2010–2019
“Ở trong Sự Yêu Thương Ta”
Tháng Mười năm 2016


“Ở trong Sự Yêu Thương Ta”

Tình yêu thương của Thượng Đế là vô hạn và sẽ tiếp tục mãi mãi, nhưng ý nghĩa của tình yêu thương đối với mỗi người chúng ta tùy thuộc vào cách chúng ta đáp ứng tình yêu thương của Ngài.

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “Đức Chúa Trời là sự yêu thương.”1 Ngài là tấm gương yêu thương hoàn hảo, và chúng ta trông cậy nhiều vào sự thật là tình yêu thương đó của Ngài là bền bỉ và dành cho mọi người. Như Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói: “Tình yêu thương của Thượng Đế có sẵn cho các [anh] chị em cho dù các [anh] chị em có cảm thấy là mình xứng đáng với tình yêu thương đó hay không. Tình yêu thương của Thượng Đế đơn giản là luôn luôn có sẵn.”2

Có rất nhiều cách để mô tả và nói về tình yêu thương thiêng liêng. Một trong những từ mà chúng ta thường nghe thấy sử dụng ngày nay để mô tả tình yêu thương của Thượng Đế là “vô điều kiện.” Mặc dù về một phương diện, điều đó là đúng, nhưng sự miêu tả vô điều kiện như vậy không tìm thấy ở bất cứ chỗ nào trong thánh thư. Thay vì thế, tình yêu thương của Ngài được mô tả trong thánh thư là “tình thương yêu bao la và kỳ diệu,”3 “tình thương trọn vẹn,”4 “tình yêu cứu chuộc,”5 và “sự yêu thương đời đời.”6 Đây là những từ hay hơn vì từ vô điều kiện có thể truyền đạt một ý nghĩ sai lầm về tình yêu thương thiêng liêng, chẳng hạn như Thượng Đế khoan dung và tha thứ cho bất cứ điều gì chúng ta làm sai vì tình yêu thương của Ngài là vô điều kiện, hoặc Thượng Đế không đòi hỏi gì nơi chúng ta vì tình yêu thương của Ngài là vô điều kiện, hoặc tất cả mọi người đều được cứu rỗi vào vương quốc của Thượng Đế vì tình yêu thương của Thượng Đế là vô điều kiện. Tình yêu thương của Thượng Đế là vô hạn và sẽ tiếp tục mãi mãi, nhưng ý nghĩa của tình yêu thương đối với mỗi người chúng ta tùy thuộc vào cách chúng ta đáp ứng tình yêu thương của Ngài.

Chúa Giê Su phán:

“Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của ta.

“Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài.”7

“Cứ ở trong” hoặc “sẽ ở trong” tình yêu của Đấng Cứu Rỗi có nghĩa là nhận được ân điển của Ngài và được toàn thiện nhờ ân điển đó.8 Để nhận được ân điển của Ngài, chúng ta cần phải có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, kể cả việc hối cải tội lỗi của mình, làm phép báp têm để được xá miễn tội lỗi, tiếp nhận Đức Thánh Linh, và tiếp tục vâng lời.9

Thượng Đế sẽ luôn luôn yêu thương chúng ta, nhưng Ngài không thể cứu rỗi chúng ta trong tội lỗi của chúng ta.10 Hãy nhớ tới những lời của A Mu Léc nói với Giê Rôm rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ không cứu rỗi dân Ngài trong tội lỗi của họ, nhưng khỏi tội lỗi của họ,11 với lý do là với tội lỗi, chúng ta sẽ ô uế và “không một vật gì ô uế có thể thừa hưởng vương quốc thiên thượng”12 hoặc ở nơi hiện diện của Thượng Đế. “Và [Đấng Ky Tô] được Đức Chúa Cha ban cho quyền năng để cứu chuộc họ khỏi tội lỗi của họ nhờ sự hối cải; do đó Ngài đã phái các thiên sứ đi rao truyền tin mừng về những điều kiện hối cải, là những điều kiện dẫn đến quyền năng của Đấng Cứu Chuộc và dẫn đến sự cứu rỗi linh hồn họ.”13

Từ Sách Mặc Môn, chúng ta biết rằng mục đích của nỗi đau khổ của Đấng Ky Tô—sự biểu hiện tột bậc về tình yêu thương của Ngài—là “để thực hiện lòng thương xót tận tâm can, mà lòng thương xót này chế ngự cả công lý và đem lại cho loài người một phương tiện để họ có được đức tin đưa đến sự hối cải.

