2010–2019
Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh
Tháng Mười năm 2016


Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh

Khi điểm tập trung của cuộc sống chúng ta là vào Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình.

Anh chị em thân mến, hôm nay tôi muốn thảo luận về một nguyên tắc then chốt cho sự sống còn của phần thuộc linh của chúng ta. Đây là một nguyên tắc mà sẽ chỉ trở nên quan trọng hơn khi những thảm kịch và những điều bôi bác xung quanh chúng ta gia tăng.

Đây là những ngày sau vì vậy không ai trong chúng ta nên ngạc nhiên khi thấy lời tiên tri được ứng nghiệm. Nhiều vị tiên tri, kể cả Ê Sai, Phao Lô, Nê Phi, và Mặc Môn, đã biết trước rằng thời kỳ khó khăn sẽ đến,1 rằng trong thời kỳ chúng ta, toàn thế giới sẽ ở trong cảnh hỗn loạn,2 rằng người ta sẽ “đều tư kỷ, ... vô tình, ... ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời,”3 và rằng nhiều người sẽ trở thành tôi tớ của Sa Tan là kẻ đang ủng hộ công việc của kẻ nghịch thù.4 Quả thật vậy, anh chị em và tôi “đánh trận ... cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.”5

Khi càng ngày càng có nhiều xung đột giữa các quốc gia hơn, khi những kẻ khủng bố hèn nhát làm hại người vô tội, và khi nạn thối nát trong tất cả mọi điều từ kinh doanh đến chính quyền trở nên càng ngày càng phổ biến, thì điều gì có thể giúp đỡ chúng ta? Điều gì có thể giúp mỗi người chúng ta đang có những khó khăn riêng tư và thử thách nghiêm ngặt của việc sống trong những ngày sau này?

Tiên Tri Lê Hi đã dạy một nguyên tắc về sự sống còn của phần thuộc linh. Trước hết, hãy xem xét hoàn cảnh của ông: Ông đã bị ngược đãi vì đã thuyết giảng lẽ thật ở Giê Ru Sa Lem và đã được Chúa truyền lệnh phải bỏ lại tài sản của ông và cùng với gia đình chạy trốn vào vùng hoang dã. Ông đã sống trong một cái lều và sống sót bằng bất cứ thức ăn nào có thể tìm thấy được trên đường đi đến một nơi không biết, và ông đã thấy hai con trai của mình, là La Man và Lê Mu Ên, nổi loạn chống lại những lời dạy của Chúa và tấn công hai em của họ là Nê Phi và Sam.

Rõ ràng, Lê Hi biết được sự tương phản, nỗi lo lắng, đau khổ, đau đớn, thất vọng và buồn phiền. Tuy nhiên, ông đã mạnh dạn và không do dự tuyên bố về một nguyên tắc như đã được Chúa mặc khải: “Loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui.”6 Hãy tưởng tượng! Trong tất cả những lời ông có thể sử dụng để mô tả tính chất và mục đích của cuộc sống chúng ta ở đây trên trần thế này, thì ông đã chọn niềm vui!

Cuộc sống có đầy những khúc ngoặt và ngõ cụt, đủ loại gian nan và thử thách. Mỗi người chúng ta có thể đã từng nhiều lần bị đau buồn, thống khổ, và tuyệt vọng vô cùng. Vả lại, chúng ta ở đây là để có được niềm vui mà?

Đúng thế! Câu trả lời vang dội là đúng thế! Nhưng làm thế nào có thể có được điều đó? Và chúng ta phải làm gì để thỉnh cầu được niềm vui mà Cha Thiên Thượng đã dành cho chúng ta?

Eliza R. Snow, Chủ Tịch Trung Ương thứ hai của Hội Phụ Nữ, đã đưa ra một câu trả lời thú vị. Vì lệnh tiêu diệt khét tiếng của Missouri được đưa ra lúc bắt đầu mùa đông khắc nghiệt của năm 1838,7 bà và các Thánh Hữu khác bị buộc phải rời bỏ tiểu bang này vào ngay mùa đông năm đó. Một buổi tối, gia đình của Eliza đã nghỉ qua đêm trong một căn nhà gỗ nhỏ được các Thánh Hữu tị nạn sử dụng. Phần lớn những chỗ vữa trát khe hở giữa các khúc gỗ đã được moi ra và đốt làm củi bởi những người ở đó trước đây, do đó kẽ hở giữa các khúc gỗ đủ rộng cho một con mèo chui qua. Trời rất lạnh giá và thức ăn của họ thì bị đông cứng.

