2010–2019
Tôi Sẽ Mang Ánh Sáng Phúc Âm vào Nhà Mình
Tháng Mười năm 2016


Tôi Sẽ Mang Ánh Sáng Phúc Âm vào Nhà Mình

Chúng ta có thể mang ánh sáng phúc âm vào nhà, trường học và nơi làm việc của mình nếu chúng ta tìm kiếm và chia sẻ những điều tích cực về người khác.

Để đáp lại lời mời gọi của Chị Linda K. Burton tại đại hội trung ương tháng Tư,1 nhiều chị em phụ nữ đã tham gia vào các hành động bác ái ân cần và hào phóng tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của những người tị nạn trong khu vực địa phương của các chị em. Những hành động này gồm có nỗ lực của các chị em để giúp đỡ từng người một, cũng như việc các chị em tham gia vào các chương trình cứu trợ trong cộng đồng, những hành động đó đều là do tình yêu thương. Khi các chị em chia sẻ thời giờ, tài năng, và phương tiện, thì tấm lòng của các chị em—và của những người tị nạn—đã được nhẹ bớt. Sự phát triển của niềm hy vọng và đức tin cùng tình yêu sâu đậm hơn giữa người nhận và người cho là kết quả tất yếu của lòng bác ái chân thật.

Tiên tri Mô Rô Ni cho chúng ta biết rằng lòng bác ái là một đặc tính thiết yếu của những người sẽ sống với Cha Thiên Thượng trong thượng thiên giới. Ông viết: “Trừ phi các người có lòng bác ái, bằng không thì các người không có cách gì để được cứu vào trong vương quốc của Thượng Đế.”2

Dĩ nhiên, Chúa Giê Su Ky Tô là hiện thân hoàn hảo của lòng bác ái. Sự cam kết của Ngài trên tiền dương thế để làm Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, những giao tiếp của Ngài trong suốt cuộc sống hữu diệt của Ngài, ân tứ thiêng liêng của Ngài chính là Sự Chuộc Tội, và những nỗ lực liên tục của Ngài để mang chúng ta trở lại với Cha Thiên Thượng là cách biểu lộ tột bậc về lòng bác ái. Ngài hành động và chỉ tập trung vào một điều: tình yêu mến đối với Cha của Ngài được thể hiện qua tình yêu thương của Ngài dành cho mỗi người chúng ta. Khi được hỏi về giáo lệnh lớn nhất, Chúa Giê Su đáp:

“Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.

“Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết.

“Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”3

Một trong những cách quan trọng nhất mà chúng ta có thể phát triển và cho thấy tình yêu thương dành cho người lân cận của mình là bằng cách rộng lượng trong ý nghĩ và lời nói. Cách đây vài năm, một người bạn yêu quý của tôi đã nói: “Hình thức cao quý nhất của lòng bác ái có thể là không phê phán người khác.”4 Câu nói đó vẫn còn đúng ngày nay.

Mới gần đây, trong khi Alyssa ba tuổi đang xem một cuốn phim với anh chị em của mình thì nó đã bối rối nhận xét: “Mẹ ơi, con gà đó trông kỳ quặc quá!”

Mẹ nó nhìn vào màn hình và mỉm cười trả lời: “Con yêu ơi, đó là một con công mà.”

Cũng giống như đứa bé ba tuổi ngây ngô đó, đôi khi chúng ta nhìn người khác với một sự hiểu biết không đầy đủ hoặc không chính xác. Chúng ta có thể tập trung vào những điểm khác biệt và những khuyết điểm thấy được ở những người xung quanh trong khi Cha Thiên Thượng nhìn thấy con cái được tạo ra theo hình ảnh vĩnh cửu của Ngài, với tiềm năng tuyệt vời và vinh quang.

Chúng ta nhớ đến câu nói của Chủ Tịch James E. Faust: “Càng lớn tuổi, tôi càng trở nên ít phê phán.”5 Câu nói đó nhắc nhở tôi về lời dạy của Sứ Đồ Phao Lô:

“Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ.

“Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy.”6

Khi nhìn thấy rõ hơn những điểm không hoàn hảo của mình, chúng ta ít có khuynh hướng nhìn người khác qua “một cái gương, cách mập mờ.” Chúng ta muốn sử dụng ánh sáng của phúc âm để nhìn giống những người khác như Đấng Cứu Rỗi—với lòng trắc ẩn, hy vọng và bác ái. Ngày đó sẽ đến khi chúng ta có một sự hiểu biết trọn vẹn về tấm lòng của người khác và biết ơn đã được ban cho lòng thương xót—cũng giống như chúng ta có những ý nghĩ và lời nói bác ái đối với người khác trong cuộc sống này.

