2010–2019
Chúng Ta Có Tin Cậy Ngài Không? Sự Khó Khăn là Điều Tốt
Tháng Mười năm 2017


Chúng Ta Có Tin Cậy Ngài Không? Sự Khó Khăn là Điều Tốt

Cho dù vấn đề là gì, thì sự khó khăn có thể có ích cho những ai mà sẽ tiến bước với đức tin và tin cậy Chúa cùng kế hoạch của Ngài.

Trước khi tôi bắt đầu, với tư cách người đại diện cho tất cả chúng ta những người bị tác động bởi sự tàn phá của các trận siêu bão và động đất gần đây, tôi xin bày tỏ lòng cảm kích chân thành đến tổ chức Helping Hands và các điều phối viên của họ vì đã giúp đỡ và cho chúng ta niềm hy vọng.

Vào tháng Mười năm 2006, tôi đưa ra bài nói chuyện đại hội trung ương đầu tiên. Tôi đã cảm thấy một sứ điệp quan trọng cho Giáo Hội toàn cầu gồm có lời khẳng định “Chúa tin cậy chúng ta!”

Ngài thật sự tin cậy chúng ta trong rất nhiều phương diện. Ngài ban cho chúng ta phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, và sự trọn vẹn của phúc âm trong gian kỳ này. Ngài giao cho chúng ta thẩm quyền chức tư tế của Ngài, với các chìa khóa hướng dẫn đúng đắn. Với quyền năng đó, chúng ta có thể ban phước, phục vụ, nhận các giáo lễ, và lập các giao ước. Ngài tin cậy chúng ta với Giáo Hội phục hồi của Ngài, kể cả đền thờ thánh. Ngài tin cậy các tôi tớ của Ngài với quyền năng gắn bó—để ràng buộc trên thế gian và ràng buộc trên thiên thượng! Ngài thậm chí tin cậy chúng ta để làm các bậc cha mẹ, giảng viên, và người chăm sóc cho các con cái của Ngài trên trần thế.

Sau nhiều năm phục vụ với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương tại nhiều nơi trên thế giới, tôi tuyên bố một cách chắc chắn hơn: Ngài tin cậy chúng ta.

Giờ đây câu hỏi cho đại hội lần này là “Chúng ta có tin cậy Ngài không?”

Chúng Ta Có Tin Cậy Ngài Không?

Chủ Tịch Thomas S. Monson thường nhắc chúng ta cần “hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va; chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con.

“Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.

“Chớ khôn ngoan theo mắt mình” (Châm Ngôn 3:5–7).

Chúng ta có tin tưởng rằng các giáo lệnh của Ngài là vì lợi ích của chúng ta không? Rằng các vị lãnh đạo của Ngài có thể dẫn dắt chúng ta, mặc dù họ không hoàn hảo? Rằng các lời hứa của Ngài là chắc chắn? Chúng ta có tin tưởng rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô biết chúng ta và muốn giúp đỡ chúng ta không? Ngay cả trong hoạn nạn, thử thách, hoàn cảnh khó khăn, và những lúc chật vật, chúng ta vẫn còn tin cậy Ngài không?

Trong đời mình, tôi đã học được các bài học hay nhất trong những lúc khó khăn nhất—dù là một thiếu niên, khi đang truyền giáo, bắt đầu một công việc mới, cố gắng làm vinh hiển những sự kêu gọi, nuôi nấng một gia đình đông đúc, hay phải vật lộn để tự lực. Dường như rõ ràng rằng sự khó khăn là điều tốt!

Sự Khó Khăn là Điều Tốt

Sự khó khăn làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn, khiến chúng ta khiêm nhường, và cho chúng ta cơ hội chứng tỏ bản thân mình. Những người tiền phong đáng mến trong đoàn xe kéo tay đã biết được Thượng Đế trong những lúc nghiệt ngã nhất. Tại sao cần đến hai chương để Nê Phi và các anh của ông lấy được các bảng khắc bằng đồng và rồi chỉ ba câu để thuyết phục gia đình của Ích Ma Ên đi theo họ vào vùng hoang dã? (xin xem 1 Nê Phi 34; 7:3–5). Dường như Chúa muốn củng cố Nê Phi qua sự gian nan để lấy được các bảng khắc.