Đêm đó có khoảng 80 người chen chúc bên trong căn nhà gỗ nhỏ, chỉ rộng có 6,1 mét vuông. Đa số họ ngồi hoặc đứng cả đêm cố gắng để giữ cho ấm. Bên ngoài, một nhóm người nghỉ qua đêm bằng cách tụ họp quanh đống lửa tí tách, với một vài người hát thánh ca và những người khác nướng khoai tây đông lạnh. Eliza ghi lại: “Người ta không nghe thấy một lời phàn nàn nào cả—mọi người đều vui vẻ, và nếu nhìn từ bên ngoài thì những người lạ chắc hẳn nghĩ rằng chúng tôi đang đi chơi thay vì là một nhóm người bị thống đốc lưu đày.”

Lời tường thuật của Eliza về buổi tối mệt nhoài, lạnh thấu xương đó thật là lạc quan một cách đáng ngạc nhiên. Bà nói: “Đó là một cái đêm rất vui vẻ. Không có ai ngoài các thánh hữu lại có thể được vui vẻ trong mọi hoàn cảnh.”8

Đúng vậy! Các Thánh Hữu có thể vui vẻ trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta có thể cảm thấy niềm vui mặc dù có một ngày tồi tệ, một tuần tồi tệ, hoặc thậm chí là một năm tồi tệ!

Anh chị em thân mến, niềm vui mà chúng ta cảm thấy không tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của chúng ta mà mọi điều đều tùy thuộc vào điểm tập trung của cuộc sống chúng ta.

Khi điểm tập trung của cuộc sống chúng ta là vào kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô cùng phúc âm của Ngài, mà Chủ Tịch Thomas S. Monson mới vừa dạy cho chúng ta, thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình. Niềm vui đến từ Ngài và vì Ngài. Ngài là nguồn gốc của tất cả mọi niềm vui. Chúng ta cảm thấy được niềm vui vào thời gian Giáng Sinh khi hát bài: “Niềm vui cho thế gian, Chúa đang đến.”9 Và chúng ta có thể cảm thấy niềm vui đó quanh năm. Đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau, thì Chúa Giê Su Ky Tô chính là niềm vui!

Đó là lý do tại sao những người truyền giáo của chúng ta ra đi để thuyết giảng phúc âm của Ngài. Mục tiêu của họ không phải là để tăng thêm số tín hữu Giáo Hội. Thay vì thế, những người truyền giáo của chúng ta giảng dạy và làm phép báp têm10 nhằm mang lại niềm vui cho dân chúng trên thế giới!11

Giống như Đấng Cứu Rỗi ban cho sự bình an “vượt quá mọi sự hiểu biết,”12 Ngài cũng ban cho một niềm vui mãnh liệt, sâu đậm, và dồi dào bất chấp luận chứng của con người hoặc nhận thức của người trần thế. Ví dụ, dường như ta không thể cảm thấy được niềm vui khi con cái mắc phải một căn bệnh vô phương cứu chữa, hoặc khi bị mất việc làm, hoặc khi bị chồng hay vợ phản bội. Tuy nhiên đó chính là niềm vui mà Đấng Cứu Rỗi ban cho. Niềm vui của Ngài là liên tục, bảo đảm với chúng ta rằng “những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi”13 và là nhằm cho sự lợi ích của chúng ta.14

Vậy thì, làm thế nào chúng ta có thể thỉnh cầu niềm vui đó? Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách “nhìn xem Đức Chúa Giê Su, là cội rễ và cuối cùng của đức tin”15 “trong mọi ý nghĩ.”16 Chúng ta có thể tạ ơn Ngài trong lời cầu nguyện của mình và bằng cách tuân giữ các giao ước mà chúng ta đã lập với Ngài và Cha Thiên Thượng. Khi Đấng Cứu Rỗi càng ngày càng trở nên thực tế hơn đối với chúng ta và khi cầu xin niềm vui của Ngài được ban cho chúng ta, thì niềm vui của chúng ta sẽ gia tăng.