Cách đây vài năm, tôi đi chèo thuyền với một nhóm thiếu nữ. Những cái hồ nước xanh biếc được bao quanh bởi các ngọn đồi xanh tươi, cây cối rậm rạp và các mỏm đá ngoạn mục rất đẹp. Mặt nước hồ trong veo lấp lánh ánh nắng khi chúng tôi đẩy sâu mái chèo xuống nước, và chúng tôi êm ả chèo thuyền ngang qua mặt hồ dưới ánh nắng mặt trời ấm áp.

Tuy nhiên, chẳng mấy chốc bầu trời tối sầm lại vì những đám mây đen và gió mạnh bắt đầu thổi tới. Để chèo về phía trước, chúng tôi đã phải đẩy sâu mái chèo xuống nước, và chèo không nghỉ. Sau một vài giờ mệt nhoài vì chèo thuyền vất vả, cuối cùng chúng tôi đã chèo sang một khu vực khác của cái hồ lớn đó và ngạc nhiên cùng thú vị khám phá ra rằng gió đang thổi theo hướng chúng tôi muốn đi.

Chúng tôi nhanh chóng chụp lấy cơ hội may mắn này. Chúng tôi lấy ra một tấm bạt nhỏ, buộc hai góc vào mấy cái chèo và các góc kia vào đôi chân của chồng tôi đang duỗi dài trên mép thuyền. Gió thổi căng cánh buồm mới được chế tạo ra để ứng biến, và thuyền chúng tôi trôi rất nhanh!

Khi các thiếu nữ ở thuyền bên kia thấy cách chúng tôi di chuyển trên nước thật dễ dàng, thì họ cũng nhanh chóng chế tạo ra cánh buồm ứng biến của họ. Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm và cười vui vẻ, biết ơn đã được nghỉ ngơi khỏi phải vật lộn với công việc chèo thuyền trong ngày đó.

Cũng giống như ngọn gió tuyệt diệu đó, lời khen chân thành của một người bạn, lời chào hỏi vui vẻ của một người cha hay mẹ, cái gật đầu chấp thuận của một người anh chị em, hay nụ cười giúp ích của một người đồng nghiệp hoặc bạn học, tất cả những điều này mang đến những cảm giác khuây khỏa giống như ngọn gió mát với cánh buồm của chúng tôi, trong khi chúng ta đương đầu với những thử thách của cuộc sống! Chủ Tịch Thomas S. Monson nói về nguyên tắc đó như sau: “Chúng ta không thể đổi hướng gió, nhưng chúng ta có thể điều chỉnh cánh buồm. Để được nhiều hạnh phúc, bình an, và sự hài lòng nhất, cầu xin cho chúng ta chọn một thái độ lạc quan.”7

Những lời nói có sức mạnh đáng ngạc nhiên, có thể làm cho người khác vui lẫn làm cho họ buồn. Chúng ta có lẽ đều nhớ những lời nói tiêu cực mà làm cho chúng ta nản lòng và những lời nói khác được thốt ra với tình yêu thương đã làm nâng cao tinh thần của chúng ta. Việc chọn để chỉ nói lời tích cực về người khác—và với—người khác đều làm nâng cao tinh thần và củng cố những người xung quanh và giúp người khác đi theo con đường của Đấng Cứu Rỗi.

Hình Ảnh
Dòng chữ thêu “Tôi sẽ mang ánh sáng của phúc âm vào nhà tôi”

Khi còn là một bé gái trong Hội Thiếu Nhi, tôi đã siêng năng cố gắng thêu dòng chữ: “Tôi sẽ mang ánh sáng của phúc âm vào nhà tôi.” Một buổi trưa trong tuần, trong khi bọn con gái chúng tôi đang đưa mũi kim lên xuống xuyên qua tấm vải, thì giảng viên của chúng tôi kể cho chúngtôi nghe câu chuyện về một cô bé sống trên một ngọn đồi ở bên kia thung lũng. Mỗi buổi chiều, cô bé ấy đều nhận thấy trên ngọn đồi ở phía bên kia thung lũng một căn nhà có các cửa sổ bằng vàng sáng bóng. Nhà của em ấy thì nhỏ và hơi tồi tàn, và em ấy mơ ước được sống trong ngôi nhà tuyệt đẹp đó với các cửa sổ bằng vàng.

