2010–2019
Những Việc Thường Ngày Mang Tính Vĩnh Cửu
Tháng Mười năm 2017


Những Việc Thường Ngày Mang Tính Vĩnh Cửu

Sự khiêm nhường về bản thân và mục đích của Thượng Đế dành cho chúng ta là thiết yếu.

Kể từ khi tôi phục vụ trong Phái Bộ Truyền Giáo Anh Quốc lúc còn trẻ, tôi đã thích sự hài hước của người Anh. Đôi lúc, sự hài hước đó được mô tả theo phương cách tự hạ thấp bản thân, khiêm tốn và khiêm nhường đối với cuộc sống. Một ví dụ cho điều này là cách mùa hè được miêu tả. Mùa hè Anh thường ngắn ngủi và không dự đoán trước được. Một tác giả, theo một cách kín đáo, đã nói rằng: “Tôi yêu mùa hè Anh, đó là ngày yêu thích trong năm của tôi.”1 Một nhân vật hoạt hình Anh ưa thích của tôi đã được mô tả là khi cô ấy dậy muộn vào buổi sáng, cô ấy nói với những con chó của mình rằng: “Ôi, không! Ta nghĩ rằng mình đã ngủ quên và bỏ lỡ mùa hè mất rồi.”2

Có một sự tương đồng trong câu chuyện hài hước đó với cuộc sống của chúng ta trên trái đất xinh đẹp này. Thánh thư nói rõ ràng rằng cuộc sống trần thế quý báu của chúng ta rất ngắn. Từ viễn cảnh vĩnh cửu, chúng ta được cho biết rằng thời gian trên trái đất cũng ngắn ngủi như mùa hè Anh vậy.3

Đôi khi, mục đích và sự tồn tại của loài người cũng được mô tả bằng những từ rất khiêm nhường. Vị tiên tri Môi Se được nuôi nấng ở nơi mà ngày nay chúng ta gọi là được hưởng đặc quyền. Như được ghi lại trong Sách Trân Châu Vô Giá, Chúa, khi chuẩn bị Môi Se cho sự chỉ định của vị tiên tri, ban cho ông một cái nhìn khái quát về thế gian cùng tất cả con cái loài người đang được và đã được tạo sinh.4 Môi Se phản ứng lại đôi chút ngạc nhiên, “Giờ đây … tôi mới biết rằng con người chẳng có nghĩa gì hết, đây là một điều tôi đã không bao giờ nghĩ tới.”5

Rồi thì, Thượng Đế, như để bác bỏ ngay những cảm xúc của Môi Se về việc thấy loài người không có quan trọng, đã tuyên phán mục đích thực sự của Ngài: “Vì này, đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”6

Chúng ta đều bình đẳng trước Thượng Đế. Giáo lý của Ngài rất rõ ràng. Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc rằng: “Tất cả đều như nhau trước mặt Thượng Đế,” kể cả “da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ.”7 Vậy nên, tất cả mọi người đều được mời đến cùng với Chúa.8

Bất cứ ai coi mình đứng ở trên cao trong kế hoạch của Đức Chúa Cha bởi các đặc tính như là sắc tộc, giới tính, quốc tịch, ngôn ngữ, hoặc hoàn cảnh kinh tế thì thực sự là sai trái về mặt đạo đức và không hiểu mục đích chân chính của Chúa dành cho tất cả con cái của Cha Thiên Thượng chúng ta.9

Rủi thay, trong thời kỳ của chúng ta, trong mọi mảng của xã hội, chúng ta thấy việc coi bản thân mình quan trọng cùng tính kiêu ngạo thì được phô ra, trong khi lòng khiêm nhường và tính chịu trách nhiệm giải trình với Thượng Đế thì bị phỉ báng. Nhiều người trong xã hội đã không còn hiểu các lẽ thật căn bản và cũng không hiểu lý do tại sao chúng ta ở trên trái đất này. Sự khiêm nhường thật sự, là thiết yếu để đạt được mục đích mà Chúa dành cho chúng ta, hiếm khi được rõ rệt.10

Điều quan trọng là chúng ta hiểu được tính trọng đại của sự khiêm nhường, ngay chính, đặc tính, và trí tuệ của Đấng Ky Tô như đã được nêu ra trong thánh thư. Thật là ngu ngốc nếu chúng ta đánh giá thấp sự cần thiết của việc cố gắng liên tục sống theo những phẩm chất và thuộc tính giống như Đấng Ky Tô từng ngày một, đặc biệt là lòng khiêm nhường.11

Thánh thư nói rõ ràng rằng cuộc sống này dù khá ngắn ngủi, nhưng lại vô cùng quan trọng. A Mu Léc, là bạn đồng hành truyền giáo của An Ma trong Sách Mặc Môn, đã nói: “Vì này, cuộc sống này là thời gian cho loài người chuẩn bị để gặp Thượng Đế; phải, này, thời gian của cuộc sống này là thời gian cho loài người thực thi những công việc lao nhọc của mình.”12 Chúng ta không muốn giống như nhân vật hoạt hình ưa thích của tôi, ngủ suốt cuộc sống này.

