2010–2019
Xức Chỗ Bị Thương, Rồi Rịt Lại
Tháng mười 2013


Xức Chỗ Bị Thương, Rồi Rịt Lại

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể tự chuẩn bị để đưa ra bất cứ sự phục vụ nào với chức tư tế mà Chúa có thể ban cho chúng ta trên cuộc hành trình hữu diệt của mình.

Tất cả chúng ta được phước để có trách nhiệm đối với người khác. Việc nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế là chịu trách nhiệm trước Thượng Đế về cuộc sống vĩnh cửu của con cái Ngài. Đó là thực tế, đó là điều tuyệt vời, và đôi khi điều đó có thể cảm thấy quá nặng nề.

Có các chủ tịch nhóm túc số các anh cả đang lắng nghe buổi họp tối hôm nay, họ là những người biết tôi muốn nói gì. Đây là điều đã xảy đến với một người trong số các anh em. Điều đó có thể đã xảy đến với nhiều người trong số các anh em và nhiều hơn một lần. Các chi tiết có thể khác nhau, nhưng tình huống thì giống nhau.

Một anh cả không quen biết lắm đã nhờ các anh em giúp đỡ. Anh cả ấy mới vừa biết là mình phải đưa vợ và đứa con nhỏ dọn từ căn hộ nơi họ đang sống đến một căn hộ gần đó.

Vợ chồng anh ấy đã hỏi mượn một người bạn chiếc xe tải cho ngày hôm đó để dọn nhà và đồ đạc cá nhân. Người bạn ấy đã cho họ mượn chiếc xe tải. Người cha trẻ tuổi bắt đầu chất tất cả đồ đạc lên xe tải, nhưng chỉ sau một vài phút, anh ấy bị đau lưng. Người bạn đã cho mượn chiếc xe tải thì không rảnh để giúp đỡ. Người cha trẻ cảm thấy tuyệt vọng. Anh ấy nghĩ tới anh em là chủ tịch nhóm túc số các anh cả của anh ấy.

Đến lúc anh ấy nhờ giúp đỡ được, thì đã là quá trưa rồi. Ngày hôm đó có buổi họp Giáo Hội vào buổi chiều. Anh em đã hứa sẽ giúp đỡ vợ mình làm công việc nhà ngày hôm đó rồi. Con cái của anh em đã nhờ anh em làm một việc gì đó với chúng, nhưng anh em vẫn chưa có thời giờ để làm.

Anh em cũng biết rằng các thành viên trong nhóm túc số của mình, nhất là những người trung thành nhất, những người mà anh em thường gọi giúp đỡ, có lẽ cùng lúc đó cũng đang ở trong tình huống khó khăn giống như mình.

Chúa biết là anh em sẽ có những ngày như vậy khi Ngài kêu gọi anh em vào chức vụ này, vì vậy Ngài đã ban cho anh em một câu chuyện để khuyến khích anh em. Đó là một câu chuyện ngụ ngôn dành cho những người nắm giữ chức tư tế quá bận rộn. Đôi khi chúng ta gọi đó là câu chuyện về người Sa Ma Ri nhân lành. Nhưng thực sự đó là câu chuyện về một người mang chức tư tế quan trọng, trong những ngày sau cùng đầy khó khăn, bận rộn này.

Câu chuyện này hoàn toàn thích hợp với người tôi tớ nắm giữ chức tư tế quá bận rộn. Chỉ cần nhớ rằng anh em là người Sa Ma Ri chứ không phải là thầy tế lễ hay người Lê Vi đi ngang qua người đàn ông bị thương.

Các anh em có thể không nghĩ đến câu chuyện này khi trải qua những thử thách như vậy. Nhưng tôi cầu nguyện rằng các anh em sẽ nhớ tới câu chuyện này khi những ngày như vậy xảy đến một lần nữa, vì chắc chắn là những ngày như thế sẽ đến trong tương lai.

Chúng ta không được thánh thư cho biết tại sao người Sa Ma Ri đã đi trên con đường từ Giê Ru Sa Lem đến Giê Ri Cô. Có lẽ người ấy không đi một mình vì chắc hẳn đã biết rằng các tên cướp đang chờ đợi người không cảnh giác. Người ấy thực hiện một cuộc hành trình quan trọng, và theo thói quen, mang theo bên mình một con vật để chở đồ như dầu và rượu.

Theo lời của Chúa, người Sa Ma Ri đã dừng lại khi thấy người đàn ông bị thương vì “động lòng thương.”

