Thánh Thư
Giáo Lý và Giao Ước 20


Tiết 20

Điều mặc khải về cách tổ chức và quản trị Giáo Hội, ban qua Tiên Tri Joseph Smith, tại hay gần Fayette, New York. Những phần của điều mặc khải này có thể đã được ban cho sớm nhất là vào mùa hè năm 1829. Điều mặc khải trọn vẹn, được biết đến vào lúc đó là Các Điều Khoản và Giao Ước, có thể đã được ghi lại ngay sau ngày 6 tháng Tư năm 1830 (ngày Giáo Hội được tổ chức). Vị Tiên Tri có viết: “Chúng tôi đã nhận được điều sau đây từ Ngài [Chúa Giê Su Ky Tô] nhờ tinh thần tiên tri và mặc khải, không những điều này cho chúng tôi biết được nhiều tin tức mà còn cho chúng tôi biết rõ đúng vào ngày nào, theo ý muốn và lệnh truyền của Ngài, chúng tôi phải bắt đầu công việc tổ chức Giáo Hội của Ngài một lần nữa trên thế gian.”

1–16, Sách Mặc Môn chứng thật tính chất thần thánh của công việc ngày sau; 17–28, Các giáo lý về sự sáng tạo, sự sa ngã, sự chuộc tội và phép báp têm được khẳng định; 29–37, Các luật pháp chi phối sự hối cải, sự biện minh, sự thánh hóa và phép báp têm được nêu ra; 38–67, Các bổn phận của các anh cả, các thầy tư tế, các thầy giảng và các thầy trợ tế được tóm lược; 68–74, Các bổn phận của tín hữu, phước lành của trẻ con, và cách thức làm phép báp têm được tiết lộ; 75–84, Những lời cầu nguyện Tiệc Thánh và những luật lệ về việc trở thành tín hữu của Giáo Hội được đưa ra.

1 Sự ra đời của Giáo Hội của Đấng Ky Tô vào những ngày sau cùng này là một ngàn tám trăm ba mươi năm kể từ khi Chúa, Đấng Cứu Rỗi là Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta đến với thế gian bằng xác thịt. Giáo Hội được tổ chức và thiết lập một cách đúng đắn và phù hợp với luật pháp của quốc gia chúng ta, do thánh ý cùng các giáo lệnh của Thượng Đế vào tháng thứ tư, và ngày sáu của tháng gọi là tháng Tư—

2 Những giáo lệnh được ban cho Joseph Smith, Jr., là người được Thượng Đế kêu gọi và sắc phong làm vị sứ đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, để làm vị anh cả đầu tiên của giáo hội này;

3 Và cùng ban cho Oliver Cowdery là người cũng được Thượng Đế kêu gọi làm vị sứ đồ của Chúa Giê Su Ky Tô và là vị anh cả thứ hai của Giáo Hội, và do bàn tay của ông sắc phong;

4 Và việc này là nhờ ân điển của Chúa, Đấng Cứu Rỗi là Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta. Nguyện xin vinh quang thuộc về Ngài, bây giờ và mãi mãi về sau. A Men.

5 Sau khi vị anh cả đầu tiên này được thật sự cho thấy rằng ông đã nhận được sự xá miễn các tội lỗi của mình, thì ông lại vướng mắc vào những điều kiêu căng của thế gian;

6 Nhưng sau khi ông biết hối cải và chân thành hạ mình nhờ có đức tin, thì Thượng Đế đã cho một thiên sứ thánh đến giúp đỡ ông. Gương mặt của vị thiên sứ giống như chớp nhoáng, còn y phục thì tinh khiết và trắng hơn tất cả những màu trắng khác;

7 Và ban cho ông những giáo lệnh mà đã soi dẫn ông;

8 Và ban cho ông quyền năng từ trên cao bằng phương tiện đã được chuẩn bị từ trước, để phiên dịch Sách Mặc Môn;

9 Sách này chứa đựng một biên sử của một dân tộc sa ngã, cùng phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô dành cho người Dân Ngoại và người Do Thái;

10 Sách này được ban cho bằng sự soi dẫn và được xác nhận cho những người khác bởi sự phù trợ của các thiên sứ, và được họ rao truyền cho thế gian biết—

11 Để chứng tỏ cho thế gian biết rằng những thánh thư này là thật, và Thượng Đế quả thật soi dẫn loài người và kêu gọi họ làm công việc thánh thiện của Ngài trong thời đại và thế hệ này, giống như trong các thế hệ thời xưa;

12 Bằng cách này để chứng tỏ rằng Thượng Đế hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi. A Men.

13 Vậy thì nhờ có những nhân chứng vĩ đại như vậy, thế gian sẽ được họ phán xét, kể cả những ai sẽ hiểu biết về công việc này từ nay trở đi.