Một hôm, cô bé đó được cho phép đạp xe đạp ngang qua thung lũng. Em ấy hăm hở đạp xe cho đến khi đến được ngôi nhà với cửa sổ bằng vàng mà em đã ngưỡng mộ từ lâu. Nhưng khi xuống xe, cô bé ấy thấy rằng ngôi nhà này bị bỏ hoang và đổ nát, cỏ dại mọc cao trong sân và các cửa sổ thì đơn sơ và dơ bẩn. Cô bé đó buồn bã quay mặt hướng về phía nhà mình. Ngạc nhiên thay, cô bé ấy nhìn thấy một ngôi nhà với cửa sổ bằng vàng sáng bóng trên ngọn đồi ngang qua thung lũng, và sớm nhận ra rằng đó chính là nhà của mình!8

Đôi khi, giống như cô bé này, chúng ta nhìn vào điều người khác có thể có hoặc hiện trạng của họ và cảm thấy rằng mình kém hơn nếu so sánh. Chúng ta trở nên tập trung vào khía cạnh cuộc sống mà họ phơi bày trên trang mạng truyền thông xã hội hoặc bị lôi cuốn vào mối bận tâm đến việc tranh đua ở trường học hoặc nơi làm việc của mình. Tuy nhiên, khi dành ra một khoảnh khắc để “đếm nhiều phước lành [của chúng ta],”9 thì chúng ta sẽ thấy được với một cái nhìn đúng hơn và thừa nhận lòng nhân từ của Thượng Đế dành cho tất cả con cái của Ngài.

Cho dù chúng ta là 8 hay là 108 tuổi thì chúng ta cũng có thể mang ánh sáng của phúc âm vào nhà của mình, cho dù đó là một căn hộ cao tầng ở Manhattan, một căn nhà sàn ở Malaysia, hay một cái lều làm bằng da thú ở Mông Cổ. Chúng ta có thể quyết định phải tìm kiếm điều tốt lành ở những người khác và trong các hoàn cảnh xung quanh mình. Các thiếu nữ và phụ nữ ở khắp mọi nơi đều có thể cho thấy lòng bác ái khi họ chọn sử dụng những lời nói nhằm xây đắp sự tin tưởng và đức tin nơi người khác.

Anh Cả Jeffrey R. Holland kể câu chuyện về một thanh niên đã bị bạn bè chọc ghẹo trong suốt những năm anh đi học. Một vài năm sau, anh ta dọn đi, gia nhập quân đội, nhận được một học vấn, và trở nên tích cực trong Giáo Hội. Giai đoạn này của cuộc sống của anh ta tràn đầy những kinh nghiệm thành công tuyệt vời.

Sau vài năm, anh ta trở về quê hương của mình. Tuy nhiên, những người dân ở đó không chịu thừa nhận sự trưởng thành và cải thiện của anh. Đối với họ, anh ta vẫn còn “vô danh” như trước đây, và họ đối xử với anh ta như thế. Cuối cùng, người tốt bụng này mất gần hết những tiến bộ anh ta đã đạt được mà không thể sử dụng các tài năng phát triển một cách kỳ diệu để một lần nữa ban phước cho những người đã chế giễu và khước từ anh ta.10 Thật là một mất mát to lớn, đối với cả anh ta lẫn cộng đồng!

Sứ Đồ Phi E Rơ dạy: “Nhất là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi.” Lòng bác ái 11nhiệt thành có nghĩa là “hết lòng,” được cho thấy bằng cách quên đi những lỗi lầm và vấp phạm của người khác thay vì chất chứa hận thù hoặc tự nhắc nhở mình và những người khác về những điều không hoàn hảo trong quá khứ.

