2010–2019
Hãy Yêu Thương Nhau như Ngài Đã Yêu Thương Chúng Ta
Tháng Mười năm 2017


Hãy Yêu Thương Nhau như Ngài Đã Yêu Thương Chúng Ta

Bằng cách phục vụ và tha thứ cho người khác với tình yêu đích thực, chúng ta có thể được chữa lành và nhận được sức mạnh để khắc phục những thử thách của mình.

Trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, Đấng Cứu Rỗi đã ban cho các môn đồ của Ngài một lệnh truyền mới và phán rằng:

“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.

“Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.”1

Các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi được ban cho một lệnh truyền mới để làm một điều gì đó nhiều hơn, lớn lao hơn, và thiêng liêng hơn. Lệnh truyền mới và lời mời này được tóm tắt trong cụm từ chính “như ta đã yêu các ngươi.”

Yêu Thương Là Hành Động; Yêu Thương Là Phục Vụ

“Tình yêu thương gồm có sự tân tụy, quan tâm và cảm mến sâu xa. Tấm gương vĩ đại nhất về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài được tìm thấy trong Sự Chuộc Tội vô hạn của Chúa Giê Su Ky Tô.”2 Giăng đã ghi lại: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”3 “Tình yêu thương dành cho Thượng Đế và đồng loại là một đặc điểm của các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.”4

Cách đây vài năm, khi đứa cháu trai lớn nhất của chúng tôi, là Jose, bốn tuổi, đang chơi với vợ tôi. Trong khi họ đang cười đùa và vui vẻ bên nhau, thì đứa cháu trai chúng tôi hỏi vợ tôi: “Bà nội ơi, bà có thương cháu không?”

Vợ tôi đáp: “Có chứ, Jose, bà thương cháu lắm.”

Rồi nó lại hỏi vợ tôi một câu hỏi khác: “Làm sao bà nội biết là bà thương cháu?”

Vợ tôi giải thích cho nó nghe về những cảm nghĩ của mình và cũng nói với nó về tất cả những gì vợ tôi đã làm và sẵn lòng làm cho nó.

Sau đó, vợ tôi cũng hỏi Jose cùng các câu hỏi đó kể cả câu hỏi sâu sắc này: “Làm sao cháu biết là cháu thương bà?”

Bằng một câu trả lời thơ ngây nhưng thành thật, nó nói: “Cháu thương bà nội vì cháu cảm thấy được tình thương đó trong lòng cháu.” Hành vi yêu thương của Jose đối với bà của nó ngày hôm đó và mãi mãi cho thấy rằng tình yêu thương là sự kết hợp của hành động cũng như những cảm xúc sâu đậm.

Vua Bên Gia Min đã dạy: “Này, tôi nói với các người những điều này là để các người có thể học sự thông sáng; để các người hiểu rằng, khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy.”5

Trong thế giới ngày nay mà có rất nhiều đau khổ vì các hoàn cảnh khác nhau, việc gửi một tin nhắn từ điện thoại với một biểu tượng cảm xúc hoặc đăng một hình ảnh đẹp với một câu yêu thương là rất hay và có giá trị. Nhưng điều mà nhiều người trong chúng ta cần phải làm là để xuống thiết bị di động của mình và, với tay chân của mình, giúp đỡ những người khác đang gặp hoạn nạn. Tình yêu thương không có sự phục vụ giống như đức tin mà không có việc làm; đó thực sự là đức tin chết.

Yêu Thương là Tha Thứ

Tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô, tức là lòng bác ái,6 không những soi dẫn chúng ta hành động và phục vụ mà còn có sức mạnh để tha thứ, bất kể tình huống đó ra sao. Tôi xin chia sẻ với các anh chị em một kinh nghiệm đã ảnh hưởng và thay đổi cuộc sống của tôi. Ted và Sharon, cha mẹ của Cooper, đã cho phép tôi chia sẻ điều đã xảy ra cho gia đình họ cách đây hơn chín năm. Tôi sẽ kể kinh nghiệm này từ góc nhìn của Ted, cha của Cooper:

Ngày 21 tháng Tám năm 2008, là ngày khai trường, và ba đứa anh của Cooper là Ivan, Garrett, và Logan, đều đứng ở trạm xe buýt chờ đợi để lên xe buýt. Cooper, bốn tuổi, đạp xe đạp; vợ tôi, Sharon, đi bộ.

Vợ tôi đang ở bên kia đường và ra hiệu cho Cooper băng qua đường. Đồng thời, một chiếc xe hơi chạy rất chậm quẹo trái và tông vào Cooper.

Tôi nhận được một cú điện thoại từ một người hàng xóm cho tôi biết là Cooper đã bị xe tông. Tôi nhanh chóng lái xe đến trạm xe buýt để gặp nó. Cooper nằm trên bãi cỏ, cố gắng thở, nhưng không thấy bị thương tích.

