2010–2019
Các Quyền Năng của Chức Tư Tế
Tháng Tư năm 2018


Các Quyền Năng của Chức Tư Tế

Việc làm vinh hiển thánh chức tư tế mà các anh em nắm giữ là thiết yếu cho công việc của Chúa trong gia đình của các anh em và trong các chức vụ kêu gọi của các anh em trong Giáo Hội.

Các anh em thấn mến, chúng ta đã nghe một lời loan báo quan trọng từ Chủ Tịch Russell M. Nelson. Chúng ta đã nghe những lời giải thích chi tiết từ hai Anh Cả Christofferson và Rasband và của Chủ Tịch Eyring. Những gì sẽ được nói, kể cả nhiều hơn nữa từ Chủ Tịch Nelson, sẽ giải thích thêm điều mà các anh em, những người lãnh đạo và những người nắm giữ chức tư tế của Chúa, sẽ làm trong trách nhiệm của mình bây giờ. Để giúp đỡ điều đó, tôi sẽ xem xét lại một số nguyên tắc cơ bản về chức tư tế mà các anh em nắm giữ.

I. Chức Tư Tế

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là thẩm quyền thiêng liêng mà Thượng Đế đã ủy thác để hoàn thành công việc của Ngài nhằm “mang lại … cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Vào năm 1829, chức tư tế đã được Các Sứ Đồ của Đấng Cứu Rỗi là Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng truyền giao cho Joseph Smith và Oliver Cowdery (xin xem GLGƯ 27:12). Chức tư tế rất thiêng liêng và mạnh mẽ vượt quá khả năng mô tả của chúng ta.

Các chìa khóa của chức tư tế là các quyền năng để hướng dẫn việc sử dụng thẩm quyền chức tư tế. Vì thế, khi truyền giao Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cho Joseph và Oliver, Các Sứ Đồ đó cũng đã trao cho họ các chìa khóa để điều khiển cách sử dụng chức tư tế (xin xem GLGƯ 27:12–13). Nhưng không phải tất cả các chìa khóa của chức tư tế đều được truyền giao vào lúc đó. Toàn bộ các chìa khóa và sự hiểu biết cần thiết cho “gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn” (GLGƯ 128:18) này được ban cho “từng hàng chữ một” (câu 21). Các chìa khóa được ban cho thêm trong Đền Thờ Kirtland bảy năm sau (xin xem GLGƯ 110:11–16). Những chìa khóa này được ban cho để điều khiển thẩm quyền chức tư tế trong những chỉ định thêm mà đã được ban cho vào thời gian đó, chẳng hạn như phép báp têm cho người chết.

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc không phải là một địa vị hay danh hiệu. Đó là quyền năng thiêng liêng được những người nam xứng đáng nắm giữ để sử dụng vì lợi ích của công việc của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. Chúng ta nên luôn luôn nhớ rằng những người nam nắm giữ chức tư tế không phải là “chức tư tế.” Không phải là điều thích hợp để nói “chức tư tế và các phụ nữ.” Chúng ta nên nói rằng “những người nắm giữ chức tư tế và các phụ nữ.”

II. Một Giáo Vụ để Phục Vụ

Giờ đây chúng ta hãy xem xét điều mà Chúa Giê Su Ky Tô kỳ vọng nơi những người nào nắm giữ chức tư tế của Ngài—làm thế nào chúng ta mang loài người đến cùng Ngài.

Chủ Tịch Joseph F. Smith đã dạy: “Người ta đã thực sự nói rằng Giáo Hội đã được tổ chức một cách hoàn hảo. Vấn đề duy nhất là các tổ chức này không hoàn toàn ý thức được những nghĩa vụ của mình. Khi trở nên hoàn toàn ý thức được những đòi hỏi nơi mình, các tổ chức này sẽ hoàn thành các bổn phận của mình một cách chính xác hơn, và công việc của Chúa sẽ càng mạnh mẽ, vững mạnh và có ảnh hưởng hơn trên thế gian.”1

Chủ Tịch Smith cũng đã cảnh báo:

“Những chức danh do Thượng Đế ban cho … liên kết với vài chức phẩm và các ban của Thánh Chức Tư Tế, không được sử dụng cũng như không được coi là những danh hiệu bắt nguồn từ con người; các chức danh này không phải là để trang trí cũng như không phải là để biểu hiện quyền lực, mà thay vì thế là chức vụ để phục vụ khiêm nhường trong công việc của một Đức Thầy mà chúng ta tuyên xưng để phục vụ. …