Người ấy đã hành động nhiều hơn là chỉ cảm thấy thương xót. Hãy luôn luôn nhớ tới những chi tiết cụ thể của câu chuyện này:

“Bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho.

“Đến bữa sau, lấy hai đơ ni ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả.”1

Các anh em và những người mang chức tư tế được kêu gọi để hướng dẫn có thể được bảo đảm ít nhất là ba điều. Trước hết, Chúa sẽ ban cho các anh em, nếu các anh em cầu xin, những cảm giác thương hại mà Ngài cảm thấy đối với những người hoạn nạn. Thứ hai, Ngài sẽ gửi đến những người khác, giống như người chủ quán, cùng với các anh em trong sự phục vụ của các anh em. Và thứ ba, là Chúa, giống như người Sa Ma Ri nhân lành, sẽ làm nhiều hơn là chỉ tưởng thưởng tất cả những ai cùng tham gia trong việc giúp đỡ những người hoạn nạn.

Các anh em chủ tịch nhóm túc số có lẽ đã hành động theo những bảo đảm đó nhiều hơn một lần. Các anh em yêu cầu những người khác thuộc chức tư tế của Chúa giúp đỡ, tin tưởng rằng họ sẽ đáp ứng với lòng trắc ẩn. Các anh em không ngại yêu cầu những người trước đây đã thường xuyên đáp ứng vì biết rằng họ dễ dàng cảm thấy thương xót. Các anh em nhờ họ vì biết rằng trước đây họ đã cảm thấy lòng quảng đại của Chúa khi họ chọn để giúp đỡ. Các anh em yêu cầu một số người đã có gánh nặng rồi vì biết rằng nếu họ càng hy sinh thì họ sẽ được Chúa tưởng thưởng nhiều hơn. Những người trước đây đã giúp đỡ đều cảm nhận được lòng biết ơn tràn đầy của Đấng Cứu Rỗi.

Các anh em có thể cũng được soi dẫn không yêu cầu một người nào đó giúp chất đồ lên xe và sau đó dỡ xuống. Là một người lãnh đạo, các anh em biết rõ các thành viên trong nhóm túc số của mình và gia đình của họ. Chúa hoàn toàn biết họ.

Ngài biết vợ của một người nào đó đang cảm thấy sắp quá tải vì chồng của chị ấy đã không thể tìm thấy thời gian để làm điều chị ấy cần làm cho nhu cầu của mình. Ngài biết đứa con nào sẽ được ban phước bằng cách thấy cha của nó đi thêm một lần nữa để giúp đỡ người khác hoặc nếu mấy đứa con cần có cảm nghĩ rằng chúng rất quan trọng đối với cha chúng đến mức cha chúng muốn dành thời gian với chúng ngày hôm đó. Nhưng Ngài cũng biết ai cần lời mời gọi để phục vụ nhưng có thể trông có vẻ như không có khả năng hoặc không sẵn lòng giúp đỡ.

Các anh em không thể biết được tất cả các thành viên trong nhóm túc số của mình có yên ổn không nhưng Thượng Đế thì biết. Vì vậy, khi đã làm như vậy nhiều lần, thì các anh em đã cầu nguyện để biết phải yêu cầu người nào để giúp đỡ phục vụ người khác. Chúa biết ai sẽ được ban phước khi được yêu cầu giúp đỡ và gia đình của ai sẽ được ban phước khi không được yêu cầu. Đó là sự mặc khải mà các anh em có thể mong đợi đến với mình trong khi các anh em đang lãnh đạo trong chức tư tế.

Tôi đã thấy điều đó xảy ra khi tôi còn trẻ. Tôi là phụ tá thứ nhất trong một nhóm túc số các thầy tư tế. Một hôm, vị giám trợ gọi đến nhà tôi. Ông nói rằng ông muốn tôi đi với ông đến thăm một góa phụ đang gặp hoạn nạn. Ông nói rằng ông cần tôi.

Trong khi đang chờ ông đến đón, thì tôi đã băn khoăn. Tôi biết vị giám trợ có hai vị cố vấn vững mạnh và sáng suốt. Một người là một thẩm phán nổi tiếng. Người kia điều hành một công ty lớn và sau này trở thành một Vị Thẩm Quyền Trung Ương. Vị giám trợ này một về sau cũng phục vụ với tư cách một Vị Thẩm Quyền Trung Ương. Tại sao vị giám trợ nói với một thầy tư tế thiếu kinh nghiệm rằng: “Tôi cần em giúp đỡ.”