“Và do đó, lòng thương xót có thể thỏa mãn được sự đòi hỏi của công lý, và bao quanh nó bởi vòng tay an toàn, trong lúc đó kẻ nào không thực hành đức tin đưa đến sự hối cải thì sẽ bị phơi bày ra trước luật pháp trọn vẹn về những đòi hỏi của công lý; vậy nên, chỉ có kẻ nào có đức tin đưa lại sự hối cải mới hưởng được kế hoạch cứu chuộc vĩ đại và vĩnh cửu.”14

Vậy thì, sự hối cải là ân tứ của Ngài ban cho chúng ta, được mua với một cái giá rất cao.

Một số người sẽ cãi rằng Thượng Đế ban phước đồng đều cho mọi người—ví dụ, khi nói về lời phán của Chúa Giê Su trong Bài Giảng trên Núi: “[Thượng Đế] khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.”15 Thật vậy, Thượng Đế ban xuống cho tất cả con cái của Ngài mọi phước lành mà Ngài có thể ban—tất cả các phước lành mà tình yêu thương, luật pháp, công lý và lòng thương xót sẽ cho phép. Và Ngài truyền lệnh cho chúng ta cũng phải rộng rãi như vậy:

“Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi

“Hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời.”16

Tuy nhiên, các phước lành lớn lao hơn của Thượng Đế được ban cho dựa trên điều kiện là chúng ta phải vâng lời. Chủ Tịch Russell M. Nelson giải thích: “Tình yêu thương sâu đậm tuyệt vời của Thượng Đế—kể cả cuộc sống vĩnh cửu—gồm có các phước lành mà chúng ta phải hội đủ điều kiện để nhận được, chứ không phải là các phước lành mà chúng ta nhận được cho dù không xứng đáng. Những kẻ tội lỗi không thể nào áp đặt ý muốn của Ngài theo ý họ và đòi Ngài phải ban phước cho họ trong tội lỗi [xin xem An Ma 11:37]. Nếu họ muốn tận hưởng từng phước lành tuyệt vời của Ngài thì họ phải hối cải.”17

Ngoài việc làm cho người ăn năn trở thành vô tội và không tì vết với lời hứa là người ấy “sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng,”18 còn có một khía cạnh quan trọng thứ hai là ở trong tình yêu thương Thượng Đế. Việc ở trong tình yêu thương Ngài sẽ làm cho chúng ta có khả năng để nhận ra tiềm năng trọn vẹn của chúng ta, để trở thành giống như Ngài.19 Như Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã nói: “Ân điển của Thượng Đế không chỉ phục hồi cho chúng ta trạng thái vô tội trước đây của mình. ... Mục tiêu của Ngài là cao hơn nhiều: Ngài muốn các con trai và con gái của Ngài trở thành giống như Ngài.”20

Trong ý nghĩa này, việc ở trong tình yêu thương Thượng Đế có nghĩa là hoàn toàn tuân phục theo ý muốn của Ngài. Điều này có nghĩa là chấp nhận sự sửa chỉnh của Ngài khi cần thiết, “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu.”21 Điều này có nghĩa là phải yêu thương và phục vụ lẫn nhau như Chúa Giê Su yêu thương và phục vụ chúng ta.22 Điều này có nghĩa là phải học cách “tuân theo luật pháp của vương quốc thượng thiên” để chúng ta có thể “đương nổi vinh quang thượng thiên.”23 Để Ngài có thể làm cho chúng ta thành con người chúng ta có thể trở thành, Cha Thiên Thượng khẩn nài với chúng ta nên chịu theo “những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, cởi bỏ con người thiên nhiên của mình, và trở nên một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa, và trở thành như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy.”24

Anh Cả Dallin H. Oaks nhận xét: “Sự Phán Xét Cuối Cùng không chỉ là một sự đánh giá tất cả những hành động tốt lành hay tà ác—mà chúng ta đã làm. Mà là việc nhìn nhận thành quả cuối cùng của hành động và ý nghĩ—mà chúng ta đã trở thành.25

Câu chuyện về Helen Keller giống như một chuyện ngụ ngôn cho thấy cách mà tình yêu thương thiêng liêng có thể biến đổi một tâm hồn sẵn sàng chịu sửa đổi. Helen sinh ra ở tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ vào năm 1880. Khi mới 19 tháng, bà đã mắc phải một căn bệnh không được chẩn đoán mà làm cho bà trở nên vừa điếc vừa mù. Bà thông minh vô cùng và trở nên thất vọng khi cố gắng để thấu hiểu mọi việc xung quanh mình. Khi Helen chạm tay vào đôi môi đang nói chuyện của những người trong gia đình và nhận ra rằng họ đã sử dụng miệng để nói thì “bà đã trở nên thịnh nộ [vì] bà không thể tham gia vào cuộc chuyện trò.”26 Khi Helen được sáu tuổi, nhu cầu giao tiếp và nỗi thất vọng của bà gia tăng mãnh liệt đến mức “cơn tức giận của bà xảy ra hàng ngày, đôi khi hàng giờ.”27

