2010–2019
Các Thánh Hữu Ngày Sau Tiếp Tục Cố Gắng
Tháng tư 2015


Các Thánh Hữu Ngày Sau Tiếp Tục Cố Gắng

Khi cố gắng, kiên trì, và giúp người khác cũng làm như vậy, thì chúng ta là Các Thánh Hữu Ngày Sau chân chính.

Các anh chị em thân mến, vào tháng Mười Hai năm 2013, cả thế giới thương tiếc trước cái chết của Nelson Mandela. Sau 27 năm bị cầm tù vì vai trò của ông trong cuộc đấu tranh chống lại chính sách phân biệt chủng tộc, Mandela là vị tổng thống dân cử đầu tiên của Nam Phi. Việc ông tha thứ cho những người đã bỏ tù ông thật là phi thường. Mọi người đều vinh danh và khen ngợi ông.1 Mandela thường từ chối những lời khen ngợi bằng cách nói rằng: “Tôi không phải là thánh—nghĩa là, trừ khi quý vị nghĩ rằng một vị thánh là một người phạm tội vẫn không ngừng cố gắng.”2

Câu nói này—“một vị thánh là một người phạm tội vẫn không ngừng cố gắng” nên được dùng để trấn an và khuyến khích các tín hữu của Giáo Hội. Mặc dù chúng ta được gọi là “Thánh Hữu Ngày Sau,” nhưng đôi khi chúng ta cũng không thoải mái với câu nói này. Từ Thánh Hữu thường được sử dụng để chỉ những người đã đạt được một trạng thái gia tăng của sự thánh thiện hoặc thậm chí còn là hoàn hảo nữa. Và chúng ta biết rất rõ là chúng ta không hoàn hảo.

Tuy nhiên, niềm tin tôn giáo của chúng ta quả thật dạy rằng chúng ta có thể được hoàn hảo bằng cách liên tục tiến triển và “trông cậy hoàn toàn vào” giáo lý của Đấng Ky Tô: thực hành đức tin nơi Ngài, hối cải, dự phần Tiệc Thánh để tái lập các giao ước và phước lành của phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh với tư cách là một người bạn đồng hành thường xuyên theo mức độ nhiều hơn. Khi làm như vậy, chúng ta trở nên giống Đấng Ky Tô hơn và có thể chịu đựng đến cùng, với tất cả những điều kèm theo.3 Nói một cách giản dị hơn, Thượng Đế quan tâm rất nhiều đến con người hiện tại của chúng ta và con người mà chúng ta sẽ trở thành hơn là con người trước đây của chúng ta.4 Ngài chỉ quan tâm đến việc chúng ta tiếp tục cố gắng.

Vở hài kịch As You Like It, do nhà viết kịch người Anh là William Shakespeare viết, mô tả một thay đổi lớn trong cuộc sống của một nhân vật. Một người anh mưu toan giết chết người em trai của mình. Ngay cả khi biết điều này, người em vẫn cứu mạng người anh tà ác của mình khỏi cái chết. Khi biết được lòng trắc ẩn không xứng đáng để nhận được này, người anh hoàn toàn và vĩnh viễn thay đổi và gọi đó là “sự cải đổi”. Về sau một vài phụ nữ đi tới người anh và hỏi: “Có phải ông đã thường âm mưu để giết chết [em của ông] không?”

Người anh đáp: “Chính là tôi trước đây, nhưng không phải là tôi bây giờ. Tôi không hổ thẹn để nói cho mấy người biết tôi đã từng như thế nhưng—kể từ khi sự cải đổi của tôi tuyệt vời đến nỗi nó làm cho tôi trở thành con người bây giờ đây.”5

Đối với chúng ta, nhờ vào lòng thương xót của Thượng Đế và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, một sự thay đổi như vậy không phải chỉ là điều hoang tưởng chỉ thấy trong tiểu thuyết mà thôi. Qua Ê Xê Chi Ên, Chúa phán:

