2010–2019
Công Việc Phục Sự Đầy Soi Dẫn
Tháng Tư năm 2018


Công Việc Phục Sự Đầy Soi Dẫn

Chúng ta nhận được Đức Thánh Linh dồi dào nhất khi chúng ta tập trung vào việc phục vụ người khác. Đó là lý do tại sao chúng ta có trách nhiệm chức tư tế để phục vụ thay cho Đấng Cứu Rỗi.

Các anh em thân mến, tôi biết ơn có được đặc ân để ngỏ lời với các anh em trong kỳ đại hội trung ương lịch sử này. Chúng ta đã tán trợ Chủ Tịch Russell M. Nelson với tư cách là Chủ Tịch thứ 17 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Bởi vì tôi có phước lành được làm việc cùng ông ấy mỗi ngày, tôi cảm thấy một sự xác nhận của Thánh Linh rằng Chủ Tịch Nelson được Thượng Đế kêu gọi để lãnh đạo Giáo Hội chân chính của Chúa.

Tôi cũng làm chứng rằng Chúa đã kêu gọi Anh Cả Gerrit W. Gong và Anh Cả Ulisses Soares phục vụ với tư cách là các thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Tôi yêu mến và tán trợ họ. Với giáo vụ của mình, họ sẽ ban phước cho cuộc sống của nhiều người trên thế gian và qua nhiều thế hệ.

Đại hội này mang tính lịch sử còn vì một lý do khác nữa. Chủ Tịch Nelson đã loan báo một bước tiến đầy soi dẫn trong kế hoạch được Chúa tổ chức cho Giáo Hội của Ngài. Kế hoạch này gồm có một cấu trúc mới cho các nhóm túc số chức tư tế trong các giáo khu và tiểu giáo khu để chúng ta có thể làm tròn một cách tốt hơn các trách nhiệm chức tư tế của mình. Tất cả các trách nhiệm đó đều liên quan đến sự chăm lo của chức tư tế dành cho con cái của Cha Thiên Thượng.

Kế hoạch của Chúa dành cho Các Thánh Hữu của Ngài để cung cấp sự chăm sóc đầy yêu thương đã được thực hiện bằng nhiều cách thức qua nhiều năm. Trong những thời kỳ ban đầu ở Nauvoo, Tiên Tri Joseph Smith cần một cách thức có tổ chức để chăm sóc cho con số đông đảo những người cải đạo mà phần lớn nghèo khó đang tiến vào thành phố. Bốn ông bà cố của tôi có mặt trong số họ— gia đình Eyring, gia đình Bennion, gia đình Romney, và gia đình Smith. Vị Tiên Tri đã tổ chức việc chăm sóc cho Các Thánh Hữu đó theo khu vực địa lý. Tại Illinois, thành phố được chia thành các khu vực gọi là “tiểu giáo khu.”

Khi Các Thánh Hữu đi qua các vùng đồng bằng, họ được tổ chức để chăm sóc lẫn nhau theo “các đoàn xe kéo tay.” Một trong các ông cố nội của tôi khi đang trở về từ công việc truyền giáo của mình tại khu vực bây giờ là Oklahoma thì gặp một đoàn xe kéo tay đang di chuyển trên đường. Ông quá yếu vì bệnh tật đến nỗi ông và người bạn đồng hành của mình phải nằm trên một chiếc xe kéo nhỏ.

Người lãnh đạo của đoàn xe kéo tay đã gửi hai thiếu nữ đến giúp bất kỳ ai có thể đang ở trong chiếc xe trơ trọi đó. Một trong hai người họ là một thiếu nữ được cải đạo ở Thụy Sĩ, khi trông thấy một trong những người truyền giáo thì đã cảm thấy xót thương. Ông tôi đã được đoàn xe kéo tay của Các Thánh Hữu đó cứu sống. Ông hồi phục đủ để có thể đi bộ suốt quãng đường còn lại đến Thung Lũng Salt Lake bên cạnh người giải cứu trẻ tuổi của mình. Họ yêu nhau và kết hôn với nhau. Ông trở thành ông cố nội Henry Eyring của tôi, và bà là bà cố nội Maria Bommeli Eyring của tôi.

