2010–2019
Đức Thầy Chữa Lành
Tháng Mười năm 2016


Đức Thầy Chữa Lành

Các chị em không cần phải—một mình—trải qua khổ sở bởi tội lỗi, đau đớn gây ra bởi hành động của người khác, hoặc những thực tế đau đớn của trần thế.

Một trong những cơ hội bổ ích nhất của tôi là được đi khắp nơi—để học hỏi từ các chị em phụ nữ trên khắp thế giới. Không có điều gì giống như được sát cánh làm việc chung với các chị em trong tình yêu thương chân thành.

Trong một kinh nghiệm như vậy, một người lãnh đạo trong Hội Phụ Nữ đã hỏi: “Có một điều gì cụ thể mà các phụ nữ nên tập trung vào không?”

Tôi đáp: “Có chứ!” khi nghĩ tới bài nói chuyện của Chủ Tịch Russell M. Nelson có tựa đề là “Một Lời Khẩn Nài cùng Các Chị Em Phụ Nữ”. Chủ Tịch Nelson dạy rằng: “Chúng ta cần những người phụ nữ có sự hiểu biết vững vàng về giáo lý của Đấng Ky Tô.”1

Nê Phi đã mô tả giáo lý của Đấng Ky Tô như sau:

“Vì cổng mà các người phải đi vào tức là sự hối cải phép báp têm bằng nước vậy; và tiếp đó là sự xá miễn các tội lỗi của các người bằng lửa và Đức Thánh Linh. ...

“Và giờ đây... tôi xin hỏi ... như vậy có thể gọi là xong được chưa? Này, tôi nói cho các người hay: Chưa; vì các người đã không đến đó được nếu không nhờ lời của Đấng Ky Tô và với một đức tin nơi Ngài không bị lay chuyển và sự trông cậy hoàn toàn vào những công nghiệp của Đấng có quyền năng cứu rỗi.

“Vậy nên, các người phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người. Vậy nên, nếu các người tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu.

“... Đây là con đường; và ngoài ra không còn con đường hay danh hiệu nào khác được ban ra dưới gầm trời này mà nhờ đó loài người được cứu vào vương quốc của Thượng Đế. Và giờ đây, này đây là giáo lý của Đấng Ky Tô.2

Tại sao chúng ta cần có một sự hiểu biết vững vàng về những nguyên tắc này?

Tôi thường gặp các phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau đang cần sự giúp đỡ rất nhiều, nhưng họ không tìm đến Đấng có thể ban cho sự giúp đỡ trường cửu. Họ rất thường tìm kiếm sự hiểu biết bằng cách tìm kiếm “tòa nhà rộng lớn vĩ đại.”3

Khi chúng ta gia tăng sự hiểu biết của mình về giáo lý của Đấng Ky Tô, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng mình đang phát triển một sự hiểu biết thấu đáo hơn về “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại.”4 Chúng ta cũng thừa nhận rằng Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, là trọng tâm của kế hoạch đó.

Khi chúng ta học cách áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô vào hoàn cảnh cá nhân của mình thì tình yêu mến của chúng ta dành cho Đấng Cứu Rỗi gia tăng. Và chúng ta thừa nhận rằng “bất kể những sự khác biệt hiển nhiên, tất cả chúng ta đều đang cần đến cùng một Sự Chuộc Tội vô hạn.”5 Chúng ta nhận biết rằng Ngài chính là nền móng của chúng ta—“đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, ... một nền móng vững chắc ... là một nền móng mà nếu [chúng ta] xây dựng trên đó [chúng ta] sẽ không thể nào đổ ngã được.”6

Làm thế nào giáo lý này có thể ban phước cho chúng ta khi chúng ta tìm kiếm sự bình an và sự hiểu biết cùng cố gắng kiên trì chịu đựng một cách vui vẻ trong những hoàn cảnh riêng của cuộc sống?

