng một ý” được thấy vài lần trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, nơi mà chúng ta đọc về những việc các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đã làm ngay sau khi Ngài thăng lên trời là một Đấng phục sinh, cũng như những phước lành mà họ đã nhận được nhờ vào các nỗ lực của họ. Cũng là điều quan trọng khi chúng ta tìm thấy một mẫu mực tương tự trong số những người trung tín trên lục địa Châu Mỹ vào lúc Chúa hiện đến và phục sự họ. “Đồng một ý” có nghĩa là thoả thuận, đoàn kết và cùng chung với nhau.

Một số điều mà các Thánh Hữu trung tín đã làm trong tình đoàn kết ở cả hai nơi là họ đã làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, cùng nhau học hỏi lời của Thượng Đế, và phục sự lẫn cho nhau với tình yêu thương.12

Các tín đồ của Chúa cùng hiệp một trong mục đích, trong tình yêu thương và trong công việc làm. Họ biết rằng họ là ai, họ biết điều họ phải làm, và họ đã làm điều đó với tình yêu mến dành cho Thượng Đế và cho nhau. Họ là một phần của một cái kính vạn hoa tuyệt vời đồng một lòng để tiến bước.

Một số phước lành mà họ nhận được là họ đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh, các phép lạ xảy ra giữa họ, Giáo Hội tăng trưởng, không có tranh chấp trong dân chúng, và Chúa ban phước cho họ trong mọi sự.13

Chúng ta có thể cho rằng lý do họ đoàn kết như vậy là vì họ đã biết rõ Chúa. Họ đã được gần gũi Ngài, và họ đã chứng kiến sứ mệnh thiêng liêng của Ngài, các phép lạ mà Ngài đã làm, và Sự Phục Sinh của Ngài. Họ đã thấy và sờ tay vào những dấu đóng đinh trên tay chân Ngài. Họ đã biết chắc rằng Ngài là Đấng Mê Si đã được hứa, Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Họ đã biết rằng “Ngài là nguồn gốc của mọi sự chữa lành, bình an và sự tiến triển vĩnh cửu.”14

Mặc dù chúng ta có thể chưa tận mắt thấy Đấng Cứu Rỗi, nhưng chúng ta có thể biết rằng Ngài hằng sống. Khi gần gũi với Ngài hơn, khi tìm cách nhận được một chứng ngôn cá nhân qua Đức Thánh Linh về sứ mệnh thiêng liêng của Ngài, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn mục đích của mình; tình yêu mến Thượng Đế sẽ ngự trong lòng chúng ta;15 chúng ta sẽ có quyết tâm để hiệp một trong cái kính vạn hoa của gia đình, tiểu giáo khu, và cộng đồng chúng ta; và chúng ta sẽ phục sự lẫn nhau “theo những cách mới hơn, tốt hơn.”16

Những phép lạ xảy ra khi con cái của Thượng Đế được Đức Thánh Linh hướng dẫn cùng nhau cố gắng tìm đến những người đang hoạn nạn.

Hình Ảnh
Đường phố bị lũ lụt với những người đi cứu giúp

Chúng ta nghe rất nhiều câu chuyện về tình yêu thương trong khu phố được cho thấy trong số những người dân khi thảm hoạ xảy ra. Ví dụ, năm ngoái khi thành phố Houston bị lũ lụt nặng nề, người ta đã quên đi nhu cầu của riêng họ và đi cứu giúp. Một chủ tịch nhóm túc số các anh cả đã gửi ra lời kêu gọi giúp đỡ cộng đồng, và một đội 77 chiếc thuyền đã được tổ chức nhanh chóng. Những người đi cứu giúp đã đi khắp các khu phố bị nạn và vận chuyển tất cả các gia đình trọn vẹn đến một trong những nhà hội của chúng ta, nơi mà các gia đình này có nơi ẩn náu và nhận được sự giúp đỡ mà họ rất cần. Các tín hữu và những người ngoại đạo cùng làm việc chung với nhau với một mục đích.

