2010–2019
Các Giáo Lễ Cứu Rỗi Sẽ Mang đến cho Chúng Ta Ánh Sáng Kỳ Diệu
Tháng Tư năm 2018


Các Giáo Lễ Cứu Rỗi Sẽ Mang đến cho Chúng Ta Ánh Sáng Kỳ Diệu

Việc tham gia vào các giáo lễ và tôn trọng các giao ước liên quan sẽ mang anh chị em đến ánh sáng kỳ diệu và sự bảo vệ trong thế giới ngày càng tối tăm này.

Thưa các anh chị em, tôi hân hoan với anh chị em trong phúc âm, hoặc giáo lý của Đấng Ky Tô.

Một người bạn đã có lần hỏi Anh Cả Neil L. Andersen, lúc bấy giờ đang ở trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, là ông cảm thấy như thế nào khi nói chuyện trước 21.000 người tại Trung Tâm Đại Hội. Anh Cả Andersen đáp: “Không phải là 21.000 người làm mình lo âu; mà chính là 15 Anh Em Thẩm Quyền Trung Ương ngồi phía sau mình.” Lúc đó tôi đã cười thầm, nhưng bây giờ tôi cảm thấy như vậy. Tôi yêu mến biết bao và tán trợ 15 người này là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải.

Chúa đã phán với Áp Ra Ham rằng qua dòng dõi của ông và qua chức tư tế, tất cả các gia đình trên trái đất sẽ được ban phước “với những phước lành của Phúc Âm … tức là cuộc sống vĩnh cửu” (Áp Ra Ham 2:11; xin xem thêm các câu 2–10).

Những phước lành được hứa này của phúc âm và chức tư tế đã được phục hồi trên thế gian, và rồi vào năm 1842, Tiên Tri Joseph Smith đã thực hiện lễ thiên ân cho một con số giới hạn những người nam và người nữ. Mercy Fielding Thompson là một trong số họ. Vị Tiên Tri đã nói với bà: “[Lễ thiên ân] này sẽ mang chị ra khỏi bóng tối để bước vào ánh sáng kỳ diệu.”1

Hôm nay tôi muốn tập trung vào các giáo lễ cứu rỗi mà sẽ mang anh chị em và tôi đến với ánh sáng kỳ diệu.

Các Giáo Lễ và Các Giao Ước

Chúng ta đọc trong sách Trung Thành cùng Đức Tin: “Một giáo lễ là một hành động thiêng liêng, chính thức được thực hiện bởi thẩm quyền của chức tư tế. [Các] giáo lễ là thiết yếu cho sự tôn cao của chúng ta … được gọi là các giáo lễ cứu rỗi. Các giáo lễ này gồm có phép báp têm, lễ xác nhận, lễ sắc phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (cho nam giới), lễ thiên ân trong đền thờ, và lễ gắn bó hôn nhân.”2

Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “Các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao được thực hiện trong Giáo Hội phục hồi của Chúa … [là] những phương pháp được cho phép mà qua đó các phước lành và quyền năng của thiên thượng có thể tuôn chảy vào cuộc sống cá nhân của chúng ta.”3

Giống như hai mặt của một đồng xu, tất cả các giáo lễ cứu rỗi được đi kèm với các giao ước với Thượng Đế. Thượng Đế hứa ban cho chúng ta các phước lành nếu chúng ta trung thành tôn vinh các giao ước đó.

Tiên tri A Mu Léc đã nói: “Cuộc sống này là thời gian … chuẩn bị để gặp Thượng Đế” (An Ma 34:32). Chúng ta chuẩn bị bằng cách nào? Bằng cách tiếp nhận các giáo lễ một cách xứng đáng. Chúng ta cũng phải, theo như lời của Chủ Tịch Nelson, “tiếp tục ở trên con đường giao ước.” Chủ Tịch Nelson nói tiếp: “Sự cam kết của anh chị em để noi theo Đấng Cứu Rỗi bằng cách lập các giao ước với Ngài và rồi việc tuân giữ các giao ước đó sẽ mở ra cánh cửa cho mọi phước lành và đặc ân thiêng liêng dành sẵn cho nam giới, phụ nữ và trẻ em ở khắp mọi nơi.”4