Bổn phận và đặc ân của chúng ta là chấp nhận sự cải thiện nơi tất cả mọi người khi chúng ta cố gắng trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Thật là điều phấn khởi để nhìn thấy ánh sáng trong mắt của một người nào đó đã tiến đến để hiểu Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và đang có những thay đổi thực sự trong cuộc sống! Những người truyền giáo nào đã cảm nhận được niềm vui của việc nhìn thấy một người cải đạo bước vào hồ nước báp têm và sau đó bước vào cửa của ngôi đền thờ đều là nhân chứng về phước lành của việc cho phép—và khuyến khích—những người khác thay đổi. Các tín hữu chào đón những người cải đạo mà đã được cho là không thể nào vào vương quốc đều thấy rất hài lòng trong việc giúp những người cải đạo này cảm nhận được tình yêu thương của Chúa. Nét đẹp tuyệt vời của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là thực tế của sự tiến triển vĩnh cửu—chúng ta không những được phép thay đổi để được tốt hơn mà còn được khuyến khích, và thậm chí còn được truyền lệnh, phải cố gắng đạt được sự cải thiện, và cuối cùng là đạt được sự hoàn hảo.

Chủ Tịch Thomas S. Monson dạy: “Trong một trăm cách nhỏ nhặt, tất cả các chị em đều thể hiện lòng bác ái. ... Thay vì xét đoán và chỉ trích nhau, cầu xin cho chúng ta có tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô dành cho đồng bào của mình trong cuộc hành trình suốt cuộc sống này. Cầu xin cho chúng ta nhận ra rằng mỗi chị em phụ nữ [hoặc các anh em] đang cố gắng hết sức mình để đối phó với những thử thách trước mặt họ và cầu xin cho chúng ta cố gắng hết sức mình để giúp đỡ.”12

Một người có lòng bác ái là người có lòng kiên nhẫn, nhân từ và mãn nguyện. Một người có lòng bác ái đặt người khác lên trước, khiêm tốn, thực hành tính tự chủ, tìm kiếm điều tốt nơi người khác, và vui mừng khi có ai đó được khấm khá.13

Là các chị em phụ nữ (và các anh em) trong Si Ôn, chúng ta sẽ cam kết “tất cả đều làm việc chung ... để làm bất cứ điều gì dịu dàng và nhân đạo, để khuyến khích và ban phước trong danh [của Đấng Cứu Rỗi]” không?14 Với tình yêu thương và hy vọng dồi dào, chúng ta có thể tìm kiếm và chấp nhận các thuộc tính tốt đẹp ở những người khác, trong khi cho phép và khuyến khích sự tiến bộ không? Chúng ta có thể vui mừng về những thành tựu của người khác trong khi tiếp tục cố gắng hướng tới việc cải thiện bản thân không?

Vâng, chúng ta có thể mang ánh sáng phúc âm vào nhà, trường học và nơi làm việc của mình nếu chúng ta tìm kiếm và chia sẻ những điều tích cực về người khác và không chú trọng vào những điều không hoàn hảo. Lòng tôi tràn đầy biết ơn khi tôi nghĩ tới sự hối cải mà Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, đã có thể thực hiện cho tất cả chúng ta là những người đã không tránh khỏi phạm tội trong thế giới không hoàn hảo và đôi khi khó khăn này!

Tôi làm chứng rằng khi chúng ta noi theo tấm gương hoàn hảo của Ngài, thì chúng ta có thể nhận được ân tứ về lòng bác ái, mà sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui lớn lao trong cuộc sống này và phước lành đã được hứa về cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Linda K. Burton, “Ta Là Khách Lạ,” Liahona, tháng Năm năm 2016, 13–15.

  2. Mô Rô Ni 10:21.

  3. Ma Thi Ơ 22:37–39.

  4. Sandra Rogers, “Hearts Knit Together,” trong Hearts Knit Together: Các bài nói chuyện từ Đại Hội Phụ Nữ năm 1995 (1996), 7.

  5. James E. Faust, in Dallin H. Oaks, “‘Judge Not’ and Judging,” Ensign, tháng Tám năm 1999, 13.

  6. 1 Cô Rinh Tô 13:11–12.

  7. Thomas S. Monson, “Sống Một Cuộc Sống Dư Dật,” Liahona, Tháng Giêng năm 2012, 4.

  8. Trích từ Laura E. Richards, The Golden Windows: A Book of Fables for Young and Old (1903), 1–6.

  9. “Đếm Các Phước Lành,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 8.

  10. Xin xem Jeffrey R. Holland, “The Best Is Yet to Be,” Liahona, tháng Giêng năm 2010, 18–19.

  11. 1 Phi E Rơ 4:8.

  12. Thomas S. Monson, “Lòng Bác Ái Không Bao Giờ Hư Mất,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 125.

  13. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 13:4–6.

  14. “As Sisters in Zion,” Hymns, số 309; sự nhấn mạnh được thêm vào.