Hình Ảnh
Những người truyền giáo đang dạy tiếng Tây Ban Nha

Ở Santiago, Chile, một chị chủ tịch Hội Phụ Nữ có ước muốn giúp đỡ những người di dân đến từ Haiti trong cộng đồng của chị. Bằng cách hội ý với các vị lãnh đạo chức tư tế của mình, chị và những người người lãnh đạo khác đã có ý tưởng là tổ chức các lớp học tiếng Tây Ban Nha cho những người di dân đó, giúp họ hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng mới của họ. Mỗi buổi sáng thứ Bảy, những người truyền giáo quy tụ lại với các học sinh đầy hăng hái của họ. Cảm nghĩ đoàn kết trong tòa nhà đó là một ví dụ đầy soi dẫn về những người có gia cảnh khác nhau đồng một lòng phục vụ.

Hình Ảnh
Các tình nguyện viên ở Mexico

Tại Mexico, hàng trăm tín hữu đã hành trình trong nhiều giờ để giúp đỡ những người sống sót từ hai trận động đất lớn. Họ đến với dụng cụ, máy móc, và tình yêu thương đối với người lân cận của họ. Khi các tình nguyện viên tập họp lại trong một trong những nhà hội của chúng ta để chờ nhận được những chỉ dẫn, thì vị thị trưởng thành phố Ixhuatán đã khóc khi thấy “tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô” được biểu lộ như vậy.17

Chúa hiện đang ban cho chúng ta cơ hội để cùng nhau bàn thảo mỗi tháng trong các nhóm túc số chức tư tế và các Hội Phụ Nữ của chúng ta, để chúng ta đều có thể tham gia tích cực hơn vào tiểu giáo khu hoặc chi nhánh giống như kính vạn hoa của mình—một nơi mà chúng ta đều hòa nhập và nơi mà chúng ta đều được cần tới.

Mỗi một con đường của chúng ta đều khác nhau, tuy nhiên chúng ta đều đi chung với nhau. Con đường của chúng ta không phải là vì chúng ta đã làm điều gì hoặc đang ở nơi đâu; mà chính là nơi đâu chúng ta đang đi và con người mà chúng ta sẽ trở thành trong tình đoàn kết. Khi cùng hội ý với nhau với sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể thấy mình đang ở đâu và cần có mặt ở đâu. Đức Thánh Linh ban cho chúng ta một tầm nhìn mà đôi mắt thiên nhiên của chúng ta không thể thấy được, vì “sự mặc khải nằm rải rác quanh chúng ta,”18 và khi đặt sự mặc khải đó lại với nhau thì chúng ta có thể thấy được nhiều hơn.

Khi chúng ta làm việc trong tình đoàn kết thì mục đích của chúng ta nên phải là tìm kiếm và làm theo ý Chúa; động cơ của chúng ta nên là tình yêu thương mà chúng ta cảm nhận đối với Thượng Đế và đối với người lân cận của mình;19 và ước muốn thiết tha nhất của chúng ta là “làm việc cần mẫn,”20 để có thể chuẩn bị con đường trở lại đầy vinh quang của Đấng Cứu Rỗi của mình. Cách duy nhất chúng ta có thể làm được là cùng “đồng một lòng.”

Giống như những con bướm chúa, chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình của mình chung với nhau trong mục đích, mỗi người chúng ta với những thuộc tính và đóng góp riêng của mình, cố gắng để làm cho thế giới này xinh đẹp và màu mỡ—từng bước nhỏ một và phù hợp với các lệnh truyền của Thượng Đế.

Chúa Giê Su Ky Tô đã hứa với chúng ta rằng khi chúng ta quy tụ lại trong danh Ngài, thì Ngài sẽ ở giữa chúng ta.21 Tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống và Ngài đã phục sinh vào một buổi sáng mùa xuân đẹp trời như hôm nay. Ngài là Bướm Chúa trên tất cả các bướm chúa, “là Vua của mọi vua, Chúa của mọi chúa.”22

Cầu xin cho chúng ta có thể hiệp một trong Đức Chúa Cha và trong Con Độc Sinh của Ngài, khi chúng ta được Đức Thánh Linh hướng dẫn, là lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.