“… Chúng ta đang làm việc cho sự cứu rỗi loài người, và chúng ta nên cảm thấy rằng đây là bổn phận lớn lao nhất được giao phó cho chúng ta. Do đó, chúng ta nên cảm thấy sẵn lòng hy sinh tất cả mọi điều, nếu cần, vì tình yêu thương của Thượng Đế, sự cứu rỗi loài người, và sự chiến thắng của vương quốc của Thượng Đế trên thế gian.”2

III. Các Chức Phẩm của Chức Tư Tế

Trong Giáo Hội của Chúa, các chức phẩm trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có các chức năng khác nhau. Sách Giáo Lý và Giao Ước đề cập đến các thầy tư tế thượng phẩm là “các chức chủ tịch địa phương hay tôi tớ trông nom các giáo khu rải rác ở bên ngoài” (GLGƯ 124:134). Điều này nói đến các anh cả là “các giáo sĩ địa phương cho giáo hội [của Chúa]” (GLGƯ 124:137). Dưới đây là những lời giảng dạy khác về những chức năng riêng biệt này.

Một thầy tư tế thượng phẩm thi hành và điều hành những công việc thuộc linh (xin xem GLGƯ 107:10, 12). Ngoài ra, như Chủ Tịch Joseph F. Smith đã dạy: “Vì đã được sắc phong thầy tư tế thượng phẩm, nên [người đàn ông] cảm thấy mình cần phải … nêu gương cho người lớn tuổi lẫn giới trẻ noi theo, và người ấy tự đặt mình vào một vị thế của một người thầy ngay chính, không chỉ bằng lời giáo huấn mà còn đặc biệt hơn nữa là bằng cách nêu gương—mang đến cho những người trẻ tuổi hơn lợi ích của kinh nghiệm về tuổi tác, và do đó cá nhân người đó trở thành một quyền năng ở giữa cộng đồng mà người ấy đang sinh sống.”3

Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về các bổn phận của một anh cả: “Một anh cả là một giáo sĩ của Chúa Giê Su Ky Tô. … Anh Cả được lệnh phải làm tròn nhiệm vụ của mình và đại diện cho Đức Thầy của mình … trong việc phục sự đồng bào của mình. Người ấy là người đại diện của Chúa.”4

Anh Cả McConkie đã chỉ trích ý nghĩ rằng một người nắm giữ chức tư tế “chỉ là một anh cả.” Ông nói: “Mỗi anh cả trong Giáo Hội đều giữ chức tư tế giống như Chủ Tịch của Giáo Hội …” “Một anh cả là gì? Anh cả là một người chăn chiên, một người chăn chiên phục vụ trong chuồng chiên của Đấng Chăn Hiền Lành.”5

Trong chức năng quan trọng này để phục sự trong chuồng chiên của Đấng Chăn Hiền Lành, không có sự phân biệt nào giữa các chức phẩm của thầy tư tế thượng phẩm và anh cả trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Trong tiết 107 quan trọng của sách Giáo Lý và Giao Ước, Chúa phán: “Các thầy tư tế thượng phẩm theo ban Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có quyền thi hành chức vụ của mình, dưới sự hướng dẫn của chủ tịch đoàn, trong việc điều hành các công việc thuộc linh, và cả trong chức phẩm anh cả [hoặc các chức phẩm trong Chức Tư Tế A Rôn]” (GLGƯ 107:10; xin xem thêm câu 12).

Nguyên tắc quan trọng nhất đối với tất cả những người nắm giữ chức tư tế là nguyên tắc được giảng dạy bởi Gia Cốp, vị tiên tri trong Sách Mặc Môn. Sau khi ông và anh Giô Sép của ông trở thành các thầy tư tế và thầy giảng tận tâm của dân chúng thì ông nói: “Và chúng tôi đã làm vinh hiển chức vụ của mình trong Chúa, chúng tôi nhận lấy trách nhiệm, gánh vác những tội lỗi của dân chúng lên đầu mình nếu chúng tôi không chuyên tâm giảng dạy lời của Thượng Đế cho họ biết” (Gia Cốp 1:19).