Niềm vui thật là mạnh mẽ, và việc tập trung vào niềm vui mang quyền năng của Thượng Đế vào cuộc sống của chúng ta. Cũng giống như trong tất cả mọi điều, Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương tột bậc của chúng ta, “là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”17 Hãy suy nghĩ về điều đó! Để chịu đựng được kinh nghiệm cay nghiệt nhất mà chưa người nào trên thế gian từng phải chịu đựng như vậy, Đấng Cứu Rỗi đã tập trung vào niềm vui!

Và sự vui mừng đã đặt trước mặt Ngài là gì? Chắc chắn sự vui mừng đó gồm có niềm vui thanh tẩy, chữa lành, và củng cố chúng ta; niềm vui của việc chuộc trả tội lỗi của tất cả những người sẽ hối cải; niềm vui mà làm cho anh chị em và tôi có thể trở về nhà—trong sạch và xứng đáng—để sống với Cha Mẹ Thiên Thượng và gia đình của mình.

Nếu chúng ta tập trung vào niềm vui mà sẽ đến với mình, hoặc với những người mình yêu thương, thì chúng ta có thể chịu đựng điều gì mà hiện tại dường như quá sức chịu đựng, đau đớn, sợ hãi, không công bằng, hoặc đơn giản là không thể thực hiện được không?

Một người cha đang trong tình trạng hiểm nghèo về phần thuộc linh đã tập trung vào niềm vui để cuối cùng sẽ được trong sạch và được Chúa xem là xứng đáng—niềm vui của việc được giải thoát khỏi tội lỗi và xấu hổ—và niềm vui của việc có được sự yên tĩnh trong tâm hồn. Sự tập trung đó đã mang đến cho người ấy lòng can đảm để thú nhận với vợ mình và vị giám trợ về vấn đề của mình với hình ảnh sách báo khiêu dâm và tội ngoại tình của mình tiếp theo đó. Hiện nay người này đang làm theo mọi điều mà vị giám trợ khuyên bảo anh ta phải làm và hết lòng cố gắng để lấy lại lòng tin của người vợ yêu quý của mình.

Một thiếu nữ tập trung vào niềm vui của việc luôn trong sạch về mặt tình dục, để giúp cô ta chịu đựng lời chế nhạo của bạn bè, khi cô bước ra khỏi một tình huống được người ta ưa thích và đầy kích thích về mặt tình dục, nhưng nguy hiểm cho phần thuộc linh.

Một người đàn ông hay xem thường vợ mình và dễ nổi giận với con cái, tập trung vào niềm vui của việc được xứng đáng để có Đức Thánh Linh thường xuyên đồng hành với mình. Sự tập trung đó đã thúc đẩy người ấy phải cởi bỏ con người thiên nhiên của mình,18 mà người ấy rất thường xuyên không chống nổi, và có những thay đổi cần thiết.

Một đồng nghiệp thân thiết gần đây nói với tôi về hai thập niên vừa qua của anh ta có đầy những thử thách nặng nề. Anh ta nói: “Tôi đã học được cách chịu đau khổ bằng niềm vui. Nỗi đau khổ của tôi được tiêu tan trong niềm vui của Đấng Ky Tô.”19

Anh chị em và tôi sẽ có thể chịu đựng được điều gì khi chúng ta tập trung vào niềm vui đã được “đặt trước mặt”?20 Vậy thì sẽ có thể hối cải được không? Yếu điểm nào sẽ trở thành sức mạnh?21 Sự sửa phạt nào sẽ trở thành phước lành?22 Những nỗi thất vọng, thậm chí thảm kịch nào sẽ trở thành lợi ích cho chúng ta?23 Và chúng ta sẽ có thể dâng sự phục vụ khó khăn nào lên Chúa?24

