2010–2019
"Ta Có một Công Việc cho Ngươi"
Tháng Mười năm 2017


“Ta Có một Công Việc cho Ngươi”

Mỗi người trong chúng ta đều có một vai trò ý nghĩa trong việc đẩy mạnh công việc của Thượng Đế

Thượng Đế phán cùng Môi Se: “Ta có một công việc cho ngươi” (Môi Se 1:6). Anh chị em có từng thắc mắc liệu Cha Thiên Thượng có một công việc cho mình không? Có những điều quan trọng mà Ngài đã chuẩn bị cho các anh chị em—và cụ thể là các anh chị em—để hoàn thành không? Tôi làm chứng rằng câu trả lời là có!

Hình Ảnh
Girish Ghimire

Hãy xem trường hợp của Girish Ghimire, sinh ra và lớn lên ở nước Nepal. Khi còn là thiếu niên, anh ấy đã học ở Trung Quốc, nơi mà một người bạn học cùng lớp đã giới thiệu anh với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Cuối cùng, Girish đã theo học trường Brigham Young University để học cao học và gặp người vợ tương lai của anh. Họ định cư ở thung lũng Salt Lake Valley và nhận nuôi hai đứa trẻ từ Nepal.

Nhiều năm sau, khi có hơn 1.500 người tị nạn từ các trại ở Nepal được chuyển đến Utah,1 Girish đã cảm thấy được soi dẫn để giúp đỡ. Với khả năng thông thạo tiếng mẹ đẻ và hiểu biết văn hóa, Girish phục vụ với tư cách là thông dịch viên, giáo viên và người cố vấn. Sau khi tái định cư trong cộng đồng, một số người tị nạn Nepal đã tỏ ra quan tâm đến phúc âm. Một chi nhánh nói tiếng Nepal đã được tổ chức, và sau đó Girish được phục vụ với tư cách là chủ tịch chi nhánh. Anh cũng tham gia tích cực vào việc phiên dịch Sách Mặc Môn ra tiếng Nepal.

Hình Ảnh
Girish Ghimire với Sách Mặc Môn tiếng Nepal

Các anh chị em có thể thấy Cha Thiên Thượng đã chuẩn bị và đang sử dụng Girish không?

Thượng Đế Có Công Việc cho Mỗi Người Chúng Ta

Thưa các anh chị em, Thượng Đế có công việc quan trọng cho mỗi người chúng ta. Khi ngỏ lời với các chị em phụ nữ nhưng cũng là giảng dạy các lẽ thật mà áp dụng cho mọi người, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã dạy: “Trước khi đến [thế gian, chúng ta] đã được giao cho một số nhiệm vụ nhất định. … Mặc dù bây giờ chúng ta không còn nhớ những chi tiết cụ thể nhưng điều này không làm thay đổi thực tại vinh quang của điều chúng ta đã từng đồng ý.”2 Thật là một lẽ thật đầy cao quý! Cha Thiên Thượng đã có những điều cụ thể và quan trọng dành cho các anh chị em và tôi để hoàn thành (xin xem Ê Phê Sô 2:10).

Những nhiệm vụ thiêng liêng này không chỉ dành cho một số ít người có đặc ân mà là dành cho tất cả chúng ta—bất kể giới tính, tuổi tác, chủng tộc, quốc tịch, mức thu nhập, địa vị xã hội, hay chức vụ kêu gọi nào trong Giáo Hội. Mỗi người trong chúng ta đều có một vai trò ý nghĩa trong việc đẩy mạnh công việc của Thượng Đế (xin xem Môi Se 1:39).