Nhiều năm sau đó, khi người ta nhận xét về nỗi khó khăn lớn lao của việc băng qua cả một lục địa, bà đã nói: “Ồ không đâu, việc đó không khó đâu. Trong khi chúng tôi bước đi, chúng tôi nói chuyện trên suốt chặng đường về phép lạ khi mà cả hai chúng tôi đều tìm thấy phúc âm chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là thời gian hạnh phúc nhất mà tôi có thể nhớ được.”

Kể từ đó, Chúa đã sử dụng các cách thức đa dạng để giúp Các Thánh Hữu của Ngài chăm sóc cho nhau. Giờ đây Ngài ban phước cho chúng ta với các nhóm túc số được củng cố và đoàn kết ở các cấp độ giáo khu và tiểu giáo khu—tức là các nhóm túc số làm việc phối hợp với tất cả các tổ chức trong tiểu giáo khu.

Các tiểu giáo khu có ranh giới địa lý, các đoàn xe kéo tay, và các nhóm túc số được củng cố, tất cả đều đòi hỏi ít nhất hai điều để thành công trong dự định của Chúa để cho Các Thánh Hữu của Ngài chăm sóc lẫn nhau theo cách Ngài chăm sóc cho họ. Họ thành công khi Các Thánh Hữu cảm thấy tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô dành cho nhau nhiều hơn cả quyền lợi của bản thân họ. Thánh thư gọi đó là “lòng bác ái … tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:47). Và họ thành công khi Đức Thánh Linh hướng dẫn người chăm sóc biết được điều Chúa biết là tốt nhất cho người mà Ngài đang cố gắng giúp đỡ.

Nhiều lần trong những tuần vừa qua, tôi chứng kiến các tín hữu Giáo Hội đã hành động như thể bằng cách nào đó họ đã đoán được điều Chúa dự định sẽ làm, như đã được loan báo ở đây hôm nay. Tôi xin đưa ra cho các anh em chỉ hai ví dụ. Một là, bài nói chuyện giản dị trong lễ Tiệc Thánh từ một thầy giảng 14 tuổi của Chức Tư Tế A Rôn là người đã hiểu rằng những người nắm giữ chức tư tế có thể thành công trong sự phục vụ của họ dành cho Chúa. Hai là, một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là người có tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô, đã được soi dẫn để phục vụ một gia đình.

Đầu tiên, tôi xin chia sẻ với các anh em lời của em thiếu niên mà đã nói chuyện trong buổi lễ Tiệc Thánh của một tiểu giáo khu. Tôi đã ở đó. Hãy cố gắng nhớ xem các anh em là như thế nào khi ở tuổi 14 và lắng nghe em ấy nói được nhiều hơn những gì một thiếu niên trẻ tuổi như vậy được kỳ vọng để biết:

“Em đã thật sự thích làm một thành viên của nhóm túc số các thầy giảng trong tiểu giáo khu của chúng ta kể từ lúc em được 14 tuổi vào năm ngoái. Một thầy giảng vẫn có tất cả các trách nhiệm của một thầy trợ tế cộng thêm một số trách nhiệm mới.

“Bởi vì một số người trong chúng ta là thầy giảng, những người khác sẽ là thầy giảng một ngày nào đó, và mọi người trong Giáo Hội đều được ban phước bởi chức tư tế, nên thật quan trọng cho tất cả chúng ta để biết nhiều hơn về các bổn phận của một thầy giảng.

“Trước hết, Giáo Lý và Giao Ước 20:53 nói rằng: ‘Bổn phận của thầy giảng là phải luôn luôn trông coi giáo hội cũng như sát cánh và củng cố họ.’

“Tiếp theo, Giáo Lý và Giao Ước 20:54–55 nói rằng:

“‘Và xem xét rằng không có sự bất chính trong giáo hội, cũng không có sự gay gắt với nhau, hay sự dối trá, nói hành, nói xấu với nhau;

“‘Và xem xét rằng giáo hội thường xuyên nhóm họp và cũng xem xét rằng tất cả các tín hữu đều thi hành các bổn phận của mình.’”