Khi chúng ta siêng năng tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và sau đó làm theo mẫu mực của Ngài để tập trung vào niềm vui, thì chúng ta cần tránh những điều mà có thể gây cản trở niềm vui của chúng ta. Anh chị em còn nhớ Cô Ri Ho, kẻ chống báng Đấng Ky Tô chứ? Trong khi phun ra những điều sai trái về Đấng Cứu Rỗi, Cô Ri Ho đi từ nơi này đến nơi khác cho đến khi hắn bị giải ra trước một thầy tư tế thượng phẩm là người đã hỏi hắn: “Tại sao ngươi đi khắp nơi để làm sai lạc đường lối của Chúa như vậy? Tại sao ngươi thuyết giảng dân này là sẽ không có Đấng Ky Tô, để làm gián đoạn sự vui mừng của họ?”25

Bất cứ điều gì chống lại Đấng Ky Tô hay giáo lý của Ngài sẽ làm gián đoạn niềm vui của chúng ta. Điều đó gồm có triết lý của người đời, có rất nhiều điều trực tuyến và trong thế giới blog, làm đúng theo điều mà Cô Ri Ho đã làm.26

Nếu chúng ta trông cậy vào thế gian và tuân theo điều thế gian bảo mình làm để đạt được hạnh phúc,27 thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được niềm vui. Kẻ không ngay chính có thể trải qua nhiều mối cảm xúc và cảm giác, nhưng họ sẽ không bao giờ có được niềm vui!28 Niềm vui là một ân tứ ban cho người trung tín.29 Đó là ân tứ đến từ ý định cố gắng để sống một cuộc sống ngay chính, như đã được Chúa Giê Su Ky Tô dạy.30

Ngài dạy chúng ta cách để có được niềm vui. Khi chúng ta chọn Cha Thiên Thượng làm Thượng Đế31 của mình và khi chúng ta có thể cảm thấy Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi tác động trong cuộc sống của mình thì lòng chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui.32 Mỗi khi chúng ta chăm sóc người phối ngẫu của mình và hướng dẫn con cái mình, mỗi khi chúng ta tha thứ cho một người nào đó hay xin được tha thứ, thì chúng ta có thể cảm thấy được niềm vui.

Mỗi ngày mà anh chị em và tôi chọn sống theo luật thiên thượng, mỗi ngày mà chúng ta tuân giữ giao ước của mình và giúp người khác cũng làm như vậy, thì niềm vui sẽ thuộc về chúng ta.

Hãy lưu ý đến những lời này của Tác Giả Thi Thiên: “Tôi hằng để Đức Giê Hô Va đứng ở trước mặt tôi; Tôi chẳng hề bị rúng động, vì Ngài ở bên hữu tôi.... Trước mặt [Ngài] có trọn sự khoái lạc.”33 Khi nguyên tắc này được ghi khắc vào trong lòng chúng ta thì mỗi một ngày đều có thể là một ngày vui và đầy hân hoan.34 Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem 2 Ti Mô Thê 3:1–5.

  2. Xin xem Giáo Lý Giao Ước 45:26; 88:91.

  3. 2 Ti Mô Thê 3:2–4.

  4. Xin xem Giáo Lý Giao Ước 10:5.

  5. Ê Phê Sô 6:12.

  6. 2 Nê Phi 2:25.

  7. Thống Đốc Lilburn W. Boggs ở Missouri ban hành lệnh tiêu diệt người Mặc Môn vào ngày 27 tháng Mười năm 1838 (Xin xem Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 349).

  8. Xin xem Eliza R. Snow, trong Edward W. Tullidge, The Women of Mormondom (1877), 145–46.

  9. “Joy to the World,” Hymns, số 201.

  10. Những người truyền giáo làm theo điều Chúa truyền lệnh: họ thuyết giảng, giảng dạy, và làm phép báp têm trong danh Ngài (Xin xem Ma Thi Ơ 28:19; Mác 16:15; Mặc Môn 9:22; Giáo Lý Giao Ước 68:8; 84:62; 112:28). Trong Lời Cầu Nguyện Thay, Chúa Giê Su phán về mối quan hệ của Ngài với niềm vui của các môn đồ của Ngài. Ngài phán: “Đang khi còn ở thế gian, Con nói những điều đó, hầu cho trong lòng họ được đầy dẫy sự vui mừng của Con” (Giăng 17:13; sự nhấn mạnh được thêm vào).