Chúng ta không nên ngạc nhiên trước những điều khó khăn trong cuộc sống. Một trong những giao ước sớm nhất mà chúng ta lập với Chúa là sống theo luật hy sinh. Định nghĩa của sự hy sinh gồm có từ bỏ một điều đáng ao ước. Với kinh nghiệm chúng ta nhận ra đó chỉ là một cái giá nhỏ phải trả nếu so với các phước lành sẽ đến sau. Dưới sự hướng dẫn của Joseph Smith, chúng ta biết rằng: “Một tôn giáo mà không đòi hỏi hy sinh tất cả mọi điều thì không bao giờ có đủ quyền năng để sinh ra đức tin cần thiết cho cuộc sống và sự cứu rỗi.”1

Các Đấng trong Thiên Chủ Đoàn không xa lạ với những điều khó khăn. Thượng Đế Đức Chúa Cha đã hy sinh Con Trai Độc Sinh của Ngài cho nỗi đau khổ kinh khủng của Sự Chuộc Tội, gồm cả cái chết trên cây thập tự. Các thánh thư ghi lại rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã học “vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu” (Hê Bơ Rơ 5:8). Ngài tự nguyện chịu nỗi thống khổ của Sự Chuộc Tội. Đức Thánh Linh chắc hẳn phải nhịn nhục khi thúc giục, cảnh báo, và hướng dẫn chúng ta, và rồi đôi khi bị thờ ơ, hiểu lầm, hoặc quên lãng.

Một Phần của Kế Hoạch

Sự khó khăn là một phần của kế hoạch phúc âm. Một trong những mục đích của cuộc sống này là để cho chúng ta được thử thách (xin xem Áp Ra Ham 3:25). Ít ai phải chịu thống khổ một cách bất công như những người dân của An Ma. Họ trốn thoát khỏi Vua Nô Ê tà ác, để rồi lại trở thành nô lệ cho dân La Man! Qua những thử thách đó Chúa dạy cho họ biết rằng Ngài sửa phạt dân Ngài cùng thử “lòng kiên nhẫn và đức tin của họ” (Mô Si A 23:21).

Trong những ngày kinh khủng ở Ngục Thất Liberty, Chúa dạy cho Joseph Smith biết cách “kiên trì chịu đựng” (GLGƯ 121:8) và hứa rằng nếu ông làm vậy, thì “tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi” (GLGƯ 122:7).

Chủ Tịch Monson đã khẩn nài: “Cầu xin cho chúng ta luôn luôn chọn điều đúng dù có khó khăn thay vì điều dễ dàng hơn nhưng sai lầm.”2 Về những ngôi đền thờ, ông nói rằng “không có sự hy sinh nào quá lớn lao, không có một cái giá nào quá cao, không có nỗi vất vả nào quá khó khăn để nhận được các phước lành [đền thờ].”3

Trong thế giới của thiên nhiên, sự khó khăn là một phần bình thường của cuộc sống. Là điều khó khăn cho một con gà con để chui ra khỏi cái vỏ trứng cứng. Nhưng khi ai đó cố giúp con gà, thì nó lại không phát triển được sức mạnh cần thiết để sống. Tương tự, việc một con bướm vất vả thoát ra khỏi cái kén làm cho nó mạnh mẽ đối mặt với cuộc sống.

Qua những ví dụ này, chúng ta thấy rằng sự khó khăn là điều không thay đổi! Chúng ta đều có những thử thách. Điều sẽ thay đổi là cách phản ứng của chúng ta với sự khó khăn đó.

Có lúc những người trong Sách Mặc Môn phải chịu đựng “những ngược đãi lớn lao” và “nhiều nỗi đau buồn” (Hê La Man 3:34). Họ đã phản ứng như thế nào? “Họ vẫn thường nhịn ăn và cầu nguyện, và họ đã trở nên càng ngày càng mạnh hơn trong sự khiêm nhường của họ, và càng ngày càng vững chắc hơn trong đức tin nơi Đấng Ky Tô, đến nỗi tâm hồn họ tràn ngập niềm hân hoan và an ủi” (Hê La Man 3:35). Một ví dụ khác xảy ra sau những năm chiến tranh: “Vì thời gian quá lâu dài của trận chiến giữa dân Nê Phi và dân La Man nên có nhiều người đã trở nên chai đá, có những người khác lại trở nên hiền dịu vì những nỗi thống khổ của họ, nên họ đã biết hạ mình trước mặt Thượng Đế” (An Ma 62:41).

