Phần Giúp Đỡ Học Tập
Y Sơ Ra Ên


Y Sơ Ra Ên

Chúa đặt tên Y Sơ Ra Ên cho Gia Cốp, con trai của Y Sác và là cháu nội của Áp Ra Ham trong Cựu Ước (STKý 32:28; 35:10). Tên Y Sơ Ra Ên có thể ám chỉ đến chính Gia Cốp, các con cháu của ông hay vương quốc mà các con cháu đó có lần đã chiếm ngự trong thời đại Cựu Ước (2 SMÊn 1:24; 23:3). Sau khi Môi Se dẫn dắt các con cái của Y Sơ Ra Ên thoát khỏi vòng nô lệ người Ai Cập (XÊDTKý 3–14), họ được các phán quan cai trị hơn ba trăm năm. Bắt đầu với Vua Sau Lơ, các vua trị vì Y Sơ Ra Ên hợp nhất cho đến khi Sa Lô Môn qua đời, là lúc mười chi tộc nổi lên chống lại Rô Bô Am để thành lập một nước riêng. Sau khi vương quốc Y Sơ Ra Ên bị chia cắt, các chi tộc miền bắc, là phần lớn hơn, giữ tên Y Sơ Ra Ên, trong khi đó vương quốc miền nam được gọi là Giu Đa. Xứ Ca Na An cũng được gọi là Y Sơ Ra Ên ngày nay. Trong một nghĩa khác, Y Sơ Ra Ên có nghĩa là một tín đồ chân chính tin Đấng Ky Tô (RôMa 10:1; 11:7; GLTi 6:16; ÊPSô 2:12).

Mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên

Cháu nội của Áp Ra Ham là Gia Cốp, đổi tên thành Y Sơ Ra Ên, có mười hai người con trai. Con cháu của họ đã trở thành mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên hay còn được gọi là con cái của Y Sơ Ra Ên. Mười hai chi tộc này là: Ru Bên, Si Mê Ôn, Lê Vi, Giu Đa, Y Sa Ca, Sa Bu Lôn (các con trai của Gia Cốp và Lê A); Đan và Nép Ta Li (các con trai của Gia Cốp và Xinh Ba); Gát và A Se (các con trai của Gia Cốp và Sinh Ba); Giô Sép và Bên Gia Min (các con trai của Gia Cốp và Ra Chên) (STKý 29:32–30:24; 35:16–18).

Gia Cốp ban phước cho mỗi người lãnh đạo chi tộc trước khi ông qua đời (STKý 49:1–28). Muốn biết thêm chi tiết, xin xem tên của mỗi người con trai của Gia Cốp.

Ru Bên, con trai đầu lòng của người vợ thứ nhất của Gia Cốp là Lê A, mất phước lành quyền trưởng nam và phần thừa hưởng gấp đôi của mình vì sự vô đạo đức (STKý 49:3–4). Quyền trưởng nam bèn được trao cho Giô Sép, người là con trai đầu lòng của người vợ thứ hai của Gia Cốp là Ra Chên (1 SửKý 5:1–2). Lê Vi, chi tộc của ông đã được Chúa chọn để phục vụ với tư cách là những người phục sự chức tư tế, không nhận được phần thừa hưởng vì sự kêu gọi đặc biệt của họ để phục sự trong tất cả các chi tộc. Điều này cho phép phần thừa hưởng gấp đôi của Giô Sép được các con trai của Giô Sép chia sẻ, đó là Ép Ra Im và Ma Na Se (1 SửKý 5:1; GRMi 31:9), là những người được kể là các chi tộc riêng biệt của Y Sơ Ra Ên (BDJS, STKý 48:5–6 [Phụ Lục]).

Những người trong chi tộc Giu Đa sẽ là những người cai trị cho đến khi Đấng Mê Si đến (STKý 49:10; BDJS, STKý 50:24 [Phụ Lục]). Trong những ngày sau cùng, chi tộc Ép Ra Im có được đặc ân đem sứ điệp về Sự Phục Hồi của phúc âm đến với thế gian và quy tụ Y Sơ Ra Ên tản lạc (PTLLKý 33:13–17). Sẽ tới lúc Ép Ra Im nắm giữ vai trò lãnh đạo trong việc kết hợp tất cả các chi tộc Y Sơ Ra Ên qua phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô (ÊSai 11:12–13; GLGƯ 133:26–34).

Sự phân tán của Y Sơ Ra Ên

Chúa phân tán và làm đau khổ mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên vì sự bất chính và bội nghịch của họ. Tuy nhiên, Chúa cũng dùng sự phân tán này của dân được chọn của Ngài trong các nước của thế gian để ban phước cho các nước đó.

Sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên

Gia Tộc Y Sơ Ra Ên sẽ được quy tụ lại trong những ngày sau rốt trước khi Đấng Ky Tô đến (NTĐ 1:10). Chúa quy tụ dân Y Sơ Ra Ên của Ngài khi họ chấp nhận Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

Mười chi tộc Y Sơ Ra Ên thất lạc

Mười chi tộc Y Sơ Ra Ên lập thành bắc vương quốc Y Sơ Ra Ên và bị bắt tù đày sang A Si Ri năm 721 trước T.C. Vào lúc đó họ đi đến “các nước miền bắc” và trở nên thất lạc, không ai biết họ ra sao. Trong những ngày sau cùng họ sẽ trở về.