Tôi xin đề nghị rằng chúng ta bắt đầu, như Nê Phi nói: “với một đức tin nơi Ngài không bị lay chuyển và sự trông cậy hoàn toàn vào những công nghiệp của Đấng có quyền năng cứu rỗi.”7 Đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô làm cho chúng ta có khả năng khắc phục mọi thử thách.

Thực ra, chúng ta thường thấy đức tin của mình được gia tăng và mối quan hệ với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài được cải thiện qua nghịch cảnh. Tôi xin chia sẻ ba ví dụ.

Trước hết, Đấng Cứu Rỗi, Đức Thầy Chữa Lành, có quyền năng để thay đổi tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta được khuây khỏa khỏi nỗi buồn do tội lỗi gây ra. Khi Đấng Cứu Rỗi dạy người đàn bà Sa Ma Ri bên bờ giếng, Ngài đã biết về những tội lỗi nghiêm trọng của người ấy. Tuy nhiên, “Đức Giê Hô Va nhìn thấy trong lòng,”8 và Ngài đã biết người ấy có một tấm lòng dễ dạy.

Khi người đàn bà đi đến bên giếng, Chúa Giê Su—hiện thân của nước sự sống---chỉ phán: “Hãy cho ta uống.” Đấng Cứu Rỗi cũng sẽ phán như vậy với chúng ta bằng một tiếng nói mà chúng ta nhận ra khi đến với Ngài—vì Ngài biết chúng ta. Ngài giúp đỡ chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại của mình. Và vì Ngài là Đấng như thế và điều Ngài đã làm cho chúng ta, nên Ngài hiểu. Vì Ngài đã trải qua nỗi đau đớn của chúng ta, nên Ngài có thể ban cho chúng ta nước sự sống khi chúng ta tìm kiếm nước đó. Ngài đã dạy điều này cho người đàn bà Sa Ma Ri khi Ngài phán: “Ví bằng ngươi biết sự ban cho của Đức Chúa Trời, và biết người nói: ‘Hãy cho ta uống’ là ai, thì chắc ngươi sẽ xin người cho uống, và người sẽ cho ngươi nước sống.” Cuối cùng vì đã hiểu nên người đàn bà trả lời với đức tin và thưa: “Lạy Chúa, xin cho tôi nước ấy, để cho tôi không khát.”

Sau khi người đàn bà Sa Ma Ri đã có kinh nghiệm này với Đấng Cứu Rỗi, bà “bèn bỏ cái vò của mình lại và vào thành, nói với người tại đó rằng:

“Hãy đến xem một người đã bảo tôi mọi điều tôi đã làm; ấy chẳng phải là Đấng Ky Tô?”

Bà đã nhận được một bằng chứng—đã bắt đầu tiếp nhận nước sự sống—và bà mong muốn làm chứng với người khác ​​về thiên tính của Ngài.9

Khi chúng ta đến với Ngài bằng tấm lòng khiêm nhường và dễ dạy—ngay cả khi cảm thấy đau buồn vì những lỗi lầm, tội lỗi, phạm giới—thì Ngài cũng có thể thay đổi chúng ta, “vì Ngài có quyền lực để giải cứu.”10 Và với tấm lòng thay đổi, chúng ta có thể, giống như người đàn bà Sa Ma Ri, đi vào các thành phố của mình—nhà cửa, trường học và nơi làm việc—để làm chứng về Ngài.

Thứ hai, Đức Thầy Chữa Lành có thể an ủi và củng cố chúng ta khi chúng ta cảm thấy đau đớn vì hành động bất chính của người khác. Tôi đã có nhiều cuộc trò chuyện với các phụ nữ đang vật lộn với những thử thách nặng nề. Việc tuân giữ các giao ước họ đã lập trong đền thờ đã trở thành một cuộc hành trình khó khăn để được chữa lành. Họ đau khổ vì vi phạm các giao ước, buồn phiền, và mất tin tưởng. Nhiều người là nạn nhân của tội tà dâm và lạm dụng bằng lời nói, tình dục, và tình cảm, thường là kết quả của thói nghiện ngập của người khác.