Vâng, bây giờ tôi biết hơn điều ông có thể đã nói với tôi: “Chúa cần ban phước cho em.” Tại nhà của người đàn bà góa, tôi ngạc nhiên thấy ông nói với người phụ nữ ấy rằng bà ấy sẽ không thể nhận được sự giúp đỡ của Giáo Hội cho đến khi bà ấy hoàn tất mẫu ngân sách mà ông đã để lại trước đây. Trên đường về nhà, khi thấy tôi sửng sốt, ông đã cười khúc khích trước nỗi ngạc nhiên của tôi và nói: “Hal à, khi chị ấy kiểm soát được khoản chi tiêu của chị ấy rồi thì chị ấy sẽ có thể giúp đỡ người khác.”

Vào một dịp khác, vị giám trợ của tôi đã dẫn tôi đi với ông đến nhà của hai cha mẹ nghiện rượu đã sai hai bé gái đầy sợ hãi ra cửa để gặp chúng tôi. Sau khi ông hỏi han hai bé gái đó xong, chúng tôi quay đi và ông nói với tôi: “Chúng ta không thể thay đổi thảm kịch trong cuộc sống của họ được, nhưng họ có thể cảm thấy rằng Chúa yêu thương họ.”

Vào một buổi tối khác, ông dẫn tôi đến nhà của một người đã không đến nhà thờ trong nhiều năm. Vị giám trợ nói với người ấy rằng ông yêu thương người ấy biết bao và tiểu giáo khu cần người ấy biết bao. Điều đó dường như không ảnh hưởng gì mấy đến người đàn ông ấy. Nhưng lần đó, và mỗi lần vị giám trợ dẫn tôi cùng đi với ông, đều để lại một ảnh hưởng lớn đối với tôi.

Tôi không có cách nào để có thể biết được vị giám trợ có cầu nguyện để biết thầy tư tế nào sẽ được ban phước nhờ những lần đi thăm đó cùng với ông. Ông cũng có thể đã dẫn các thầy tư tế khác cùng đi với ông nhiều lần. Nhưng Chúa biết một ngày nào đó, tôi sẽ là một giám trợ đi mời gọi những người có đức tin yếu kém trở lại với phúc âm để củng cố đức tin của họ. Chúa biết một ngày nào đó tôi sẽ được ban cho trách nhiệm chức tư tế đối với hàng trăm và thậm chí còn hàng ngàn con cái của Cha Thiên Thượng là những người đang có rất nhiều nhu cầu về vật chất.

Các em thiếu niên không thể biết được Chúa đang chuẩn bị để ban cho các em những hành động nào của sự phục vụ của chức tư tế. Nhưng thử thách lớn hơn đối với mỗi người nắm giữ chức tư tế là giúp đỡ phần thuộc linh. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đó. Trách nhiệm đó đi kèm với trách nhiệm là một thành viên của một nhóm túc số. Trách nhiệm đó đi kèm với trách nhiệm là một người trong một gia đình. Nếu đức tin của bất cứ ai trong nhóm túc số của các em hoặc gia đình của các em bị Sa Tan tấn công, thì các em sẽ cảm thấy thương xót. Giống như sự phục vụ và lòng thương xót của người Sa Ma Ri, các em cũng sẽ phục sự cho họ với dầu để chữa lành các vết thương của họ trong thời gian hoạn nạn.

Trong sự phục vụ của các em với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian, các em sẽ đến với hàng ngàn người có nhiều nhu cầu tinh thần. Nhiều người, cho đến khi các em dạy cho họ, còn sẽ không biết rằng họ có những vết thương thuộc linh mà nếu không được điều trị thì sẽ mang lại đau khổ vô tận. Các em sẽ đi làm công việc của Chúa để giải cứu họ. Chỉ có Chúa mới có thể băng bó vết thương thuộc linh của họ khi họ chấp nhận các giáo lễ dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.