“Đối với các dữ của kẻ dữ, ông sẽ không sa ngã trong ngày hôm đó đã xây bỏ sự gian ác của mình. …

“… Nếu kẻ dữ ấy xây bỏ tội lỗi mình, theo luật pháp và hiệp với lẽ thật;

“… Nếu nó trả lại của cầm, đền bồi vật nó đã cướp lấy, bước theo lệ luật của sự sống, và không phạm sự gian ác nữa, thì chắc nó sẽ sống và không chết đâu. …

“Chẳng có một tội nào nó đã phạm sẽ được nhớ lại nghịch cùng nó; nó đã làm theo luật pháp và hiệp với lẽ thật.”6

Trong lòng thương xót của Ngài, Thượng Đế hứa ban cho sự tha thứ khi chúng ta hối cải và xa lánh sự tà ác—nhiều đến nỗi tội lỗi của chúng ta còn sẽ không được đề cập đến nữa. Đối với chúng ta, nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô và sự hối cải của mình, chúng ta có thể nhìn vào những hành động trong quá khứ và nói: “Chính là tôi trước đây, nhưng không phải là tôi bây giờ. Cho dù chúng ta có tà ác đến đâu đi nữa trong quá khứ, thì chúng ta vẫn có thể nói: “Đó là con người của tôi trước đây. Nhưng bây giờ tôi không còn quá khứ tà ác đó nữa.”7

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy: “Một trong những ân tứ lớn nhất của Thượng Đế cho chúng ta là niềm vui của việc cố gắng một lần nữa, vì thất bại không bao giờ là điều cuối cùng cả.”8 Ngay cả nếu chúng ta có ý thức, có chủ ý để phạm tội hoặc đã nhiều lần gặp thất bại và thất vọng, thì lúc mà chúng ta quyết định cố gắng một lần nữa, Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô có thể giúp đỡ chúng ta. Và chúng ta cần nhớ rằng không phải là Đức Thánh Linh bảo chúng ta rằng chúng ta đã có quá nhiều tội lỗi hoặc thất bại rồi và đừng nên hối cải nữa.

Mong muốn của Thượng Đế rằng Các Thánh Hữu Ngày Sau tiếp tục cố gắng cũng vượt quá việc khắc phục tội lỗi. Cho dù chúng ta đau khổ vì các mối quan hệ rắc rối, thử thách về kinh tế, hoặc bệnh tật, hoặc là một hậu quả về tội lỗi của người khác, thì Sự Chuộc Tội vô hạn của Đấng Cứu Rỗi cũng có thể chữa lành được, thậm chí và có lẽ đặc biệt là những người đã bị đau khổ một cách vô tội. Ngài hoàn toàn hiểu thấu việc chịu đau khổ một cách vô tội do hậu quả của sự phạm tội của người khác là như thế nào. Như đã được tiên tri, Đấng Cứu Rỗi sẽ “đặng rịt những kẻ vỡ lòng, … ban dầu vui mừng thay vì tang chế, ban áo ngợi khen thay vì lòng nặng nề.”9 Cho dù thế nào đi nữa, thì với sự giúp đỡ của Ngài, Thượng Đế kỳ vọng Các Thánh Hữu Ngày Sau phải tiếp tục cố gắng.

Giống như Thượng Đế vui mừng khi chúng ta kiên trì chịu đựng, Ngài thất vọng nếu chúng ta không nhận ra rằng những người khác cũng đang cố gắng. Người bạn thân của chúng tôi là Thoba chia sẻ về cách chị ấy đã học được bài học này từ mẹ của chị là, Julia như thế nào. Julia và Thoba là hai trong số những người da đen cải đạo đầu tiên ở Nam Phi. Sau khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc, các tín hữu da trắng và da đen của Giáo Hội được phép đi nhà thờ chung với nhau. Đối với nhiều người, sự tiếp xúc bình đẳng giữa các chủng tộc thật là mới mẻ và đầy thử thách. Một lần nọ, trong khi Julia và Thoba tham dự nhà thờ, họ cảm thấy một số tín hữu da trắng đối xử không mấy tử tế với họ. Khi họ ra về, Thoba phàn nàn rất nhiều với mẹ mình. Julia điềm tĩnh lắng nghe cho đến khi Thoba trút hết nỗi bực bội của mình. Rồi Julia nói: “Thoba ơi, Giáo Hội giống như một bệnh viện rộng lớn, và chúng ta đều bị bệnh riêng của mình. Chúng ta đến nhà thờ để được giúp đỡ.”

