2010–2019
Ở trong Thượng Đế và Tu Bổ Sự Hư Hoại
Tháng Mười năm 2017


Ở trong Thượng Đế và Tu Bổ Sự Hư Hoại

Đấng Ky Tô có quyền năng mang chúng ta vào mối tương giao đầy yêu thương với Đức Chúa Cha và với nhau

Chúng ta cần phải tiếp tục gia tăng sự hiểu biết về Cha Thiên Thượng và sự vâng lời Ngài. Mối quan hệ của chúng ta với Ngài là vĩnh cửu. Chúng ta là con cái yêu quý của Ngài, và điều đó sẽ không thay đổi. Làm thế nào chúng ta sẽ hết lòng chấp nhận lời mời gọi của Ngài để đến gần Ngài và như thế vui hưởng các phước lành mà Ngài mong muốn ban cho chúng ta trong cuộc sống này và trong thế giới mai sau?

Chúa đã phán cùng dân Y Sơ Ra Ên thời xưa và Ngài phán với chúng ta: “Ta đã yêu ngươi với tình yêu đời đời. Vậy, hỡi kẻ nhơn từ, ta đã lôi kéo ngươi.”1 Khi ngỏ lời với tư cách là Đức Chúa Cha, Ngài cũng đã phán với chúng ta: “Ngươi sẽ ở trong ta, và ta sẽ ở trong ngươi; vậy nên hãy đi cùng với ta.”?2 Chúng ta có tin cậy Ngài đủ để ở trong Ngài và đi cùng Ngài không?

Chúng ta ở đây trên thế gian để học hỏi và tăng trưởng, sự học hỏi và tăng trưởng quan trọng nhất sẽ đến từ mối quan hệ giao ước của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Từ mối quan hệ trung thành của chúng ta với hai Ngài sẽ nảy sinh sự hiểu biết thiêng liêng, tình yêu thương, quyền năng và khả năng để phục vụ.

“Chúng ta có trách nhiệm phải học hỏi tất cả những gì Thượng Đế đã mặc khải về chính Ngài.”3 Chúng ta cần phải hiểu rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha hướng dẫn Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô, để sáng tạo thế gian vì sự tăng trưởng của chúng ta, mà Cha Thiên Thượng đã ban cho Vị Nam Tử để trả cho các đòi hỏi công lý vì sự cứu rỗi của chúng ta, và quyền năng chức tư tế của Đức Chúa Cha và Giáo Hội chân chính của Vị Nam Tử với các giáo lễ cần thiết đã được phục hồivì các phước lành của chúng ta. Các chị em có thể cảm nhận được tình yêu sâu thẳm trong suốt những sự chuẩn bị của hai Ngài vì niềm vui và sự tăng trưởng của chúng ta không? Chúng ta cần biết rằng kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng là chúng ta tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của phúc âm và nhận được cuộc sống vĩnh cửu và do đó trở thành như Thượng Đế.4 Đây là hạnh phúc đích thực và bền vững mà Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta. Không có hạnh phúc đích thực và bền vững nào khác.

Những thử thách của chúng ta có thể lôi kéo chúng ta ra khỏi tiến trình hạnh phúc này. Chúng ta có thể đánh mất mối liên hệ tin cậy với Thượng Đế nếu thử thách làm cho chúng ta xao lãng thay vì dẫn đến việc quỳ xuống cầu nguyện.

Hai câu đơn giản này yêu cầu chúng ta đánh giá các ưu tiên của mình:

Có một số điều là quan trọng; một số điều thì không quan trọng.

Có một vài thứ bền lâu, nhưng hầu hết thì không.5

Thưa các chị em, điều gì là quan trọng đối với các chị em? Điều gì là lâu dài đối với các chị em? Một vấn đề về giá trị lâu dài đối với Đức Chúa Cha là chúng ta học hỏi về Ngài, hạ mình và tăng trưởng trong sự tuân theo Ngài qua những kinh nghiệm trần thế. Ngài muốn chúng ta thay đổi tính ích kỷ của mình thành sự phục vụ, nỗi sợ hãi của mình thành đức tin. Những vấn đề lâu dài này có thể là một thử thách vô cùng khó khăn đối với chúng ta.

Chính là bây giờ, với những giới hạn của con người trần thế của chúng ta mà Đức Chúa Cha yêu cầu chúng ta phải yêu thương khi yêu thương là khó khăn nhất, phải phục vụ khi phục vụ là bất tiện, phải tha thứ khi tha thứ là điều mà chúng ta không chắc là có khả năng để làm. Vậy thì phải làm sao? Chúng ta sẽ làm điều đó như thế nào? Chúng ta thành tâm tìm kiếm sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng, trong danh của Vị Nam Tử, và làm mọi việc theo cách của Ngài thay vì kiêu ngạo làm theo cách của mình.

