2010–2019
Những Điều Mỗi Người Nắm Giữ Chức Tư Tế A Rôn Cần Phải Hiểu
Tháng Tư năm 2018


Những Điều Mỗi Người Nắm Giữ Chức Tư Tế A Rôn Cần Phải Hiểu

Sự sắc phong vào Chức Tư Tế A Rôn của các em là trọng tâm để giúp các con cái của Thượng Đế tiếp nhận quyền năng chuộc tội của Đấng Ky Tô.

Thưa các anh em, thật là một đặc ân được có mặt với các anh em trong đại hội lịch sử này. Khi tôi còn là một chủ tịch phái bộ truyền giáo mới, tôi đã rất phấn khởi để đón nhóm người truyền giáo mới đầu tiên của chúng tôi. Một số người truyền giáo giàu kinh nghiệm đã chuẩn bị cho một buổi họp ngắn với những người truyền giáo mới. Tôi để ý thấy họ đã sắp xếp những chiếc ghế trẻ em theo hình bán nguyệt.

“Những chiếc ghế này dành cho ai vậy?” Tôi hỏi.

Những người truyền giáo nói, có vẻ ngượng ngùng: “Dạ, cho những người truyền giáo mới.”

Tôi tin rằng cách chúng ta nhìn nhận người khác ảnh hưởng đáng kể đến cách họ nhìn nhận mình và những gì họ có thể trở thành.1 Những người truyền giáo mới của chúng tôi đã ngồi trên những chiếc ghế người lớn ngày hôm đó.

Đôi khi, tôi e rằng chúng ta, nói theo một cách ẩn dụ, đưa cho các em thiếu niên trong Chức Tư Tế A Rôn của mình những chiếc ghế trẻ em để ngồi lên, thay vì giúp các em nhận ra rằng Thượng Đế đã ban cho các em một trách nhiệm thiêng liêng và một công việc mang tính sống còn để làm.

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã khuyên dạy chúng ta rằng các em thiếu niên cần phải hiểu “ý nghĩa … của việc trở thành những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế. Các em cần phải được hướng dẫn để đạt đến sự nhận thức thuộc linh về tính liêng thiêng của sự kêu gọi được sắc phong của các em.”2

Hôm nay, tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn chúng ta đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về quyền năng và tính thiêng liêng của Chức Tư Tế A Rôn và soi dẫn chúng ta tập trung chuyên cần hơn vào các bổn phận chức tư tế của mình. Sứ điệp của tôi là dành cho tất cả những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, kể cả những người cũng nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

Anh Cả Dale G. Renlund đã dạy rằng mục đích của chức tư tế là để giúp các con cái của Thượng Đế tiếp cận quyền năng chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô.3 Để nhận được quyền năng chuộc tội của Đấng Ky Tô, chúng ta phải tin nơi Ngài, hối cải tội lỗi của mình, lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng qua các giáo lễ, và tiếp nhận Đức Thánh Linh.4 Đây không phải là các nguyên tắc chúng ta chỉ thực hiện một lần; thay vì thế, chúng kết hợp với nhau, củng cố và xây dựng lẫn nhau trong một tiến trình liên tục tiến triển về phía trước để “đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài.”5

Vậy thì, vai trò của Chức Tư Tế A Rôn trong việc này là gì? Nó giúp chúng ta tiếp cận quyền năng chuộc tội của Đấng Ky Tô như thế nào? Tôi tin câu trả lời nằm trong các chìa khóa của Chức Tư Tế A Rôn—các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm dự bị.6

Sự Phù Trợ của Các Thiên Sứ

Chúng ta hãy bắt đầu với một khía cạnh của sự phù trợ của các thiên sứ. Trước khi các con cái của Thượng Đế có thể có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, họ cần phải biết về Ngài và được giảng dạy phúc âm của Ngài. Như Sứ Đồ Phao Lô đã nói:

“Nhưng họ chưa … nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao?

Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? …

Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng [Ky Tô] được rao giảng.”7

Từ lúc ban đầu, Thượng Đế đã “sai các thiên sứ xuống phục sự con cái loài người, biểu lộ cho biết về sự hiện đến của Đấng Ky Tô.”8 Các thiên sứ là những nhân vật thiên thượng mang sứ điệp của Thượng Đế.9 Trong cả tiếng Hê Bơ Rơ và tiếng Hy Lạp, gốc của từ thiên sứ là “sứ giả.”10

Trong cùng một cách thức các thiên sứ là các sứ giả được ủy quyền mà Thượng Đế sai đến để tuyên bố lời của Ngài và theo đó xây đắp đức tin, chúng ta, là những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, cũng được sắc phong để “giảng dạy, và mời mọi người đến cùng Đấng Ky Tô.”11 Thuyết giảng phúc âm là một bổn phận của chức tư tế. Và quyền năng gắn liền với bổn phận này không chỉ dành cho các vị tiên tri hay thậm chí chỉ cho những người truyền giáo. Nó là dành cho các anh em!12

Vậy thì làm thế nào chúng ta nhận lấy quyền năng này? Làm thế nào một thầy trợ tế 12 tuổi—hay bất cứ ai trong chúng ta—mang đức tin nơi Đấng Ky Tô đến với tấm lòng của các con cái của Thượng Đế? Chúng ta bắt đầu bằng cách tích trữ lời của Ngài để quyền năng của lời Ngài được ở trong chúng ta.13 Ngài đã hứa rằng nếu chúng ta làm vậy, thì chúng ta sẽ có được “quyền năng của Thượng Đế để thuyết phục loài người.”14 Đó có thể là một cơ hội giảng dạy trong buổi họp nhóm túc số hay thăm viếng tư gia của một tín hữu. Đó có thể là một bối cảnh thân mật hơn, như là một cuộc trò chuyện với một người bạn hay một người thân trong gia đình. Trong bất cứ bối cảnh nào trong số này, nếu chúng ta có chuẩn bị, thì chúng ta có thể giảng dạy phúc âm theo cách các thiên sứ làm: bằng quyền năng của Đức Thánh Linh.15

Hình Ảnh
Jacob và Anh Holmes

Tôi gần đây có nghe Jacob, một người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn ở Papua New Guinea, làm chứng về quyền năng của Sách Mặc Môn và làm thế nào sách đó đã giúp em chống lại sự tà ác và tuân theo Thánh Linh. Những lời em nói đã gia tăng đức tin của tôi và đức tin của những người khác. Đức tin của tôi cũng đã gia tăng khi tôi nghe những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn khác giảng dạy và làm chứng trong các buổi họp nhóm túc số của các em.

Hỡi các em thiếu niên, các em là các sứ giả được ủy quyền. Qua lời nói và hành động của mình, các em có thể mang đức tin nơi Đấng Ky Tô đến với tấm lòng của các con cái của Thượng Đế.16 Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Đối với họ, các [em] là những thiên sứ phù trợ.”17

Phúc Âm Dự Bị

Đức tin gia tăng nơi Đấng Ky Tô luôn luôn dẫn đến một ước muốn để thay đổi hay hối cải.18 Vì thế, hợp lý là chìa khóa phù trợ của các thiên sứ phải đồng hành cùng chìa khóa của phúc âm dự bị, là “phúc âm về sự hối cải và phép báp têm, cùng sự xá miễn tội lỗi.”19

Khi các anh em học về các bổn phận của Chức Tư Tế A Rôn của mình, các anh em sẽ thấy một trách nhiệm rõ ràng là mời gọi người khác hối cải và cải thiện.20 Điều đó không có nghĩa là chúng ta đứng ở một góc đường và hét lên: “Các người hãy hối cải!” Thường thì, điều đó có nghĩa là chúng ta hối cải, chúng ta tha thứ, và khi chúng ta phục sự người khác, chúng ta đưa ra niềm hy vọng và sự bình an mà sự hối cải mang đến—bởi vì chính chúng ta đã cảm nhận thấy nó.

Tôi đã cùng những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn đến thăm những người trong cùng nhóm túc số của họ. Tôi đã chứng kiến sự chăm sóc của họ xoa dịu tấm lòng và giúp những người anh em của họ cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế. Tôi đã nghe một người thiếu niên làm chứng cùng các bạn cùng lứa về quyền năng của sự chuộc tội. Khi em ấy làm chứng, các tấm lòng được xoa dịu, những cam kết được lập và quyền năng chữa lành của Đấng Ky Tô được cảm thấy.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã dạy: “Hối cải là một chuyện. Tội lỗi của chúng ta được xá miễn hay tha thứ là một chuyện khác. Quyền năng để mang lại sự xá miễn này được tìm thấy trong Chức Tư Tế A Rôn.”21 Các giáo lễ trong Chức Tư Tế A Rôn là phép báp têm và Lễ Tiệc Thánh làm chứng và hoàn thành sự hối cải của chúng ta để được xá miễn các tội lỗi.22 Chủ Tịch Dallin H. Oaks giải thích về điều này như sau: “Chúng ta được truyền lệnh phải hối cải tội lỗi của mình và đến cùng Chúa với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối cùng dự phần Tiệc Thánh đúng theo các giao ước Tiệc Thánh. … Khi chúng ta tái lập các giao ước báp têm của mình theo cách này, thì Chúa sẽ làm mới tác dụng thanh tẩy của phép báp têm của chúng ta.”23

