2010–2019
Sự Chuẩn Bị trong Chức Tư Tế: “Tôi Cần Sự Giúp Đỡ của Anh”
Tháng mười 2011


Sự Chuẩn Bị trong Chức Tư Tế: “Tôi Cần Sự Giúp Đỡ của Anh”

Đừng lo lắng về việc các anh em thiếu kinh nghiệm hoặc nghĩ là mình thiếu kinh nghiệm, mà hãy nghĩ về con người các anh em có thể trở thành với sự giúp đỡ của Chúa.

Các anh em thân mến, tôi rất vui mừng được có mặt với các anh em trong buổi họp toàn cầu này của chức tư tế của Thượng Đế. Buổi tối hôm nay, tôi sẽ nói về sự chuẩn bị của chức tư tế, sự chuẩn bị của chúng ta lẫn việc chúng ta giúp những người khác chuẩn bị.

Đôi khi hầu hết chúng ta đều tự hỏi: “Tôi có được chuẩn bị cho chỉ định này trong chức tư tế không?” Câu trả lời của tôi là: “Có, anh em đã được chuẩn bị rồi.” Mục đích của tôi hôm nay là giúp các anh em nhận ra và có được can đảm từ sự chuẩn bị đó.

Như các anh em biết, Chức Tư Tế A Rôn được chỉ định là một chức tư tế dự bị. Đa số những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn là các thầy trợ tế, thầy giảng và thầy tư tế trẻ từ 12 đến 19 tuổi.

Chúng ta có thể nghĩ rằng sự chuẩn bị chức tư tế xảy ra trong những năm nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn. Nhưng Cha Thiên Thượng đã chuẩn bị cho chúng ta từ khi chúng ta được giảng dạy nơi hiện diện của Ngài trong vương quốc của Ngài trước khi chúng ta sinh ra. Ngài đang chuẩn bị cho chúng ta buổi tối hôm nay. Và Ngài sẽ tiếp tục chuẩn bị cho chúng ta miễn là chúng ta còn chịu để cho Ngài làm như vậy.

Mục đích của tất cả sự chuẩn bị cho chức tư tế, trong tiền dương thế cũng như trong cuộc sống này, là chuẩn bị chúng ta và những người mình phục vụ thay Ngài cho cuộc sống vĩnh cửu. Một số bài học đầu tiên trong tiền dương thế chắc chắn là gồm có kế hoạch cứu rỗi, với Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài là trọng tâm của kế hoạch đó. Chúng ta không những được giảng dạy về kế hoạch đó mà còn ở trong các hội đồng là nơi chúng ta chọn kế hoạch ấy.

Bởi vì khi sinh ra, tâm trí của chúng ta được bao bọc bởi một bức màn che để làm cho quên tất cả những điều đó, nên chúng ta đã phải tìm cách để học lại trong cuộc sống này những gì mình đã từng biết và bảo vệ. Phần chuẩn bị của chúng ta trong cuộc sống này là tìm ra lẽ thật quý báu đó để rồi có thể tái cam kết với lẽ thật đó bằng giao ước. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có đức tin, lòng khiêm nhường, và can đảm cũng như sự giúp đỡ từ những người đã tìm ra lẽ thật rồi chia sẻ với chúng ta lẽ thật đó.

Những người đó có thể là cha mẹ, người truyền giáo hay bạn bè. Nhưng sự giúp đỡ đó là một phần chuẩn bị của chúng ta. Sự chuẩn bị của chức tư tế luôn luôn gồm có những người đã được chuẩn bị trước để mang đến cho chúng ta cơ hội chấp nhận phúc âm và rồi chọn để hành động bằng cách tuân giữ các giao ước nhằm tiếp thu những điều đó vào lòng mình. Để hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu, thì trong cuộc sống này chúng ta cần phải phục vụ với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí và sức mạnh của mình để chuẩn bị cho những người khác cùng với mình trở lại với Thượng Đế.

Vậy nên, phần chuẩn bị của chức tư tế chúng ta sẽ có trong cuộc sống này sẽ là các cơ hội để phục vụ và giảng dạy những người khác. Phần chuẩn bị này có thể gồm có việc làm các giảng viên trong Giáo Hội, những người cha sáng suốt và nhân từ, các thành viên của một nhóm túc số, và những người truyền giáo cho Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa sẽ tạo ra các cơ hội, nhưng việc chúng ta có chuẩn bị hay không sẽ tùy thuộc vào chúng ta. Ý định của tôi trong buổi tối hôm nay là nêu lên một số điều lựa chọn thiết yếu để sự chuẩn bị của chức tư tế được thành công.