14 Và những ai tiếp nhận công việc này với một đức tin và làm điều ngay chính thì sẽ nhận được mão triều thiên của cuộc sống vĩnh cửu;

15 Còn những kẻ nào chai đá trong lòng không chịu tin và chối bỏ công việc này thì công việc này sẽ đưa đến việc kết tội họ—

16 Vì Đức Chúa Trời đã phán vậy; và chúng tôi, những anh cả của giáo hội, đã được nghe và làm chứng cho những lời của Đấng Oai Nghiêm đầy vinh quang ngự trên cao. Nguyện Ngài được vinh quang mãi mãi và đời đời. A Men.

17 Nhờ những điều này mà chúng tôi biết được rằng có một Thượng Đế trên trời, là Đấng vô hạn và vĩnh cửu, từ vĩnh viễn này đến vĩnh viễn khác, Ngài là Thượng Đế không hề thay đổi, là Đấng tạo dựng trời đất cùng vạn vật trong đó;

18 Và rằng Ngài sáng tạo loài người, nam và nữ, theo hình ảnh của chính Ngài, và Ngài tạo ra họ giống như Ngài;

19 Và ban cho họ các lệnh truyền rằng họ phải yêu thươngphục vụ Ngài, là Đấng Thượng Đế hằng sống và chân thật duy nhất, và rằng Ngài là Đấng duy nhất mà họ phải thờ phượng.

20 Nhưng qua sự phạm giới những luật pháp thánh này, loài người trở nên nhục dụcquỷ quái, và trở nên sa ngã.

21 Vậy nên, Thượng Đế Toàn Năng đã ban Con Độc Sinh của Ngài, như được ghi chép trong các thánh thư mà đã được ban ra về Ngài.

22 Ngài chịu những sự cám dỗ, nhưng Ngài không nhượng bộ những cám dỗ đó.

23 Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, chết, và đến ngày thứ ba thì sống lại;

24 thăng lên trời, để ngồi bên tay phải của Đức Chúa Cha, để trị vì với quyền năng vô hạn theo ý muốn của Đức Chúa Cha;

25 Để cho tất cả những ai tin và chịu phép báp têm trong thánh danh của Ngài và kiên trì trong đức tin cho đến cùng thì sẽ được cứu—

26 Không phải chỉ có những người tin sau khi Ngài đến bằng xác thịt vào thời trung thế, mà tất cả những người từ lúc khởi đầu, cả bao nhiêu người từng sống trước khi Ngài đến, những người tin vào những lời của các thánh tiên tri, là những vị đã nói khi họ được soi dẫn bởi ân tứ Đức Thánh Linh, là những vị thực sự làm chứng về Ngài trong mọi điều, sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu,

27 Cũng như những người đến sau, những người tin vào những ân tứ và những sự kêu gọi của Thượng Đế qua Đức Thánh Linh, là Đấng làm chứng về Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con;

28 Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh là một Thượng Đế, vô hạn, và vĩnh cửu, và bất tận. A Men.

29 Và chúng tôi biết rằng tất cả mọi người đều cần phải hối cải, và tin nơi danh Chúa Giê Su Ky Tô, và thờ phượng Đức Chúa Cha trong danh Ngài, và kiên trì trong đức tin nơi danh Ngài cho đến cùng, bằng không thì họ không được cứu rỗi trong vương quốc của Thượng Đế.

30 Và chúng tôi biết rằng sự biện minh nhờ ân điển của Chúa, Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta, là công bình và chân thật;

31 Và chúng tôi cũng biết rằng việc thánh hóa nhờ ân điển của Chúa, Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta, là công bình và chân thật, đối với những ai biết yêu thương và phục vụ Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí, và sức mạnh của mình.