Thưa các anh em, thật là một đặc ân thiêng liêng để thực hiện các giáo lễ mà đem lại sự xá miễn tội lỗi đến với những tấm lòng hối cải qua quyền năng chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi.24

Mới đây, tôi được kể cho nghe về một thầy tư tế, em ấy vật lộn với việc bày tỏ bản thân, ban phước Tiệc Thánh lần đầu tiên. Khi em ban phước Tiệc Thánh, một tinh thần đầy quyền năng phủ lên em và cả giáo đoàn. Về sau trong buổi họp, em đã đưa ra một chứng ngôn đơn giản nhưng rõ ràng về quyền năng của Thượng Đế em cảm nhận được trong suốt giáo lễ đó.

Hình Ảnh
Nhóm túc số các thầy tư tế với gia đình Mbuelongo

Ở Sydney, Úc, bốn người trong một nhóm túc số các thầy tư tế đã báp têm những người trong gia đình Mbuelongo. Mẹ của một trong các thầy tư tế này thuật lại với tôi kinh nghiệm này tác động mạnh mẽ lên con trai chị như thế nào. Các thầy tư tế này đã hiểu được ý nghĩa của việc “được Chúa Giê Su Ky Tô phong quyền.”25

Như các anh em đã biết, các thầy tư tế bây giờ đã có thể thực hiện phép báp têm thay cho người chết trong đền thờ. Đứa con trai 17 tuổi của tôi gần đây đã làm phép báp têm cho tôi thay cho một số tổ tiên của chúng tôi. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy vô cùng biết ơn về Chức Tư Tế A Rôn và đặc ân được hành động cho sự cứu rỗi của các con cái của Thượng Đế.

Hỡi các em thiếu niên, khi các em chuyên cần tham gia vào các bổn phận chức tư tế của mình, thì các em tham gia cùng với Thượng Đế trong công việc của Ngài “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”26 Những kinh nghiệm như thế này gia tăng ước muốn của các em và chuẩn bị các em để giảng dạy sự hối cải và báp têm những người cải đạo với tư cách là những người truyền giáo. Chúng cũng chuẩn bị các em cho sự phục vụ suốt đời trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

Giăng Báp Tít, Tấm Gương của Chúng Ta

Hỡi những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, chúng ta có được đặc ân và bổn phận để trở thành những người đồng tôi tớ với Giăng Báp Tít. Giăng được sai đến với tư cách là một sứ giả được ủy quyền để làm chứng về Đấng Ky Tô và mời gọi tất cả mọi người hối cải và chịu phép báp têm—tức là, ông thực hành các chìa khóa Chức Tư Tế A Rôn mà chúng ta vừa thảo luận. Giăng sau đó tuyên bố: “Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép [báp têm] cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta … .Ấy là Đấng sẽ làm phép [báp têm] cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa.”27

Do đó, Chức Tư Tế A Rôn, với các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và phúc âm dự bị, chuẩn bị đường lối cho các con cái của Thượng Đế để tiếp nhận, qua Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, ân tứ Đức Thánh Linh, là ân tứ lớn lao nhất chúng ta có thể tiếp nhận trong cuộc sống này.28

Thật là một trách nhiệm cao cả Thượng Đế đã ban cho những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn!

Một Lời Mời và Một Lời Hứa

Thưa các bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo chức tư tế, các anh em có thể cảm nhận tầm quan trọng của lời khuyên dạy của Chủ Tịch Monson phải giúp các em thiếu niên hiểu “việc trở thành những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế … có nghĩa là gì” chưa?29 Việc hiểu và làm vinh hiển Chức Tư Tế A Rôn sẽ chuẩn bị các em để trở thành những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc trung tín, những người truyền giáo đầy quyền năng, và những người chồng và người cha ngay chính. Qua sự phục vụ của mình, các em sẽ hiểu và cảm nhận được thực tế của quyền năng chức tư tế, là quyền năng để hành động trong danh Đấng Ky Tô cho sự cứu rỗi của các con cái của Thượng Đế.

