Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Giáng Sinh
Hãy để Mọi Tâm Hồn Chuẩn Bị Chỗ cho Ngài


Hãy để Mọi Tâm Hồn Chuẩn Bị Chỗ cho Ngài

Chỉ cách đây hơn một tuần, đèn Giáng Sinh ở Khuôn Viên Đền Thờ đã được bật lên, tiếp tục truyền thống 53 năm và, đối với nhiều người trong chúng ta, đánh dấu sự khởi đầu của mùa lễ Giáng Sinh. Vào dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta kỷ niệm sự ra đời, cuộc đời và ánh sáng của Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai thật sự của Thượng Đế và là Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Chúng ta tìm thấy niềm hy vọng nơi lời công bố của thiên thượng cùng với sự giáng sinh của Ngài: “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!”1 Âm nhạc, trẻ em hân hoan, những món quà mang đi tặng và nhận được, cây thông Nô Ên, đồ trang trí, và đèn là tất cả những gì chúng ta vui mừng kỷ niệm Giáng Sinh.

Khi nghĩ tới Giáng Sinh, những ký ức trân quý nào đến với tâm trí anh chị em? Đối với tôi, thời gian này của năm luôn mang lại những ký ức về việc kỷ niệm lễ Giáng Sinh trong thời thơ ấu của tôi.

Tôi vẫn còn nhớ tới nhiều món quà mà tôi nhận được. Tôi nhớ tới quả bóng đá và bóng rổ. Tôi nhớ tới các món đồ chơi và quần áo. Hầu hết các món quà đó giờ đã không còn nữa và bị lãng quên; quần áo bị sờn cũ và chật. Nhưng điều tôi nhớ nhất về những lễ Giáng Sinh đã qua—những kỷ niệm sâu sắc và yêu thích nhất của tôi—là không phải về những gì tôi đã nhận mà là về những gì tôi đã cho.

Tôi xin giải thích. Mỗi năm, vào ngày thứ Bảy trước lễ Giáng Sinh, giới trẻ trong tiểu giáo khu của chúng tôi tụ họp trong nhà hội địa phương. Chúng tôi chất đầy cam, chuối, và bánh quy làm ở nhà và bánh ngọt vào mấy cái giỏ để mang đến cho những góa phụ sống gần đó. Chúng tôi đến nhà của họ, hát những bài hát mừng lễ Giáng Sinh và tặng cho họ một cái giỏ quà Giáng Sinh. Tôi vẫn còn nhớ nụ cười biết ơn của họ. Một số người là những người nhập cư thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai đã biểu lộ lòng biết ơn của họ bằng tiếng Anh giọng rất nặng: Các Chị Swartz, Zbinden, Groll và Kackler. Tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác ấm áp mà những sinh hoạt này được ghi sâu vào lòng tôi.

Khi Lesa và tôi trở thành cha mẹ, chúng tôi bắt đầu truyền thống tặng quà Giáng Sinh cho một gia đình gặp hoạn nạn, giống như nhiều anh chị em vẫn làm. Chúng tôi thường nhận được tên của một gia đình từ một tổ chức từ thiện cộng đồng, cùng với tuổi tác của các con trai và con gái của gia đình đó. Gia đình chúng tôi cùng nhau dành nhiều thời gian và nỗ lực để tìm ra những món quà phù hợp với họ. Các con trai của chúng tôi dường như rất thích thú với sinh hoạt này như khi chúng được nhận quà vào ngày Giáng Sinh! Truyền thống phục vụ này đã giúp khắc sâu tinh thần thực sự của Giáng Sinh vào tâm hồn chúng tôi.

Trong nghề nghiệp của mình, tôi đã tham gia vào việc khai thác, sản xuất và tiếp thị thiết bị thể dục trên khắp thế giới. Những thiết bị như máy chạy bộ, xe đạp cố định và máy elliptical, được thiết kế với mục đích chính yếu là nhằm gia tăng sức mạnh cho tim. Thật vậy, tại công ty của mình, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để bảo đảm rằng những người sử dụng thiết bị của chúng tôi có thể đo lường chính xác tình trạng và mức độ hoạt động của tim họ, thường qua màn hình kiểm tra theo dõi nhịp tim. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta đeo công nghệ trên cổ tay của mình để theo dõi tim và khuyến khích các hoạt động để củng cố quả tim của mình.