32 Nhưng điều có thể xảy ra là loài người có thể mất ân điển và xa rời Thượng Đế hằng sống;

33 Vậy nên giáo hội phải chú tâm và cầu nguyện luôn, kẻo họ bị sa vào sự cám dỗ;

34 Phải, và ngay cả những người đã được thánh hóa cũng phải chú tâm nữa.

35 Và chúng tôi biết rằng những điều này là chân thật và đúng theo những điều mặc khải của Giăng, và chúng tôi không thêm bớt điều gì trong lời tiên tri của sách ông, trong các thánh thư, hoặc trong các điều mặc khải từ Thượng Đế sẽ ban ra sau này, nhờ ân tứ và quyền năng của Đức Thánh Linh, tiếng nói của Thượng Đế, hoặc sự phù trợ của các thiên sứ.

36 Và Đức Chúa Trời đã phán như vậy; và nguyện vinh hiển, quyền năng, và vinh quang được quy tụ về thánh danh của Ngài, bây giờ và mãi mãi. A Men.

37 Và một lần nữa, bằng giáo lệnh ban cho giáo hội về thể thức làm phép báp têm—Tất cả những ai biết hạ mình trước mặt Thượng Đế, và ước muốn chịu phép báp têm, và đến với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, và chứng tỏ trước Giáo Hội rằng họ đã thực sự hối cải tất cả tội lỗi của mình và sẵn lòng mang danh Chúa Giê Su Ky Tô, quyết tâm phục vụ Ngài cho đến cùng, và thật biểu lộ qua những việc làm của họ rằng họ đã nhận được Thánh Linh của Đấng Ky Tô để được xá miễn tội lỗi của mình, thì họ sẽ được thu nhận vào giáo hội của Ngài bằng phép báp têm.

38 Bổn phận của các anh cả, các thầy tư tế, các thầy giảng, các thầy trợ tế, và các tín hữu của giáo hội của Đấng Ky TôVị sứ đồ là một anh cả, và có nhiệm vụ làm phép báp têm;

39 sắc phong cho những anh cả khác, các thầy tư tế, các thầy giảng, và các thầy trợ tế;

40 ban phước lành bánh và rượu—tượng trưng thịt và máu của Đấng Ky Tô—

41 xác nhận những người đã được làm phép báp têm vào Giáo Hội, bằng phép đặt tay để làm phép báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh, theo như thánh thư;

42 Và giảng dạy, giải nghĩa, khuyên nhủ, làm phép báp têm và trông coi giáo hội;

43 Và xác nhận dân giáo hội bằng phép đặt tay và ban Đức Thánh Linh;

44 Và điều khiển tất cả các buổi họp.

45 Các anh cả phải điều khiển các buổi họp như họ được Đức Thánh Linh hướng dẫn, theo các giáo lệnh và các điều mặc khải của Thượng Đế.

46 Bổn phận thầy tư tế là thuyết giáo, giảng dạy, giải nghĩa, khuyên nhủ, làm phép báp têm và ban phước lành Tiệc Thánh;

47 Và đi thăm viếng tư gia của mỗi tín hữu, và khuyên nhủ họ nên cầu nguyện bằng lời và cầu nguyện thầm, và làm tất cả các bổn phận trong gia đình.

48 Và thầy tư tế cũng có thể sắc phong cho các thầy tư tế khác, các thầy giảng, và các thầy trợ tế.

49 Và khi nào không có anh cả hiện diện thì thầy tư tế phải điều khiển các buổi họp;

50 Còn khi nào có anh cả hiện diện thì thầy tư tế chỉ phải thuyết giáo, giảng dạy, giải nghĩa, khuyên nhủ, và làm phép báp têm mà thôi,

51 Và đi thăm viếng tư gia của mỗi tín hữu, khuyên nhủ họ nên cầu nguyện bằng lời và cầu nguyện thầm, và làm tất cả các bổn phận trong gia đình;

52 Về tất cả các bổn phận này, thầy tư tế phải phụ giúp anh cả nếu cần thiết.

53 Bổn phận của thầy giảng là phải luôn luôn trông coi giáo hội cũng như sát cánh và củng cố họ;

54 Và xem xét rằng không có sự bất chính trong giáo hội, cũng không có sự gay gắt với nhau, hay sự dối trá, nói hành, nói xấu với nhau;

55 Và xem xét rằng giáo hội thường xuyên nhóm họp và cũng xem xét rằng tất cả các tín hữu đều thi hành các bổn phận của mình.

