2010–2019
Các Phước Lành của Tiệc Thánh
Tháng mười 2012


Các Phước Lành của Tiệc Thánh

Chúng ta sẽ được phước khi cảm thấy biết ơn về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, tái lập các giao ước báp têm của mình, cảm thấy được tha thứ, và nhận được sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh.

Tôi lớn lên ở Rexburg, Idaho, ở đó tôi được một gia đình tuyệt vời, bạn bè, giảng viên và các vị lãnh đạo giảng dạy và có nhiều ảnh hưởng đối với tôi. Cuộc sống của tất cả chúng ta có những kinh nghiệm đặc biệt ảnh hưởng đến tâm hồn mình và làm cho những sự việc khác biệt vĩnh viễn. Một kinh nghiệm như vậy đã xảy ra trong thời niên thiếu của tôi. Kinh nghiệm này đã thay đổi cuộc sống của tôi.

Tôi luôn luôn tích cực trong Giáo Hội và tiến triển trong suốt Chức Tư Tế A Rôn. Khi tôi còn là một thiếu niên, giảng viên của tôi là Anh Jacob đã yêu cầu tôi viết xuống trên một tấm giấy điều tôi đã nghĩ tới trong Tiệc Thánh của ngày đó. Tôi lấy tấm giấy của mình ra và bắt đầu viết. Trước hết, tôi ghi trên bản liệt kê về trận đấu bóng rổ chúng tôi đã thắng vào đêm hôm trước, rồi đến cuộc hẹn hò sau trận đấu và tiếp đến nhiều điều khác. Tên của Chúa Giê Su Ky Tô nằm ở tít bên dưới và chắc chắn là không được tô đậm.

Mỗi Chủ Nhật, tấm giấy đó được điền thêm vào. Đối với một người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, thì Tiệc Thánh và lễ Tiệc Thánh giờ đây có một ý nghĩa mới, được nới rộng và đầy thuộc linh. Tôi lo lắng trông chờ đến ngày Chủ Nhật và cơ hội để dự phần Tiệc Thánh, khi hiểu rằng Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi đang thay đổi tôi. Mỗi Chủ Nhật cho đến ngày hôm nay, khi dự phần Tiệc Thánh, tôi có thể thấy tấm giấy của mình và duyệt lại bản liệt kê đó. Giờ đây, trên bản liệt kê của tôi, Đấng Cứu Rỗi của nhân loại luôn luôn là đầu tiên.

Trong Kinh Tân Ước, chúng ta đọc về lúc mà Đấng Cứu Rỗi và Các Sứ Đồ của Ngài họp mặt trong một căn phòng trên lầu để dự Lễ Vượt Qua.

“Đoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta.

“Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.1

Chúa Giê Su cũng thiết lập giáo lễ Tiệc Thánh trong khi Ngài đến với dân Nê Phi.2 Tôi đã bắt đầu biết được tầm quan trọng của hai sự kiện này.

Chủ Tịch David O. McKay nói: “Tôi cảm thấy có ấn tượng để nhấn mạnh điều mà Chúa đã chỉ rõ là buổi họp quan trọng nhất trong Giáo Hội, và đó là lễ Tiệc Thánh.”3 Nếu chúng ta chuẩn bị cho Tiệc Thánh một cách thích hợp, thì chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình. Tôi xin đề nghị năm nguyên tắc có thể ban phước cho cuộc sống của chúng ta khi dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng.

I. Có được Cảm Nghĩ Biết Ơn về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Nguyên tắc đầu tiên là có được cảm nghĩ biết ơn đối với Cha Thiên Thượng trong lúc Tiệc Thánh vì Sự Chuộc Tội của Vị Nam Tử của Ngài. Câu chuyện sau đây được kể lại về việc chuyền Tiệc Thánh:

“Lễ Tiệc Thánh chưa bao giờ thật sự có ý nghĩa nhiều đối với tôi cho đến ngày Chủ Nhật tôi được sắc phong làm thầy trợ tế. Buổi trưa hôm ấy, tôi chuyền Tiệc Thánh lần đầu tiên. Trước buổi họp, một trong các thầy trợ tế cảnh báo tôi: ‘Hãy chú ý đến Anh Schmidt nhé. Có lẽ anh phải đánh thức anh ấy dậy đấy!’ Cuối cùng đến lúc tôi tham gia vào việc chuyền Tiệc Thánh. Tôi không có vấn đề gì khi chuyền Tiệc Thánh đến sáu dãy ghế đầu tiên. Trẻ em và người lớn dự phần bánh mà không có ý nghĩ hay vấn đề nào đáng chú ý cả. Rồi tôi đi đến dãy ghế thứ bảy, dãy ghế Anh Schmidt luôn luôn ngồi. Nhưng tôi rất ngạc nhiên. Thay vì ngủ gật, anh ấy rất tỉnh táo. Không giống như nhiều người khác mà tôi đã phục vụ Tiệc Thánh, anh ấy lấy miếng bánh với thái độ dường như đầy quan tâm và nghiêm trang.