Tôi quỳ xuống bên cạnh Cooper và đưa ra lời khích lệ như sau: “Sẽ ổn thôi. Ráng chờ nhé.” Vào lúc đó, người lãnh đạo nhóm thầy tư tế thượng phẩm của tôi, Nathan, đến nơi với vợ ông. Bà đề nghị chúng tôi ban cho Cooper một phước lành của chức tư tế. Chúng tôi đặt tay lên đầu Cooper. Tôi không thể nhớ tôi đã nói gì khi ban phước lành đó, nhưng tôi nhớ rõ sự hiện diện của những người khác xung quanh chúng tôi, và chính vào lúc đó tôi biết là Cooper sẽ qua đời.

Cooper được trực thăng bay tới bệnh viện nhưng quả thật vậy, nó qua đời. Tôi cảm thấy Cha Thiên Thượng đã nói với tôi rằng trách nhiệm của tôi đối với Cooper trên trần thế đã kết thúc và bây giờ Cooper đang được Ngài chăm sóc.

Chúng tôi có thể ở bên Cooper trong bệnh viện một thời gian. Những người làm việc ở đó sửa soạn cho nó để chúng tôi có thể ôm nó, nói lời tạm biệt và cho phép chúng tôi ở bên nó, ôm nó lâu cho đến chừng nào chúng tôi muốn.

Trên đường trở về nhà, người vợ đau khổ của tôi và tôi nhìn nhau và bắt đầu nói về cậu thiếu niên lái chiếc xe tông vào Cooper. Chúng tôi không biết cậu ta, mặc dù cậu ta sống cách chúng tôi chỉ một con đường và nằm trong ranh giới của tiểu giáo khu chúng tôi.

Ngày hôm sau thật là khó khăn cho chúng tôi vì chúng tôi đều hoàn toàn bị tràn ngập nỗi đau buồn. Tôi quỳ xuống và dâng lên lời cầu nguyện chân thành nhất từ trước tới giờ. Tôi đã cầu xin Cha Thiên Thượng trong tôn danh của Đấng Cứu Rỗi cất đi nỗi đau buồn tràn ngập của tôi. Và Ngài đã làm như vậy.

Cuối ngày đó, một trong hai cố vấn trong chủ tịch đoàn giáo khu của chúng tôi đã sắp xếp để chúng tôi gặp người thiếu niên—người lái chiếc xe đó—và cha mẹ của cậu ấy tại nhà của vị cố vấn. Sharon và tôi đợi cậu ấy và cha mẹ cậu đến. Khi cánh cửa mở ra, chúng tôi gặp họ lần đầu tiên. Vị giám trợ của tôi thì thầm vào tai tôi: “Hãy đi đến chào em ấy.” Sharon và tôi ôm lấy cậu thiếu niên ấy chung với mọi người. Chúng tôi khóc với nhau trong một khoảng thời dường như rất lâu. Chúng tôi nói với cậu ấy rằng chúng tôi biết điều đã xảy ra chỉ là một tai nạn.

Thật là kỳ diệu cho Sharon và tôi, cả hai chúng tôi đều cảm thấy cách chúng tôi đã làm và chúng tôi vẫn làm. Nhờ vào ân điển của Thượng Đế, chúng tôi đã có thể đi theo con đường ngay chính, con đường rõ ràng, con đường duy nhất, và yêu thương người thiếu niên tốt lành này.

Chúng tôi đã trở nên gần gũi với cậu ta và gia đình của cậu ta trong nhiều năm. Cậu ta đã chia sẻ những giây phút quan trọng quý báu nhất của mình với chúng tôi. Thậm chí, chúng tôi còn đi đền thờ với cậu ta khi cậu ta chuẩn bị cho công việc truyền giáo của mình.7

Ted biết chắc chắn rằng Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta. Anh ta biết rằng việc có thể tha thứ, và tự trút gánh nặng của mình theo cách đó, là một kinh nghiệm tuyệt vời như việc được tha thứ. Sự tuyệt vời này xuất phát từ việc noi theo gương của Đấng Gương Mẫu vĩ đại nhất của chúng ta. Trong Sách Mặc Môn, An Ma đã nói về Đấng Cứu Rỗi: “Và Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài.”8

Thưa các anh chị em, thật là một câu chuyện kỳ ​​diệu về tình yêu đích thực và sự tha thứ. Chúng ta cũng có thể có niềm vui và hạnh phúc khi chúng ta phục vụ và tha thứ cho người khác. Georgy, một đứa cháu trai khác của chúng tôi, thường nói: “Gia đình chúng ta là như thế nào?” Và nó tự trả lời: “Gia đình chúng ta là gia đình hạnh phúc!”

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã khuyên bảo chúng ta: “Chúng ta hãy xem xét cuộc sống của mình và quyết tâm noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi bằng cách có lòng tử tế, tình yêu thương và lòng bác ái.”9

Tôi biết rằng Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, yêu thương chúng ta và sẵn lòng giúp chúng ta hành động khi chúng ta yêu thương lẫn nhau như hai Ngài đã yêu thương chúng ta. Và tôi biết rằng bằng cách phục vụ và tha thứ cho người khác với tình yêu đích thực, chúng ta có thể được chữa lành và nhận được sức mạnh để khắc phục những thử thách của mình. Và tôi nói như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.