Một số người trong chúng ta thắc mắc liệu Cha Thiên Thượng có thể sử dụng chúng ta để đóng góp những việc quan trọng không. Nhưng hãy nhớ rằng, Ngài đã luôn luôn dùng những người bình thường để thực hiện những điều phi thường (xin xem 1 Cô Rinh Tô 1:27–28; GLGƯ 35:13; 124:1). “[Chúng ta] có quyền quản lý,” và “quyền năng ở trong [chúng ta]” để “thực hiện nhiều điều ngay chính” (GLGƯ 58:27–28).3

Chủ Tịch Russell M. Nelson giải thích:

“Chúa quan tâm tới các anh chị em nhiều hơn là các anh chị em quan tâm tới chính mình. Các anh chị em được gìn giữ và bảo tồn cho thời kỳ và nơi chốn này. …

“Chúa cần các anh chị em thay đổi thế giới. Khi chấp nhận và tuân theo ý muốn của Ngài dành cho mình, các anh chị em sẽ thấy là mình đang làm điều không thể làm được!”4

Vậy làm thế nào để chúng ta tiến đến việc hiểu và thực hiện công việc Thượng Đế dự định dành cho chúng ta? Tôi xin chia sẻ bốn nguyên tắc mà sẽ giúp ích.

Tập Trung vào Người Khác

Trước hết, hãy tập trung vào người khác. Chúng ta có thể noi theo Đấng Ky Tô, là Đấng “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38; xin xem thêm 2 Nê Phi 26:24).

Sau khi đi truyền giáo toàn thời gian trở về, tôi cảm thấy thiếu mục tiêu hằng ngày mà tôi đã ưa thích trước. Rõ ràng, tôi cần phải giữ các giao ước của mình, đi học, lập gia đình và kiếm sống. Nhưng tôi đã tự hỏi liệu có một điều gì thêm nữa không, hoặc thậm chí còn là đặc biệt, mà Chúa muốn tôi làm. Sau khi suy ngẫm trong vài tháng, tôi đã bắt gặp câu này: “Nếu ngươi ước muốn thì ngươi sẽ trở thành phương tiện để làm nhiều điều tốt lành cho thế hệ này.” (GLGƯ 11:8). Thánh Linh đã giúp tôi hiểu rằng mục đích chính yếu của các nhiệm vụ thiêng liêng là ban phước cho người khác và làm “nhiều điều tốt lành.”

Chúng ta có thể xem những thời điểm quyết định trong cuộc sống của mình—như là phải học gì, làm công việc gì, hoặc sống ở đâu—trong bối cảnh giúp đỡ người khác.

Một gia đình nọ dọn tới một thành phố mới. Thay vì kiếm một ngôi nhà trong một khu phố giàu sang, họ đã cảm thấy có ấn tượng phải dọn đến một khu vực có khá nhiều thiếu thốn về mặt xã hội và kinh tế. Qua nhiều năm, Chúa đã sử dụng họ để giúp đỡ nhiều cá nhân và xây đắp tiểu giáo khu và giáo khu của họ.

Một chuyên gia y tế đã duy trì một phòng khám bệnh điển hình nhưng cảm thấy bản thân được hướng dẫn để dành ra một ngày mỗi tuần để chăm sóc miễn phí cho các cá nhân không có bảo hiểm y tế. Nhờ vào sự sẵn lòng của vợ chồng người này để ban phước cho người khác, nên Chúa đã ban cho một cách để họ giúp đỡ hàng trăm bệnh nhân đang gặp hoạn nạn trong khi cũng nuôi nấng gia đình đông con của họ.

Khám Phá và Phát Triển Các Ân Tứ Thuộc Linh

Thứ hai, khám phá và phát triển các ân tứ thuộc linh. Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta các ân tứ này để giúp chúng ta nhận ra, thi hành và vui hưởng công việc mà Ngài đã dành cho chúng ta.