Cha mẹ của Helen đã thuê một giáo viên cho con gái của họ, một phụ nữ tên là Anne Sullivan. Cũng giống như Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng hiểu được những sự yếu đuối của chúng ta,28 Anne Sullivan đã phải vật lộn với những khó khăn của riêng mình cùng hiểu được những sự yếu đuối của Helen. Vào lúc năm tuổi, Anne đã mắc phải một căn bệnh để lại cái sẹo đau đớn trong giác mạc và làm cho bà gần mù. Khi Anne tám tuổi, mẹ bà qua đời; cha bà bỏ rơi bà và em trai bà là Jimmie; và họ đã được gửi đến một tổ chức giúp đỡ người nghèo và những điều kiện ở đó tồi tệ đến nỗi Jimmie đã qua đời chỉ sau ba tháng. Bằng cách kiên trì bền bỉ, Anne đã trở thành học sinh của Trường Perkins dành cho Người Mù và khiếm thị, nơi mà bà đã thành công rực rỡ. Bà đã được phẫu thuật để làm cho thị giác của bà được khá hơn để bà có thể đọc được bản in. Khi cha của Helen Keller liên lạc với Trường Perkins để tìm kiếm một người để làm giáo viên cho con gái của mình, thì Anne Sullivan đã được chọn.29

Kinh nghiệm giảng dạy của Anne không được tốt đẹp lắm vào lúc đầu. “Helen đánh, cấu véo, đá cô giáo và làm gẫy một chiếc răng của cô giáo. Cuối cùng [Anne] kiềm chế [Helen] được bằng cách đưa [Helen] vào một ngôi nhà nhỏ trên cơ ngơi của gia đình Keller. Với lòng kiên nhẫn và tính kiên định vững chắc, cuối cùng cô giáo cũng cảm hóa tấm lòng và sự tin cậy của học trò.”30 Tương tự như vậy, khi chúng ta tiến đến việc tin cậy thay vì chống lại Đức Thầy thiêng liêng của mình thì Ngài có thể cùng lao nhọc với chúng ta để giảng dạy và giúp chúng ta tiến đến một trạng thái mới.31

Để giúp Helen học các từ ngữ, Anne thường đánh vần tên của các đồ vật quen thuộc bằng cách dùng tay ghi vào lòng bàn tay của Helen. “[Helen] thích trò chơi này với ngón tay, nhưng không hiểu cho đến khoảnh khắc trứ danh đó khi [Anne] đánh vần từ ‘n-ư-ớ-c’ trong khi bơm nước vào tay của [Helen]. Về sau [Helen] đã viết:

“‘Đột nhiên, tôi cảm thấy có một ý thức mơ hồ như thể một điều gì đó đã bị lãng quên ... và bằng cách nào đó kiến thức về ngôn ngữ đã được tiết lộ cho tôi. Rồi tôi biết rằng từ “n-ư-ớ-c” có nghĩa là một chất lỏng mát mẻ và tuyệt vời đang chảy trên tay tôi. Cái từ mạnh mẽ đó đánh thức tâm hồn tôi, mang đến sự hiểu biết, niềm hy vọng, niềm vui, cho tâm hồn tôi và giải thoát nó! ... Tất cả mọi thứ đều có một cái tên, và mỗi cái tên nảy sinh ra một ý nghĩ mới. Khi chúng tôi trở về nhà [,] mỗi đồ vật ... mà tôi sờ tay vào dường như tràn đầy sức sống.’”32

Hình Ảnh
Helen Keller và Anne Sullivan

Khi Helen Keller đến tuổi trưởng thành, bà càng nổi tiếng về tình yêu mến của mình đối với ngôn ngữ, kỹ năng của bà là một nhà văn, và tài hùng biện của bà là một nhà diễn thuyết trước công chúng.

Trong một cuốn phim mô tả cuộc đời của Helen Keller, cha mẹ của bà được mô tả là rất hài lòng với công việc của Anne Sullivan sau khi Anne đã thuần hóa đứa con gái bất trị của họ đến mức mà Helen đã chịu ngồi xuống một cách lịch sự trong bữa ăn, ăn uống bình thường, và gấp khăn ăn của mình sau khi ăn xong. Nhưng Anne biết là Helen còn có rất nhiều khả năng hơn nữa và sẽ còn có những đóng góp đáng kể.33 Chúng ta cũng có thể khá hài lòng với điều mình đã làm được trong cuộc sống, và chúng ta chỉ là con người, trong khi Đấng Cứu Rỗi thiêng liêng của chúng ta thấu hiểu một tiềm năng vinh quang mà chúng ta chỉ nhận thức được “trong một cái gương, một cách mập mờ.”34 Mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận niềm vui mãnh liệt của tiềm năng thiêng liêng phát triển ở bên trong chúng ta cũng gần giống như niềm vui Helen Keller đã cảm thấy khi từ ngữ trở nên mạnh mẽ đối với bà, mang ánh sáng đến cho tâm hồn của bà và giải thoát nó. Mỗi chúng ta có thể yêu thương và phục vụ Thượng Đế và được ban cho quyền năng để ban phước cho đồng loại của mình. “Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, Và lòng người chưa nghĩ đến, Nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài.”35