Câu nói của Julia phản ảnh một cái nhìn sâu sắc đáng giá. Chúng ta không những phải chịu đựng trong khi những người khác cố gắng với căn bệnh của cá nhân họ; chúng ta cũng phải nhân từ, kiên nhẫn, hỗ trợ, và thông cảm. Như Thượng Đế khuyến khích chúng ta tiếp tục cố gắng, Ngài kỳ vọng chúng ta cũng để cho người khác cơ hội để làm như vậy, theo tốc độ của họ. Sự Chuộc Tội sẽ đến với cuộc sống của chúng ta với một mức độ còn lớn hơn nữa. Sau đó chúng ta sẽ nhận ra rằng bất kể những sự khác biệt hiển nhiên, tất cả chúng ta đều đang cần đến cùng một Sự Chuộc Tội vô hạn.

Cách đây vài năm, một thiếu niên tuyệt vời tên là Curtis được kêu gọi đi phục vụ truyền giáo. Anh ta là loại người truyền giáo mà mỗi chủ tịch phái bộ truyền giáo đều cầu xin có được. Anh rất tập trung vào công việc và siêng năng. Vào một thời điểm, anh ta được chỉ định cho một người bạn đồng hành truyền giáo chưa chín chắn, giao tiếp vụng về, và đặc biệt là không nhiệt tình hoàn thành công việc.

Một hôm, trong khi đang đi xe đạp, Curtis quay lại và nhìn thấy người bạn đồng hành của mình không hiểu sao đã xuống khỏi xe đạp và đi bộ. Curtis lặng lẽ bày tỏ nỗi thất vọng của mình lên Thượng Đế; thật là khó khăn biết bao khi được chỉ định cho một người bạn đồng hành mà cần phải được khích lệ nhiều để hoàn thành bất cứ việc gì. Một lúc sau, Curtis có một ấn tượng sâu sắc, thể như Thượng Đế đang phán bảo anh ta: “Curtis, con biết đó, so với ta, thì hai con không khác gì nhau cả.” Curtis biết rằng anh cần phải kiên nhẫn với một người bạn đồng hành không hoàn hảo đang cố gắng theo cách riêng của mình.

Lời mời của tôi cho tất cả chúng ta là hãy đánh giá cuộc sống của mình, hãy hối cải, và tiếp tục cố gắng. Nếu không cố gắng, thì chúng ta chỉ là những người phạm tội ngày sau; nếu không kiên trì chịu đựng, thì chúng ta đang là những người bỏ cuộc ngày sau; và nếu không để cho những người khác cố gắng, thì chúng ta chỉ là những người đạo đức giả ngày sau.10 Khi cố gắng, kiên trì, và giúp người khác cũng làm như vậy, thì chúng ta là Các Thánh Hữu Ngày Sau chân chính. Khi thay đổi, chúng ta sẽ thấy rằng quả thật Thượng Đế quan tâm nhiều đến con người hiện tại của chúng ta và về con người chúng ta trở thành hơn là về con người trước đây của chúng ta.11

Tôi biết ơn chân thành đối với Đấng Cứu Rỗi, về Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, và các vị tiên tri ngày sau là những người khuyến khích chúng ta để làm Các Thánh Hữu Ngày Sau, để tiếp tục cố gắng.12 Tôi làm chứng về sự thực hằng sống của Đấng Cứu Rỗi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Nelson Rolihlahla Mandela, Long Walk to Freedom (1994); “Biography of Nelson Mandela,” nelsonmandela.org/content/page/biography; và điều văn Nelson Mandela của Chủ Tịch Barack Obama vào ngày 10 tháng Mười Hai năm 2013 tại whitehouse.gov/the-press-office/2013/12/10/remarks-president-obama-memorial-service-former-south-african-president-. Sự đa dạng của các giải thưởng cho thấy Mandela nhận được Giải Nobel Hòa Bình, Huân Chương Tự Do của Tổng Thống Hoa Kỳ, và Trật Tự Liên Xô của Lê Nin.