Những kinh nghiệm này, mặc dù không phải do lỗi của họ, đã để lại nhiều cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Vì không hiểu làm thế nào để kiềm chế những cảm xúc mạnh mẽ mà họ trải qua, nên nhiều người cố gắng quên đi bằng cách chôn vùi những cảm xúc này sâu hơn vào lòng họ.

Niềm hy vọng và sự chữa lành không được tìm thấy nếu bị giấu kín mà là trong ánh sáng và tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.11 Anh Cả Richard Scott đã khuyên dạy: “Nếu các anh chị em đã tự mình trút bỏ các tội lỗi nghiêm trọng rồi, thì đừng chịu đựng một cách vô ích những hậu quả của tội lỗi người khác. ... Các anh chị em có thể cảm thấy trắc ẩn. ... Tuy nhiên, các anh chị em không nên gánh lấy một cảm nghĩ về trách nhiệm. ... Khi các anh chị em đã làm những gì hợp lý để giúp đỡ người mà mình yêu thương rồi, thì hãy đặt gánh nặng xuống chân của Đấng Cứu Rỗi. ... Khi làm như vậy, không những các anh chị em sẽ tìm được sự bình an mà còn chứng tỏ đức tin của mình nơi quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để nâng gánh nặng tội lỗi lên khỏi một người thân qua sự hối cải và vâng lời của người ấy.”

Ông nói tiếp: “Sự hoàn toàn chữa lành sẽ đến qua đức tin của các anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng cùng khả năng của Ngài, qua Sự Chuộc Tội của Ngài, để chữa lành các vết thương của điều phi lý và bất công.”12

Thưa các chị em, nếu các chị em thấy mình đang rơi vào tình huống này, thì sự chữa lành có thể là một tiến trình lâu dài. Tiến trình này sẽ đòi hỏi các chị em phải thành tâm cầu nguyện để tìm kiếm sự hướng dẫn, và sự giúp đỡ thích hợp, gồm có việc hội ý với những người nắm giữ chức tư tế đã được sắc phong đúng cách. Khi các chị em học cách giao tiếp một cách cởi mở, thì hãy đặt ra những giới hạn thích hợp, và có lẽ còn tìm kiếm sự tư vấn chuyên môn nữa. Việc duy trì sức khỏe tinh thần trong suốt tiến trình này thật là thiết yếu! Hãy ghi nhớ nguồn gốc thiêng liêng của các chị em: các chị em là con gái yêu quý của Cha Thiên Thượng. Hãy tin cậy kế hoạch vĩnh cửu của Đức Chúa Cha dành cho các chị em. Hàng ngày hãy tiếp tục gia tăng sự hiểu biết của các chị em về giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy thực hành đức tin mỗi ngày để học hỏi từ giếng nước sự sống của Đấng Cứu Rỗi. Hãy trông cậy vào sự ban cho quyền năng dành sẵn cho mỗi người chúng ta qua các giáo lệnh và giao ước. Và hãy cho phép quyền năng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài vào trong cuộc sống của các chị em.

Thứ ba, Đức Thầy Chữa Lành có thể an ủi và hỗ trợ chúng ta khi chúng ta cảm thấy những “thực tế đau khổ của trần thế,”13 chẳng hạn như tai họa, bệnh tâm thần, bệnh tật, cơn đau mãn tính, và cái chết. Mới gần đây tôi đã làm quen với một thiếu nữ phi thường tên là Josie bị mắc bệnh rối loạn lưỡng cực. Sau đây chỉ là một phần câu chuyện về cuộc hành trình của cô ta hướng đến sự chữa lành khi cô ta chia sẻ câu chuyện này với tôi:

“Thời gian tồi tệ khó khăn nhất xảy ra khi gia đình tôi và tôi đã gọi là ‘những ngày nằm chịu đựng.’ Ngày đó bắt đầu với cảm giác bị đè nén và sự bén nhạy sắc sảo và chống cự lại bất cứ loại âm thanh, chạm tay, hoặc ánh sáng. Ngày đó là ngày đau đớn cùng cực về tinh thần. Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày đặc biệt đó.

