Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Giáng Sinh
Bốn Ân Tứ Mà Chúa Giê Su Ky Tô Ban cho Anh Chị Em


Bốn Ân Tứ Mà Chúa Giê Su Ky Tô Ban cho Anh Chị Em

Anh chị em thân mến, đây thật là một mùa lễ tuyệt vời của năm! Chúng ta yêu thích các giai điệu trong bài hát “Oh, Come, All Ye Faithful”1 và háo hức đến để tôn thờ Ngài: Chúa Giê Su Ky Tô—hài đồng phi thường đó ở Bết Lê Hem—“Đấng Giê Hô Va Vĩ Đại của thời Cựu Ước [và] Đấng Mê Si của thời Tân Ước.”2

Tối nay, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm về các phước lành sẽ đến khi chúng ta chú tâm vào cuộc sống, giáo vụ, giáo lý, và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi mời gọi anh chị em, giống như Vua Bên Gia Min đã mời các Thánh Hữu trong thời kỳ của ông, để “suy ngẫm về trạng thái đầy phước lành và hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế.” Phước lành này là dành cho chúng ta ở đây và bây giờ, nhưng thêm vào đó là lời hứa về “hạnh phúc không bao giờ chấm dứt.”3 Nói một cách giản dị, những tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô có đặc ân được kinh nghiệm niềm vui không tả xiết mãi mãi.

Hôm nọ, tôi đã nhớ về điều này khi tôi gặp một thiên thần tên là Lydia. Thiên thần này không mặc đồ trắng, và đã giúp cho chúng tôi dễ dàng thăm hỏi bằng cách đến văn phòng của tôi. Lydia 12 tuổi. Tôi được cho biết rằng em ấy đang mắc phải một dạng ung thư não hiếm hoi, hiểm nghèo.4 Em ấy có một khuôn mặt thiên thần và một sự điềm tĩnh thường không thấy nơi những em cùng tuổi với em. Trong khi chúng tôi nói về cuộc sống và tương lai của em ấy, thì em ấy rất bình tĩnh và thanh thản. Khi tôi hỏi em ấy có thắc mắc nào không, thì em ấy nhanh chóng đáp: “Thiên thượng sẽ như thế nào ạ?” Câu hỏi này dẫn đến một cuộc thảo luận thân mật về mục đích của cuộc sống và các phước lành mà Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Dấu của Ngài đã ban cho những người tôn vinh và noi theo Hai Ngài.

Hình Ảnh
Lydia và Chủ Tịch Nelson

Tôi cảm động vô cùng trước đức tin của Lydia và gia đình của em! Mặc dù phải đối phó với một thử thách to lớn liên quan đến cuộc sống trên thế gian này, nhưng Lydia tràn đầy đức tin. Em ấy có một quan điểm vĩnh cửu. Em ấy biết rằng Chúa yêu thương em và sẽ chăm sóc cho em. Gia đình tận tụy của em cũng tràn đầy sự bình an và bình tĩnh đó mà chỉ có đức tin nơi Chúa mới có thể mang lại cho họ.

Ước muốn của Lydia là được gặp Chủ Tịch Giáo Hội của Chúa, nhưng những mong muốn của em ấy còn nhiều hơn so với bất cứ kinh nghiệm độc đáo nào trên trần thế này. Ước muốn sâu thẳm nhất của em ấy là được sống với gia đình của em vĩnh viễn trên thượng thiên giới. Điều đó gồm có ước muốn của em được mãi mãi ở cùng với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su nữa.

Quả vậy, ước muốn của chúng ta ảnh hưởng đến mỗi người chúng ta theo những cách sâu sắc, không chỉ ở nơi đây và bây giờ mà còn ở cuộc sống mai sau nữa. Hãy xem xét ý nghĩa của lời này từ An Ma: “[Chúa] ban cho loài người tùy theo ước muốn của họ.”5

Ước muốn là quan trọng trong mùa lễ tặng quà này, khi chúng ta đặc biệt quan tâm đến những ước muốn của những người mà chúng ta yêu thương. Trong mùa lễ này, tôi mời anh chị em nên xem xét lại những ước muốn của mình. Những ước muốn sâu thẳm nhất của anh chị em là gì? Anh chị em có thực sự muốn kinh nghiệm và hoàn thành điều gì trong cuộc sống này? Anh chị em có thực sự muốn trở nên càng ngày càng giống Chúa Giê Su Ky Tô không? Anh chị em có thực sự muốn sống với Cha Thiên Thượng và với gia đình của mình mãi mãi và sống như cách Ngài đã sống không?