Một số người trong chúng ta tự hỏi: “Tôi có ân tứ gì không?” Một lần nữa, câu trả lời là có chứ! “Mỗi người được Thánh Linh của Thượng Đế ban cho một ân tứ … để nhờ đó tất cả mọi người đều có thể được lợi ích” (GLGƯ 46:11–12; sự nhấn mạnh được thêm vào).5 Một số ân tứ thuộc linh được ghi chép trong thánh thư (xin xem 1 Cô Rinh Tô 12:1–11, 31; Mô Rô Ni 10:8–18; GLGƯ 46:8–26), nhưng cũng có nhiều ân tứ khác nữa.6 Một số ân tứ có thể gồm có việc có lòng trắc ẩn, bày tỏ niềm hy vọng, có mối quan hệ tốt với người khác, tổ chức có hiệu quả, nói hoặc viết với sức thuyết phục, giảng dạy rõ ràng, và làm việc siêng năng.

Vậy thì làm thế nào để chúng ta tiến đến việc biết được các ân tứ của chúng ta? Chúng ta có thể tham khảo phước lành tộc trưởng của mình, hỏi những người biết chúng ta rõ nhất và tự nhận ra điều chúng ta giỏi tự nhiên và ưa thích. Quan trọng hơn hết, chúng ta có thể cầu vấn Thượng Đế (xin xem Gia Cơ 1:5; GLGƯ 112:10). Ngài biết các ân tứ của chúng ta, vì Ngài đã ban các ân tứ đó cho chúng ta (xin xem GLGƯ 46:26).

Khi khám phá ra các ân tứ của mình, chúng ta có trách nhiệm phải phát triển chúng (xin xem Ma Thi Ơ 25:14–30). Ngay cả Chúa Giê Su Ky Tô cũng “lúc đầu không nhận được sự trọn vẹn, nhưng Ngài tiếp tục [phát triển] từ ân điển này đến ân điển khác” (GLGƯ 93:13).

Hình Ảnh
Tranh Đấng Cứu Rỗi do Ben Simonsen họa

Một thanh niên nọ đã minh họa hình để quảng bá các giá trị tôn giáo. Tôi ưa thích bức chân dung của Đấng Cứu Rỗi, một bản minh họa đó treo trong nhà của chúng tôi. Người anh em này đã phát triển và sử dụng các ân tứ nghệ thuật của mình. Bằng cách sử dụng người này, Cha Thiên Thượng đã soi dẫn người khác để cải tiến vai trò môn đồ của họ.

Đôi khi chúng ta cảm thấy rằng mình không có bất cứ ân tứ đặc biệt quan trọng nào cả. Một ngày nọ, một chị phụ nữ đầy nản lòng đã khẩn cầu: “Lạy Chúa, giáo vụ cá nhân của con là gì?” Ngài đáp: “Hãy lưu tâm đến người khác.” Đó là một ân tứ thuộc linh! Kể từ đó, chị phụ nữ ấy đã tìm thấy niềm vui trong việc lưu tâm đến những người thường xuyên bị bỏ quên, và Thượng Đế đã sử dụng chị ấy để ban phước cho nhiều người. Mặc dù một số ân tứ thuộc linh có thể không nổi bật theo tiêu chuẩn của thế gian nhưng chúng rất thiết yếu đối với Thượng Đế và công việc của Ngài.7

Sử Dụng Nghịch Cảnh

Thứ ba, hãy sử dụng nghịch cảnh. Những thử thách của chúng ta giúp chúng ta khám phá và chuẩn bị cho công việc Cha Thiên Thượng đã dành cho chúng ta. An Ma giải thích: “Sau khi trải qua nhiều nỗi gian truân, Chúa … đã biến tôi thành một dụng cụ trong tay Ngài” (Mô Si A 23:10).8 Giống như Đấng Cứu Rỗi đã có sự hy sinh chuộc tội mà làm cho Ngài có thể biết cách giúp đỡ chúng ta (xin xem An Ma 7:11–12), chúng ta có thể sử dụng sự hiểu biết đạt được từ những kinh nghiệm khó khăn để soi dẫn, củng cố và ban phước cho người khác.