56 Và khi nào anh cả hoặc thầy tư tế vắng mặt, thì thầy giảng phải điều khiển các buổi họp—

57 Và phải được các thầy trợ tế luôn luôn phụ giúp trong mọi bổn phận của mình trong giáo hội, nếu cần thiết.

58 Nhưng cả thầy giảng lẫn thầy trợ tế đều không có thẩm quyền để làm phép báp têm, ban phước lành Tiệc Thánh, hay làm phép đặt tay;

59 Tuy nhiên, họ phải cảnh cáo, giải nghĩa, khuyên nhủ, giảng dạy, và mời mọi người đến cùng Đấng Ky Tô.

60 Mọi anh cả, thầy tư tế, thầy giảng, hay thầy trợ tế đều phải được sắc phong theo các ân tứ và sự kêu gọi của Thượng Đế đối với người ấy; và người ấy được sắc phong bởi quyền năng của Đức Thánh Linh là Đấng hằng có nơi người mà sắc phong cho người ấy.

61 Các anh cả trong Giáo Hội này của Đấng Ky Tô phải họp nhau ba tháng một lần tại đại hội, hoặc thỉnh thoảng khi những cuộc đại hội như vậy ra chỉ thị hoặc chỉ định;

62 Và những cuộc đại hội như vậy phải giải quyết những giáo vụ mà cần phải được thực hiện vào lúc đó.

63 Các anh cả phải nhận được giấy phép từ những anh cả khác, bằng sự biểu quyết của giáo hội địa phương họ thuộc vào, hoặc từ các buổi đại hội.

64 Mỗi thầy tư tế, thầy giảng, hoặc thầy trợ tế, khi được một thầy tư tế sắc phong, có thể nhận được giấy chứng nhận từ người này vào lúc đó. Giấy chứng nhận này, khi được trình cho một anh cả, sẽ cho phép người ấy nhận một giấy phép, và giấy phép này sẽ cho phép người ấy làm những bổn phận của chức vụ kêu gọi của mình, hoặc người ấy sẽ nhận được giấy này từ một đại hội.

65 Không một ai được sắc phong vào một chức vụ nào trong giáo hội này, tại một chi nhánh được tổ chức theo quy luật, mà không có sự biểu quyết của giáo hội địa phương đó;

66 Nhưng các anh cả chủ tọa, các giám trợ du hành, các ủy viên hội đồng thượng phẩm, các thầy tư tế thượng phẩm, và các anh cả, đều có thể có đặc ân sắc phong, tại những nơi mà không có chi nhánh của giáo hội để sự biểu quyết có thể được thực hiện.

67 Mọi chủ tịch của chức tư tế thượng phẩm (hay anh cả chủ tọa), giám trợ, ủy viên hội đồng thượng phẩm và thầy tư tế thượng phẩm, đều phải được sắc phong theo sự chỉ dẫn của một hội đồng thượng phẩm hoặc một đại hội trung ương.

68 Bổn phận của các tín hữu sau khi họ đã được chấp nhận qua phép báp têm—Các anh cả hoặc các thầy tư tế phải có đầy đủ thì giờ để giải nghĩa tất cả những điều về giáo hội của Đấng Ky Tô cho họ hiểu rõ trước khi họ dự phần Tiệc Thánh và được các anh cả xác nhận bằng phép đặt tay, hầu cho mọi việc được thực hiện một cách trật tự.

69 Và các tín hữu phải chứng tỏ với giáo hội và cũng với các anh cả, qua cách xử sự và ngôn từ tin kính, rằng họ xứng đáng với việc đó, để những việc làm và đức tin của họ phù hợp với các thánh thư—bước đi trong sự thánh thiện trước mắt Chúa.

70 Mọi tín hữu trong giáo hội của Đấng Ky Tô có con cái đều phải đem chúng đến các anh cả trước giáo hội, là những người phải làm phép đặt tay lên chúng trong danh Chúa Giê Su Ky Tô, và ban phước lành cho chúng trong danh Ngài.