Người thiếu niên tiếp tục:

“Chúa đang phán với chúng ta rằng đó là trách nhiệm của chúng ta không chỉ trông coi Giáo Hội mà còn chăm sóc mọi người trong Giáo Hội theo cách mà Đấng Ky Tô sẽ làm bởi vì đây là Giáo Hội của Ngài. Nếu chúng ta đang cố gắng tuân giữ các giáo lệnh, tử tế với nhau, lương thiện, là những người bạn tốt, và vui hưởng thời gian với nhau, thì chúng ta sẽ có thể có Thánh Linh ở cùng chúng ta và biết được điều Cha Thiên Thượng muốn chúng ta làm. Nếu không làm như vậy, thì chúng ta không thể làm tròn sự kêu gọi của chúng ta.”

Em ấy tiếp tục nói rằng:

“Khi một thầy giảng chọn làm một tấm gương ngay chính bằng cách là một thầy giảng tại gia tốt, chào đón các tín hữu tại nhà thờ, chuẩn bị Tiệc Thánh, phụ giúp ở nhà, và là một người hòa giải, thì người ấy đang chọn tôn vinh chức tư tế của mình và làm tròn sự kêu gọi của mình.

“Việc là một thầy giảng tốt không chỉ có nghĩa là có trách nhiệm khi chúng ta đến nhà thờ hoặc tham gia các sinh hoạt của Giáo Hội. Sứ Đồ Phao Lô đã dạy rằng: ‘Phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ’ (1 Ti Mô Thê 4:12).”

Rồi người thiếu niên nói rằng:

“Bất kể chúng ta đang ở đâu hoặc đang làm gì, chúng ta có thể là một tấm gương tốt về sự ngay chính ở mọi lúc và mọi nơi.

“Cha em và em giảng dạy tại gia cho gia đình Brown.1 Mỗi lần đến đó, em đều có một thời gian tuyệt vời khi thăm viếng và biết thêm về họ. Một điều em thật sự thích về gia đình Brown là bất cứ khi nào cha và em đến, tất cả họ đều sẵn lòng lắng nghe và họ luôn luôn có những câu chuyện hay để chia sẻ.

“Khi chúng ta biết rõ những tín hữu trong tiểu giáo khu qua việc giảng dạy tại gia, thì sẽ dễ dàng hơn để làm bổn phận kế tiếp của một thầy giảng, và đó là chào đón các tín hữu tại nhà thờ. Việc giúp đỡ mọi người cảm thấy được chào đón và được là một phần trong nhà thờ giúp tất cả các tín hữu của tiểu giáo khu cảm thấy được yêu thương và sẵn sàng dự phần Tiệc Thánh.

“Sau khi chào đón các tín hữu đến nhà thờ, các thầy giảng phụ giúp trong mỗi Chủ Nhật bằng cách chuẩn bị Tiệc Thánh. Em thật sự yêu thích việc chuyền và chuẩn bị Tiệc Thánh trong tiều giáo khu này bởi vì mọi người rất trang nghiêm. Em luôn luôn cảm thấy Thánh Linh khi chuẩn bị và chuyền Tiệc Thánh. Đó là một phước lành thật sự cho em khi em có thể làm việc đó mỗi Chủ Nhật.

“Một số sự phục vụ như chuyền Tiệc Thánh là một điều mà người ta nhìn thấy và họ cảm ơn chúng em vì đã làm việc đó, nhưng những sự phục vụ khác như chuẩn bị Tiệc Thánh thì thường được làm mà không có ai để ý. Không quan trọng là người ta có thấy chúng ta phục vụ hay không; điều quan trọng là Chúa biết chúng ta đang phục vụ Ngài.