John và Bonnie Newman, cũng giống như nhiều anh chị em, là những người nhận được các phước lành thuộc linh mà Chủ Tịch Nelson đã hứa. Một ngày Chủ Nhật nọ, sau khi tham dự nhà thờ với ba đứa con nhỏ của mình, Bonnie nói với John, là một người ngoại đạo: “Em không thể làm việc này một mình được. Anh cần phải quyết định xem anh có đến nhà thờ của em với mẹ con em hoặc anh chọn một nhà thờ mà chúng ta có thể cùng đi với nhau, nhưng các con cần phải biết rằng cha của chúng cũng yêu mến Thượng Đế.” Ngày Chủ Nhật sau đó và mỗi ngày Chủ Nhật tiếp theo, John không những tham dự nhà thờ mà anh còn phục vụ, chơi dương cầm cho nhiều tiểu giáo khu, chi nhánh, và Hội Thiếu Nhi trong nhiều năm. Tôi có đặc ân họp với John vào tháng 4 năm 2015, và trong buổi họp đó, chúng tôi đã thảo luận rằng cách tốt nhất để anh ta có thể cho thấy tình yêu của mình đối với Bonnie là đưa chị ấy đến đền thờ, nhưng điều đó không thể xảy ra trừ khi anh ta chịu phép báp têm.

Sau khi tham dự Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô trong 39 năm, John đã chịu phép báp têm vào năm 2015. Một năm sau, John và Bonnie được làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Memphis Tennessee, 20 năm sau khi chị nhận được lễ thiên ân của chị. Robert, con trai 47 tuổi của họ nói về cha của mình: “Cha tôi đã thực sự tăng trưởng rất nhiều từ khi ông nhận được chức tư tế.” Bonnie nói thêm: “John luôn luôn là một người vui vẻ và vui tính, nhưng việc nhận được các giáo lễ và tôn trọng các giao ước của mình đã làm cho anh hiền lành hơn.”

Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô và Tấm Gương của Ngài

Cách đây nhiều năm, Chủ Tịch Boyd K. Packer đã cảnh báo: “Hạnh kiểm tốt mà không có các giáo lễ của phúc âm sẽ không cứu chuộc hay tôn cao nhân loại.”5 Trên thực tế, chúng ta không những cần các giáo lễ và các giao ước để trở về với Đức Chúa Cha mà chúng ta còn cần Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.

Vua Bên Gia Min đã dạy rằng chỉ có ở trong hay nhờ danh của Đấng Ky Tô mà sự cứu rỗi mới đến cùng con cái loài người (xin xem Mô Si A 3:17; xin xem thêm Những Tín Điều 1:3).

Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã cứu chuộc chúng ta khỏi Sự Sa Ngã của A Đam và làm cho sự hối cải của chúng ta và cuối cùng sự tôn cao đều có thể thực hiện được. Qua cuộc đời của Ngài, Ngài đã nêu gương cho chúng ta để tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi, mà trong đó “quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt” (GLGƯ 84:20).

Sau khi Đấng Cứu Rỗi đã nhận được giáo lễ báp têm để “làm tròn mọi sự ngay chính” (xin xem 2 Nê Phi 31:5–6), thì Sa Tan đã cám dỗ Ngài. Tương tự như vậy, những cám dỗ của chúng ta không chấm dứt sau phép báp têm hay lễ gắn bó, nhưng việc nhận được các giáo lễ thiêng liêng và tôn trọng các giao ước liên quan làm cho chúng ta tràn đầy ánh sáng kỳ diệu và mang đến cho chúng ta sức mạnh để chống lại và khắc phục những cám dỗ.

Lời Cảnh Báo

Ê Sai đã tiên tri rằng trong những ngày sau, “đất bị dân cư làm ô uế … vì họ đã … trái điều răn” (Ê Sai 24:5; xin xem thêm GLGƯ 1:15).

Một lời cảnh báo cũng liên quan, được mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith, là một số người “gần [Chúa] bằng môi lưỡi, … [và] chúng dạy các giáo lý bằng điều răn của con người, có hình thức bề ngoài rất tin kính, nhưng chúng chối bỏ quyền năng của sự tin kính đó.” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:19).

Phao Lô cũng cảnh báo rằng nhiều người sẽ có “bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng [chối bỏ] quyền phép của nhơn đức đó. Những kẻ … thể ấy, con hãy lánh xa đi” (2 Ti Mô Thê 3:5). Tôi lặp lại, những kẻ thể ấy, ta hãy tránh xa.