Thưa các anh em, các trách nhiệm của chúng ta với tư cách là những người nắm giữ chức tư tế là những vấn đề hệ trọng. Các tổ chức khác có thể hài lòng với các tiêu chuẩn thành tựu của thế giantrong việc chuyển tải các thông điệp của họ và thực hiện các chức năng khác của họ. Nhưng chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế có quyền năng thiêng liêng mà thậm chí còn kiểm soát lối vào thượng thiên giới của Thượng Đế nữa. Chúng ta có mục đích và trách nhiệm mà Chúa đã quy định trong lời mở đầu đã được mặc khải của sách Giáo Lý và Giao Ước. Chúng ta phải tuyên bố với thế giới:

“Để cho mọi người đều có thể nói lên trong danh Đức Chúa Trời, là Đấng Cứu Rỗi thế gian;

“Để cho đức tin cũng có thể được tăng trưởng trên thế gian;

“Để cho giao ước vĩnh viễn của ta có thể được thiết lập;

“Để cho phúc âm trọn vẹn của ta có thể được những kẻ yếu kém và những kẻ tầm thường rao truyền đến các nơi tận cùng của thế giới” (GLGƯ 1:20–23).

Để làm tròn bổn phận thiêng liêng này, chúng ta phải trung thành với việc “làm vinh hiển” những chức vụ kêu gọi và trách nhiệm của mình (xin xem GLGƯ 84:33). Chủ Tịch Harold B. Lee đã giải thích về ý nghĩa của việc làm vinh hiển chức tư tế: “Khi một người trở thành người nắm giữ chức tư tế, thì người ấy trở thành người đại diện của Chúa. Người ấy cần phải nghĩ về chức vụ kêu gọi của mình thể như người ấy đang làm công việc của Chúa vậy. Đó là ý nghĩa của việc làm vinh hiển chức tư tế.”6

Do đó, thưa các anh em, nếu chính Chúa đã yêu cầu các anh em giúp đỡ một trong các con trai hoặc con gái của Ngài—là điều mà Ngài đã làm qua các tôi tớ của Ngài—thì các anh em sẽ làm không? Và nếu có làm, thì các anh em có hành động với tư cách là người đại diện của Ngài, “cho công việc của Chúa,” và dựa vào sự giúp đỡ đã được hứa của Ngài không?

Chủ Tịch Lee đã đưa ra một lời dạy khác về việc làm vinh hiển chức tư tế: “Khi các anh em cầm một cái kính lúp đặt lên trên một vật nào đó, thì nó sẽ làm cho vật đó trông to hơn là các anh em có thể thấy bằng mắt thường; đó là một cái kính lúp. Giờ đây … nếu có ai phóng đại chức tư tế của họ—nghĩa là làm cho nó lớn hơn lần đầu tiên họ nghĩ về nó và quan trọng hơn bất cứ người nào khác nghĩ tới nó trước đó—đó là cách các anh em làm vinh hiển chức tư tế của mình.”7

Đây là một ví dụ về một người nắm giữ chức tư tế đã làm vinh hiển trách nhiệm chức tư tế của mình. Tôi nghe câu chuyện này từ Anh Cả Jeffrey D. Erekson, người bạn đồng hành của tôi trong một đại hội giáo khu ở Idaho. Khi còn là một anh cả trẻ tuổi đã lập gia đình, rất nghèo và cảm thấy không thể hoàn thành năm cuối đại học của mình, Jeffrey đã quyết định bỏ học và chấp nhận một cơ hội làm việc đầy hấp dẫn. Một vài ngày sau đó, vị chủ tịch nhóm túc số các anh cả đến nhà ông. Vị chủ tịch nhóm túc số các anh cả hỏi: “Anh có hiểu tầm quan trọng của các chìa khóa của chức tư tế mà tôi nắm giữ không?” Khi Jeffrey nói là mình hiểu thì vị chủ tịch nói với ông rằng kể từ khi nghe ý định bỏ học của ông, Chúa đã giằn vặt vị ấy trong những đêm không ngủ để nói với Jeffrey rằng: “Là chủ tịch nhóm túc số các anh cả của anh, tôi khuyên anh đừng bỏ học. Đó là lời của Chúa cho anh.” Jeffrey ở lại học. Nhiều năm sau, tôi gặp ông ta khi ấy là một doanh nhân thành công và nghe ông ta nói với cử tọa những người nắm giữ chức tư tế: “Lời [khuyên bảo] đó đã tạo ra sự khác biệt trong cuộc đời tôi.”

Một người nắm giữ chức tư tế đã làm vinh hiển chức tư tế và chức vụ kêu gọi của mình, và điều đó tạo ra “sự khác biệt lớn” trong cuộc đời của một người con khác của Thượng Đế.