“Với tư cách là thầy giảng, chúng ta nên luôn luôn cố gắng củng cố Giáo Hội, bạn bè mình, và gia đình mình bằng cách làm tròn các trách nhiệm chức tư tế của chúng ta. Điều này không phải luôn luôn dễ dàng, nhưng Chúa không ban ra một lệnh truyền nào cho chúng ta “mà Ngài lại không chuẩn bị sẵn một đường lối để [chúng ta] có thể thực hiện được những điều Ngài phán truyền’ (1 Nê Phi 3:7).”

Khi người thiếu niên ấy kết thúc, tôi vẫn còn kinh ngạc trước sự chín chắn và khôn ngoan của em ấy. Em ấy kết luận với câu: “Em biết chúng ta sẽ trở nên tốt hơn nếu chúng ta chọn noi theo [Chúa Giê Su Ky Tô].”

Một câu chuyện khác về sự phục vụ của chức tư tế được kể lại một tháng trước đây trong buổi lễ Tiệc Thánh ở một tiểu giáo khu. Một lần nữa, tôi đã ở đó. Trong trường hợp này, người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc giàu kinh nghiệm này đã không biết trong khi nói chuyện rằng ông đang mô tả chính xác điều Chúa muốn xảy ra trong các nhóm túc số chức tư tế được củng cố. Đây là những chi tiết cơ bản trong câu chuyện của ông ấy:

Ông và một người bạn đồng hành giảng dạy tại gia được chỉ định phục vụ bảy gia đình. Gần như tất cả những gia đình này không muốn được thăm viếng. Khi các thầy giảng tại gia đi đến căn hộ của họ, họ từ chối ra mở cửa. Khi các thầy giảng tại gia gọi điện thoại, chẳng có ai nhấc máy. Khi họ để lại lời nhắn, chẳng có ai gọi lại cho họ. Người bạn đồng hành thâm niên này cuối cùng quyết định phục sự những gia đình này bằng cách viết thư cho họ. Ông thậm chí bắt đầu sử dụng các bao thư màu vàng chói với hy vọng có được hồi âm.

Một trong bảy gia đình là một chị phụ nữ đơn thân kém tích cực là người đã di cư từ Châu Âu. Chị ấy có hai đứa con nhỏ.

Sau nhiều nỗ lực để liên lạc với chị, ông nhận được một tin nhắn điện thoại. Chị thẳng thừng cho ông biết rằng chị quá bận rộn để gặp những người thầy giảng tại gia. Chị làm hai công việc và cũng đang ở trong quân ngũ. Công việc làm chính của chị là một cảnh sát viên, và mục tiêu sự nghiệp của chị là trở thành một điều tra viên và rồi quay lại đất nước quê hương chị và tiếp tục công việc của chị tại đó.

Người thầy giảng tại gia không bao giờ có thể thăm chị tại nhà của chị. Ông ấy thỉnh thoảng gửi tin nhắn cho chị. Mỗi tháng ông ấy gửi một lá thư tay, kèm theo các tấm thiệp mừng ngày lễ cho mỗi đứa trẻ.

Ông ấy không nhận được hồi âm nào cả. Nhưng chị ấy biết ai là thầy giảng tại gia của mình, cách để liên lạc với họ, và rằng họ sẽ kiên trì trong sự phục vụ chức tư tế của mình.

Rồi một ngày nọ ông nhận được một tin nhắn khẩn từ chị. Chị đang rất cần được giúp đỡ. Chị không biết vị giám trợ là ai, nhưng chị có biết những thầy giảng tại gia của chị.

Trong một vài ngày, chị phải rời khỏi tiểu bang này để tham gia một tháng huấn luyện trong quân đội. Chị không thể mang theo con cái cùng mình. Mẹ của chị, người dự định sẽ chăm sóc cho con cái chị, vừa bay sang Châu Âu để chăm sóc cho chồng bà, vì ông gặp một trường hợp y tế khẩn cấp.

Chị phụ nữ đơn thân kém tích cực này có đủ tiền để mua một tấm vé đến Châu Âu cho đứa con nhỏ nhất nhưng không đủ cho đứa con trai 12 tuổi, Eric.2 Chị ấy hỏi người thầy giảng tại gia của mình nếu ông ấy có thể tìm một gia đình Thánh Hữu Ngày Sau tử tế để cho Eric ở nhà của họ trong vòng 30 ngày sắp tới!