Tấm gương của Đấng Cứu Rỗi về lòng khiêm nhường và sự hy sinh cho toàn thể nhân loại là sự kiện sâu sắc nhất trong lịch sử. Đấng Cứu Rỗi, với tính cách là một thành viên trong Thiên Chủ Đoàn, đã sẵn sàng xuống thế gian với vai trò là một trẻ sơ sinh tầm thường và bắt đầu cuộc sống gồm có việc giảng dạy và chữa lành cho các anh chị em của Ngài cùng chịu đựng sự đau đớn tột bậc không tả xiết trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá để làm toàn vẹn Sự Chuộc Tội của Ngài. Hành động yêu thương và khiêm nhường này của Đấng Ky Tô được biết đến như là tấm lòng hạ cố của Ngài.13 Ngài làm điều này cho mỗi người nam và người nữ mà Thượng Đế đã hoặc sẽ tạo sinh.

Cha Thiên Thượng không muốn con cái của Ngài bị nản lòng hoặc từ bỏ việc tìm kiếm vinh quang thượng thiên. Khi chúng ta thật sự suy ngẫm về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Đấng Ky Tô Vị Nam Tử rằng Hai Ngài là ai, Hai Ngài đã thực hiện điều gì thay cho chúng ta, thì chúng ta sẽ tràn đầy sự tôn kính, sự kinh ngạc, lòng biết ơn và lòng khiêm nhường.

Lòng Khiêm Nhường Là Thiết Yếu Để Giúp Chúa Thiết Lập Giáo Hội của Ngài

An Ma hỏi câu sau trong thời đại của ông mà vẫn còn thích hợp ngày nay: “Nếu các người có cảm thấy được một sự thay đổi trong lòng mình, và các người có muốn hát lên một bài ca về tình yêu cứu chuộc, tôi xin hỏi, các người có cảm thấy như vậy ngay giờ phút này không?”14 An Ma nói tiếp: “Các người có thể nói rằng, nếu trong giờ phút này, các người bị kêu gọi phải chết thì các người đã đủ khiêm nhường chưa?”15

Mỗi lần tôi đọc về việc An Ma Con từ bỏ vai trò đứng đầu đất nước của mình để đi thuyết giảng lời của Thượng Đế,16 tôi đều cảm kích. An Ma rõ ràng đã có một chứng ngôn sâu sắc về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô, và đã cảm thấy mình hoàn toàn có trách nhiệm với Hai Ngài mà không hề có sự e dè. Ông đã có những ưu tiên đúng đắn và lòng khiêm nhường để từ bỏ địa vị bởi vì ông đã nhận ra việc phục vụ Chúa còn quan trọng hơn.

Việc có đủ lòng khiêm nhường trong cuộc sống của chúng ta để giúp thiết lập Giáo Hội thì đặc biệt giá trị. Một tấm gương trong lịch sử Giáo Hội đang sáng tỏ. Vào tháng Sáu năm 1837, trong khi đang ở Đền Thờ Kirtland, Tiên Tri Joseph Smith được soi dẫn để kêu gọi Sứ Đồ Heber C. Kimball mang phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô tới “Nước Anh … và mở cánh cửa cứu rỗi cho quốc gia đó.”17 Sứ Đồ Orson Hyde và một vài người khác đã được chỉ định để đi cùng ông. Câu trả lời của Anh Cả Kimball thật phi thường. “Ý tưởng về việc được chỉ định cho một sứ mệnh quan trọng như vậy hầu như vượt quá điều tôi có thể chịu đựng. … [Tôi] gần như đã sẵn sàng từ bỏ gánh nặng mà đã được đặt lên tôi.”18 Tuy nhiên, ông đã đảm nhận sứ mệnh đó với đức tin, sự cam kết, và lòng khiêm nhường tuyệt đối.