Cả người huấn luyện lẫn người được huấn luyện có những chọn lựa tốt đều tùy thuộc vào một sự hiểu biết nào đó về cách Chúa chuẩn bị cho các tôi tớ của Ngài trong chức tư tế.

Trước hết, Ngài kêu gọi những người trẻ tuổi lẫn lớn tuổi dường như yếu kém và tầm thường dưới con mắt của thế gian và thậm chí đối với chính bản thân họ nữa. Chúa có thể thay đổi những điều thiếu sót rõ rệt đó thành ưu điểm. Điều đó sẽ thay đổi việc vị lãnh đạo khôn ngoan chọn ai để huấn luyện và cách để huấn luyện. Và điều đó có thể thay đổi cách người nắm giữ chức tư tế đáp ứng với những cơ hội phát triển mình nhận được.

Hãy xem xét một số ví dụ. Tôi là một thầy tư tế thiếu kinh nghiệm trong một tiểu giáo khu rộng lớn. Giám trợ của tôi gọi điện thoại cho tôi vào một buổi trưa Chủ Nhật. Khi tôi trả lời, ông nói: “Em có thời giờ đi với tôi không? Tôi cần em giúp đỡ.” Ông chỉ giải thích rằng ông muốn tôi làm bạn đồng hành của ông để đi thăm một người phụ nữ tôi không quen biết, nhưng chị ấy không có thức ăn và cần học cách quản lý tài chính của mình một cách hữu hiệu hơn.

Bấy giờ, tôi biết rằng ông đã có hai cố vấn dày dạn kinh nghiệm trong giám trợ đoàn của ông. Cả hai đều là những người đàn ông chín chắn đầy kinh nghiệm. Một cố vấn là chủ nhân một cơ sở thương mại lớn về sau trở thành chủ tịch phái bộ truyền giáo và Vị Thẩm Quyền Trung Ương. Người cố vấn kia là một thẩm phán nổi tiếng trong thành phố.

Tôi mới vừa được kêu gọi làm người phụ tá đầu tiên của vị giám trợ trong nhóm túc số thầy tư tế. Ông biết rằng tôi không hiểu nhiều về các nguyên tắc an sinh. Tôi còn biết ít hơn về cách quản lý tài chính. Tôi chưa hề ký một chi phiếu; tôi không có tài khoản ngân hàng; tôi còn chưa từng thấy một ngân sách cá nhân nữa. Vậy mà, dù thiếu kinh nghiệm, nhưng tôi đã cảm thấy rằng ông đã rất nghiêm chỉnh khi nói: “Tôi cần em giúp đỡ.”

Tôi đã dần dần hiểu được ý nghĩa của điều vị giám trợ đầy cảm ứng đó có ý nói. Ông thấy trong tôi một cơ hội quý báu để chuẩn bị cho một người nắm giữ chức tư tế. Tôi chắc chắn là ông đã không nhìn thấy trước rằng cậu bé thiếu kinh nghiệm đó lại trở thành một thành viên tương lai trong Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa. Nhưng vào ngày đó ông đã cư xử với tôi và trong suốt thời gian tôi biết ông, như thể đó là một dự án chuẩn bị đầy hứa hẹn.

Dường như ông thích thú điều đó, nhưng đó là việc làm đối với ông. Ông đậu xe lại khi trở về nhà tôi sau khi chúng tôi đi thăm người góa phụ đang trong cảnh hoạn nạn đó. Ông mở quyển thánh thư sờn mòn vì thường xuyên được sử dụng và đánh dấu rất nhiều. Ông nhẹ nhàng dạy bảo tôi. Ông nói rằng tôi cần phải nghiên cứu thánh thư và học hỏi thêm. Nhưng chắc hẳn ông đã thấy rằng tôi đủ yếu kém và tầm thường để có thể dạy bảo được. Đến ngày hôm nay, tôi vẫn còn nhớ điều ông đã dạy vào buổi trưa đó. Nhưng tôi còn nhớ ông đã tin tưởng biết bao rằng tôi có thể học hỏi và trở nên tốt hơn—và tôi sẽ trở nên tốt hơn.

Ông có cái nhìn vượt qua con người thực sự của tôi đến khả năng trong tương lai của một người cảm thấy yếu kém và tầm thường đủ để muốn có được sự giúp đỡ của Chúa rồi tin rằng điều đó sẽ đến.