  11. Xin xem An Ma 13:22.

  12. Phi Líp 4:7.

  13. Giáo Lý Giao Ước 121:7.

  14. Xin xem 2 Nê Phi 2:2.

  15. Hê Bơ Rơ 12:2.

  16. Giáo Lý Giao Ước 6:36.

  17. Hê Bơ Rơ 12:2.

  18. Xin xem Mô Si A 3:19. Ghi chú: “con người thiên nhiên” không những là kẻ thù của Thượng Đế mà còn là kẻ thù đối với vợ con của mình.

  19. Xin xem An Ma 31:38.

  20. Hê Bơ Rơ 12:2.

  21. Xin xem Ê The 12:27.

  22. Xin xem Hê Bơ Rơ 12:6.

  23. Xin xem Giáo Lý Giao Ước 122:7.

  24. Xin xem Ma Thi Ơ 19:26; Mác 10:27.

  25. An Ma 30:22. Sách Mặc Môn chứa đầy các ví dụ về những người nam và người nữ cảm nhận được niềm vui và hân hoan vì họ chọn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Bất cứ sự lựa chọn nào khác, như trong trường hợp của Cô Ri Ho, cũng đều dẫn đến sự hủy diệt cuối cùng.

  26. Lời vu khống, có nghĩa là lời xuyên tạc, được định nghĩa là một lời nói sai và hiểm độc nhằm làm tổn thương danh tiếng của một người nào đó hoặc một điều gì đó. Lời vu khống đã xảy ra trong thời kỳ của Cô Ri Ho, và hiện đang xảy ra bây giờ. Tiên Tri Joseph Smith đã nói về việc Giáo Hội không thể bị đánh bại, ngay cả khi đối diện với lời vu khống. Ông nói: “Cờ Hiệu của Lẽ Thật đã được dựng lên; không một bàn tay phàm tục nào có thể chặn đứng công việc này tiến triển; những sự ngược đãi có thể ác liệt, các đám đông khủng bố có thể liên kết, những đạo quân co thể tập họp, lời vu khống có thể đưa ra, nhưng lẽ thật của Thượng Đế sẽ thẳng tiến một cách mạnh dạn, cao quý và độc lập, cho đến khi nó thâm nhập vào mỗi lục địa, đến với mọi xứ sở, lan tràn trong mỗi quốc gia, và thấu đến tai của mỗi người, cho đến khi các mục đích của Thượng Đế đã được hoàn thành, và Đức Giê Hô Va Vĩ Đại sẽ phán công việc đã hoàn tất” (Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, 444).

  27. Thế giới dạy rằng việc mua đồ sẽ mang lại niềm vui. Và nếu việc đó không hữu hiệu thì hãy mua thêm! Thế giới cũng dạy rằng anh chị em có thể đạt được niềm vui bằng cách phạm tội này đến phạm tội khác. Và nếu việc đó không hữu hiệu thì hãy phạm tội thêm! Lời hứa là anh chị em sẽ có thể đạt được niềm vui lớn lao bằng cách làm bất cứ điều gì mà mình muốn. Điều đó không đúng đâu!

  28. Không ở trong thế giới này lẫn trong thế giới mai sau.

  29. Các Thánh Hữu ngay chính “đã gánh chịu những thập tự giá của thế gian ... là những người sẽ được thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế, ... và niềm vui sướng của họ sẽ tràn đầy mãi mãi” (2 Nê Phi 9:18).

  30. Để có ví dụ, xin xem 2 Nê Phi 27:30; An Ma 27:16–18.

  31. Xin xem 1 Nê Phi 17:40.

  32. Xin xem Mô Si A 4:2–3.

  33. Thi Thiên 16:8, 11.

  34. Xin xem Ê Sai 35:10; 2 Nê Phi 8:3.