Đôi khi, lòng khiêm nhường là việc chấp nhận những sự kêu gọi khi chúng ta không cảm thấy mình đủ tiêu chuẩn. Đôi khi, lòng khiêm nhường là việc phục vụ trung tín khi chúng ta cảm thấy mình có khả năng đảm nhận một công việc chỉ định cao hơn. Các vị lãnh đạo khiêm nhường, qua lời nói và tấm gương, đã xác lập rằng không phải chúng ta phục vụ ở đâu mà là cách chúng ta phục vụ trung tín thế nào.19 Đôi lúc, lòng khiêm nhường là việc vượt qua những cảm giác tổn thương khi chúng ta cảm thấy rằng những người lãnh đạo hoặc những người khác có lẽ đã ngược đãi chúng ta.

Ngày 23 Tháng Bảy năm 1837, Tiên Tri Joseph đã gặp với Anh Cả Thomas B. Marsh, là Chủ tịch của Nhóm Túc Số Mười Hai. Anh Cả Marsh dường như đã cảm thấy thất vọng về việc Tiên Tri đã kêu gọi hai thành viên trong nhóm túc số của mình đi tới Nước Anh mà không hội vấn với ông. Khi Joseph họp với Anh Cả Marsh, những cảm giác tổn thương đã được đặt qua một bên, Tiên Tri đã nhận được một khải tượng phi thường. Điều đó được ghi lại trong Tiết 112 của Sách Giáo Lý và Giao Ước.20 Điều đó mang đến sự chỉ dẫn lạ thường từ thượng thiên mà liên quan tới lòng khiêm nhường và công việc truyền giáo. Câu 10 nói rằng: “Ngươi hãy khiêm nhường; rồi Chúa Thượng Đế của ngươi sẽ nắm tay dẫn dắt ngươi, và sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của ngươi.”21

Sự mặc khải này đã xảy đến đúng vào ngày mà Các Anh Cả Kimball, Hyde, và John Goodson, tràn đầy lòng khiêm nhường, đang rao truyền về Sự Phục Hồi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong Giáo Đường Vauxhall ở Preston, Anh.22 Đây là lần đầu tiên mà những người truyền giáo đã rao truyền phúc âm phục hồi bên ngoài khu vực Bắc Mỹ trong gian kỳ này. Nỗ lực truyền giáo của họ đã hầu như ngay lập tức mang đến những người cải đạo làm phép báp têm cùng đông đảo tín hữu trung thành.23

Những phần sau đó của mặc khải này hướng dẫn cho nỗ lực truyền giáo trong thời kỳ của chúng ta. Các phần đó viết như sau: “Bất cứ người nào mà các ngươi phái đi trong danh ta … sẽ có quyền năng mở cửa vương quốc của ta tại bất cứ quốc gia nào … Nếu họ biết hạ mình trước mặt ta, và biết tuân theo những lời của ta, và biết nghe theo tiếng nói của Thánh Linh của ta.”24

Lòng khiêm nhường, mà đã hỗ trợ cho nỗ lực truyền giáo tuyệt vời này, đã cho phép Chúa thiết lập giáo hội của Ngài theo một cách thức phi thường.

Với lòng biết ơn, chúng ta liên tục nhìn thấy điều này trong Giáo Hội ngày nay. Các tín hữu, kể cả các thế hệ đang vươn lên, từ bỏ thời giờ và trì hoãn việc học tập cùng việc làm của mình để đi phục vụ truyền giáo. Nhiều tín hữu cao niên nghỉ việc và hy sinh nhiều điều khác để phục vụ Thượng Đế theo bất cứ khả năng nào mà họ được kêu gọi. Chúng ta đừng để các vấn đề cá nhân làm xao lãng hoặc làm chệch hướng chúng ta khỏi việc hoàn thành các mục đích của Ngài.25 Sự phục vụ trong Giáo Hội đòi hỏi lòng khiêm nhường. Chúng ta khiêm nhường phục vụ khi được kêu gọi bằng tất cả năng lực, tâm trí, và sức mạnh. Ở mọi cấp của Giáo Hội, điều quan trọng là thấu hiểu được thuộc tính khiêm nhường giống như Đấng Ky Tô.