Nếu thế thì anh chị em có muốn nhận nhiều ân tứ từ Chúa để giúp anh chị em và tôi trong thời gian thử thách trên trần thế của chúng ta không. Chúng ta hãy tập trung vào bốn ân tứ mà Chúa Giê Su Ky Tô ban cho tất cả những người sẵn lòng tiếp nhận.6

Thứ nhất, Ngài ban cho anh chị em và tôi một khả năng vô hạn để yêu thương. Điều đó gồm có khả năng yêu thương những người không thể thương được và những người không những không yêu thương anh chị em mà còn ngược đãi và lợi dụng anh chị em nữa.7

Với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể học cách yêu thương như Ngài đã yêu thương. Điều này có thể đòi hỏi một sự thay đổi trong lòng—chắc chắn là sự mềm lòng—như chúng ta đã được Đấng Cứu Rỗi dạy cách thực sự chăm sóc lẫn nhau. Anh chị em thân mến, chúng ta có thể thật sự phục sự theo cách của Chúa khi chấp nhận món quà tình yêu của Ngài.

Cầu xin sự giúp đỡ của Chúa để yêu thương những người mà Ngài cần anh chị em phải yêu thương, kể cả những người mà không phải lúc nào cũng dễ tiếp nhận tình cảm. Thậm chí anh chị em còn có thể muốn cầu xin Thượng Đế cho các thiên sứ của Ngài đi cùng anh chị em đến nơi mà anh chị em hiện không muốn tới nữa.8

Ân tứ thứ hai mà Đấng Cứu Rỗi ban cho anh chị em là khả năng tha thứ. Nhờ vào Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, anh chị em có thể tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình và những người có thể không bao giờ chấp nhận trách nhiệm cho sự tàn ác của họ đối với anh chị em.

Thường là rất dễ dàng để tha thứ cho một người chân thành và khiêm nhường tìm kiếm sự tha thứ nơi anh chị em. Nhưng Đấng Cứu Rỗi sẽ ban cho anh chị em khả năng để tha thứ cho bất cứ người nào đã ngược đãi anh chị em trong mọi phương diện. Rồi sau đó, hành vi gây tổn thương của họ không còn có thể là gánh nặng trong tâm hồn của anh chị em nữa.

Ân tứ thứ ba từ Đấng Cứu Rỗi là ân tứ hối cải. Ân tứ này không phải lúc nào cũng được hiểu rõ cả. Như anh chị em biết, lúc đầu Kinh Tân Ước được viết bằng tiếng Hy Lạp. Trong những đoạn thánh thư mà Đấng Cứu Rỗi kêu gọi mọi người hối cải, thì từ đó được dịch là “hối cải,” tiếng Hy lạp là metanoeo.9 Đây là một động từ tiếng Hy Lạp rất mạnh. Tiền tố meta có nghĩa là “thay đổi.” Chúng ta cũng sử dụng tiền tố đó trong tiếng Anh. Ví dụ, từ metamorphosis có nghĩa là “thay đổi về hình thức hoặc hình dạng.” Hậu tố noeo liên quan đến một từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tâm trí.”10 Nó cũng liên quan đến các từ tiếng Hy Lạp khác mà có nghĩa là “sự hiểu biết,”11 “tinh thần,”12 và “hơi thở.”13

Chúng ta có thể bắt đầu thấy bề rộng và chiều sâu của điều mà Chúa đang ban cho chúng ta khi Ngài ban cho chúng ta ân tứ để hối cải không? Ngài mời gọi chúng ta nên thay đổi tâm trí, sự hiểu biết, tinh thần, thậm chí cả hơi thở của chúng ta nữa. Ví dụ, khi hối cải, chúng ta thở với lòng biết ơn Thượng Đế, là Đấng ban cho chúng ta hơi thở hằng ngày.14 Và chúng ta mong muốn sử dụng hơi thở đó để phục vụ Ngài và con cái của Ngài. Sự hối cải là một ân tứ tuyệt vời. Đó là một tiến trình mà không phải lo sợ. Đó là một ân tứ để chúng ta tiếp nhận với niềm vui và sử dụng—thậm chí còn chấp nhận—hằng ngày trong khi chúng ta tìm cách trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.

Cha của Vua La Mô Ni đã nhận được sự hiểu biết về điều sẽ xảy ra trong tương lai cho những người tin nơi Đấng Ky Tô và noi theo Ngài. Ông tuyên bố rằng ông sẽ từ bỏ mọi tội lỗi của ông vì đặc ân biết được Chúa.15 Sự hối cải chân thành không phải là một sự kiện. Đó là một đặc ân bất tận. Đó là nền tảng cho sự tiến triển và có được sự yên tâm, an ủi và niềm vui.

