2010–2019
Bằng Chứng Hùng Hồn của Thượng Đế: Sách Mặc Môn
Tháng Mười năm 2017


Bằng Chứng Hùng Hồn của Thượng Đế: Sách Mặc Môn

Sách Mặc Môn là bằng chứng hùng hồn của Thượng Đế về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô, sự kêu gọi Joseph Smith làm tiên tri, và lẽ thật tuyệt đối của Giáo Hội này.

Sách Mặc Môn không những là nền tảng của tôn giáo chúng ta, mà còn có thể trở thành nền tảng của chứng ngôn của chúng ta nữa để khi chúng ta đối mặt với những thử thách hay những thắc mắc chưa được giải đáp, thì sách vẫn có thể giữ cho chứng ngôn của chúng ta vững vàng. Cán cân lẽ thật nghiêng về phía Sách Mặc Môn hơn là về phía tất cả các luận cứ của những người chỉ trích. Tại sao? Vì nếu sách đó là chân chính thì Joseph Smith là một vị tiên tri và đây là Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, bất chấp những lập luận lịch sử hay những lập luận nào khác ngược lại với sự kiện này. Vì lý do này, những người chỉ trích có ý định bác bỏ Sách Mặc Môn, nhưng họ gặp phải những trở ngại không thể vượt qua được vì sách này là chân chính.

Trước hết, những người chỉ trích cần phải giải thích làm thế nào Joseph Smith, một thiếu niên nông dân 23 tuổi, ít học thức, đã viết ra một quyển sách với hàng trăm tên gọi và địa điểm độc nhất vô nhị, cũng như các câu chuyện và sự kiện một cách chi tiết. Do đó, nhiều người chỉ trích nghĩ rằng ông là một thiên tài có óc sáng tạo đã dựa vào vô số sách vở và những nguồn tài liệu khác ở địa phương để tạo ra nội dung lịch sử của Sách Mặc Môn. Nhưng ngược lại với sự quả quyết của họ, không có một nhân chứng nào tuyên bố đã nhìn thấy Joseph với những tài liệu bị cáo buộc này trước khi công việc phiên dịch bắt đầu.

Thậm chí nếu lập luận này là đúng, thì tệ hại thay cũng không đủ để giải thích sự hiện hữu của Sách Mặc Môn. Người ta cũng phải trả lời câu hỏi: Làm thế nào Joseph đã đọc tất cả những tài liệu bị cáo buộc này, lược bỏ các chi tiết không liên quan, giữ lại tính nhất quán của những sự kiện phức tạp về người nào, ở nơi nào và khi nào, và sau đó bằng trí nhớ hoàn hảo đọc ra cho người khác viết? Vì khi Joseph Smith phiên dịch, ông không hề có một tài liệu ghi chú nào cả. Trên thực tế, vợ ông là Emma đã nhớ lại: “Anh ấy không có bản thảo hay sách để đọc từ đó. … Nếu anh ấy có bất cứ thứ gì như thế thì anh ấy cũng không thể giấu kín nó với tôi được.”1

Vậy thì làm sao Joseph đã thực hiện được kỳ công phi thường này khi đọc cho người khác viết một cuốn sách dài hơn 500 trang mà không có được bất cứ tài liệu ghi chú nào? Để làm được như vậy, ông không chỉ là một thiên tài có óc sáng tạo mà còn có một bộ nhớ hoàn hảo một cách lạ thường nữa. Nhưng nếu điều đó là đúng, thì tại sao những người chỉ trích lại không chỉ ra tài năng phi thường này?

Mà còn nữa. Những lập luận này chỉ đề cập đến nội dung lịch sử của cuốn sách mà thôi. Các vấn đề thực sự vẫn còn đó: làm thế nào Joseph đã viết ra một quyển sách truyền tải được Thánh Linh cho người đọc, và ông đã nhận được từ đâu giáo lý sâu sắc như vậy, mà phần lớn là làm sáng tỏ hoặc mâu thuẫn với những niềm tin Ky Tô giáo trong thời ông?

Ví dụ, Sách Mặc Môn dạy, trái với hầu hết niềm tin Ky Tô giáo, rằng Sự Sa Ngã của A Đam là một bước tiến tích cực. Nó cho thấy các giao ước được lập tại lễ báp têm mà không được đề cập đến trong Kinh Thánh.

Ngoài ra, người ta có thể hỏi: Joseph đã nhận được từ đâu sự hiểu biết mạnh mẽ sâu sắc rằng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, Ngài không những có thể thanh tẩy chúng ta mà còn làm cho chúng ta hoàn hảo nữa? Ông đã lấy ở đâu bài thuyết giảng đầy ấn tượng về đức tin trong An Ma 32? Hoặc bài giảng của Vua Bên Gia Min về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, có lẽ đó là bài giảng đáng chú ý nhất về đề tài này trong tất cả thánh thư? Hoặc chuyện ngụ ngôn về cây ô liu với tất cả sự phức tạp và phong phú về giáo lý của nó? Khi đọc chuyện ngụ ngôn này, tôi đã phải vẽ ra một sơ đồ để theo dõi sự phức tạp của nó. Bây giờ chúng ta có tin rằng Joseph Smith đã chỉ đọc những bài giảng này từ ý nghĩ của ông mà không có bất cứ ghi chú nào cả không?