Mỗi người chúng ta chọn cách phản ứng khi thử thách đến.

Hãy Cẩn Thận với Điều Dễ Dàng

Trước khi có chức vụ kêu gọi này, tôi là một nhà tư vấn tài chính tại Houston, Texas. Tôi dành phần lớn thời gian làm việc với những người rất giàu có sở hữu các công ty riêng. Hầu hết tất cả những người này kinh doanh thành đạt từ hai bàn tay trắng và trải qua nhiều khó khăn. Điều làm tôi buồn nhất là nghe một số người trong số họ nói rằng muốn cho con cái mình cuộc sống dễ dàng hơn. Họ không muốn con cái phải chịu khổ giống như họ. Nói cách khác, họ muốn lấy đi khỏi con cái điều cần thiết nhất mà đã giúp cho họ thành công.

Ngược lại, chúng tôi biết một gia đình có một phương pháp khác. Hai người cha mẹ này được soi dẫn bởi kinh nghiệm của J. C. Penny khi cha ông nói với ông lúc ông lên tám tuổi rằng ông phải tự lập về tài chính. Họ làm theo kiểu riêng của mình: khi con cái họ tốt nghiệp trung học, chúng phải tự lập về tài chính—cho học vấn cao hơn (đại học, cao học) và để cấp dưỡng chính mình (hoàn toàn tự lực) (xin xem GLGƯ 83:4). Đáng mừng thay, những người con phản ứng lại một cách khôn ngoan. Tất cả họ đều tốt nghiệp đại học, và một số cũng tốt nghiệp cao học—tự trang trải mọi thứ. Điều đó không dễ dàng, nhưng họ đã làm được. Họ đã làm được bằng tính chăm chỉ và đức tin.

Đức Tin để Tin Cậy Ngài

Câu “Chúng ta có tin cậy Ngài không?” có thể được hỏi chính xác hơn, là “Chúng ta có đức tin để tin cậy Ngài không?”

Chúng ta có đức tin để tin cậy những lời hứa của Ngài về tiền thập phân rằng 90 phần trăm thu nhập của chúng ta cộng với sự giúp đỡ của Chúa, thì có lợi hơn 100 phần trăm với sức lực riêng của mình không?

Chúng ta có đủ đức tin để tin cậy rằng Ngài sẽ viếng thăm chúng ta trong cơn đau khổ của chúng ta (xin xem Mô Si A 24:14), rằng Ngài sẽ chống lại kẻ nào chống đối chúng ta (xin xem Ê Sai 49:25; 2 Nê Phi 6:17), và rằng Ngài sẽ biệt riêng sự đau khổ của chúng ta thành lợi ích cho chúng ta không? (xin xem 2 Nê Phi 2:2).

Chúng ta sẽ thực hành đức tin cần thiết để tuân giữ các giáo lệnh của Ngài để Ngài có thể ban phước cho chúng ta cả vật chất lẫn tinh thần không? Và chúng ta sẽ tiếp tục trung thành cho đến cùng để Ngài có thể thu nhận chúng ta vào nơi hiện diện của Ngài không? (xin xem Mô Si A 2:41).

Thưa các anh chị em, chúng ta có thể có đức tin để tin cậy Ngài! Ngài muốn điều tốt nhất cho chúng ta (xin xem Môi Se 1:39). Ngài sẽ trả lời những lời cầu nguyện của chúng ta (xin xem GLGƯ 112:10). Ngài sẽ giữ những lời hứa của Ngài (xin xem GLGƯ 1:38). Ngài có quyền năng để giữ những lời hứa đó (xin xem An Ma 37:16). Ngài biết tất cả mọi điều! Và quan trọng nhất là Ngài biết điều tốt nhất (xin xem Ê Sai 55:8–9).