Các vị giám trợ, chủ tịch phái bộ truyền giáo và các bậc làm cha có thể chọn hành động theo các khả năng có thể xảy ra đó. Tôi đã thấy điều đó xảy ra mới gần đây trong chứng ngôn của một chủ tịch nhóm túc số thầy trợ tế tại một buổi họp nhịn ăn. Em ấy sắp trở thành thầy giảng và bỏ lại đằng sau các thành viên trong nhóm túc số của mình.

Em ấy đã làm chứng với giọng nói vô cùng xúc động về sự tăng trưởng tốt lành và đầy quyền năng trong các thành viên của nhóm túc số của mình. Tôi chưa bao giờ nghe một người nào khen ngợi một tổ chức một cách tuyệt diệu như em ấy đã khen ngợi. Em ấy khen ngợi sự phục vụ của họ. Và rồi em ấy nói rằng em ấy biết là mình đã có thể giúp đỡ các thầy trợ tế mới khi họ cảm thấy thiếu khả năng vì em ấy cũng cảm thấy thiếu khả năng khi mới vào nhóm túc số chức tư tế.

Những cảm nghĩ của em ấy về sự yếu kém đã làm cho em ấy kiên nhẫn, thông cảm hơn, do đó có thể củng cố và phục vụ những người khác hữu hiệu hơn. Trong hai năm đó, dường như đối với tôi, em ấy đã có kinh nghiệm và trở nên sáng suốt. Em biết rằng em được giúp đỡ với tư cách là chủ tịch nhóm túc số với một trí nhớ rõ ràng và sinh động đối với những nhu cầu riêng của mình hai năm trước. Thử thách trong tương lai của em ấy và của chúng ta trong khả năng lãnh đạo sẽ đến khi những ký ức đó phai nhòa cũng như mờ dần với thời gian và thành công của mình.

Phao Lô chắc hẳn đã nhìn thấy mối nguy hiểm đó khi khuyên nhủ người bạn đồng hành trẻ hơn của ông trong chức tư tế, Ti Mô Thê. Ông đã khuyến khích và chỉ dẫn cho Ti Mô Thê trong sự chuẩn bị chức tư tế và trong việc giúp Chúa chuẩn bị cho những người khác.

Hãy nghe lời Phao Lô đã nói với Ti Mô Thê, người bạn đồng hành trẻ tuổi hơn của ông:

“Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ.

“Hãy chăm chỉ đọc sách, khuyên bảo, dạy dỗ, cho đến chừng ta đến.

“Đừng bỏ quên ơn ban trong lòng con, là ơn bởi lời tiên tri nhân hội trưởng lão đặt tay mà đã ban cho con vậy. …

“Hãy giữ chính mình con và sự dạy dỗ của con;1 phải bền đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu.”2

Phao Lô đưa ra lời khuyên dạy hay cho tất cả chúng ta. Đừng lo lắng về việc các anh em thiếu kinh nghiệm hoặc nghĩ là mình thiếu kinh nghiệm, mà hãy nghĩ về con người các anh em có thể trở thành với sự giúp đỡ của Chúa.

Giáo lý mà Phao Lô khuyến khích chúng ta phải nuôi dưỡng trong sự chuẩn bị cho chức tư tế của mình là lời của Đấng Ky Tô và vì thế để hội đủ điều kiện nhận được Đức Thánh Linh. Rồi chúng ta có thể biết điều Chúa muốn chúng ta làm trong sự phục vụ của mình và có can đảm để làm điều này, bất kể hoàn cảnh nào chúng ta sẽ gặp phải trong tương lai.

Chúng ta được chuẩn bị cho sự phục vụ của chức tư tế mà sẽ càng ngày càng trở nên khó khăn hơn với thời gian. Chẳng hạn, cơ bắp và thể xác của chúng ta sẽ trở nên già nua khi chúng ta lớn tuổi. Khả năng của chúng ta để học hỏi và ghi nhớ điều mình đã đọc sẽ giảm bớt. Mỗi ngày trong cuộc sống, việc phục vụ của chức tư tế mà Chúa kỳ vọng vào chúng ta sẽ càng ngày càng cần nhiều kỷ luật tự giác hơn. Chúng ta có thể được chuẩn bị cho trắc nghiệm đó bằng cách xây đắp đức tin qua sự phục vụ mỗi ngày.

Chúa đã ban cho chúng ta cơ hội để chuẩn bị bằng một điều mà Ngài đã gọi là “lời thề và giao ước [thuộc về] chức tư tế.”3

Đó là giao ước chúng ta lập với Thượng Đế để tuân giữ tất cả các lệnh truyền của Ngài và phục vụ như Ngài sẽ phục vụ nếu Ngài đích thân hiện diện ở đó. Việc cố gắng hết sức sống theo tiêu chuẩn đó có thể xây đắp sức mạnh chúng ta cần để kiên trì đến cùng.