Sau khi một ủy viên ban quản trị phòng nhân sự đầy thành công bị sa thải, thì anh ấy đọc phước lành tộc trưởng của mình và cảm thấy được soi dẫn để bắt đầu một công ty nhằm giúp các chuyên gia khác tìm kiếm việc làm. (Thậm chí anh ấy đã giúp tôi tìm được việc làm khi gia đình chúng tôi trở về sau khi phục vụ truyền giáo.) Chúa đã sử dụng thử thách của anh ấy để làm phương tiện ban phước cho người khác, trong khi cung cấp cho anh ấy một sự nghiệp có ý nghĩa hơn.

Một cặp vợ chồng trẻ nọ đã trải qua việc thai nhi của họ chết non. Với tấm lòng đau khổ, họ đã quyết định tôn vinh đứa con gái của mình bằng cách cung cấp tư vấn và hỗ trợ tài liệu cho các cha mẹ cũng đang trải qua hoàn cảnh tương tự. Chúa đã sử dụng cặp vợ chồng này vì sự đồng cảm đặc biệt của họ, được phát triển nhờ vào nghịch cảnh.

Trông Cậy vào Thượng Đế

Và thứ tư, hãy trông cậy vào Thượng Đế. Khi chúng ta cầu vấn Ngài với đức tin và chủ ý thật sự, Ngài sẽ mặc khải cho chúng ta biết nhiệm vụ thiêng liêng của chúng ta.9 Một khi chúng ta khám phá ra nhiệm vụ của mình, thì Ngài sẽ giúp chúng ta hoàn thành những nhiệm vụ đó. “Tất cả mọi vật đều ở trước mắt [Ngài]” (GLGƯ 38:2; xin xem thêm Áp Ra Ham 2:8), và vào đúng thời điểm, Ngài sẽ ban cho chúng ta cơ hội cần thiết cho chúng ta (xin xem Khải Huyền 3:8). Thậm chí Ngài còn gửi đến Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô, để chúng ta có thể dựa vào Ngài nhằm có được sức mạnh vượt khỏi khả năng tự nhiên của chúng ta (xin xem Phi Líp 4:13; An Ma 26:12).

Một người anh em nọ vì quan tâm đến các quyết định của chính quyền địa phương, đã cảm thấy có ấn tượng để ứng cử vào chức vụ trong chính quyền. Mặc dù có một tiến trình vận động đầy gay go, nhưng anh ấy đã thực hành đức tin và thu góp các phương tiện để ứng cử. Cuối cùng, anh ấy đã không thắng cử nhưng cảm thấy Chúa đã ban cho anh ấy sự hướng dẫn và sức mạnh để nêu lên những vấn đề quan trọng cho cộng đồng.

Một người mẹ độc thân nọ, nuôi nấng con có khuyết tật chậm phát triển, đã hỏi liệu mình có thể đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu của gia đình mình không. Mặc dù điều đó rất khó khăn, nhưng chị ấy cảm thấy được Chúa củng cố để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất của mình một cách thành công.

Một Lời Cảnh Báo

Cùng lúc Thượng Đế giúp chúng ta hoàn thành các nhiệm vụ thiêng liêng thì kẻ nghịch thù cũng cố gắng làm xao lãng và ngăn cản chúng ta khỏi cuộc sống có ý nghĩa.

Tội lỗi có lẽ là một trở ngại lớn nhất của chúng ta, làm giảm bớt sự nhạy cảm của chúng ta đối với Đức Thánh Linh và hạn chế sự tiếp cận của chúng ta với quyền năng thuộc linh. Để thực hiện công việc mà Cha Thiên Thượng dành cho mình, chúng ta phải cố gắng được trong sạch (xin xem 3 Nê Phi 8:1). Chúng ta có sống theo một cách mà Thượng Đế có thể sử dụng chúng ta để làm việc không?