IV. Chức Tư Tế trong Gia Đình

Cho đến bây giờ, tôi đã nói về các chức năng của chức tư tế trong Giáo Hội. Giờ đây, tôi sẽ nói về chức tư tế trong gia đình. Tôi bắt đầu với các chìa khóa. Nguyên tắc rằng thẩm quyền chức tư tế chỉ có thể được sử dụng dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa vì chức năng đó, là cơ bản trong Giáo Hội nhưng không áp dụng cho việc sử dụng thẩm quyền chức tư tế trong gia đình.8 Một người cha nắm giữ chức tư tế chủ tọa trong gia đình mình bởi thẩm quyền chức tư tế mà người ấy nắm giữ. Người này không cần phải có sự hướng dẫn hoặc sự chấp thuận của các chìa khóa của chức tư tế để khuyên bảo những người trong gia đình mình, tổ chức các buổi họp gia đình, ban phước lành của chức tư tế cho vợ con mình, hoặc ban các phước lành chữa bệnh cho những người trong gia đình hoặc những người khác.

Hình Ảnh
Gia đình cùng nhau học hỏi

Nếu những người cha làm vinh hiển chức tư tế của họ trong gia đình họ, thì điều này sẽ giúp sứ mệnh của Giáo Hội càng tiến triển nhiều như bất cứ điều gì khác họ có thể làm. Những người cha nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc nên tuân giữ các lệnh truyền để họ sẽ có quyền năng của chức tư tế nhằm ban phước cho những người trong gia đình họ. Những người cha cũng nên nuôi dưỡng mối quan hệ yêu thương trong gia đình để những người trong gia đình sẽ muốn xin cha mình ban cho các phước lành. Và cha mẹ nên khuyến khích thêm các phước lành của chức tư tế trong gia đình.

Hình Ảnh
Phước lành chức tư tế

Thưa các anh em là những người cha, hãy thực hiện chức năng là “những người bạn đời bình đẳng” của vợ mình, như bản tuyên ngôn về gia đình đã dạy.9 Và khi các anh em có đặc ân để sử dụng quyền năng và ảnh hưởng của thẩm quyền chức tư tế của mình, thì hãy làm như vậy “nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật″ (GLGƯ 121:41). Tiêu chuẩn cao đó về việc sử dụng thẩm quyền chức tư tế là điều quan trọng nhất trong gia đình. Chủ tịch Harold B. Lee đã đưa ra lời hứa này ngay sau khi trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội: “Quyền năng của chức tư tế mà các anh em nắm giữ chưa bao giờ là tuyệt vời hơn so với khi có một cơn khủng hoảng trong nhà các anh em, một căn bệnh nặng, hoặc một quyết định quan trọng nào đó phải được chọn. … Được gồm vào trong quyền năng của chức tư tế, tức là quyền năng của Thượng Đế Toàn Năng, là quyền năng để thực hiện các phép lạ nếu Chúa muốn như vậy, nhưng để sử dụng chức tư tế đó, chúng ta phải xứng đáng để sử dụng nó. Nếu không hiểu nguyên tắc này thì sẽ không nhận được các phước lành để nắm giữ chức tư tế vĩ đại đó.”10

Các anh em yêu dấu của tôi, việc làm vinh hiển thánh chức tư tế mà các anh em nắm giữ là thiết yếu cho công việc của Chúa trong gia đình của các anh em và trong các chức vụ kêu gọi của các anh em trong Giáo Hội.

Tôi làm chứng về Ngài là Đấng mà chức tư tế thuộc vào. Nhờ vào nỗi đau khổ và sự hy sinh chuộc tội và sự phục sinh của Ngài mà tất cả những người nam và người nữ có được sự bảo đảm về cuộc sống bất diệt và cơ hội để nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Mỗi người chúng ta nên trung tín và siêng năng làm phần vụ của mình trong công việc vĩ đại này của Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith (năm 1998), trang 343.

  2. Teachings: Joseph F. Smith, trang 340, 343.

  3. Joseph F. Smith, Gospel Doctrine, ấn bản lần thứ 5 (năm 1939), trang 182.

  4. Bruce R. McConkie, “Only an Elder,” Ensign, tháng Sáu năm 1975, trang 66; sự nhấn mạnh trong bản gốc không được giữ lại.

  5. Bruce R. McConkie, “Only an Elder,” trang 66; sự nhấn mạnh trong bản gốc không được giữ lại.

  6. Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee (năm 2000), trang 93.

  7. The Teachings of Harold B. Lee, biên tập Clyde J. Williams (năm 1996), trang 499.

  8. Xin xem Dallin H. Oaks, “Thẩm Quyền Chức Tư Tế trong Gia Đình và Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 24–27.

  9. Xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,”Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 145.

  10. Teachings: Harold B. Lee, trang 97.