Nếu có một cách để đo lường tình trạng quả tim của anh chị em từ một quan điểm thuộc linh—một màn hình thuộc linh kiểm tra theo dõi tâm hồn của anh chị em, thì anh chị em có muốn thử không? Màn hình kiểm tra theo dõi tâm hồn của anh chị em sẽ nói gì? Tâm hồn của anh chị em khỏe mạnh như thế nào về phần thuộc linh? Mùa lễ Giáng Sinh dường như là một thời điểm lý tưởng để chúng ta đánh giá một cách tận tường tình trạng tâm hồn của mình.

Ví dụ, anh chị em có thể tự hỏi: “Tâm hồn tôi có sẵn sàng để tiếp nhận Đấng Cứu Rỗi không?” Vào thời gian Giáng Sinh, chúng ta thường hát: “Hãy để mọi tâm hồn chuẩn bị chỗ cho Ngài.”2 Làm sao anh chị em có thể chuẩn bị chỗ trong tâm hồn mình cho Đấng Ky Tô, nhất là trong mùa lễ đầy bận rộn nhưng tuyệt vời này?

Thánh thư đầy dẫy những điều mô tả mà có thể giúp chúng ta đánh giá tình trạng của tâm hồn chúng ta. Một số câu gồm có các từ như “thanh khiết,”3 “nhu mì,”4 “khiêm tốn,”5 “đau khổ,”6 và “thống hối.”7 Những từ này, và nhiều từ khác nữa trong suốt thánh thư, cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc về tấm lòng của Đấng Cứu Rỗi. Để tiếp nhận Ngài vào tâm hồn mình thì chắc chắn là tâm hồn của chúng ta phải thanh khiết và khiêm nhường như của Ngài.

Để diễn giải những lời của Phao Lô, chúng ta có thể cố gắng có những lời và thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô được viết như là một “thơ … viết trong lòng chúng tôi, mọi người đều biết và đều đọc … bức thơ của Đấng Christ, … chẳng phải viết bằng mực, nhưng bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống, chẳng phải viết trên bảng đá, nhưng trên bảng thịt, tức là trên lòng anh em.”8 Điều này đòi hỏi nhiều hơn là những lời chúc mừng Giáng Sinh dễ thương thốt ra từ miệng chúng ta. Chúa đã cảnh cáo những người “[đến] gần ta bằng môi lưỡi, nhưng lòng dạ chúng xa cách ta.”9 Trong suốt mùa lễ Giáng Sinh này và trong suốt cả năm, những việc làm thiện lành của chúng ta là dấu hiệu tốt nhất cho thấy tình yêu mến của chúng ta dành cho Đấng Cứu Rỗi, và được khắc ghi trong lòng chúng ta.

Khi xem xét tình trạng của tâm hồn mình, tôi tìm thấy nguồn soi dẫn và tấm gương cao quý để tuân theo trong lòng và sự hy sinh của những người đã giúp thiết lập Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày đầu của Sự Phục Hồi của Giáo Hội. Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện Giáng Sinh về một người Thánh Hữu Ngày Sau cải đạo từ Immingham, nước Anh: Mary Wood Littleton.

Mary và chồng của chị là Paul không bao giờ nghĩ rằng họ sẽ rời khỏi ngôi nhà của họ ở nước Anh. Nhưng họ đã được nghe sứ điệp về phúc âm phục hồi và nhận được một chứng ngôn về lẽ trung thực của phúc âm. Họ chịu phép báp têm và chỉ hai tháng sau, Mary và Paul, cùng với con cái của họ, đi thuyền đến Mỹ để quy tụ với các Thánh Hữu. Họ đến New York vào ngày 20 tháng Mười Hai năm 1844. Năm ngày sau, họ đi bằng xe ngựa đến Nauvoo, Illinois. Hãy tưởng tượng—hành trình trong thời tiết lạnh lẽo trên những con đường gồ ghề, khó đi, họ đã ăn mừng ngày Giáng Sinh đầu tiên của họ ở Mỹ.

Bất kể tất cả những thay đổi này, Mary vẫn giữ hy vọng trong lòng mình rằng một ngày nào đó gia đình của bà sẽ ăn mừng lễ Giáng Sinh như họ đã làm ở nước Anh, với vòng hoa, Ông Già Nô-en, và ca hát. Rủi thay, lễ Giáng Sinh thứ hai của họ ở nước Mỹ, vào năm 1845, cũng không khá hơn nhiều—họ đã ở trong một cỗ xe ngựa mà Paul đã biến nó thành một ngôi nhà tạm thời trong khi gia đình phải vất vả để định cư ở Nauvoo. Một lần nữa, với lòng tràn đầy hy vọng, Mary nói: “Năm tới, lễ Giáng Sinh sẽ khác.”