Sa Tan cũng tìm cách làm cho chúng ta xao lãng bằng những vấn đề ít quan trọng hơn. Chúa đã cảnh cáo một vị lãnh đạo Giáo Hội ban đầu: “Tâm trí của ngươi đã đặt vào những điều của thế gian hơn là những điều của ta … và giáo vụ mà ngươi đã được kêu gọi” (GLGƯ 30:2). Chúng ta có quá bận rộn với những điều của thế gian đến mức chúng ta đang hướng ra khỏi các nhiệm vụ thiêng liêng của mình không?

Ngoài ra, Sa Tan làm nản lòng chúng ta bằng những cảm nghĩ rằng chúng ta không đủ khả năng. Nó làm cho công việc của chúng ta trông quá khó khăn hoặc đáng sợ. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin cậy Thượng Đế! Ngài yêu thương chúng ta. Ngài muốn chúng ta thành công. Ngài “đi trước [chúng ta], Ngài sẽ ở cùng [chúng ta], chẳng lìa khỏi [chúng ta] ” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:8; xin xem thêm Thi Thiên 32:8; Châm Ngôn 3:5–6; Ma Thi Ơ 19:26; GLGƯ 78:18).

Sa Tan cũng có thể cám dỗ chúng ta để xem công việc của chúng ta có giá trị ít hơn công việc được chỉ định cho người khác. Nhưng mọi chỉ định từ Thượng Đế là rất quan trọng, và chúng ta sẽ tìm thấy sự mãn nguyện khi chúng ta “hãnh diện về những điều Chúa đã truyền lệnh cho [chúng ta]” (An Ma 29:9).

Khi Thượng Đế sử dụng chúng ta để làm việc, kẻ nghịch thù có thể cám dỗ chúng ta để giành công trạng cho bất cứ sự thành tựu nào. Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt chước lòng khiêm nhường của Đấng Cứu Rỗi bằng cách lảng tránh lời khen ngợi cá nhân mà tôn vinh Đức Chúa Cha (xin xem Ma Thi Ơ 5:16; Môi Se 4:2). Khi một phóng viên cố gắng công nhận Mẹ Teresa vì sứ mệnh của cuộc đời bà để giúp đỡ người nghèo khó, bà đã đáp: “Đó là công việc của [Thượng Đế]. Tôi giống như một … cây bút chì trong tay Ngài. … Ngài làm công việc suy nghĩ. Ngài làm công việc viết. Cây bút chì chẳng có công lao gì trong công việc đó. Cây bút chì chỉ để được sử dụng mà thôi.”10

Kết Luận

Các anh chị em thân mến, tôi mời mỗi người chúng ta “hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời … như là đồ dùng về sự công bình” (Rô Ma 6:13). Việc phó mình gồm có việc để cho Ngài biết chúng ta muốn được sử dụng, tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài, và tiếp cận sức mạnh của Ngài.

Như mọi khi, chúng ta có thể tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô, tấm gương hoàn hảo của chúng ta. Trong cuộc sống tiền dương thế, Cha Thiên Thượng đã hỏi: “Ta sẽ phái ai đi đây?”

Và Chúa Giê Su thưa: “Tôi đây, xin phái tôi đi” (Áp Ra Ham 3:27; xin xem thêm Ê Sai 6:8).

Chúa Giê Su Ky Tô đã chấp nhận, chuẩn bị và thi hành vai trò tiền sắc phong của Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Ngài đã làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha (xin xem Giăng 5:30; 6:38; 3 Nê Phi 27:13và đã hoàn thành các nhiệm vụ thiêng liêng của Ngài.

Khi chúng ta noi theo gương của Đấng Ky Tô và tự phó mình lên Thượng Đế, thì tôi làm chứng rằng Ngài cũng sẽ sử dụng chúng ta để đẩy mạnh công việc của Ngài và ban phước cho người khác. Trong tôn danh Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Refugee Processing Center, “Admissions and Arrivals,” ireports.wrapsnet.org/Interactive-Reporting.