Lòng Khiêm Nhường Liên Tục Là Thiết Yếu trong Việc Giúp Chuẩn Bị Cho Các Cá Nhân Gặp Thượng Đế

Trong xã hội ngày nay, mục tiêu của việc tôn kính Chúa và phục tùng bản thân theo ý muốn của Ngài26 không còn được coi trọng như đã từng trong quá khứ. Một vài vị lãnh đạo Ky Tô Giáo của các tôn giáo khác tin rằng chúng ta đang sống trong một thế giới hậu Ky Tô Hữu.27

Trong nhiều thế hệ, đức tính khiêm nhường theo tính chất tôn giáo cùng tính khiêm tốn và dùng cách nói nhẹ đi theo tính chất xã hội đã đang trở thành tiêu chuẩn chiếm ưu thế.

Trong thế giới ngày nay, sự chú trọng tới tính kiêu ngạo, tính tự cao tự đại, và cái gọi là “tự coi mình chân chính” đang ngày một gia tăng, mà đôi khi dẫn tới việc thiếu đi sự khiêm nhường thật sự. Một vài người cho rằng các giá trị đạo đức cho sự hạnh phúc ngày nay bao gồm việc “hãy thực tế, hãy mạnh mẽ, hãy trở nên hữu ích—và quan trọng nhất là đừng tin cậy vào người khác … bởi vì số phận của các bạn … nằm trong chính bàn tay các bạn.”28

Thánh thư thì biện hộ theo một phương cách khác biệt. Thánh thư đề nghị rằng chúng ta cần phải là các môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều này đòi hỏi việc thiết lập một cảm giác mãnh liệt về trách nhiệm giải trình trước Thượng Đế và một phương cách tiếp cận khiêm nhường với cuộc sống. Vua Bên Gia Min đã dạy rằng con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế và biện hộ cho việc chúng ta cần chịu theo “những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh.” Ông đã giải thích, cùng nhiều điều khác, rằng điều này đòi hỏi chúng ta phải trở nên “phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn [và] đầy sự yêu thương.”29

Một vài người dùng sai cụm từ “coi mình là chân chính” như là một điều tán dương về con người thiên nhiên và những phẩm chất mà đối nghịch với lòng khiêm nhường, sự nhân từ, lòng thương xót, sự tha thứ, và sự lễ độ. Chúng ta có thể tán dương tính duy nhất của cá nhân với tư cách là con cái của Thượng Đế, nhưng không được tự coi mình là chân chính vì đó là một lời biện minh cho hành vi không giống với Đấng Ky Tô.

Trong khi chúng ta cố gắng có được lòng khiêm nhường thì mạng internet ngày nay tạo ra nhiều thách thức cho chúng ta trong việc tránh khỏi sự kiêu ngạo. Việc cố gắng lôi kéo chú ý của người khác bằng những việc vô nghĩa hoặc công kích người khác bằng cách nói xấu trên phương tiện truyền thông là hai ví dụ về điều đó. Một ví dụ nữa là về việc “giả vờ khiêm tốn.” Việc này được định nghĩa là “một lời phát biểu [hoặc hình ảnh] có vẻ trang nhã hay tự hạ thấp bản thân nhưng mục đích đằng sau đó là để gây chú ý đến một điều gì đó mà người đó tự hào.”30 Các vị tiên tri luôn cảnh báo về sự kiêu ngạo và sự quan tâm quá mức tới những thứ phù phiếm của thế gian.31

Sự suy thoái diện rộng trong lối nói thông thường này cũng là một mối bận tâm. Nguyên tắc vĩnh cửu của quyền tự quyết đòi hỏi chúng ta tôn trọng nhiều lựa chọn mà mình không đồng ý. Sự tranh chấp và xung đột giờ đây thường phá vỡ “các ranh giới của sự đòi hỏi thích hợp với các khuôn phép chung.”32 Chúng ta cần khiêm tốn và khiêm nhường hơn.

An Ma cảnh báo về việc “tràn đầy kiêu ngạo trong lòng,” “tự cho mình là tốt hơn kẻ khác,” và ngược đãi người biết hạ mình là người “bước đi theo thánh ban của Thượng Đế.”33

Tôi đã thấy một lòng tốt thực sự giữa mọi người thuộc mọi tín ngưỡng, là những người biết khiêm nhường và cảm thấy mình có trách nhiệm giải trình với Thượng Đế. Nhiều người trong số họ tin theo vị tiên tri Mi Chê trong Kinh Cựu Ước, là người đã nói: “Đức Giê Hô Va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhơn từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?”34