Hình Ảnh
Bình nước

Tôi đã nhận ra tính kiêu ngạo của mình khi Chủ Tịch Ezra Taft Benson nói về việc thanh tẩy bình chứa.6 Tôi tưởng tượng mình là một bình chứa. Làm thế nào tôi từ bỏ tính kiêu ngạo ra khỏi cuộc sống của mình? Việc tự ý ép buộc bản thân mình phải khiêm nhường và cố gắng làm cho mình phải yêu thương người khác là không thành thật, và giả dối, và hoàn toàn không hữu hiệu. Tội lỗi và tính kiêu ngạo của chúng ta tạo ra một sự tách rời—hay một khoảng cách—giữa chúng ta và nguồn gốc của mọi tình thương tức là Cha Thiên Thượng của chúng ta.

Chỉ có Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi mới có thể làm sạch tội lỗi của chúng ta và thu hẹp khoảng cách hoặc sự tách rời đó.

Chúng ta muốn được bao bọc trong vòng tay thương yêu và sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng, và vì vậy chúng ta đặt ý muốn của Ngài lên trước hết và với một tấm lòng đau khổ khẩn cầu Đấng Ky Tô sẽ trút xuống những dòng nước thanh tẩy vào bình chứa của chúng ta. Thoạt tiên, nước này có thể chảy đến từ từ, nhưng khi chúng ta tìm kiếm, cầu xin, và vâng lời thì nước đó sẽ tuôn chảy dồi dào. Nước sự sống này sẽ bắt đầu chan hòa lên chúng ta, và tràn ngập tình yêu thương của Ngài, chúng ta có thể nghiêng bình chứa của tâm hồn mình để chia sẻ dung tích của bình đó với những người đang khao khát được chữa lành, hy vọng, và được thuộc về. Khi bình nước của chúng ta trở nên trong sạch thì các mối quan hệ trên trần thế của chúng ta mới bắt đầu được hàn gắn.

Sự hy sinh của ước muốn cá nhân chúng ta là cần thiết để dành chỗ cho các kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế. Đấng Cứu Rỗi, là Đấng nói thay cho Đức Chúa Cha, khẩn nài với chúng ta: “Hãy lại gần ta, rồi ta sẽ đến gần các ngươi.”7 Việc đến gần Đức Chúa Cha có thể có nghĩa là học hỏi lẽ thật của Ngài qua thánh thư, tuân theo lời khuyên bảo của vị tiên tri và cố gắng làm theo ý Ngài một cách trọn vẹn hơn.

Chúng ta có hiểu rằng Đấng Ky Tô có quyền năng mang chúng ta vào mối tương giao đầy yêu thương với Đức Chúa Cha và với nhau không? Nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh, Ngài có thể cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc cần thiết trong các mối quan hệ.

Một giảng viên Hội Thiếu Nhi nói cho tôi biết về một kinh nghiệm mạnh mẽ với lớp học của các cậu bé 11 tuổi. Một trong số các em đó mà tôi sẽ gọi là Jimmy là một cậu bé cô đơn không chịu hợp tác trong lớp. Một Chủ nhật nọ, người giảng viên đã được soi dẫn để qua một bên bài học của mình và nói tại sao người ấy yêu mến Jimmy. Người ấy đã nói về lòng biết ơn và niềm tin của mình đối với cậu bé này. Rồi người giảng viên yêu cầu các em khác nói cho Jimmy biết về một điều mà họ biết ơn em ấy. Trong khi từng em một nói cho Jimmy biết lý do tại sao Jimmy rất đặc biệt đối với họ, thì cậu bé ấy cúi đầu xuống và nước mắt bắt đầu lăn dài xuống mặt. Người giảng viên và lớp học này đã bắc một nhịp cầu cho tâm hồn cô đơn của Jimmy. Tình yêu thương đơn giản, được thành thật bày tỏ, đã mang lại hy vọng và giá trị cho người khác. Tôi gọi đây là “tu bổ sự hư hoại hoặc khoảng trống.”

Có lẽ cuộc sống của chúng ta trong một tiền dương thế đầy yêu thương là nguyên nhân cho lòng khát khao của chúng ta về tình yêu thương đích thực, bền vững ở trên thế gian này. Chúng ta được Thượng Đế tạo ra để yêu thương và được yêu thương, và tình yêu thương sâu thẳm nhất đến khi chúng ta hiệp một với Thượng Đế. Sách Mặc Môn mời gọi chúng ta “hãy hòa giải với [Thượng Đế] qua sự chuộc tội của Đấng Ky Tô.”8

Ê Sai đã nói về những người sống theo luật nhịn ăn một cách trung tín và vì thế trở thành “kẻ tu bổ sự hư hoại” cho con cháu của họ. Ê Sai hứa rằng họ chính là những người sẽ “dựng lại nơi đổ nát ngày xưa.”9 Đấng Cứu Rỗi cũng đã tương tự tu bổ sự hư hoại, hoặc khoảng cách, giữa chúng ta và Cha Thiên Thượng. Qua sự hy sinh chuộc tội lớn lao của Ngài, Ngài đã mở con đường cho chúng ta để dự phần vào quyền năng yêu thương của Thượng Đế và rồi chúng ta có thể “dựng lại nơi đổ nát ngày xưa” trong cuộc sống cá nhân của mình. Sự hàn gắn khoảng cách tình cảm giữa nhau sẽ đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận tình yêu thương của Đức Chúa Cha phối hợp với một sự hy sinh những khuynh hướng ích kỷ và sợ hãi tự nhiên của chúng ta.