  2. Spencer W. Kimball, “The Role of Righteous Women,” Ensign, tháng Mười Một năm 1979, trang 102.

  3. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley khuyến khích: “Hãy tin vào chính mình. Hãy tin vào khả năng của các anh chị em để làm … những việc lớn lao. … Các anh chị em là con của Thượng Đế, có khả năng vô hạn” (Teachings of Presidents of the Church: Gordon B. Hinckley [năm 2016], trang 77).

  4. Russell M. Nelson, Accomplishing the Impossible: What God Does, What We Can Do (năm 2015), trang 147.

  5. Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf giải thích:

    “Cha Thiên Thượng thấy được tiềm năng thật sự của chúng ta. Ngài biết những điều về chúng ta mà bản thân chúng ta không biết. Ngài thúc giục chúng ta trong suốt cuộc đời để làm tròn mục đích tạo dựng của mình trên thế gian. …

    “Chúng ta hãy quyết tâm noi theo Đấng Cứu Rỗi và chuyên tâm cố gắng trở thành con người mà mình đã được hoạch định để trở thành. Chúng ta hãy lắng nghe và tuân theo những thúc giục của Đức Thánh Linh. Khi chúng ta làm như vậy, Cha Thiên Thượng sẽ mặc khải cho chúng ta những điều mình không bao giờ biết được về bản thân. Ngài sẽ soi sáng con đường cho chúng ta và giúp chúng ta thấy những tài năng mình không hề biết nhưng có thật” (“Về Những Điều Hối Tiếc và Quyết Tâm,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 22, 23).

  6. Anh Cả Bruce R. McConkie giải thích: “Các ân tứ thuộc linh là vô số và vô hạn, đủ loại. Các ân tứ nào được liệt kê trong từ ngữ được mặc khải chỉ đơn giản là minh hoạ cho sự trút xuống ân điển thiêng liêng vô tận mà một Thượng Đế nhân từ ban cho những người yêu mến và phục vụ Ngài” (A New Witness for the Articles of Faith [năm 1985], trang 371).

  7. Anh Cả Marvin J. Ashton dạy:

    “Tôi xin đề cập đến một ít ân tứ được chọn ra ngẫu nhiên mà không phải lúc nào cũng dễ thấy hay đáng chú ý nhưng lại rất quan trọng. Trong số này có thể là các ân tứ của các anh chị em—các ân tứ không dễ thấy nhưng có thật và có giá trị.

    “Chúng ta hãy xem xét một số ân tứ khó thấy hơn: ân tứ cầu xin; ân tứ lắng nghe; ân tứ nghe và sử dụng một tiếng nói êm nhỏ; ân tứ có thể khóc; ân tứ tránh tranh cãi; ân tứ luôn tử tế; ân tứ tránh lặp lại vô ích; ân tứ tìm kiếm điều ngay chính; ân tứ không phê phán; ân tứ tìm kiếm Thượng Đế để được hướng dẫn; ân tứ làm một môn đồ; ân tứ chăm sóc người khác; ân tứ có thể suy ngẫm; ân tứ dâng lời cầu nguyện; ân tứ có được một chứng ngôn vững mạnh; và ân tứ tiếp nhận Đức Thánh Linh” (“There Are Many Gifts,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, trang 20).

  8. Phao Lô cũng đã dạy: “[Thượng Đế] yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhơn sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp” (2 Cô Rinh Tô 1:4).

  9. Anh Cả Richard G. Scott giải thích: “Thượng Đế có một kế hoạch cụ thể cho cuộc sống của các anh chị em. Ngài sẽ mặc khải những phần của kế hoạch đó cho các anh chị em khi các anh chị em tìm kiếm kế hoạch đó với đức tin và sự vâng lời kiên định” (“Làm Thế Nào để Sống Tốt Lành giữa Sự Tà Ác Ngày Càng Gia Tăng,” Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 102).

  10. Mẹ Teresa, trong Edward W. Desmond, “Interview with Mother Teresa: A Pencil in the Hand of God,” Time, ngày 4 tháng Mười Hai năm 1989, time.com.