Khi chúng ta thật sự khiêm nhường, chúng ta cầu nguyện để có được sự tha thứ và tha thứ cho người khác. Khi chúng ta đọc trong sách Mô Si A, An Ma đã dạy rằng khi chúng ta thường xuyên hối cải, Chúa sẽ tha thứ cho những lỗi lầm của chúng ta.35 Mặt khác, như đã chỉ ra trong Lời Nguyện Cầu của Chúa,36 khi chúng ta không tha lỗi cho người khác, chúng ta tự chuốc lấy sự kết tội.37 Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, tội lỗi của chúng ta được tha thứ thông qua sự hối cải. Khi chúng ta không tha thứ cho những người mắc lỗi với chúng ta, chúng ta đang chối bỏ Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Việc giữ lấy một nỗi hận thù và từ chối tha thứ, và từ chối tiến đến các mối quan hệ một cách khiêm nhường theo cách giống với Đấng Ky Tô sẽ làm chúng ta bị kết tội. Việc giữ lấy nỗi hận thù là liều thuốc độc cho linh hồn của chúng ta.38

Tôi cũng cảnh cáo bất cứ hình thức ngạo mạn nào. Chúa, thông qua vị tiên tri Mô Rô Ni, đã đưa ra một sự tương phản thẳng thắn giữa sự ngạo mạn và lòng khiêm nhường: “Những kẻ điên rồ sẽ nhạo báng, nhưng rồi chúng sẽ than khóc; và ân điển của ta sẽ đủ để ban cho người nhu mì.” Chúa sau đó đã tuyên phán: “Ta ban cho loài người sự yếu kém để họ biết khiêm nhường; và ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta; vì nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ.”39

Lòng khiêm nhường cũng bao gồm việc biết ơn cho vô số các phước lành và sự trợ giúp thiêng liêng dành cho chúng ta. Lòng khiêm nhường không phải là một thành tích lớn lao nào đó mà có thể nhận biết hay thậm chí là việc vượt qua được thử thách nghiêm trọng nào đó. Đó là một dấu hiệu của sức mạnh thuộc linh. Đó là việc có được sự tin tưởng rằng mỗi ngày mỗi giờ, chúng ta có thể tin cậy vào Chúa, phục vụ Ngài, và đạt được các mục đích của Ngài. Tôi cầu nguyện rằng trong thế giới đầy tranh chấp này, chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng để có được sự khiêm nhường thật sự hàng ngày. Một bài thơ mà tôi yêu thích đã giải thích như sau:

Bài kiểm tra cho sự vĩ đại chính là cách thức mà

Một người đối mặt với Những Công Việc Thường Ngày mang tính vĩnh cửu đó.40

Tôi thực sự làm chứng về Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài và về tầm quan trọng lớn lao của sự phục vụ Ngài một cách khiêm nhường mỗi ngày. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Kathy Lette, trong “Town and Country Notebook,” do Victoria Marston biên tập, Country Life, ngày 7 tháng Sáu năm 2017, 32; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  2. Annie Tempest, “Tottering-by-Gently,” Country Life, ngày 3 tháng Mười năm 2012, 128.

  3. Xin xem Thi Thiên 90:4. Dù những năm sống trên trái đất là ngắn hay dài, quãng đời của chúng ta rất ngắn ngủi so với quan điểm vĩnh cửu. “Tất cả chỉ được xem như một ngày đối với Thượng Đế, và sự đo lường thời gian chỉ áp dụng cho loài người.” (An Ma 40:8). Sứ Đồ Phi E Rơ đã nói: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày” (2 Phi E Rơ 3:8).

  4. Xin xem Môi Se 1:6-9. Đây là khi Đấng Ky Tô phán với thẩm quyền thiêng liêng được giao phó (xin xem Teachings of Presidents of the Church: Joseph Fielding Smith [2013], 47, cước chú 11).

  5. Môi Se 1:10.

  6. Môi Se 1:39.

  7. 2 Nê Phi 26:33; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 1:34–35; 38:16; Tuyên Ngôn Chính Thức 2.

  8. Giáo lý và Giao Ước 20:37 bắt đầu với “Tất cả những ai biết hạ mình trước mặt Thượng Đế.” Rồi sau đó những điều kiện về phép báp têm được đặt ra. Xin xem thêm Ma Thi Ơ 11:28.

  9. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:37.

  10. Chúng ta biết rằng nếu không hối cải, nhận được các giáo lễ, và theo con đường giao ước mà chuẩn bị chúng ta cho thời vĩnh cửu, “thì lúc đêm tối mịt mù [đến], sẽ chẳng còn công việc gì có thể thực hiện được nữa.” (An Ma 34:33).