Một đêm đáng nhớ nọ, một người họ hàng và tôi đã không đồng ý về một vấn đề chính trị. Người ấy nhanh chóng và triệt để chỉ trích cùng tranh luận với ý kiến ​​của tôi, chứng minh là tôi sai trong khi những người khác trong gia đình cũng đang lắng nghe. Tôi cảm thấy ngô nghê và thiếu hiểu biết— và có lẽ tôi là như vậy. Đêm đó khi tôi quỳ xuống cầu nguyện, tôi vội vã giải thích với Cha Thiên Thượng rằng người họ hàng này thật là khó lòng! Tôi huyên thuyên thưa chuyện lên Cha. Có lẽ tôi đã ngừng phàn nàn, và Đức Thánh Linh đã có cơ hội để làm tôi chú ý—vì tiếp theo đó tôi kinh ngạc khi nghe mình nói: “Có lẽ Ngài muốn con yêu thương người ấy.” Yêu thương người ấy à? Tôi cầu nguyện tiếp và nói như sau: “Làm sao con có thể yêu thương người ấy được? Thậm chí con còn không nghĩ là con thích người ấy nữa mà. Lòng con khó chịu; con cảm thấy tổn thương. Con không thể làm như vậy được.”

Rồi, chắc chắn là nhờ sự giúp đỡ từ Thánh Linh, tôi đã có một ý nghĩ mới khi tôi nói: “Nhưng thưa Cha Thiên Thượng, Ngài yêu mến người ấy. Xin Ngài cho con một phần tình yêu thương của Ngài dành cho người ấy—để con cũng có thể yêu thương người ấy?” Cảm giác khó chịu của tôi đã được xoa dịu, lòng tôi bắt đầu thay đổi, và tôi bắt đầu nhìn người ấy một cách khác. Tôi bắt đầu cảm nhận được giá trị thực sự và lòng nhân từ của người ấy mà Cha Thiên Thượng đã nhìn thấy. Ê Sai viết: “Đức Giê Hô Va buộc dấu vít của dân Ngài, và chữa lành vết thương nó.”10

Theo thời gian, vui thay, khoảng cách giữa chúng tôi đã được thu ngắn lại. Nhưng cho dù người ấy không chấp nhận sự thay đổi trong lòng tôi, thì tôi cũng đã biết được rằng Cha Thiên Thượng sẽ giúp cho chúng ta yêu thương ngay cả những người chúng ta nghĩ là không thể yêu thương được nếu chúng ta cầu khẩn sự giúp đỡ của Ngài. Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là một đường dẫn cho lòng bác ái liên tục tuôn trào từ Cha Thiên Thượng. Chúng ta phải chọn gìn giữ tình yêu thương này để có lòng bác ái đối với tất cả mọi người.

Khi dâng tấm lòng của mình lên Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, chúng ta đang thay đổi thế giới của mình—ngay cả khi hoàn cảnh xung quanh chúng ta không thay đổi. Chúng ta đến gần Cha Thiên Thượng hơn và cảm nhận được sự chấp nhận dịu dàng của Ngài đối với những nỗ lực của chúng ta để trở thành các môn đồ đích thực của Đấng Ky Tô. Sự phân biệt, tin tưởng và đức tin của chúng ta gia tăng.

Mặc Môn bảo chúng ta phải cầu nguyện với tất cả mãnh lực của lòng mình để có được tình yêu thương này và nó sẽ được ban cho chúng ta từ nguồn gốc của nó—tức là Cha Thiên Thượng.11 Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể trở thành những người tu bổ sự hư hoại trong các mối quan hệ trần thế.

Tình yêu thương vô hạn của Đức Chúa Cha ban tới chúng ta, để mang chúng ta trở lại trong vinh quang và niềm vui của Ngài. Ngài đã ban Con Độc Sinh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, để tu bổ sự hư hoại mà ngăn cách chúng ta và Ngài. Sự hợp nhất với Cha Thiên Thượng là tính chất của tình yêu thương bền vững và mục đích vĩnh cửu. Chúng ta phải kết nối với Ngài bây giờ để biết được điều thực sự quan trọng, để yêu thương như Ngài yêu thương và phát triển để được giống như Ngài. Tôi làm chứng rằng mối quan hệ trung tín của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi là vấn đề quan trọng vĩnh viễn đối với hai Ngài và đối với chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.