Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ
Khắc Phục Điểm Yếu Là Chuyên Môn của Đấng Cứu Rỗi
Tháng Ba năm 2024


“Khắc Phục Điểm Yếu Là Chuyên Môn của Đấng Cứu Rỗi,” Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, tháng Ba năm 2024.

Sức Mạnh trong Sự Yếu Kém

Khắc Phục Điểm Yếu Là Chuyên Môn của Đấng Cứu Rỗi

Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta trưởng thành qua những khó khăn, chứ không chỉ đơn thuần bước qua chúng.

Hình Ảnh
em thiếu niên trông yếu đuối

Hình ảnh minh họa do Uran Duo thực hiện

Mason không cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế như trước đây. Em ấy đã chống chọi với căn bệnh trầm cảm lâm sàng trong một vài năm mà không thành công mấy, và em lo lắng rằng giấc mơ của em có thể không bao giờ được thực hiện.

Anna nghe những người trẻ tuổi khác nói về những kinh nghiệm với sự mặc khải và phép lạ. Mặc dù cố gắng, nhưng em ấy không cảm thấy như mình đang nhận được câu trả lời hoặc có những kinh nghiệm thuộc linh giống như người khác.

Ethan tự hỏi liệu mình có cảm thấy thanh sạch hay xứng đáng một lần nữa không. Em ấy đã đầu hàng trước những cám dỗ nào đó nhiều lần đến mức em cảm thấy mất kiểm soát và tự hỏi liệu mình có vĩnh viễn mất đi những phước lành đã được hứa hay không. Em ấy tự hỏi liệu mình có bao giờ được tha thứ hay không và càng ngày càng cảm thấy tội lỗi ở nhà thờ.

Madison vật lộn với chứng rối loạn ăn uống. Olivia bị khiếm khuyết trong việc học tập. Conner đấu tranh với sự chính trực (ám ảnh về cảm giác tội lỗi về đạo đức). Abigail đã bị lạm dụng và cảm thấy như mình không có giá trị gì cả. Cha mẹ của Jake đang trong quá trình ly hôn, và em ấy cảm thấy bị tổn thương và hoang mang. Jayden bị phản bội và không cảm thấy mình có thể tha thứ.

Con người có rất nhiều khó khăn, nhưng luôn có một giải pháp. Giải pháp đó có một danh xưng—Chúa Giê Su Ky Tô. Tất cả những người này đều muốn cảm thấy mạnh mẽ, thanh sạch, hạnh phúc và trọn vẹn trở lại, tuy nhiên họ không thể tự mình giải quyết vấn đề của mình. Nhưng Chúa Giê Su Ky Tô ban cho sự giúp đỡ. Thực ra, khắc phục điểm yếu là chuyên môn của Ngài. Sự giúp đỡ của Ngài thường không đến chính xác như thế nào và khi nào chúng ta muốn, nhưng nó sẽ đến.

Sau đây là một số nguyên tắc để giúp chúng ta chấp nhận lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để bước đi cùng với Ngài (xin xem Môi Se 6:34), nhất là khi đang vật lộn với sự yếu kém.

Cuộc Sống Được Xem là một Bài Kiểm Tra

Thượng Đế yêu thương các em nhiều hơn là Ngài yêu thương cảm giác thoải mái và dễ chịu của các em. Có bao nhiêu anh hùng của các em chỉ trải nghiệm sự thoải mái rồi thành công? Rất có thể họ liên tục đối mặt với sự chống đối và gian khổ mãnh liệt. Là một phần bài kiểm tra của chúng ta trong cuộc sống, “Chúa thấy cần phải sửa phạt dân Ngài; phải, Ngài thử lòng kiên nhẫn và đức tin của họ” (Mô Si A 23:21). Chúng ta có thể không thích điều đó, nhưng thường những thử thách khó khăn nhất của chúng ta mang đến cho chúng ta những cơ hội phát triển đáng kinh ngạc.

Sự Yếu Kém Không Phải là Dấu Hiệu của Sự Không Chấp Thuận của Thượng Đế

Nhiều người thời xưa tin rằng bệnh tật về thể chất hoặc tinh thần là một dấu hiệu của sự trừng phạt của Thượng Đế (xin xem Giăng 9:2). Nhưng sự yếu kém là một phần của cuộc sống do Sự Sa Ngã mang lại. Mặc dù việc vật lộn với những thử thách là một phần bình thường và thiết yếu trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng, nhưng việc đơn độc đối phó với những khó khăn đó thì không phải vậy. Chúa Giê Su Ky Tô đã không được gửi đến để chỉ trích chúng ta; Ngài được gửi đến để yêu thương và giúp cải hóa những người bị lạc lối, yếu đuối, hoặc cô đơn—tức là tất cả chúng ta (xin xem Giăng 3:16–17; Lu Ca 15).

Những Điều Yếu Kém Sẽ Được Làm Cho Mạnh Mẽ qua Đấng Ky Tô

Điều quan trọng là chúng ta tự xác định mình bằng mối liên hệ giao ước của mình với Đấng Ky Tô và sự trông cậy của chúng ta vào sự hoàn hảo của Ngài thay vì được xác định bởi sự không hoàn hảo của chúng ta. Chúa Giê Su Ky Tô không bao giờ xua đi những người yếu kém đã siêng năng tìm kiếm Ngài trong đức tin. Thượng Đế ban cho con người “sự yếu kém để họ biết khiêm nhường; và ân điển của [Ngài] cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt [Ngài] … và có đức tin nơi [Ngài],” và nếu họ có, “thì lúc đó [Ngài] sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ.” (Ê The 12:27). Khi chúng ta mang những nỗi vất vả của mình đến với Chúa với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối (xin xem 3 Nê Phi 9:20), thì có thể Ngài sẽ không nhanh chóng cất chúng đi, nhưng Ngài sẽ giúp đỡ và củng cố chúng ta.

Hãy Kiên Nhẫn với Bản Thân Mình

Con đường giao ước là một hành trình rất dài, chứ không phải là một cuộc chạy nước rút. Việc đi theo con đường đó giúp chúng ta vượt qua những thay đổi bất ngờ, những thăng trầm, những hồi hộp và nguy hiểm, những ánh nắng và bão tố của cuộc đời. Nhiều bài học có thể được học ở mỗi bước trên hành trình đó. Ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô thường được mặc khải theo thời gian, không phải chỉ trong những khoảnh khắc biệt lập hoặc những sự kiện kỳ diệu.

Hình Ảnh
em thiếu niên trông tràn đầy năng lượng

Kết Nối với Đấng Ky Tô

Nếu các em cảm thấy yếu đuối hoặc đang gặp khó khăn, hãy chấp nhận lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma Thi Ơ 11:28). Hãy tìm những cách giúp các em kết nối với Ngài. Khi các em đưa tay đến Ngài, các em sẽ thấy rằng cánh tay của Ngài đã vươn tìm đến các em và Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi các em! Cuộc sống sẽ không hoàn hảo, cũng sẽ chẳng bao giờ thiếu đi sự yếu kém, đau đớn, và vất vả. Nhưng sẽ tốt hơn nếu có Đức Thầy Chữa Lành ở bên cạnh các em để nâng đỡ các em khi các em vấp ngã, băng bó vết thương cho các em, và hướng dẫn các em đi trên những con đường dẫn đến niềm vui lâu dài.

Chúa Giê Su Ky Tô chuyên khắc phục các yếu điểm. Ngài chuyên làm việc với các em!

In