Năm sau đó vào năm 1846, lễ Giáng Sinh thứ ba của gia đình ở nước Mỹ, Mary và con cái ở Khu Tạm Trú Mùa Đông, chuẩn bị cho một chuyến đi dài về phía tây vào mùa xuân. Đám đông khủng bố đã xua đuổi họ ra khỏi Nauvoo, và Paul đang đi về phía tây với Tiểu Đoàn Mormon—cách đó vài trăm dặm. Một lần nữa, không có ca hát và không có Ông Già Nô-en. Thay vì thế là sự nhịn ăn và cầu nguyện chân thành thay cho đứa con trai tám tuổi của Mary, sắp chết vì bị suy dinh dưỡng nặng. Đứa bé sống sót, nhưng 25 người khác trong Khu Tạm Trú Mùa Đông đã chết đúng vào ngày Giáng Sinh đó.

Cho mãi đến lễ Giáng Sinh thứ tư của bà ở nước Mỹ, khi mới vừa đến Thung lũng Salt Lake, Mary và gia đình bà đã cùng nhau ăn mừng Giáng Sinh trong sự bình an tương đối. Tuy nhiên đó cũng không phải là sự ăn mừng mà bà đã có ở nước Anh. Tuy nhiên, theo một vài phương diện thì sự ăn mừng này đã khá hơn rồi. Vào ngày Sa Bát của lễ kỷ niệm Giáng Sinh, một ngày sau lễ Giáng Sinh năm 1847, các Thánh Hữu quy tụ lại để cầu nguyện, dâng lời tạ ơn, và hát những bài ca ngợi khen Thượng Đế về sự giải thoát của họ trong Si Ôn. Một trong những bài hát này là một biểu hiện chân thành của bài “Cùng Lại Nhau Đây, Hỡi Các Thánh Hữu”, một bài thánh ca được viết trên con đường tiền phong mà đã trở thành một ca khúc của đức tin cho Các Thánh Hữu tiền phong đầu tiên này. Sau đó, bài “Cùng Lại Nhau Đây, Hỡi Các Thánh Hữu” vẫn là một bài thánh ca ưa thích, ngay cả một bài hát mừng Giáng Sinh, tại buổi lễ kỷ niệm Giáng Sinh của người tiền phong.

Tôi tin rằng những thử thách của Mary trong những năm qua đã làm thay đổi tấm lòng của bà. Bà dường như thấy lễ Giáng Sinh một cách rõ ràng hơn, với các truyền thống Giáng Sinh mới và một bài hát mới trong lòng bà. Bà đã thực sự phát triển một tấm lòng hy sinh, được tập trung vào niềm hy vọng của bà và tình yêu mến Chúa Giê Su Ky Tô.

Mùa Giáng Sinh dường như là một thời điểm thích hợp để xem tâm hồn chúng ta được vững mạnh như thế nào về phần thuộc linh, và vì vậy tôi kết thúc với một đề nghị đơn giản mà có thể giúp chúng ta theo dõi và củng cố tâm hồn mình: Tôi mời mỗi người chúng ta hãy chọn làm một điều mà cho thấy qua vẻ bề ngoài, những cảm nghĩ nội tâm của chúng ta về Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, là món quà mà chúng ta dâng lên cho Ngài trong năm nay.

Giống như Mary Littleton, buổi tối hôm nay, chúng ta quy tụ lại với tư cách là các tín đồ trung thành của Chúa Giê Su Ky Tô để thờ phượng Ngài. Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe thật kỹ càng khi ca đoàn cùng “dàn hợp xướng thiên thần” hát một bài thánh ca tuyệt vời và mời gọi “tất cả các tín hữu trung thành” để “đến và nhìn Ngài, Vị Vua của các thiên sứ đã giáng sinh.” Cho dù chúng ta có thể sống ở đâu trên thế giới, thì mỗi người chúng ta cũng có thể “đi đến Bết Lê Hêm một cách vui mừng và đắc thắng”—cho dù chỉ trong lòng mình—để chiêm ngưỡng và vinh danh Ngài.10

Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Cầu xin cho chúng ta có được Thánh Linh của Đấng Ky Tô được viết vào tâm hồn chúng ta trong suốt mùa lễ này và vào năm mới, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.