  2. Xin xem ví dụ, bài nói chuyện của Nelson Mandela tại Viện Baker của trường Rice University vào ngày 26 tháng Mười năm 1999, bakerinstitute.org/events/1221. Ông có thể đã được trích dẫn lời phát biểu nổi tiếng được cho là của Robert Louis Stevenson: “Các thánh là những người tội lỗi đang tiếp tục cố gắng.” Trong những năm qua nhiều người đã bày tỏ tình cảm tương tự. Ví dụ, Khổng Tử được coi là người nói: “Vinh quang lớn nhất của chúng ta không phải nằm ở nơi không bao giờ ngã xuống nhưng là nơi đứng lên mỗi khi chúng ta ngã xuống.”

  3. Xin xem ví dụ, 2 Nê Phi 31:2–21; 3 Nê Phi 11:23–31; 27:13–21; Mô Rô Ni 6:6; Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79; 59:8–9; Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội (2010), 2.1.2.

  4. Việc nói rằng “Thượng Đế quan tâm nhiều hơn về con người chúng ta và con người chúng ta sắp trở thành hơn về con người chúng ta đã từng như vậy” không có nghĩa rằng Đấng Cứu Rỗi tùy tiện với hậu quả tội lỗi của một cá nhân đối với những người khác. Trong thực tế, Đấng Cứu Rỗi quan tâm vô cùng về những người chịu khổ đau, đau đớn, và đau lòng vì sự phạm giới của người khác. Đấng Cứu Rỗi “sẽ nhận lấy những sự yếu đuối [của dân Ngài] để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, … để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:12).

  5. William Shakespeare, As You Like It, màn 4, cảnh 3, dòng 134–37.

  6. Ê Xê Chi Ên 33:12, 14–16.

  7. Việc sử dụng các thì hiện tại trong động từ đáng chú ý trong nhiều câu thánh thư liên quan đến Sự Phán Xét Cuối Cùng. Xin xem ví dụ 2 Nê Phi 9:16; Mặc Môn 9:14; Giáo Lý và Giao Ước 58: 42–43.

  8. Thomas S. Monson, “The Will Within,” Ensign, tháng Năm năm 1987, 68.

  9. Ê Sai 61:1–3; xin xem thêm Lu Ca 4:16–21.

  10. Kẻ đạo đức giả được sử dụng trong Kinh Tân Ước có thể được dịch từ tiếng Hy Lạp là “người giả vờ”; “từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘một kịch sĩ,’ hoặc ‘một người giả vờ, đóng kịch, hoặc thổi phồng một phần kịch” (Ma Thi Ơ 6:2, cước chú a). Nếu không tạo cho người khác cơ hội để thay đổi theo tốc độ riêng của họ, thì chúng ta chỉ giả vờ là Thánh Hữu Ngày Sau mà thôi.

  11. Xin xem ghi chú 4, ở trên.

  12. Số lần sứ điệp này xuất hiện trong các bài giảng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đều nổi bật. Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf nêu ra điểm này khi ông nói: “Trong số tất cả các nguyên tắc được các vị tiên tri giảng dạy qua nhiều thế kỷ, một nguyên tắc đã được nhấn mạnh nhiều lần là sứ điệp đầy hy vọng và khích lệ rằng nhân loại có thể hối cải, thay đổi hướng đi, và trở lại trên con đường chân chính của người môn đồ” (“Anh Em Có Thể Làm Điều Đó Ngay Bây Giờ!” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, 56).