Là một thành viên trong nhóm túc số, là một thầy giảng tại gia, và là một người truyền giáo, các anh em không thể giúp đỡ những người khác sửa đổi phần thiệt hại thuộc linh trừ khi đức tin của các anh em được vững mạnh. Điều đó có nghĩa là làm nhiều hơn là chỉ đọc thánh thư thường xuyên và cầu nguyện về những câu thánh thư đã đọc. Lời cầu nguyện trong giây lát và đọc lướt thánh thư không phải là chuẩn bị đủ. Sự đảm bảo về điều các anh em sẽ cần phải đi kèm với lời khuyên này từ tiết 84 của sách Giáo Lý và Giao Ước: “Các ngươi cũng chớ nên nghĩ ngợi trước về những gì các ngươi sẽ nói; nhưng hãy luôn luôn tích trữ trong tâm trí mình những lời nói về cuộc sống, rồi chính trong giờ phút ấy các ngươi sẽ được ban cho phần đó là phần sẽ thích hợp cho từng người.”2

Lời hứa đó chỉ có thể được khẳng định nếu chúng ta “tích trữ” những lời nói về cuộc sống và liên tục làm điều đó. Phần quý báu của câu thánh thư đó đã có ý nghĩa đối với tôi khiến tôi cảm thấy điều gì đó về những lời nói này. Ví dụ, khi tôi cố gắng giúp một người nào đó có đức tin bị dao động đối với sự kêu gọi thiêng liêng của Tiên Tri Joseph Smith, thì những cảm nghĩ lại đến với tôi.

Không phải chỉ những lời nói từ Sách Mặc Môn. Đó là một cảm giác đảm bảo về lẽ thật đến với tôi bất cứ khi nào tôi đọc ngay cả một vài dòng từ Sách Mặc Môn. Tôi không thể hứa rằng điều đó sẽ đến với mỗi người có những cảm nghĩ nghi ngờ về Tiên Tri Joseph hoặc Sách Mặc Môn. Nhưng tôi biết Joseph Smith là Vị Tiên Tri của Sự Phục Hồi. Tôi biết rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế, vì tôi đã quý trọng sách đó.

Tôi biết từ kinh nghiệm rằng các anh em có thể nhận được sự bảo đảm về lẽ thật từ Thánh Linh vì điều đó đã xảy ra với tôi. Các anh em và tôi phải có sự đảm bảo đó trước khi Chúa đặt chúng ta trên con đường của một khách bộ hành mà chúng ta yêu thương, là người đã bị thương vì kẻ thù của lẽ thật.

Chúng ta cần phải có sự chuẩn bị khác. Đó là cá tính của con người để trở nên cứng lòng trước nỗi đau của người khác. Đó là một trong những lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi đã làm nhiều như vậy để nói về Sự Chuộc Tội của Ngài và về việc Ngài mang lấy những nỗi đau đớn và buồn phiền của tất cả con cái của Cha Thiên Thượng để Ngài có thể biết cách giúp đỡ họ.

Ngay cả những người nắm giữ chức tư tế tốt nhất trên trần thế của Cha Thiên Thượng cũng không dễ dàng có được lòng trắc ẩn như thế. Khuynh hướng của con người chúng ta là thiếu kiên nhẫn với người không thể nhìn thấy lẽ thật mà thật là quá rõ ràng đối với chúng ta. Chúng ta cần phải cẩn thận để tính tình thiếu kiên nhẫn của mình không bị xem là kết án hay khước từ.

Khi chúng ta chuẩn bị để giúp đỡ Chúa với tư cách là các tôi tớ có chức tư tế thì có một câu thánh thư để hướng dẫn chúng ta. Câu thánh thư này chứa đựng một ân tứ mà chúng ta sẽ cần cho cuộc hành trình của mình, bất cứ nơi nào Chúa sẽ gửi chúng ta đi. Người Sa Ma Ri nhân lành có ân tứ đó. Chúng ta sẽ cần đến ân tứ đó, và Chúa đã phán bảo cùng chúng ta cách để tìm thấy ân tứ đó:

“Vậy nên, hỡi các đồng bào yêu mến của tôi, nếu không có lòng bác ái, thì các người chẳng ra gì cả, vì lòng bác ái không bao giờ hư mất. Vậy nên, hãy gắn bó với lòng bác ái, nó là một điều vĩ đại nhất trong mọi điều, vì tất cả mọi điều sẽ tàn lụi—

“Nhưng lòng bác ái là tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô, và nó bền bỉ mãi mãi; và vào ngày sau cùng ai được tìm thấy rằng có được nó thì sẽ được mọi điều tốt lành.

“Vậy nên, hỡi các đồng bào yêu mến của tôi, các người hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình thương này, là tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô; ngõ hầu các người có thể trở thành con cái của Thượng Đế; để khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ trông thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy; để chúng ta có hy vọng ấy; ngõ hầu chúng ta được thanh khiết giống như Ngài thanh khiết vậy.”3

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể tự chuẩn bị để đưa ra bất cứ sự phục vụ nào với chức tư tế mà Chúa có thể ban cho chúng ta trên cuộc hành trình hữu diệt của mình. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.