“Một vài phút sau, một lần nữa tôi tiến đến gần dãy ghế thứ bảy mang theo nước. Lần này, bạn tôi đã nói đúng. Anh Schmidt đang ngồi, đầu cúi xuống và đôi mắt to của dân Đức của anh nhắm nghiền. Hiển nhiên là anh ấy đang ngủ say. Tôi có thể làm gì hay nói gì đây? Trong giây lát, tôi nhìn vào vầng trán nhăn nheo và già nua của anh vì những năm làm việc gian khổ. Anh đã gia nhập Giáo Hội khi còn là một thiếu niên và đã trải qua nhiều ngược đãi trong thị trấn nhỏ của anh ở Đức. Tôi đã nghe kể câu chuyện này nhiều lần trong buổi họp chứng ngôn. Cuối cùng, tôi quyết định thúc nhẹ cùi chỏ vào vai anh với hy vọng là sẽ đánh thức anh dậy. Trong khi tôi sắp làm điều đó, thì đầu của anh từ từ ngẩng lên. Có những giọt lệ chảy dày xuống má anh và trong khi nhìn vào đôi mắt anh thì tôi thấy tình yêu thương và niềm vui. Anh lặng lẽ giơ tay ra và lấy chén nước. Lúc bấy giờ, mặc dù tôi chỉ mới mười hai tuổi, nhưng tôi vẫn còn có thể nhớ rất rõ cảm nghĩ của mình khi nhìn người đàn ông già nua vạm vỡ này dự phần Tiệc Thánh. Tôi biết chắc rằng anh ấy đã cảm nhận được một điều gì đó về Tiệc Thánh mà tôi đã chưa bao giờ cảm nhận được. Lúc bấy giờ, tôi quyết tâm rằng tôi muốn có những cảm nghĩ giống như thế.”4

Anh Schmidt đã giao tiếp với thiên thượng, và thiên thượng đã giao tiếp với anh.

II. Nhớ Rằng Chúng Ta Đang Tái Lập Các Giao Ước Báp Têm

Nguyên tắc thứ hai là ghi nhớ rằng chúng ta đang tái lập các giao ước báp têm trong khi dự phần Tiệc Thánh. Một số lời hứa chúng ta lập, như đã được ghi trong thánh thư, gồm có:

“Gia nhập đàn chiên của Thượng Đế và để được gọi là dân Ngài, và sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau, … sẵn sàng than khóc với những ai than khóc … , và đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế.”5

“Đến với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, … sẵn lòng mang danh Chúa Giê Su Ky Tô, quyết tâm phục vụ Ngài cho đến cùng,”6 cùng tuân giữ các lệnh truyền của Ngài và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài.7

Những lời cầu nguyện Tiệc Thánh là một điều nhắc nhở về các giáo lễ này. Khi dự phần vào Tiệc Thánh, chúng ta tái lập giao ước của mình để sống đúng theo các giao ước này. Tôi tin rằng rất thích hợp để chúng ta thuộc lòng những lời cầu nguyện Tiệc Thánh. Điều này sẽ giúp chúng ta tập trung vào việc tái lập các giao ước báp têm của mình. Cho dù là 8 tuổi hay 80 tuổi thì khi chúng ta chịu phép báp têm, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không bao giờ quên ngày đó và các giao ước mình đã lập.