Một Thế Giới Nguy Hiểm

Thế giới chúng ta ngày nay có nhiều khó khăn. Chúng ta có điều tà ác và hư nát lan tràn ở mọi quốc gia, khủng bố ở cả những nơi an toàn, suy thoái kinh tế, thất nghiệp, bệnh tật, thiên tai, nội chiến, những nhà lãnh đạo bạo ngược, và vân vân. Chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải chạy trốn hay chiến đấu? Điều nào mới đúng? Cả hai lựa chọn đều có thể nguy hiểm. Là điều nguy hiểm cho George Washington và quân đội của ông để chiến đấu nhưng cũng nguy hiểm cho những tổ tiên tiền phong của chúng ta để chạy trốn. Là điều nguy hiểm cho Nelson Mandela để đấu tranh cho tự do. Người ta nói rằng để cho điều tà ác thắng thế, thì chỉ cần những người tốt không làm gì cả.4

Đừng Sợ Hãi!

Khi làm bất cứ điều gì, chúng ta không nên quyết định hay hành động vì sợ. Thật vậy, “Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ” (2 Ti Mô Thê 1:7). (Các anh chị em có nhận ra ý “đừng sợ hãi” được nhấn mạnh nhiều trong các sách thánh thư không?) Chúa đã dạy cho tôi biết rằng sự nản lòng và sợ hãi là công cụ của kẻ nghịch thù. Câu trả lời của Chúa trong những lúc thử thách là hãy tiến bước với đức tin.

Sự Khó Khăn là Gì?

Mỗi người chúng ta có thể có ý kiến khác nhau về việc nào là khó. Một số người có thể cho rằng khó mà đóng tiền thập phân khi tài chính eo hẹp. Các vị lãnh đạo đôi khi thấy khó mà kỳ vọng người nghèo đóng tiền thập phân. Có thể là khó với một vài người chúng ta để tiến bước với đức tin để kết hôn hoặc lập gia đình. Có những người cảm thấy khó để “hài lòng về những [gì] mà Chúa đã ban phát cho [họ]” (An Ma 29:3). Có thể khó mà hài lòng với sự kêu gọi hiện tại của chúng ta (xin xem An Ma 29:6). Kỷ luật của Giáo Hội dường như rất khó, nhưng với một vài người nó đánh dấu sự khởi đầu của một tiến trình hối cải thật sự.

Cho dù vấn đề là gì, thì sự khó khăn có thể có ích cho những ai mà sẽ tiến bước với đức tin và tin cậy Chúa cùng kế hoạch của Ngài.

Lời Chứng của Tôi

Thưa các anh chị em, tôi làm chứng rằng các vị lãnh đạo ngồi đằng sau tôi được kêu gọi bởi Thượng Đế. Khao khát của họ là phục vụ Chúa hết lòng và giúp đỡ chúng ta thiết lập phúc âm trong trái tim mình. Tôi yêu mến và tán trợ họ.

Tôi yêu mến Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi kinh ngạc vì Ngài yêu thương Cha Thiên Thượng và chúng ta đủ để trở thành Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc cho chúng ta, mà vì thế Ngài phải chịu đựng đau đớn đến độ Ngài ″phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn″ (GLGƯ 19:18). Mặc dù đối mặt với hoàn cảnh khủng khiếp nhưng cần thiết, Ngài vẫn khẳng định với Cha Thiên Thượng: “Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi” (Lu Ca 22:42). Tôi vui mừng trong những lời của thiên sứ: “Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi” (Ma Thi Ơ 28:6).

Tấm gương của Ngài thật sự là “đường đi, lẽ thật, và sự sống” (Giăng 14:6). Chỉ bằng cách noi theo tấm gương đó mà chúng ta mới có thể tìm thấy “sự bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau” (GLGƯ 59:23). Khi tôi noi theo tấm gương của Ngài và áp dụng những lời giảng dạy của Ngài, tôi đã học được cho bản thân mình rằng mỗi “lời hứa rất quí rất lớn” của Ngài (2 Phi Ê Rơ 1:4) là thật.

Khao khát lớn nhất của tôi là được đứng cùng Mặc Môn với tư cách một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 3 Nê Phi 5:13) và một ngày sẽ được nghe từ chính miệng Ngài: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm” (Ma Thi Ơ 25:21). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.