  11. Xin xem 3 Nê Phi 27:27.

  12. An Ma 34:32.

  13. Xin xem 1 Nephi 11:26-33; 2 Nê Phi 9:53; Gia Cốp 4:7; Giáo Lý và Giao Ước 122:8.

  14. An Ma 5:26.

  15. An Ma 5:27.

  16. Xin xem An Ma 4:19.

  17. Joseph Smith, trong Heber C. Kimball, “History of Heber Chase Kimball by His Own Dictation,” ca. 1842–1856, Heber C. Kimball Papers, 54, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội; xin xem thêm Orson F. Whitney, Life of Heber C. Kimball, an Apostle; the Father and Founder of the British Mission (1888), 116.

  18. Heber C. Kimball, “History of Heber Chase Kimball by His Own Dictation,” 54; xin xem thêm Orson F. Whitney, Life of Heber C. Kimball, 116.

  19. Chủ Tịch J. Reuben Clark dạy rằng: “Trong sự phục vụ Chúa, không phải là phục vụ ở đâu, mà là cách phục vụ ra sao. Trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, một người nhận lấy nhiệm vụ mà mình chính thức được kêu gọi, một nhiệm vụ mà mình không tìm kiếm lẫn từ chối.” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1951, 154).

  20. Xin xem The Joseph Smith Papers, Documents, Tập 5: tháng Mười năm 1835-tháng Giêng năm 1838, do Brent M. Rogers và những người khác biên tập (2017), 412–17. Vilate Kimball có báo cáo trong một bức thư gửi tới chồng mình là Heber C. Kimball, rằng bà sao chép lại mặc khải từ “Elder Marshs book as he wrote it from Josephs mouth” (Vilate Murray Kimball gửi tới Heber C. Kimball, ngày 6 tháng Chín năm 1837, trong The Joseph Smith Papers, Documents, Tập 5: Tháng Mười năm 1835–Tháng Giêng năm 1838, 412).

  21. Giáo Lý và Giao Ước 112:10; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  22. Xin xem Orson F. Whitney, Life of Heber C. Kimball, 136–37.

  23. Xin xem Orson F. Whitney, Life of Heber C. Kimball,149.

  24. Giáo Lý và Giao Ước 112:21-22; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  25. “Mặc dù chúng ta không yêu cầu được giải nhiệm khỏi một sự kêu gọi, nhưng nếu hoàn cảnh của chúng ta thay đổi thì chúng ta cần phải hội ý với người đã đưa ra sự kêu gọi và sau đó, để họ đưa ra quyết định” (Boyd K. Packer, “Called to Serve,” Ensign, tháng Mười Một năm 1997, trang 8).

  26. Xin xem “Lòng Khiêm Nhường,”, trong chương 6 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Truyền Giáo (2004), 120.

  27. Xin xem Charles J. Chaput, Strangers in a Strange Land (2017), 14–15; xin xem thêm Rod Dreher, The Benedict Option (2017).

  28. Carl Cederstrom, “The Dangers of Happiness,” New York Times, ngày 19 tháng Bảy năm 2015, SR8.

  29. Mô Si A 3:19.

  30. English Oxford Living Dictionaries, “humblebrag,” oxforddictionaries.com.

  31. Trong một vài phương diện, điều này lặp lại sự miêu tả của An Ma về những người đã kiếm được “các vật quý giá đủ loại mà họ đã có được nhờ tính cần mẫn của họ; … [nhưng] đã … dương dương tự đắc trong mắt mình” (An Ma 4:6). Chú ý rằng một sự “giả vờ khiêm tốn” vẫn là một sự khoe khoang.

  32. David Brooks, “Finding a Way to Roll Back Fanaticism,” New York Times, ngày 15 tháng Tám năm 2017, A23.

  33. An Ma 5:53, 54.

  34. Mi Chê 6:8.

  35. Xin xem Mô Si A 26:30.

  36. Xin xem Ma Thi Ơ 6:12, 15.

  37. Xin xem Mô Si A 26:31.

  38. Như Nelson Mandela đã nói: “Sự oán giận giống như đang uống thuốc độc và rồi hy vọng nó sẽ giết được kẻ thù của bạn” (trong Jessica Durando, “15 of Nelson Mandela’s Best Quotes,” USA Today, ngày 5 tháng Mười Hai năm 2013, usatoday.com).

  39. E The 12:26, 27; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  40. Edmund Vance Cooke, “The Eternal Everyday,” Impertinent Poems (1907), 21.