Trái với định kiến như vậy, bằng chứng về ảnh hưởng của Thượng Đế nằm đầy dẫy trong Sách Mặc Môn, được cho thấy qua các lẽ thật giáo lý cao quý, nhất là những bài giảng siêu việt về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Nếu Joseph không phải là một vị tiên tri, thì để giải thích cho những sự thấu đáo đáng kể này và nhiều sự thấu đáo khác về giáo lý, những người chỉ trích cần phải đưa ra lập luận rằng ông cũng là một thiên tài thần học. Nhưng nếu đúng như vậy, thì người ta có thể hỏi: Tại sao Joseph là người duy nhất trong 1.800 năm sau giáo vụ của Đấng Ky Tô đã tạo ra một loạt các giáo lý độc đáo và rõ ràng như vậy? Vì chính là sự mặc khải, chứ không phải sự tài ba, mới là nguồn gốc của sách này.

Nhưng ngay cả nếu chúng ta giả sử rằng Joseph là một thiên tài có óc sáng tạo và về thần học, với một trí nhớ hoàn hảo—thì chỉ những tài năng này không thôi cũng không làm cho ông trở thành một nhà văn đại tài. Để giải thích sự hiện hữu của Sách Mặc Môn, những người chỉ trích cũng cần phải cho rằng Joseph là một nhà văn có tài bẩm sinh ở tuổi 23. Nếu không, thì làm thế nào ông đã kết hợp được hàng chục tên tuổi, địa điểm, và sự kiện thành một tác phẩm hài hòa và nhất quán? Làm thế nào ông đã viết ra những chiến lược chiến tranh chi tiết, sáng tác những bài giảng hùng hồn, và đặt ra các cụm từ đã được tô nổi bật, ghi nhớ, trích dẫn, và đặt trên cửa tủ lạnh bởi hàng triệu người, chẳng hạn như cụm từ “Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy” (Mô Si A 2:17) hoặc “loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui” (2 Nê Phi 2:25). Đây là những sứ điệp hùng hồn—những sứ điệp dường như đang sống, thở và soi dẫn. Việc đưa ra giả thuyết rằng Joseph Smith ở tuổi 23 đã có các kỹ năng cần thiết để viết tác phẩm độc đáo này trong một bản thảo duy nhất trong khoảng 65 ngày làm việc là hoàn toàn trái ngược với thực tế trong đời sống.

Chủ Tịch Russell M. Nelson, một nhà văn giàu kinh nghiệm và đại tài, đã nói rằng ông đã viết lại 40 lần một bài nói chuyện trong đại hội trung ương mới gần đây. Bây giờ chúng ta có tin rằng chính Joseph Smith đã đọc để người khác viết toàn bộ Sách Mặc Môn trong một bản thảo duy nhất với phần lớn là những thay đổi nhỏ về ngữ pháp sau này không?

Emma, vợ của Joseph, đã xác nhận tính bất khả thi của một thành tích như vậy: “Joseph Smith [khi còn là thanh niên] không thể viết hoặc đọc cho người khác viết một bức thư mạch lạc với lời lẽ lưu loát được; nữa là đọc cho người khác viết một cuốn sách như Sách Mặc Môn.”2

Và cuối cùng, ngay cả khi người ta chấp nhận tất cả các lập luận nói trên, cho dù chúng có thể là mơ hồ đi nữa, thì những người chỉ trích vẫn gặp phải một trở ngại lớn khác. Joseph khẳng định rằng Sách Mặc Môn được viết trên các bảng khắc bằng vàng. Lời khẳng định này đã bị chỉ trích dai dẳng trong thời ông—vì “mọi người” đều nghĩ rằng lịch sử cổ xưa được viết trên giấy cói hoặc giấy da, cho đến nhiều năm sau, khi các bảng bằng kim loại có chứa đựng các bài viết cổ xưa được khám phá ra. Ngoài ra, những người chỉ trích còn tuyên bố rằng việc sử dụng xi măng, như được mô tả trong Sách Mặc Môn, vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật của những người Mỹ thời ban đầu này—cho đến khi các cấu trúc xi măng được tìm thấy ở châu Mỹ xưa. Những người chỉ trích bây giờ giải thích như thế nào về những khám phá bất ngờ này cũng như tương tự? Các anh chị em thấy đó, Joseph chắc hẳn phải là một người đoán mò vô cùng may mắn. Bằng cách nào đó, mặc dù những ước đoán của ông rất khó có thể được chính xác, trái ngược với mọi kiến ​​thức khoa học và học thuật hiện tại, nhưng ông đã đoán đúng trong khi mọi người khác đều sai.

