2010–2019
Thêm Một Ngày Nữa
Tháng Tư năm 2018


Thêm Một Ngày Nữa

Chúng ta đều có “ngày hôm nay” để sống, và bí quyết để làm cho ngày của chúng ta được thành công là sẵn lòng hy sinh.

Cách đây vài năm, hai người bạn tôi có một đứa con xinh đẹp tên là Brigham. Sau khi được sinh ra, Brigham được chẩn đoán mắc phải căn bệnh hiếm gọi là hội chứng Hunter, buồn thay điều đó có nghĩa là Brigham sẽ sống không lâu. Một ngày nọ, trong khi Brigham và gia đình của em đến thăm khu sân vườn đền thờ thì Brigham thốt ra một câu nói đặc biệt; em ấy nói hai lần: “Thêm một ngày nữa.” Ngay ngày hôm sau, Brigham qua đời.

Hình Ảnh
Brigham
Hình Ảnh
Gia đình của Brigham
Hình Ảnh
Mộ của Brigham

Tôi đã đến thăm mộ của Brigham một vài lần, và mỗi lần như vậy, tôi lại ngẫm nghĩ câu “thêm một ngày nữa.” Tôi tự hỏi câu đó có ý nghĩa gì, nó có ảnh hưởng gì trong cuộc sống của tôi nếu tôi biết rằng tôi chỉ còn sống một ngày nữa thôi. Tôi nên đối xử với vợ con tôi, và những người khác như thế nào? Tôi nên kiên nhẫn và lễ độ như thế nào? Tôi nên chăm sóc thân thể của mình như thế nào? Tôi nên sốt sắng cầu nguyện và tra cứu thánh thư như thế nào? Tôi nghĩ rằng bằng cách này hay cách khác, vào một thời điểm nào đó, chúng ta đều sẽ nhận thức có “thêm một ngày nữa”—một nhận thức rằng chúng ta cần phải sử dụng một cách khôn ngoan thời gian mà chúng ta có.

Trong Kinh Cựu Ước, chúng ta đọc câu truyện về Ê Xê Chia, vua Giu Đa. Tiên Tri Ê Sai đã nói cho Ê Xê Chia biết rằng Ê Xê Chia sắp chết. Khi nghe những lời này của vị tiên tri, Ê Xê Chia bắt đầu cầu nguyện, khẩn nài và khóc thảm thiết. Lần đó, Thượng Đế cho Ê Xê Chia sống thêm 15 năm nữa. (Xin xem Ê Sai 38:1–5.)

Nếu được cho biết là mình chỉ sống được một thời gian ngắn nữa thôi, thì chúng ta có lẽ cũng đã nài xin để có thêm nhiều ngày nữa để sống vì những điều chúng ta đáng lẽ phải làm hoặc đã làm khác đi rồi.

Bất kể bao nhiêu thời gian mà Chúa Giê Su, với sự khôn ngoan của Ngài, quyết định ban cho mỗi người chúng ta, thì một điều chúng ta có thể chắc chắn là: chúng ta đều có “ngày hôm nay” để sống, và bí quyết để làm cho ngày của chúng ta được thành công là sẵn lòng hy sinh.

Chúa phán: “Này, ngày nay là thời gian từ bây giờ cho đến ngày Con của Người đến, và thật vậy đó là ngày hy sinh” (GLGƯ 64:23; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Từ hy sinh trong tiếng Anh xuất phát từ tiếng La Tinh của từ sacer, có nghĩa là “thiêng liêng,” và facere, có nghĩa là “làm”—nói cách khác là làm những điều trở nên thiêng liêng, làm vinh hiển cho những điều này.

“Đền bù sự hy sinh là ơn phước cõi thiên đàng” (“Ca Khen Người,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 50).

Trong những cách nào sự hy sinh sẽ làm cho những ngày của chúng ta có ý nghĩa và được phước?

Trước hết, sự hy sinh cá nhân củng cố chúng ta và mang lại giá trị cho những điều chúng ta hy sinh.

Vào ngày Chủ Nhật nhịn ăn cách đây vài năm, một chị phụ nữ lớn tuổi đi đến bục giảng để chia sẻ chứng ngôn của chị. Chị sống ở thành phố tên là Iquitos, nằm trong vùng Amazon ở Peru. Chị nói cho chúng tôi biết rằng kể từ lúc chịu phép báp têm, chị đã luôn luôn có mục tiêu để nhận được các giáo lễ của đền thờ ở Lima, Peru. Chị đã trung thành đóng tiền thập phân đầy đủ và dành dụm thu nhập ít ỏi của mình trong nhiều năm.