Hỡi các em thiếu niên, Thượng Đế có một công việc cho các em để làm.30 Sự sắc phong vào Chức Tư Tế A Rôn của các em là trọng tâm để giúp các con cái của của Ngài tiếp nhận quyền năng chuộc tội của Đấng Ky Tô. Tôi hứa rằng khi các em đặt những bổn phận thiêng liêng này làm trọng tâm của cuộc sống mình, thì các em sẽ cảm nhận được quyền năng của Thượng Đế rõ rệt hơn bao giờ hết. Các em sẽ hiểu được danh tính của mình với tư cách là một người con trai của Thượng Đế, được kêu gọi với một sự kêu gọi thiêng liêng để làm công việc của Ngài. Và, giống như Giăng Báp Tít, các em sẽ giúp chuẩn bị đường lối cho sự tái lâm của Vị Nam Tử của Ngài. Tôi làm chứng về các lẽ thật này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Đây là điều đã xảy đến với Môi Se. Sau cuộc gặp phi thường với Thượng Đế, ông bắt đầu nhìn nhận mình khác đi—với tư cách là một người con của Thượng Đế. Cách nhìn này đã giúp ông chống lại Sa Tan, kẻ đã gọi ông là “con của người” (xin xem Môi Se 1:1-20). Xin xem thêm Thomas S. Monson, “Nhìn Thấy Những Người Khác như là Con Người Họ Có Thể Trở Thành,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 68–71; Dale G. Renlund, “Xuyên Qua Góc Nhìn của Thượng Đế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 93–94.

  2. Thomas S. Monson, buổi họp giới lãnh đạo đại hội trung ương, tháng Ba năm 2011.

  3. Xin xem Dale G. Renlund, “Chức Tư Tế và Quyền Năng Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 64–67.

  4. Xin xem 2 Nê Phi 31–32; 3 Nê Phi 11:30–41; 27:13–21; Ê The 4:18–19; Môi Se 6:52–68; 8:24.

  5. Mô Rô Ni 10:32; xin xem thêm Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (năm 2004), trang 6–7.

  6. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 13:1; 84:26–27; 107:20.

  7. Rô Ma 10:14–15, 17. Joseph Smith cũng đã giảng dạy lẽ thật này: “Đức tin đến bằng việc nghe lời của Thượng Đế, qua chứng ngôn của các tôi tớ của Thượng Đế; chứng ngôn đó luôn luôn được đi kèm theo với Tinh Thần tiên tri và mặc khải” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], trang 385).

  8. Mô Rô Ni 7:22; xin xem An Ma 12:28–30; 13:21–24; 32:22–23; 39:17–19; Hê La Man 5:11; Mô Rô Ni 7:21–25, 29–32; Giáo Lý và Giao Ước 20:35; 29:41–42; Môi Se 5:58; Ma Thi Ơ 28:19; Rô Ma 10:13–17.

  9. Xin xem George Q. Cannon, Gospel Truth, Jerreld L. Newquist tuyển chọn (năm 1987), trang 54.

  10. Xin xem James Strong, The New Strong’s Exhaustive Concordance of the Bible (1984), mục từ điển tiếng Hê Bơ Rơ và tiếng Chăn Đê, trang 66, mục từ điển tiếng Hy Lạp, trang 7.

  11. Giáo Lý và Giao Ước 20:59.

  12. Xin xem Henry B. Eyring, “Để Kẻ Ấy Cũng Có Thể Trở Nên Mạnh Mẽ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 75–78; An Ma 17:3; Hê La Man 5:18; 6:4–5; Giáo Lý và Giao Ước 28:3.

  13. Xin xem 1 Giăng 2:14; An Ma 17:2; 26:13; 32:42. Làm Tròn Bổn Phận của Tôi đối với Thượng Đế: Những Người Nắm Giữ Chức Tư Tế A Rôn là một công cụ có sẵn để giúp hoàn thành việc này.

  14. Giáo Lý và Giao Ước 11:21; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 84:85.

  15. Xin xem 2 Nê Phi 32:3; Giáo Lý và Giao Ước 42:14; 50:17–22.

  16. Xin xem Mô Rô Ni 7:25.

  17. Russell M. Nelson, “Honoring the Priesthood,” Ensign, tháng Năm năm 1993, trang 40; xin xem thêm An Ma 27:4.

  18. Xin xem An Ma 34:17; Hê La Man 14:13.

  19. Giáo Lý và Giao Ước 84:27.

  20. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:46, 51–59, 73–79. Làm Tròn Bổn Phận của Tôi đối với Thượng Đế: Những Người Nắm Giữ Chức Tư Tế A Rôn là một công cụ có sẵn để giúp hoàn thành việc này.