Ân tứ thứ tư từ Đấng Cứu Rỗi thực ra là một lời hứa—một lời hứa về cuộc sống trường cửu. Điều này không có nghĩa là sống một thời gian thật là lâu dài. Mọi người sẽ sống vĩnh viễn sau khi chết, bất kể vương quốc hay vinh quang mà họ có thể hội đủ điều kiện nhận được. Mọi người sẽ được phục sinh và trải qua sự bất diệt. Nhưng cuộc sống vĩnh cửu thì còn có ý nghĩa nhiều hơn là một ký hiệu về thời gian. Cuộc sống vĩnh cửu là loại và chất lượng của cuộc sống mà Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Dấu của Ngài sống. Khi Đức Chúa Cha ban cho chúng ta cuộc sống trường cửu, Ngài phán: “Nếu các ngươi chọn theo noi theo Con Trai của ta—nếu ước muốn của các ngươi thực sự muốn trở thành giống như Con Trai ta hơn—thì cuối cùng các ngươi có thể sống như chúng ta sống và chủ tọa các thế giới và vương quốc như chúng ta.”

Bốn ân tứ độc đáo này sẽ mang lại cho chúng ta nhiều niềm vui hơn khi chúng ta chấp nhận chúng. Các ân tứ này đã có thể có được nhờ vào Đức Giê Hô Va đã hạ mình xuống thế gian là hài đồng Giê Su. Ngài được sinh ra bởi một Đức Chúa Cha bất diệt và một người mẹ hữu diệt. Ngài giáng sinh ở Bết Lê Hem trong hoàn cảnh hèn mọn nhất. Sự ra đời của Ngài là sự giáng sinh thiêng liêng đã được các tiên tri thấy trước kể từ thời A Đam. Chúa Giê Su Ky Tô là sự ban cho siêu việt của Thượng Đế—sự ban cho của Đức Chúa Cha cho tất cả con cái Ngài.16 Chúng ta vui mừng kỷ niệm sự giáng sinh đó vào mỗi mùa Giáng Sinh.

Với những ý nghĩ và cảm nghĩ của mình tập trung vào Đấng Cứu Rỗi của thế gian, vậy thì chúng ta cần phải làm gì để nhận được những ân tứ mà Chúa Giê Su Ky Tô đã sẵn lòng ban cho chúng ta? Bí quyết để yêu thương như Ngài yêu thương, tha thứ như Ngài tha thứ, hối cải để trở nên giống như Ngài hơn, và cuối cùng sống với Ngài và Cha Thiên Thượng là gì?

Bí quyết là lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng. Chúng ta hãy chọn sống theo và tiến triển trên con đường giao ước của Chúa và ở trên đó. Đó không phải là một cách phức tạp. Đó con đường dẫn đến niềm vui đích thực trong cuộc sống này và cuộc sống mai sau.

Anh chị em thân mến, những ước muốn sâu thẳm nhất của tôi là tất cả con cái của Cha Thiên Thượng có được cơ hội nghe phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và lưu tâm đến những lời giảng dạy của Ngài và Y Sơ Ra Ên được quy tụ như đã được hứa trong những ngày sau này. Và tôi mong rằng chúng ta sẽ tin và nhận được tình yêu thương mà Đấng Cứu Rỗi dành cho mỗi chúng ta. Tình yêu thương vô hạn và trọn vẹn của Ngài đã tác động Ngài để chuộc tội cho anh chị em và tôi. Ân tứ đó—Sự Chuộc Tội của Ngài—cho phép tất cả những ân tứ khác của Ngài sẽ thuộc về chúng ta.

Trong một ngày sắp tới—trong Thiên Niên Kỷ mà chúng ta đang chuẩn bị—“mọi đầu gối sẽ quỳ xuống, và mỗi lưỡi sẽ thú nhận”17 rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Và sẽ không chỉ là Đại Ca Đoàn Tabernacle at Temple Square tuyệt vời hát bài “Hallelujah.”18 Mỗi người đã chọn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô sẽ hát và reo lên: “Ha Lê Lu Gia: vì Chúa Thượng Đế toàn năng trị vì.”19 “Các vương quốc của thế gian này trở thành các vương quốc của Chúa chúng ta, và của Đấng Ky Tô của Ngài; và Ngài sẽ trị vì mãi mãi và đời đời,”20 “Vua của các vua, và Chúa của các chúa.”21

Tôi làm chứng rằng Thượng Đế hằng sống! Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô—Đấng Mê Si. Đây là Giáo Hội của Ngài, mà Ngài hướng dẫn qua các vị tiên tri của Ngài. Chúng tôi khiêm nhường khẩn cầu các phước lành của Ngài ban cho mỗi của anh chị em, kể cả ước muốn và khả năng chấp nhận tất cả các ân tứ mà Đấng Cứu Rỗi ban cho anh chị em, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.