Niềm vui của chị khi đi đền thờ và nhận được các giáo lễ thiêng liêng trong đó đã được diễn tả bằng những lời này: “Hôm nay tôi có thể nói rằng cuối cùng tôi cảm thấy sẵn sàng đi qua bức màn che. Tôi là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên thế giới; Tôi đã để dành được tiền, anh chị em không biết là trong bao lâu rồi, để đi đến đền thờ, và sau bảy ngày đi trên sông và 18 giờ đi bằng xe đò, cuối cùng tôi đã ở trong nhà của Chúa. Khi rời khỏi chốn thánh đó, tôi đã tự nói, sau tất cả những hy sinh đã được đòi hỏi cho tôi để đến đền thờ, tôi sẽ không để cho bất cứ điều gì làm cho tôi xem thường mọi giao ước tôi đã lập; điều đó sẽ thật uổng phí. Đây là một cam kết rất nghiêm túc!”

Tôi đã học được từ chị phụ nữ tuyệt vời này rằng sự hy sinh cá nhân là một sức mạnh vô giá để thúc đẩy các quyết định và quyết tâm của chúng ta. Sự hy sinh cá nhân thúc đẩy những hành động, cam kết và giao ước của chúng ta và làm cho những điều thiêng liêng trở nên có ý nghĩa.

Thứ hai, sự hy sinh mà chúng ta cho người khác, và những người khác hy sinh cho chúng ta, đưa đến những phước lành cho mọi người.

Khi tôi còn là sinh viên trường nha khoa, triển vọng tài chính của nền kinh tế địa phương chúng tôi không được khả quan lắm. Nạn lạm phát đã làm giảm đáng kể giá trị tiền tệ hằng ngày.

Tôi nhớ cái năm mà tôi ghi danh vào khóa thực tậpphẫu thuật; Tôi cần phải có tất cả các thiết bị phẫu thuật cần thiết trước khi ghi danh vào học kỳ đó. Cha mẹ tôi đã để dành được số tiền cần thiết. Nhưng một đêm nọ một điều bi thảm đã xảy ra. Chúng tôi đi mua thiết bị, và khám phá ra rằng số tiền mà chúng tôi có để mua tất cả thiết bị giờ đây chỉ đủ để mua một cặp nhíp phẫu thuật mà thôi—chứ không có thứ gì khác nữa. Chúng tôi trở về nhà và không mua gì cả, và lòng nặng trĩu với ý nghĩ là tôi sẽ không tham dự một học kỳ ở trường đại học. Tuy nhiên, mẹ tôi bất ngờ nói: “Taylor à, đi với mẹ; chúng ta hãy đi ra phố.”

Chúng tôi đi đến trung tâm thành phố nơi có nhiều chỗ mua bán đồ trang sức. Khi chúng tôi đến một cửa hàng, mẹ tôi lấy ra từ ví bà một cái túi nhung màu xanh nhỏ có chứa một chiếc vòng đeo tay bằng vàng tuyệt đẹp có khắc dòng chữ: “Tặng con gái yêu dấu của cha.” Đó là chiếc vòng đeo tay mà ông ngoại tôi đã tặng cho mẹ tôi vào một ngày sinh nhật của bà. Sau đó, trước mặt tôi, mẹ tôi đã bán chiếc vòng đeo tay đó.

Khi nhận được tiền, mẹ tôi nói với tôi: “Nếu có một điều mà mẹ biết chắc chắn, thì đó là con sẽ trở thành nha sĩ. Con hãy đi mua tất cả thiết bị con cần.” Bây giờ, anh chị em có thể tưởng tượng được tôi đã trở thành người sinh viên như thế nào từ kinh nghiệm đó không? Tôi muốn trở thành người sinh viên giỏi nhất và học xong càng sớm càng tốt vì tôi biết cái giá cao về sự hy sinh của mẹ tôi.

Tôi đã biết được rằng những gì mà những người thân yêu của chúng ta hy sinh cho chúng ta giống như dòng nước tưới mát chúng ta ở giữa sa mạc. Sự hy sinh như vậy mang lại hy vọng và động lực.

Thứ ba, bất cứ sự hy sinh nào của chúng ta cũng là nhỏ so với sự hy sinh của Vị Nam Tử của Thượng Đế.