Nhiều sự xao lãng và cám dỗ của cuộc sống giống như “muông sói hay cắn xé” (Ma Thi Ơ 7:15). Chính là người chăn chiên chân chính sẽ chuẩn bị, bảo vệ và cảnh báo chiên và đàn chiên khi những con sói này tiến đến gần (xin xem Giăng 10:11–12). Là những người phụ chăn chiên mà đang tìm cách noi theo cuộc sống hoàn hảo của Đấng Chăn Hiền Lành, chúng ta không phải là những người chăn linh hồn mình cũng như linh hồn của những người khác sao? Với lời khuyên dạy của các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải, là những người mà chúng ta mới vừa tán trợ, cùng với quyền năng và ân tứ của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể thấy những con sói đang tiến đến nếu chúng ta cảnh giác và chuẩn bị. Ngược lại, khi chúng ta là người chăn tùy tiện cho linh hồn mình và linh hồn của người khác, thì số thương vong có thể xảy ra. Sự tùy tiện dẫn đến thương vong. Tôi mời mỗi người chúng ta hãy là người chăn trung thành.

Kinh Nghiệm và Chứng Ngôn

Tiệc Thánh là một giáo lễ mà giúp chúng ta ở trên con đường, và việc dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng là bằng chứng rằng chúng ta đang tuân giữ các giao ước liên quan đến tất cả các giáo lễ khác. Cách đây vài năm, trong khi vợ tôi, Anita và tôi đang phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Arkansas Little Rock, tôi đã đi ra ngoài giảng dạy với hai người truyền giáo trẻ tuổi. Trong lúc học, người anh em hiền lành mà chúng tôi đang giảng dạy đã nói: “Tôi đã đến nhà thờ của các anh; tại sao các anh phải ăn bánh và uống nước mỗi Chủ Nhật vậy? Trong nhà thờ của chúng tôi, chúng tôi làm việc đó hai lần một năm, lễ Phục Sinh và lễ Giáng Sinh, và việc đó rất có ý nghĩa.”

Chúng tôi chia sẻ với người ấy rằng chúng ta được truyền lệnh phải “nhóm họp để chia sẻ bánh và rượu (nước)” (Mô Rô Ni 6:6; xin xem thêm GLGƯ 20:75). Chúng tôi đọc to Ma Thi Ơ 263 Nê Phi 18. Người ấy đáp rằng người ấy vẫn không thấy là cần thiết.

Rồi chúng tôi chia sẻ sự so sánh sau đây: “Hãy tưởng tượng anh đang bị tai nạn xe hơi rất trầm trọng. Anh đã bị thương và bất tỉnh. Một người lái xe ngang qua, thấy anh đang bất tỉnh, gọi số khẩn cấp, 911. Anh được chăm sóc và tỉnh lại.”

Chúng tôi hỏi người anh em này: “Khi anh có thể nhận ra mọi thứ xung quanh rồi thì anh sẽ hỏi gì?”

Người ấy nói: “Tôi sẽ muốn biết làm thế nào tôi đến đó và ai đã tìm ra tôi. Tôi sẽ cám ơn người ấy mỗi ngày vì người ấy đã cứu mạng tôi.”

Chúng tôi đã chia sẻ với người anh em hiền lành này cách mà Đấng Cứu Rỗi đã cứu mạng chúng ta và chúng ta cần phải cám ơn Ngài mỗi một ngày!

Rồi chúng tôi hỏi: “Khi biết rằng Ngài đã phó mạng sống của Ngài cho anh và cho chúng tôi, thì anh muốn ăn bánh và uống nước là biểu tượng của thể xác và máu của Ngài thường xuyên thế nào?”

Người ấy nói: “Tôi hiểu rồi. Nhưng còn một điều nữa. Giáo Hội của các anh không sinh động giống như của chúng tôi.”

Chúng tôi nói tiếp: “Anh sẽ làm gì nếu Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô đi ngang qua cánh cửa đó?”

Người ấy nói: “Tôi sẽ quỳ xuống ngay.”

Chúng tôi hỏi: “Đó không phải là điều anh cảm thấy khi bước vào giáo đường của Thánh Hữu Ngày Sau—sự tôn kính dành cho Đấng Cứu Rỗi sao?”

Người ấy nói: “Tôi hiểu rồi!”

Người ấy đến nhà thờ vào ngày Chủ Nhật Lễ Phục Sinh và tiếp tục trở lại.

Tôi mời mỗi người chúng ta hãy tự hỏi: “Tôi cần phải tiếp nhận các giáo lễ nào, kể cả Tiệc Thánh, tôi cần phải lập, tuân giữ và tôn trọng các giáo lễ nào?” Tôi hứa rằng việc tham gia vào các giáo lễ và tôn trọng các giao ước liên quan sẽ mang anh chị em đến ánh sáng kỳ diệu và sự bảo vệ trong thế giới ngày càng tối tăm này. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.