“Đó là lúc tôi bắt đầu đối phó với bệnh rối loạn lưỡng cực, làm cho kinh nghiệm này thật đặc biệt đáng sợ. Tôi có thể nhớ đã thổn thức, lệ chảy dài xuống má trong khi tôi thở hổn hển. Nhưng cho dù nỗi đau đớn dữ dội như vậy cũng không bằng nỗi đau đớn tiếp theo sau khi tôi thấy mẹ tôi quá đỗi hoảng sợ, muốn giúp đỡ tôi trong tuyệt vọng.

“Mẹ tôi cảm thấy rất buồn khi thấy tôi đau đớn như vậy. Chúng tôi đã không hoàn toàn biết rằng mặc dù tình trạng dường như trở nên tồi tệ hơn, nhưng chúng tôi sắp có được một phép lạ vĩ đại.

“Một giờ đồng hồ dài trôi qua, mẹ tôi nhiều lần thì thầm: ‘Mẹ sẽ làm bất cứ điều gì để con không cảm thấy đau đớn như vậy nữa.’

“Trong khi đó, cơn đau gia tăng, và khi tôi đã tin rằng mình không còn có thể chịu đựng được nữa thì ngay lúc đó một điều kỳ diệu đã xảy ra.

“Một quyền năng siêu việt và kỳ diệu bỗng nhiên bao phủ thân thể tôi. Sau đó, với một ’sức mạnh vượt trội,’14 Tôi nói với mẹ tôi với lòng tin chắc vững vàng về những lời nói làm thay đổi cuộc sống để đáp lại ước muốn được lặp đi lặp lại của bà là gánh nỗi đau đớn của tôi. Tôi nói: ‘Mẹ không cần đâu; có ai đó đã làm rồi.’”

Từ vực thẳm tối tăm của bệnh tâm thần đang suy yếu, Josie đã tập trung hết sức lực để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và về Sự Chuộc Tội của Ngài.

Cô ta đã không được chữa lành hoàn toàn ngày hôm đó, nhưng cô ta đã nhận được ánh sáng hy vọng trong một thời điểm vô cùng đen tối. Và ngày nay, vì được hỗ trợ bởi một sự hiểu biết vững vàng về giáo lý của Đấng Ky Tô và được củng cố hàng ngày bằng nước sự sống của Đấng Cứu Rỗi, Josie tiếp tục cuộc hành trình tiến đến sự chữa lành và thực hành đức tin không lay chuyển nơi Đức Thầy Chữa Lành. Cô ta giúp người khác trong cuộc sống. Và cô ta nói: “Khi bóng tối trở nên dai dẳng, tôi dựa vào sự tưởng nhớ đến lòng thương xót dịu dàng của Ngài. Điều đó sẽ là ánh sáng dẫn đường trong khi tôi vật lộn với những lúc khó khăn.”15

Thưa các chị em, tôi làm chứng rằng—

Các chị em không cần phải—một mình—tiếp tục mang gánh nặng buồn phiền do tội lỗi gây ra.

Các chị em không cần phải—một mình—chịu đựng nỗi đau đớn do hành động bất chính của người khác gây ra.

Các chị em không cần phải—một mình—trải qua những thực tế đau đớn của trần thế.

Đấng Cứu Rỗi khẩn nài:

“Giờ đây các ngươi không muốn trở về cùng ta, và hối cải tội lỗi và được cải đạo để ta có thể chữa lành cho các ngươi chăng?

“... Nếu các ngươi đến cùng ta thì các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu. Này, cánh tay thương xót của ta đã dang ra về phía các ngươi, và bất cứ kẻ nào đến ... ta đều đón nhận.”16

“[Ngài] sẽ làm bất cứ điều gì để cất đi nỗi đau đớn này khỏi các chị em.” Quả thật, “[Ngài] đã làm rồi.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Thầy Chữa Lành. A Men.