71 Không một ai có thể được tiếp nhận vào giáo hội của Đấng Ky Tô trừ phi người ấy đã đến tuổi hiểu biết trách nhiệm trước Thượng Đế và có khả năng hối cải.

72 Phép báp têm cho những người biết hối cải phải được thực hiện theo thể thức sau đây—

73 Người được Thượng Đế kêu gọi và có thẩm quyền từ Chúa Giê Su Ky Tô để làm phép báp têm sẽ bước xuống nước với người đến chịu phép báp têm, và sẽ gọi tên người đó mà nói rằng: Với tư cách là người đã được Chúa Giê Su Ky Tô phong quyền, tôi làm phép báp têm cho anh (chị, em) trong danh của Đức Chúa Cha, và của Đức Chúa Con, và của Đức Thánh Linh. A Men.

74 Kế đó, vị ấy dìm người đó xuống nước và đỡ người đó ra khỏi nước.

75 Điều cần làm là giáo hội phải thường xuyên nhóm họp để chia sẻ bánh và rượu hầu tưởng nhớ tới Chúa Giê Su;

76 Và anh cả hoặc thầy tư tế sẽ ban phước lành Tiệc Thánh; và cách thức người ấy ban phước lành như sau—Người ấy quỳ xuống cùng với các tín hữu của giáo hội, rồi cầu khẩn lên Đức Chúa Cha bằng những lời cầu nguyện nghiêm trang, nói rằng:

77 Hỡi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong tôn danh Con của Cha là Chúa Giê Su Ky Tô, chúng con cầu xin Cha ban phước và thánh hóa bánh này cho linh hồn của tất cả những ai cùng chia sẻ bánh này, để họ được phép ăn trong sự tưởng nhớ đến thể xác Con của Cha, và được làm chứng cùng Cha, hỡi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, rằng họ tình nguyện mang danh Con của Cha, và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, cùng tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho họ, để họ có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng họ. A Men.

78 Thể thức ban phước lành rượu—Người ấy cũng phải cầm ly lên mà nói rằng:

79 Hỡi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong tôn danh Con của Cha, là Chúa Giê Su Ky Tô, chúng con cầu xin Cha ban phước và thánh hóa rượu này cho linh hồn của tất cả những ai cùng uống rượu này, để họ được phép uống trong sự tưởng nhớ đến máu Con của Cha đã đổ ra vì họ; và để họ được làm chứng cùng Cha, hỡi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, rằng họ luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, để họ có thể được Thánh Linh của Ngài ở cùng họ. A Men.

80 Bất cứ tín hữu nào của giáo hội Đấng Ky Tô mà phạm giới, hay bị bắt gặp làm điều lỗi lầm, thì phải được đối xử theo như trong thánh thư chỉ dẫn.

81 Bổn phận của các giáo hội tạo thành giáo hội của Đấng Ky Tô là phái một hay vài thầy giảng của họ đến dự các buổi đại hội khác nhau do các anh cả tổ chức,

82 Đem theo danh sách các tín hữu mới gia nhập giáo hội kể từ kỳ đại hội lần trước, hoặc gửi danh sách đó tới qua một thầy tư tế, ngõ hầu một danh sách chính xác của tất cả các tín hữu của toàn thể giáo hội có thể được ghi giữ trong một quyển sổ do một trong những anh cả lưu giữ, là một anh cả nào đó mà các anh cả khác thỉnh thoảng sẽ chỉ định;

83 Và ngoài ra, nếu có tín đồ nào bị trục xuất khỏi giáo hội thì tên của họ có thể được xóa bỏ khỏi hồ sơ tín hữu trung ương của giáo hội.

84 Tất cả những tín hữu nào rời khỏi chi nhánh giáo hội nơi mình cư ngụ, nếu họ đi đến một chi nhánh giáo hội mà họ chưa được biết, có thể đem theo một bức thư chứng nhận rằng họ là tín hữu hợp lệ và ngoan đạo. Thư chứng nhận này có thể do một anh cả hoặc thầy tư tế ký nếu tín hữu tiếp nhận thư này quen biết với anh cả hay thầy tư tế đó, hoặc, nó có thể do các thầy giảng hay các thầy trợ tế của giáo hội ký.