  21. Gordon B. Hinckley, “The Aaronic Priesthood—a Gift from God,” Ensign, tháng Năm năm 1988, trang 46.

  22. Anh Cả D. Todd Christofferson giải thích: “Phép báp têm bằng nước là bước cuối cùng và quan trọng nhất trong tiến trình hối cải. Sự từ bỏ tội lỗi, cùng với giao ước vâng lời của chúng ta, hoàn tất sự hối cải của chúng ta; quả thật, sự hối cải vẫn còn chưa hoàn chỉnh nếu không có giao ước đó” (“Building Faith in Christ,” Liahona, tháng Chín năm 2012, trang 14–15). Xin xem thêm D. Todd Christofferson, “Ân Tứ Thiêng Liêng về Sự Hối Cải,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 38–41; Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 26:24 (trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư).

    Giáo lễ Tiệc Thánh cho chúng ta “một cơ hội mỗi tuần để tái lập các giao ước thiêng liêng mà cho phép chúng ta trở thành những người dự phần vào ân điển chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi với cùng một ảnh hưởng thanh tẩy phần thuộc linh của phép báp têm và lễ xác nhận” (“Understanding Our Covenants with God,” Liahona, tháng Bảy năm 2012, trang 21). Xin xem thêm Dallin H. Oaks, “Always Have His Spirit,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, trang 59–61.

  23. Dallin H. Oaks, “The Aaronic Priesthood and the Sacrament,” Liahona, tháng Chín năm 1999, trang 44.

  24. Anh Cả David A. Bednar giải thích: “Các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao được thực hiện trong Giáo Hội phục hồi của Chúa có ý nghĩa nhiều hơn là việc thực hiện các nghi lễ hoặc những biểu tượng. Thay vì thế, các giáo lễ này gồm có những phương pháp được cho phép mà qua đó các phước lành và quyền năng của thiên thượng có thể tuôn chảy vào cuộc sống cá nhân của chúng ta” (“Luôn Luôn Được Xá Miễn Các Tội Lỗi của Mình,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 60).

  25. Giáo Lý và Giao Ước 20:73.

  26. Môi Se 1:39.

  27. Ma Thi Ơ 3:11.

  28. Nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội đã chỉ ra rằng Đức Thánh Linh là ân tứ lớn lao nhất của cuộc sống trần thế.

    Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã nói: “Việc có được sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh là tài sản quý giá nhất chúng ta có thể có trong cuộc sống trần thế” (“The Aaronic Priesthood and the Sacrament,” Liahona, tháng Một năm 1999, trang 44).

    Anh Cả Bruce R. McConkie đã dạy: “Nói từ quan điểm vĩnh cửu, cuộc sống vĩnh cửu là ân tứ lớn lao nhất trong mọi ân tứ của Thượng Đế. Nhưng khi thu nhỏ quan điểm xuống chỉ cuộc sống này thôi, ân tứ Đức Thánh Linh là ân tứ lớn lao nhất mà một người trần thế có thể được hưởng” (“What Is Meant by ‘The Holy Spirit’?” Instructor, tháng Hai năm 1965, trang 57).

    Chủ Tịch Wilford Woodruff làm chứng: “Nếu anh chị em có Đức Thánh Linh ở cùng anh chị em—mỗi anh chị em nên có được điều này—tôi có thể nói với anh chị em rằng không có ân tứ nào lớn lao hơn, không có phước lành nào lớn lao hơn, không có chứng ngôn nào lớn lao hơn thế được ban cho bất cứ người nào trên thế gian. Anh chị em có thể có được sự phù trợ của các thiên sứ; anh chị em có thể thấy nhiều phép lạ; nhưng tôi quả quyết rằng ân tứ Đức Thánh Linh là ân tứ lớn lao nhất có thể được ban cho loài người” (Teachings of Presidents of the Church: Wilford Woodruff [năm 2004], trang 49).

    Và Anh Cả David A. Bednar thêm vào: “Các lệnh truyền từ Thượng Đế mà chúng ta tuân theo và những lời khuyên đầy soi dẫn từ các vị lãnh đạo Giáo Hội mà chúng ta tuân theo phần lớn đều tập trung vào việc nhận được sự đồng hành của Thánh Linh. Về cơ bản, tất cả những điều giảng dạy và những sinh hoạt của phúc âm đều tập trung vào việc tiếp nhận Đức Thánh Linh vào cuộc sống của chúng ta” (“Nhận Được Đức Thánh Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 97).

  29. Thomas S. Monson, buổi họp giới lãnh đạo đại hội trung ương, tháng Ba năm 2011.

  30. Xin xem Môi Se 1:6.