Những người huấn luyện chức tư tế hữu hiệu đã cho tôi thấy cách xây đắp sức mạnh đó: đó là việc tạo thành một thói quen để khắc phục cảm giác mệt mỏi và sợ hãi có thể khiến các anh em nghĩ đến việc bỏ cuộc. Các bậc thầy đại tài của Chúa đã cho tôi thấy rằng quyền năng thuộc linh tiếp tục ở cùng với chúng ta có được từ sự làm việc quá mức, khiến những người khác chắc hẳn phải nghỉ ngơi.

Các anh em là các vị lãnh đạo chức tư tế tài giỏi là những người xây đắp sức mạnh thuộc linh đó trong thời niên thiếu nhưng vẫn có được sức mạnh đó khi sức khỏe thể chất trở nên suy yếu.

Người em trai của tôi đi công tác tại một thành phố nhỏ ở Utah. Chú ấy nhận được một cú điện thoại gọi đến khách sạn của mình từ Chủ Tịch Spencer W. Kimball. Lúc đó đã khuya sau một ngày làm việc lao nhọc đối với em trai tôi, và chắc chắn cũng thế đối với Chủ Tịch Kimball, khi ông bắt đầu cuộc nói chuyện như vậy. Ông nói: “Tôi nghe nói rằng anh đang có mặt trong thị trấn này. Tôi biết là đã khuya và có lẽ anh đã đi ngủ, nhưng anh có thể giúp tôi được không? Tôi cần anh cùng với tôi đi xem tình trạng của tất cả các giáo đường của chúng ta trong thành phố này.” Đêm đó, em trai của tôi đi với ông, em trai tôi không hiểu biết gì về sự bảo trì giáo đường hoặc không biết gì giáo đường cũng như không biết tại sao Chủ Tịch Kimball muốn làm việc như vậy sau một ngày dài đằng đẵng hoặc lý do tại sao ông cần giúp đỡ.

Nhiều năm về sau, tôi nhận được một cú điện thoại tương tự lúc đêm khuya trong một khách sạn ở Nhật Bản. Lúc bấy giờ tôi là ủy viên giáo dục mới của Giáo Hội. Tôi biết rằng Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đang ở đâu đó trong cùng khách sạn ấy vì công tác riêng của ông đến Nhật Bản. Tôi nhấc máy trả lời điện thoại đang reo ngay sau khi mới vừa nằm xuống giường để ngủ, kiệt sức vì làm tất cả những điều mà tôi tưởng rằng tôi có sức để làm.

Chủ Tịch Hinckley vui vẻ hỏi: “Tại sao anh ngủ trong khi tôi ở đây đang đọc bản thảo mà chúng ta được yêu cầu duyệt lại?” Vậy nên, tôi đứng dậy và đi làm việc, mặc dù tôi biết rằng Chủ Tịch Hinckley có thể duyệt bản thảo đó hay hơn tôi có thể làm. Nhưng vì lý do nào đó, ông đã làm cho tôi cảm thấy rằng ông cần tôi giúp đỡ.

Vào lúc kết thúc hầu hết mọi buổi họp, Chủ Tịch Thomas S. Monson đều hỏi người thư ký của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn: “Tôi có bắt kịp công việc của tôi không?” Và ông luôn luôn mỉm cười khi câu trả lời đưa ra là: “Vâng, thưa Chủ Tịch, có ạ.” Nụ cười hài lòng của Chủ Tịch Monson làm cho tôi hiểu ý của ông. Điều đó làm cho tôi nghĩ: “Tôi có thể làm thêm điều gì với chỉ định của mình không?” Và rồi tôi trở lại văn phòng của mình để làm việc.

Các giảng viên tài giỏi đã cho tôi thấy cách chuẩn bị để tuân giữ lời thề và giao ước khi thời giờ và tuổi tác làm cho việc này trở nên khó thực hiện hơn. Họ đã cho tôi thấy và dạy tôi cách kỷ luật tự giác để làm việc siêng năng hơn tôi nghĩ mình có thể làm khi vẫn còn khỏe mạnh.

Tôi không thể làm một người tôi tớ luôn luôn hoàn hảo, nhưng có thể cố gắng để nỗ lực hơn là tôi nghĩ mình có thể làm. Với thói quen đó đã được tạo ra từ ban đầu, tôi sẽ được chuẩn bị cho những thử thách sau này. Các anh em và tôi có thể chuẩn bị với sức mạnh để tuân giữ lời thề và giao ước của mình qua những thử thách chắc chắn sẽ đến vào lúc gần cuối cuộc đời.