Người thầy giảng tại gia nhắn tin trả lời rằng ông sẽ cố hết sức mình. Rồi ông liên lạc với những người lãnh đạo chức tư tế của mình. Vị giám trợ, là thầy tư tế thượng phẩm chủ tọa, cho phép ông tiếp cận với những thành viên của hội đồng tiểu giáo khu, gồm cả chủ tịch Hội Phụ Nữ.

Chị chủ tịch Hội Phụ Nữ nhanh chóng tìm ra bốn gia đình Thánh Hữu Ngày Sau tử tế, có con cái ở tầm tuổi của Eric, mà có thể cho em ấy ở nhà của mỗi gia đình họ trong một tuần. Qua tháng kế tiếp, những gia đình này đã nuôi Eric, tìm phòng cho em ấy trong những căn hộ hoặc căn nhà nhỏ vốn đã chật chội của họ, dẫn em ấy theo trong các sinh hoạt gia đình vào mùa hè đã được hoạch định trước, đưa em ấy đến nhà thờ, cho em ấy tham gia các buổi họp tối gia đình cùng họ, và vân vân.

Các gia đình có con trai cùng tuổi với Eric đã cho em ấy tham gia vào các buổi họp và sinh hoạt của nhóm túc số thầy trợ tế của họ. Trong thời gian 30 ngày, lần đầu tiên trong đời Eric đã tham dự nhà thờ vào mỗi Chủ Nhật.

Sau khi mẹ của em trở về nhà từ khóa huấn luyện, Eric tiếp tục tham dự nhà thờ, thường với một trong bốn gia đình Thánh Hữu Ngày Sau tình nguyện này hoặc những người khác mà đã kết thân với em, kể cả những giảng viên thăm viếng của mẹ em. Lúc này, em đã được sắc phong làm một thầy trợ tế và bắt đầu chuyền Tiệc Thánh thường xuyên.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn vào tương lai của Eric. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu em trở thành một người lãnh đạo trong Giáo Hội tại quốc gia quê hương của mẹ em khi gia đình em quay trở lại đó—tất cả là nhờ vào Các Thánh Hữu đã cùng nhau làm việc trong tình đoàn kết, dưới sự hướng dẫn của vị giám trợ, để phục vụ vì lòng bác ái trong tấm lòng của họ và với quyền năng của Đức Thánh Linh.

Chúng ta biết rằng lòng bác ái cần thiết cho chúng ta để được cứu vào trong vương quốc của Thượng Đế. Mô Rô Ni đã viết: “Trừ phi các người có lòng bác ái, bằng không thì các người không có cách gì để được cứu vào trong vương quốc của Thượng Đế” (Mô Rô Ni 10:21; xin xem thêm Ê The 12:34).

Chúng ta cũng biết rằng lòng bác ái là ân tứ được ban cho chúng ta sau khi chúng ta đã làm tất cả trong khả năng của mình. Chúng ta phải “cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để [chúng ta] được tràn đầy tình thương này, là tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:48).

Dường như đối với tôi chúng ta nhận được Đức Thánh Linh dồi dào nhất khi chúng ta tập trung vào việc phục vụ người khác. Đó là lý do tại sao chúng ta có trách nhiệm chức tư tế để phục vụ thay cho Đấng Cứu Rỗi. Khi chúng ta tham dự vào việc phục vụ người khác, chúng ta ít nghĩ đến bản thân mình hơn, và Đức Thánh Linh có thể dễ dàng đến với chúng ta và giúp chúng ta trong nỗ lực suốt đời để được ban cho ân tứ về lòng bác ái.

Tôi làm chứng với các anh em rằng Chúa đã bắt đầu một bước tiến lớn trong kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta để trở nên được soi dẫn và bác ái hơn trong việc phục sự của chức tư tế chúng ta. Tôi biết ơn tình yêu thương mà Ngài đã quá rộng lượng ban cho chúng ta. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Tên đã được thay đổi.

  2. Tên đã được thay đổi.