Một chiếc vòng đeo tay bằng vàng có giá trị gì khi so với sự hy sinh của chính Vị Nam Tử của Thượng Đế? Làm cách nào chúng ta có thể làm vinh viển sự hy sinh vô hạn đó? Mỗi ngày chúng ta có thể nhớ rằng mình có thêm một ngày nữa để sống và trung thành. A Mu Léc đã dạy: “Phải, tôi mong rằng các người hãy tiến đến và đừng chai đá trong lòng nữa; vì này, giờ đây là lúc và là ngày cứu rỗi của các người; vậy nên, nếu các người hối cải và không chai đá trong lòng, thì tức thời kế hoạch cứu chuộc vĩ đại sẽ được mang lại cho các người” (An Ma 34:31). Nói cách khác, nếu chúng ta dâng lên Chúa sự hy sinh với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, thì ngay lập tức các phước lành của kế hoạch hạnh phúc vĩ đại được biểu hiện trong cuộc sống của chúng ta.

Kế hoạch cứu chuộc có thể đạt được nhờ sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Như Ngài đã tự mô tả, sự hy sinh đó “đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn—và ta mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy, và co rúm” (GLGƯ 19:18).

Và chính là vì sự hy sinh này, sau tiến trình hối cải chân thành, chúng ta mới có thể cảm thấy được gánh nặng của những lỗi lầm và tội lỗi của chúng ta được nâng lên. Trong thực tế, tội lỗi, nỗi xấu hổ, đau đớn, buồn phiền, và tự coi thường mình được thay thế bằng một lương tâm trong sáng, hạnh phúc, niềm vui và hy vọng.

Đồng thời, khi tôn vinh và biết ơn sự hy sinh của Ngài, chúng ta có thể nhận được bằng một mức độ lớn ước muốn mãnh liệt để trở thành con cái tốt hơn của Thượng Đế, tránh xa tội lỗi và tuân giữ các giao ước mà chúng ta chưa từng có trước đây.

Rồi, giống như Ê Nót đã làm sau khi nhận được sự tha thứ các tội lỗi của mình, chúng ta sẽ tự cảm thấy có ước muốn để hy sinh và tìm kiếm sự an lạc cho anh chị em của mình (xin xem Ê Nót 1:9). Và chúng ta sẽ sẵn lòng hơn “thêm một ngày nữa” để làm theo lời mời mà Chủ Tịch Howard W. Hunter đã đưa ra cho chúng ta khi ông nói: “Hãy giải quyết một cuộc xung đột. Tìm kiếm một người bạn bị lãng quên. Loại bỏ nghi ngờ và thay thế bằng sự tin cậy. … Trả lời nhỏ nhẹ. Khuyến khích giới trẻ. Cho thấy sự trung thành của mình trong lời nói và hành động. Giữ lời hứa. Bỏ qua oán giận. Tha thứ cho kẻ thù. Xin lỗi. Cố gắng thông cảm. Xem xét những đòi hỏi của mình nơi người khác. Trước hết hãy nghĩ đến người khác. Hãy tử tế. Hãy hòa nhã. Cười thêm một chút. Bày tỏ lòng biết ơn của mình. Chào đón một người lạ. Làm vui lòng một đứa trẻ. … Nói lời yêu thương và sau đó lặp lại” (Teachings of Presidents of the Church: Howard W. Hunter [2015], 32; phỏng theo “What We Think Christmas Is,” McCall’s, Dec. 1959, 82–83).

Cầu xin cho những ngày của chúng ta được tràn ngập với sự thúc đẩy và sức mạnh mà sự hy sinh cá nhân và sự hy sinh mà chúng ta có hoặc nhận được từ những người khác dành cho chúng ta. Và trong một cách đặc biệt, cầu xin cho chúng ta vui hưởng sự bình an và vui mừng vì sự hy sinh của Con Trai Độc Sinh dành cho chúng ta; vâng, sự bình an đó được đề cập đến khi chúng ta đọc rằng A Đam sa ngã để loài người sinh tồn, và loài người—anh chị em có sinh tồn—thì anh chị em mới hưởng được niềm vui (xin xem 2 Nê Phi 2:25). Niềm vui đó là niềm vui thực sự mà chỉ có sự hy sinh và Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô mới có thể mang đến cho.

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta noi theo Ngài, chúng ta tin tưởng Ngài, chúng ta yêu mến Ngài, và chúng ta cảm nhận được tình yêu thương được cho thấy qua sự hy sinh của Ngài mỗi khi chúng ta có cơ hội để sống thêm một ngày nữa. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.