III. Trong Lúc Tiệc Thánh Chúng Ta Có Thể Cảm Thấy Được Tha Thứ Các Tội Lỗi của Mình

Thứ ba, trong lúc Tiệc Thánh, chúng ta có thể cảm thấy được tha thứ các tội lỗi của mình. Nếu dành ra thời giờ trước lễ Tiệc Thánh để hối cải các tội lỗi của mình, thì chúng ta có thể ra về từ lễ Tiệc Thánh mà cảm thấy trong sạch và thanh khiết. Chủ Tịch Boyd K. Packer nói: “Tiệc Thánh tái lập tiến trình của sự tha thứ. Mỗi Chủ Nhật, khi Tiệc Thánh được phục vụ, thì đó là một nghi thức để tái lập tiến trình của sự tha thứ. … Mỗi Chủ Nhật, các anh chị em tự thanh tẩy mình để vào lúc thích hợp, khi các anh chị em chết thì linh hồn sẽ được trong sạch.”8 Việc dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng có thể giúp chúng ta cảm thấy giống như dân của Vua Bên Gia Min, là những nguời “tràn đầy hân hoan, vì đã nhận được sự xá miễn tội lỗi của mình và có được sự yên ổn trong lương tâm.9

IV. Chúng Ta Có Thể Nhận Được Sự Soi Dẫn cho Giải Pháp của Các Vấn Đề của Mình

Nguyên tắc thứ tư là trong lễ Tiệc Thánh, chúng ta có thể nhận được sự soi dẫn để có được giải pháp cho các vấn đề của mình. Khi tôi là chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Bolivia, vợ tôi là Mary Anne và tôi đã được phước tham dự một hội nghị dành cho các chủ tịch phái bộ truyền giáo với Chủ Tịch Henry B. Eyring. Trong buổi họp đó, ông đã dạy về ba cách quan trọng để chuẩn bị hưởng lợi ích từ một buổi họp. Chúng ta nên đến buổi họp với các vấn đề của mình, khiêm nhường như trẻ con sẵn sàng để học hỏi, và với ước muốn để giúp đỡ con cái của Thượng Đế.

Khi khiêm nhường đến dự lễ Tiệc Thánh, chúng ta có thể được phước để cảm nhận được ấn tuợng về giải pháp cho các vấn đề hằng ngày. Chúng ta cần phải đến với thái độ sẵn sàng, sẵn lòng lắng nghe, và không bị xao lãng. Trong thánh thư, chúng ta đọc: “Nhưng này, ta nói cho ngươi hay rằng, ngươi phải nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình; rồi ngươi phải hỏi ta xem điều đó có đúng không; và nếu đúng thì ta sẽ làm cho tâm can ngươi hừng hực trong ngươi, như vậy, ngươi sẽ cảm thấy rằng điều đó là đúng.10 Chúng ta có thể biết được điều chúng ta nên làm để giải quyết các vấn đề của mình.

V. Việc Dự Phần Tiệc Thánh Một Cách Xứng Đáng Sẽ Giúp Chúng Ta Được Tràn Đầy Đức Thánh Linh

Nguyên tắc thứ năm, việc dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng sẽ giúp chúng ta được tràn đầy Đức Thánh Linh. Khi thiết lập Tiệc Thánh trong lúc Ngài đến với dân Nê Phi, Chúa Giê Su đã phán: “Kẻ nào ăn bánh này là ăn vào tâm hồn mình thể xác của ta; và kẻ nào uống rượu nho này là uống vào tâm hồn mình máu của ta; và tâm hồn kẻ ấy sẽ được luôn luôn no đủ; không bao giờ còn bị đói hay khát nữa.”11 Họ đã được hứa rằng nếu họ đói khát sự ngay chính, thì sẽ được tràn đầy Đức Thánh Linh. Lời cầu nguyện Tiệc Thánh cũng hứa rằng nếu chúng ta sống đúng theo các giao ước của mình, thì sẽ luôn luôn có được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta.12

Anh Cả Melvin J. Ballard nói: “Tôi làm chứng rằng có một tinh thần đi kèm theo việc thực hiện Tiệc Thánh mà hoàn toàn làm ấm lòng; các anh chị em cảm thấy vết thương của linh hồn được chữa lành, và gánh nặng được nâng lên. Sự an ủi và hạnh phúc đến với người xứng đáng và thật sự mong muốn dự phần vào thức ăn thuộc linh này.”13

Chúng ta sẽ được phước khi cảm thấy biết ơn về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, tái lập các giao ước báp têm của mình, cảm thấy được tha thứ, và nhận được sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh trong khi chúng ta dự phần vào Tiệc Thánh mỗi tuần. Buổi lễ Tiệc Thánh sẽ luôn luôn tuyệt diệu nếu Tiệc Thánh là trọng tâm của sự thờ phượng của chúng ta. Tôi bày tỏ lòng biết ơn Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi biết Ngài hằng sống. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.