Chúng ta hãy xem xét cái giá mà Thượng Đế phải trả cho tình yêu thương quý báu của Ngài. Chúa Giê Su đã tiết lộ rằng để chuộc tội lỗi của chúng ta và cứu chuộc chúng ta khỏi cái chết, cả về thể chất lẫn thuộc linh, nỗi đau khổ của Ngài làm cho chính Ngài, “dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn—và [Ngài] mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy, và co rúm.”36 Nỗi thống khổ của Ngài trong Vườn Ghết Xê Ma Nê và trên thập tự giá là cùng cực hơn bất cứ người trần thế nào có thể chịu đựng nổi.37 Tuy nhiên, vì tình yêu thương của Ngài đối với Đức Chúa Cha và dành cho chúng ta, Ngài đã chịu đựng, và do đó, Ngài có thể mang đến cho chúng ta sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu.

Hình Ảnh
Máy ép dầu Ô Liu

Đó là biểu tượng sâu sắc mà “máu [đã] chảy ra từ mọi lỗ chân lông”38 trong khi Chúa Giê Su phải chịu đau đớn ở trong vườn Ghết Xê Ma Nê, nơi ép dầu ô liu. Để sản xuất dầu ô liu trong thời kỳ của Đấng Cứu Rỗi, trước hết quả ô liu được nghiền nát bằng cách lăn một hòn đá lớn lên trên. Kết quả là “xác ô liu” được đặt vào mấy cái giỏ mềm, dệt thưa đã được chất đống lên nhau. Sức nặng của đống ô liu đó ép ra loại dầu thứ nhất và tốt nhất. Sau đó, người ta ép thêm bằng cách đặt một cái đòn hoặc khúc gỗ lên phía trên mấy cái giỏ xếp chồng lên nhau, để ép ra thêm dầu. Cuối cùng, để ép ra những giọt dầu ô liu cuối cùng, cái đòn với một đầu là đá được đè xuống để tạo ra sức nghiền tối đa.39 Và đúng vậy, khi mới ép ra thì dầu có màu đỏ như máu.

Hình Ảnh
Máy ép dầu ô liu với dầu ô liu

Tôi nghĩ tới câu chuyện của Ma Thi Ơ về Đấng Cứu Rỗi khi Ngài bước vào Vườn Ghết Xê Ma Nê vào cái đêm định mệnh đó—thì Ngài “buồn bực và sầu não lắm. ...

“Rồi Ngài bước tới một ít, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.”40

Rồi, trong khi lòng càng nặng trĩu nỗi buồn hơn, Ngài đã khẩn cầu lần thứ hai để được giúp đỡ và cuối cùng, có lẽ vào lúc đau khổ tột cùng, Ngài đã khẩn cầu thêm lần thứ ba. Ngài đã chịu đựng nỗi thống khổ cho đến khi công lý được thỏa mãn cho đến giây phút cuối cùng.41 Ngài đã làm điều này cho anh chị em và tôi.

Tình yêu thương thiêng liêng thật là một ân tứ quý giá! Với tấm lòng tràn đầy tình yêu thương đó, Chúa Giê Su hỏi: “Các ngươi không muốn trở về cùng ta, và hối cải tội lỗi và được cải đạo để ta có thể chữa lành cho các ngươi chăng?”42 Ngài dịu dàng trấn an: “Này, cánh tay thương xót của ta đã dang ra về phía các ngươi, và bất cứ kẻ nào đến, ta đều đón nhận; và phước thay cho những ai đến cùng ta.” 43

Anh chị em chẳng sẽ yêu mến Ngài là Đấng đã yêu thương anh chị em trước sao? 44 Vậy thì, hãy tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.45 Anh chị em sẽ là người bạn của Ngài là Đấng đã phó mạng sống của Ngài cho bạn bè Ngài không?46 Vậy thì, hãy tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.47 Anh chị em sẽ ở trong tình yêu thương Ngài và nhận được tất cả những gì Ngài rộng lượng ban cho anh chị em không? Vậy thì, hãy tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.48 Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ ở trọn vẹn trong tình yêu thương của Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.