Tôi đã hiển nhiên thấy điều đó trong một cuộc họp của Ủy Ban Giáo Dục của Giáo Hội. Lúc bấy giờ, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã phục vụ nhiều năm trong khi chịu đựng một loạt thử thách về sức khỏe mà chỉ có Gióp mới có thể hiểu được. Ông đang hướng dẫn cuộc họp vào buổi sáng hôm đó.

Bỗng nhiên ông ngừng nói. Ông ngồi thụp xuống ghế. Mắt nhắm lại. Đầu ông gục xuống ngực. Tôi đang ngồi cạnh ông. Anh Cả Holland ngồi cạnh chúng tôi. Hai chúng tôi đứng lên và đi đến giúp đỡ ông. Vì thiếu kinh nghiệm, nên chúng tôi quyết định khiêng ông, vẫn còn ngồi trên ghế, đến văn phòng cạnh bên của ông.

Ông trở thành người thầy của chúng tôi trong giây phút lâm nguy của ông. Với mỗi người nâng một bên cái ghế của ông, chúng tôi đi ra khỏi phòng họp và vào hành lang của Tòa Hành Chính của Giáo Hội. Ông mở nửa mắt ra, hiển nhiên là vẫn còn choáng váng, rồi nói: “Ồi, xin hãy cẩn thận. Đừng làm lưng các anh bị đau đó.” Khi chúng tôi đến gần cửa văn phòng của ông, ông nói: “Tôi cảm thấy thật là tệ vì đã làm gián đoạn cuộc họp.” Mấy phút sau khi chúng tôi đưa ông vào văn phòng của ông, mà vẫn chưa biết là ông gặp vấn đề gì, thì ông nhìn lên chúng tôi và nói: “Các anh không nghĩ rằng các anh phải trở lại họp à?”

Chúng tôi vội vã trở lại, biết rằng bằng cách nào đó, sự hiện diện của chúng tôi ở đó chắc phải quan trọng đối với Chúa. Kể từ thời thơ ấu, Chủ Tịch Kimball đã vượt qua giới hạn chịu đựng của mình để phục vụ và yêu mến Chúa. Đó là một thói quen đã in sâu đến mức sẵn sàng sử dụng khi ông cần. Ông đã được chuẩn bị. Và như vậy, ông đã có thể giảng dạy và cho chúng tôi thấy cách chuẩn bị để tuân giữ lời thề và giao ước: bằng sự chuẩn bị vững vàng trong nhiều năm, cũng như tận dụng sức mạnh của mình đối với nhiệm vụ dường như nhỏ bé với hậu quả không đáng kể.

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể tuân giữ các giao ước chức tư tế của mình để tự mình hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu và những người chúng ta được kêu gọi để huấn luyện. Tôi hứa với các anh em rằng nếu làm hết sức mình, thì Thượng Đế sẽ gia tăng sức mạnh và sự khôn ngoan của các anh em. Ngài sẽ chuẩn bị cho các anh em. Tôi hứa với các anh em rằng những người mà các anh em huấn luyện và nêu gương sẽ ngợi khen danh của các anh em như tôi đã làm ngày hôm nay đối với những người huấn luyện đại tài mà tôi biết.

Tôi làm chứng rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha hằng sống và yêu thương các anh em. Ngài biết các anh em. Ngài và Vị Nam Tử phục sinh và vinh quang của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến cùng một thiếu niên còn non nớt, Joseph Smith. Hai Ngài đã giao phó cho ông Sự Phục Hồi của phúc âm trọn vẹn và giáo hội chân chính. Hai Ngài đã khuyến khích ông khi ông cần lời khuyến khích đó. Hai Ngài đã để cho ông cảm thấy sự quở phạt nhân từ khi điều đó làm cho ông buồn nản để nâng ông lên. Hai Ngài đã chuẩn bị cho ông, và Hai Ngài đang chuẩn bị cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục làm việc hướng đến vinh quang thượng thiên tức là mục đích và lý do của tất cả sự phục vụ của chức tư tế.

Tôi để lại cho các anh em phước lành của tôi để các anh em sẽ có thể nhận ra các cơ hội vinh quang do Thượng Đế ban cho trong sự kêu gọi cũng như chuẩn bị các anh em phục vụ Ngài và phục vụ những người khác. Trong tôn danh của Đấng lãnh đạo và Đức Thầy nhân từ của chúng ta là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.