Rốt cuộc, người ta có thể tự hỏi làm thế nào một người nào đó có thể tin rằng tất cả những yếu tố và lực lượng được viện dẫn, theo như những người chỉ trích đã nghĩ, đã kết hợp một cách ngẫu nhiên theo cách mà làm cho Joseph có thể viết Sách Mặc Môn và vì thế tạo ra một trò lừa đảo của Sa Tan. Nhưng làm thế nào luận điệu này nghe hợp lý chứ? Trái ngược với sự quả quyết như vậy, cuốn sách này đã soi dẫn cho hàng triệu người từ khước Sa Tan để sống cuộc sống giống như Đấng Ky Tô hơn.

Mặc dù một người nào đó có thể chọn để tin vào những lời giải thích của những người chỉ trích thì đối với tôi, nó là một ngõ cụt trí tuệ và thuộc linh. Để tin những lời giải thích như vậy, tôi sẽ phải chấp nhận một loạt các giả định không được chứng minh. Ngoài ra, tôi sẽ phải bỏ qua chứng ngôn của mỗi người trong số 11 nhân chứng,3 mặc dù mỗi người đó vẫn trung tín với chứng ngôn của mình cho đến cùng; Tôi sẽ phải chối bỏ giáo lý thiêng liêng đã ghi đầy các trang thánh thư này với những lẽ thật thiêng liêng của nó; Tôi sẽ phải bỏ qua thực tế rằng nhiều người, kể cả tôi, đã đến gần Thượng Đế hơn bằng cách đọc cuốn sách này hơn bất cứ cuốn sách nào khác, và hơn hết, tôi phải chối bỏ những lời mách bảo đầy xác nhận của Đức Thánh Linh. Những điều này trái ngược với mọi điều mà tôi biết là chân chính.

Một trong những người bạn tốt và thông thái của tôi đã rời bỏ Giáo Hội trong một thời gian. Gần đây, anh ấy đã viết cho tôi về sự trở lại của anh: “Lúc đầu, tôi muốn Sách Mặc Môn phải được chứng minh cho tôi về mặt lịch sử, địa lý, ngôn ngữ và văn hóa. Nhưng khi tôi thay đổi sự tập trung của mình vào điều mà sách giảng dạy về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và sứ mệnh cứu rỗi của Ngài, thì tôi bắt đầu đạt được chứng ngôn về lẽ trung thực của sách đó. Một ngày nọ, trong khi đọc Sách Mặc Môn trong phòng của mình, tôi dừng lại, quỳ xuống và dâng lên lời cầu nguyện chân thành và cảm thấy rõ ràng rằng Cha Thiên Thượng đã mách bảo cùng tâm hồn tôi rằng Giáo Hội và Sách Mặc Môn chắc chắn là chân chính. Thời gian ba năm rưỡi của tôi để tìm hiểu lại Giáo Hội đã dẫn dắt tôi trở lại một cách chân thành và tôi được thuyết phục về lẽ trung thực của Giáo Hội.”

Nếu người ta chịu dành thời gian để khiêm nhường đọc và suy ngẫm Sách Mặc Môn, cũng như bạn tôi đã làm, và lắng nghe những kết quả tuyệt vời của Thánh Linh, thì cuối cùng họ sẽ nhận được một sự làm chứng như mong muốn.

Sách Mặc Môn là một trong những ân tứ vô giá của Thượng Đế cho chúng ta. Đó là thanh gươm lẫn tấm khiên che—sách gửi lời của Thượng Đế vào trận chiến để chiến đấu cho tâm hồn của người công chính và làm người bảo vệ tối cao cho lẽ thật. Là các Thánh Hữu, chúng ta không những có đặc ân để bảo vệ Sách Mặc Môn mà còn có cơ hội để tích cực sử dụng sách đó—để thuyết giảng với quyền năng giáo lý thiêng liêng của sách và làm chứng về bằng chứng siêu việt về Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi long trọng làm chứng rằng Sách Mặc Môn đã được phiên dịch bằng ân tứ và quyền năng của Thượng Đế. Đó là bằng chứng hùng hồn của Thượng Đế về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô, sự kêu gọi Joseph Smith làm vị tiên tri, và lẽ thật tuyệt đối của Giáo Hội này. Cầu xin cho sách này trở thành nền tảng của chứng ngôn chúng ta, để sách đó có thể nói về chúng ta, giống như đã nói về những người dân La Man đã cải đạo, là “họ không hề bỏ đạo” (An Ma 23:6). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Emma Smith, trong “Last Testimony of Sister Emma,” Saints’ Herald, ngày 1 tháng Mười năm 1879, trang 289, 290.

  2. Emma Smith, trong “Last Testimony of Sister Emma,” trang 290.

  3. Xin xem “Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng” và “Chứng Ngôn của Tám Nhân Chứng,” Sách Mặc Môn.